Giá cổ phiếu FPT đã giảm 20% tính từ đỉnh, và gần đây nhiều anh em lùm xùm vụ này, cũng nhiều anh em “đứt tay” vì tội bắt đáy. Để cho anh em có cái nhìn tổng thể hơn về bối cảnh của FPT thì ae theo dõi nội dung dưới đây nhé.
Mức chi trả cổ tức cực kỳ hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư
Đây là năm thứ 7 liên tiếp doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%.
FPT duy trì mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận liên tục vượt trội (outperform) so với toàn ngành , với tốc độ tăng trung bình trên 20% mỗi năm trong nhiều năm qua.
Năm 2025, FPT đặt mục tiêu doanh thu 75.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2024; lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, tăng 21%. Nếu hoàn thành, đây tiếp tục là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục mới của doanh nghiệp đầu ngành công nghệ Việt Nam và sẽ là năm thứ 5 liên tiếp họ tăng trưởng trên 20% một năm.
ROE và ROA
Bên cạnh đó, ROE và ROA – hai chỉ số phản ánh khả năng sinh lời – đều duy trì ở mức cao, với ROE ổn định trên 20% hàng năm . Theo nguyên tắc lãi kép, khoản đầu tư có mức tăng trưởng đều đặn 20%/năm thì sau 4 năm khoản đầu tư ban đầu đã X2. Nếu tính theo tương quan lợi nhuận công ty mang về trên VCSH thì cổ đông của FPT trong 5 năm qua đã X2 tài khoản rất nhẹ nhàng. Nếu tính theo đà tăng giá của cổ phiếu thì ít nhất đã X2,5-X3 tài khoản, chưa kể lãi tái đầu tư từ chia cổ tức hàng năm.
Quá khứ là vậy, còn tương lai thì sao?
Để biết được trong 5 năm tới FPT có mang về đều đặn 20% lợi nhuận hàng năm nữa không thì chúng ta cần phân tích sâu vào các mảng kinh doanh chính để dự báo tiềm năng sắp tới.
Có thể thấy, mảng công nghệ thông tin (CNTT) là động lực tăng trưởng chính, chiếm 62% tổng doanh thu và 47% LNTT. Trong đó, doanh thu CNTT chủ yếu đến từ nước ngoài, chiếm khoảng 75%-80% doanh thu.
Đặc biệt, lợi nhuận từ mảng CNTT nước ngoài có biên lợi nhuận cao hơn đáng kể so với thị trường trong nước.
Các yếu tố làm cho chi tiêu CNTT và Chuyển đổi số là một phần không thể thiếu của các doanh nghiệp trên thế giới:
CNTT là động lực tăng trưởng bền vững
- CNTT giúp doanh nghiệp tạo doanh thu, tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả vận hành và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
- Dự báo CAGR ngành CNTT toàn cầu đạt 8,38% (2024-2029) , với Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh nhất .
Chuyển đổi số (DX) là xu hướng tất yếu
- DX trở thành yếu tố cốt lõi trong phát triển sản phẩm & dịch vụ , giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh và duy trì lợi thế cạnh tranh .
- Chi tiêu DX toàn cầu dự kiến đạt 3,9 nghìn tỷ USD vào năm 2027 , với CAGR 16,1% (2023-2027) , phản ánh sự dịch chuyển mạnh mẽ sang nền kinh tế số.
Do đó, nhu cầu đầu tư vào CNTT và DX sẽ luôn tồn tại, và sẽ luôn có nhu cầu cho các sản phẩm, dịch vụ mà FPT cung cấp.
Cơ cấu thị trường
Trong cơ cấu CNTT nước ngoài, Nhật Bản là thị trường đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn nhất trong mảng CNTT nước ngoài, tiếp đó tới Châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ và EU. Đây đều là những thị trường chiến lược, có mức độ ứng dụng CNTT cao trong kinh doanh, sản xuất và nhu cầu chuyển đổi số cũng rất mạnh.
AI đóng vai trò cốt lõi trong việc nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, giúp Cơ quan Nhà nước và Doanh nghiệp tư nhân lưu trữ, quản lý, phân tích dữ liệu, hỗ trợ đưa quyết định chiến lượng & quyết định kinh doanh. Đặc biệt, FPT Smart Cloud và FPT AI Factory ra mắt vào tháng 11/2024 tại Việt Nam và Nhật Bản sẽ hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng AI tạo sinh.
Bên cạnh đó, các nước kể trên cũng có quan hệ ngoại giao tốt với Việt Nam, yếu tố rất quan trọng khi các doanh nghiệp toàn cầu quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh tại nước ngoài (Đối tác chiến lược toàn diện: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Malaysia, Singapore, …).
Thị trường CNTT trong nước cũng đang chứng kiến mức tăng trưởng 2 con số từ năm 2024 (DT 13,9% & LNTT 21,1%) nhờ sự thúc đẩy từ Chính phủ. Cuối năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kinh tế số sẽ đóng góp 20% GDP vào năm 2025 và nâng lên 30% GDP vào năm 2030.
Mảng viễn thông và mảng giáo dục
Dù không chiếm tỷ trọng cao như CNTT, nhưng viễn thông và giáo dục đóng vai trò nền tảng trong hệ sinh thái của FPT:
- Mảng viễn thông : Dự báo tăng trưởng 10% YoY , hưởng lợi từ quy hoạch hạ tầng số của Chính phủ và xu hướng chuyển đổi số quốc gia .
- Mảng giáo dục : Thu hút sinh viên nhờ hợp tác với NVIDIA , gia tăng vị thế trong đào tạo công nghệ cao như AI, chip bán dẫn, robotics, automotive .
Lợi thế cạnh tranh
Với vị thế là doanh nghiệp công nghệ top đầu Việt Nam, FPT sở hữu profile mà khó có DN nào có thể vượt qua như:
- Doanh nghiệp CNTT có quy mô lớn nhất VN .
- Giá cả cạnh tranh , thấp hơn 10 – 15% so với đối thủ.
- Doanh nghiệp toàn cầu hiếm hoi, hiện diện tại 29 quốc gia và sở hữu hơn 60.000 nhân sự , trong đó nhiều chuyên gia công nghệ cao, lập trình viên giỏi.
- Hệ sinh thái toàn diện, đa lĩnh vực và khép kín , từ CNTT, Truyền thông đến Giáo dục => đảm bảo thương hiệu FPT tiếp cận người dân VN từ học sinh cho đến khi trưởng thành.
- Doanh nghiệp tiên phong và có lợi thế trong tiếp cận công nghệ mới như AI, bán dẫn, và chuyển đổi số. Tất cả đều nhờ uy tín đối với cả Khối tư nhân lẫn Khối Cơ quan nhà nước.
Vậy FPT giảm vì cái gì?
Dòng tiền rời khỏi cổ phiếu công nghệ : Các công ty lớn như NVIDIA, Microsoft, Apple đều giảm mạnh khi Trung Quốc tung ra AI giá rẻ DeepSeek . NVIDIA đã giảm 20% từ đỉnh , kéo theo xu hướng điều chỉnh của cổ phiếu công nghệ, bao gồm FPT dù là “tai bay vạ gió”. Chưa kể, giá cổ phiếu FPT cũng đã tăng rất nóng từ đầu năm 2024 tới nay (80% nếu tính giá đỉnh).
Khối ngoại liên tục xả hàng , không còn tình trạng kín room như trước. Dù NĐT cá nhân trong nước vẫn đỡ giá, nhưng không ít NĐT “đứt tay” vì bắt đáy cổ phiếu FPT giai đoạn vừa qua.
Về mặt định giá, P/E trung bình của FPT rơi vào khoảng 25 lần. Khi giá của FPT vượt 140 trở lên, P/E dần tiệm cận 30 lần – mức mà lịch sử cho thấy giá cổ phiếu có xu hướng điều chỉnh. Khi thị trường trả giá quá cao cho 1 cổ phiếu thì sẽ tới lúc Cổ Phiếu cần phải điều chỉnh, vì đâu ai chung tình được mãi. Do đó, nếu NĐT không timing được thời điểm ra vào cổ phiếu hợp lý thì việc NĐT có vị thế lỗ & kẹt hàng với 1 cổ phiếu tốt cũng là điều bình thường.
Kết luận:
Về cơ bản, FPT vẫn là một doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc, triển vọng tăng trưởng dài hạn mạnh mẽ . Tuy nhiên, dòng tiền hiện chưa có tín hiệu tích cực để đẩy giá lên ngay lập tức. Hệ quả là anh em NĐT cá nhân đỡ giá liên tục phải cutloss trong khi nhóm cổ phiếu Bank, Chứng, Cao su thì cứ thế xanh tím. Chi phí cơ hội khi vào tiền không đúng cần phải được cân nhắc kỹ nhé anh/em, kể cả có là FPTđi nữa thì “bài tốt đánh dốt cũng thua” nhé.