“Khơi thông” động lực tăng trưởng mới

Bên cạnh khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống cần khơi thông các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững.

GS. TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết khi chia sẻ cùng Diễn đàn Doanh nghiệp

Các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… cần có cơ chế “mở đường”.

- Kết quả quý I/2024 dù lạc quan nhưng vẫn còn những lo ngại về “sức khoẻ” doanh nghiệp và đầu tư tư nhân đang giảm sút, thưa ông?

Mặc dù con số tăng trưởng quý I là lạc quan đến từ những chuyển biến tích cực của xuất khẩu. Tuy nhiên, nguồn lực của doanh nghiệp đã bị hạn hẹp trong nhiều năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid. Do đó, mức phục hồi còn chưa lớn, sức phát triển còn yếu và cần có các giải pháp hỗ trợ thêm.

Cụ thể, doanh nghiệp cần các chính sách hỗ trợ về thị trường, hỗ trợ về vốn. Hiện doanh nghiệp cũng đã có cơ hội tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý. Nhưng cần thêm hỗ trợ mở rộng, khơi thông hơn nữa về vốn từ trái phiếu doanh nghiệp. Khi làm được như vậy, người dân không chỉ đổ tiền vào ngân hàng, mà còn có thể chuyển sang kênh mua trái phiếu, giúp tăng nguồn lực cho doanh nghiệp tái đầu tư, phục hồi. Nhà nước cũng cần cơ chế an toàn cho các nhà đầu tư cá nhân song song với các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

- Bên cạnh vấn đề vốn trái phiếu, ông có kiến nghị gì thêm để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này?

Hiện nay nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện, gây khó khăn trong tổ chức triển khai. Do đó, để phát huy các động lực tăng trưởng mới, chúng ta cần quyết liệt hơn trong cải cách thể chế.

Cùng với đó, cần phải tạo ra động lực liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp theo tư duy chuỗi giá trị để cùng hợp tác, cùng phát triển, tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách. Ðể tiếp cận hiệu quả thị trường thế giới, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường năng lực, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Đặc biệt, phải tăng cường năng lực cho doanh nghiệp, tăng cường tài chính, tăng cường vốn và khả năng tiếp cận thị trường để doanh nghiệp phục hồi và chuyển đổi theo tăng trưởng xanh, tăng trưởng tuần hoàn.

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng hiệu quả, thực chất, ngoài những động lực tăng trưởng mới, chúng ta cũng cần nhìn lại những động lực tăng trưởng cũ, để từ đó nhận diện những thách thức, rủi ro, từ đó tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu...

Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số là những động lực tăng trưởng mới trong dài hạn. Ảnh: Trung tâm R&D THACO AUTO

- Ông có nhấn mạnh đến việc tăng trưởng xanh, tăng trưởng tuần hoàn như một động lực tăng trưởng mới, thưa ông?

Đúng vậy! Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số là những động lực tăng trưởng mới trong dài hạn. Rõ ràng chúng ta phải chuyển đổi toàn bộ hướng phát triển của nền kinh tế, hướng phát triển của doanh nghiệp đi theo các xu thế, yêu cầu như vậy của thế giới. Nếu chúng ta không đáp ứng được các tiêu chí chuyển đổi xanh, hàng hoá, sản phẩm của chúng ta cũng không thể đặt chân vào các thị trường thế giới. Đồng thời, chúng ta cũng không tận dụng được các nguồn lực mới như tài chính xanh, cơ hội đầu tư xanh.

Theo đó, chúng ta cần thiết lập chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển xanh như giảm thuế, ưu đãi vốn, thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao trình độ công nghệ, tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế… Đồng thời, nghiên cứu xây dựng tiêu chí lựa chọn những dự án đầu tư thực sự hiệu quả trong phát triển kinh tế xanh.

- Nhưng để khơi thông các động lực tăng trưởng mới như ông vừa nói thì không thể không nói tới các chính sách liên quan đến vốn, thưa ông?

Chúng ta đã duy trì được nền tài chính khá ổn định, bởi vậy chúng ta cần chuyển mục tiêu ưu tiên sang tăng trưởng. Nói cách khác, nguồn lực hỗ trợ về mặt chính sách tiền tệ đang ở giai đoạn mở rộng, giúp các doanh nghiệp phục hồi.

Đặc biệt, nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo đảm tính nhất quán, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng doanh nghiệp, từ đó lấy lại và tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ðồng thời, chính các doanh nghiệp cũng phải tự nhìn nhận lại mình, tăng cường năng lực quản trị, tài chính nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường. Ðây sẽ là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì được các động lực tăng trưởng cũ và tìm kiếm mục tiêu tăng trưởng mới, góp phần phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn tới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

THY HẰNG thực hiện

Link gốc

https://diendandoanhnghiep.vn/khoi-thong-dong-luc-tang-truong-moi-262445.html