SDR là gì? Tại sao phân bổ cho Việt Nam thấp hơn Thái Lan, Malaysia?
Thứ 5, 05/08/2021, 10:27
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua một gói hỗ trợ tài chính lớn nhất lịch sử tổ chức này, trị giá lên tới 650 tỷ USD. Theo ước tính của Bloomberg, Việt Nam có thể nhận được khoảng 1,56 tỷ USD, Philippines nhận được 2,795 tỷ USD, Thái Lan nhận được khoảng 4,42 tỷ USD, Malaysia 4,94 tỷ USD, Indonesia 6,37 tỷ USD…
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva khẳng định đây là “quyết định lịch sử” để kích thích nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. Chương trình được ban điều hành IMF phê duyệt vào giữa tháng 7, và sẽ được thực hiện vào ngày 23/8.
Gói hỗ trợ này hướng tới các nước đang đối mặt với tình trạng nợ gia tăng và sụt giảm kinh tế vì đại dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên kể từ khi IMF tung gói cứu trợ 250 tỷ USD, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, tổ chức cho vay lớn nhất thế giới này áp dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDR).
1. Cơ chế phân bổ SDR là gì?
SDR ra đời năm 1969, được coi là một tài sản dự trữ quốc tế, sử dụng trong quan hệ tín dụng giữa IMF với các nước thành viên hoặc giữa các nước với nhau. Phương tiện này có thể quy đổi thành một đồng tiền bất kỳ trong rổ - USD, EUR, JPY, GPB và CNY - để đáp ứng nhu cầu cân bằng thanh toán của các nền kinh tế thành viên.
Việc phân bổ các SDR mới tương tự như cung cấp hạn mức tín dụng cho các quốc gia. Các nước chỉ cần đưa khoản SDR được phân bổ vào nguồn dự trữ của mình mà không cần phải chi tiêu. Điều này có nghĩa là các quốc gia sẽ không phải trả lãi suất cho khoản tiền phân bổ này hoặc họ có thể thanh lý chúng.
Phân bổ này không thể được sử dụng để mua hàng hóa, hay dịch vụ, nhưng có thể được sử dụng để trao đổi giữa các quốc gia. Giả sử, Việt Nam cần thêm một lượng vốn, thì có thể bán khoản SDR cho một quốc gia khác để đổi lấy ngoại tệ. Việc này làm giảm tỷ lệ nắm giữ SDR, nhưng thu về ngoại tệ, để cân bằng cán cân thanh toán, hoặc bổ sung vào dự trữ ngoại hối.
Các quốc gia cũng có thể sử dụng SDR để thanh toán các khoản vay hoặc tăng hạn ngạch trong IMF. Ngược lại, các quốc gia giàu có thể dùng SDR để tài trợ cho các nước nghèo.
2. Nhưng tại sao một quốc gia khác lại muốn mua SDR của Việt Nam?
Lý do thứ nhất: IMF có quyền yêu cầu các quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn mua SDR từ các nước có dự trữ yếu hơn.
Lý do thứ hai: Nếu tỷ lệ nắm giữ SDR của một quốc gia giảm xuống dưới mức phân bổ của quốc gia đó, quốc gia này phải trả lãi cho khoản chênh lệch. Các quốc gia có tỷ lệ nắm giữ SDR cao hơn mức phân bổ sẽ nhận được tiền lãi.
3. Phân bổ SDR dựa trên cơ sở nào?
SDR được phân bổ dựa theo quy mô nền kinh tế của một quốc gia và đóng góp của quốc gia đó vào dự trữ của IMF. Phân bổ này phải ánh một cách tương đối vị thế của một quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu.
Các quốc gia giàu hiện có thể sử dụng Quỹ tín thác về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo của IMF để giúp chuyển nguồn dự trữ đến các nước thu nhập thấp mà không phải trả lãi.
Theo ước tính của Bloomberg, Việt Nam có thể nhận được khoảng 1,56 tỷ USD, Philippines nhận được 2,795 tỷ USD, Thái Lan nhận được khoảng 4,42 tỷ USD, Malaysia 4,94 tỷ USD, Indonesia 6,37 tỷ USD… Ước tính này dựa trên hạn ngạch IMF của các quốc gia, ước tính cho Việt Nam thấp hơn các quốc gia còn lại vì hạn ngạch của Việt Nam (0,24%) thấp hơn so với Philippines (0,43%), Thái Lan (0,67%), Malaysia (0,76%) và Indonesia (0,98%).
4. Ý nghĩa của phân bổ SDR là gì?
Bà Georgieva, Giám đốc điều hành IMF nhấn mạnh, cơ chế phân bổ SDR (quyền rút vốn đặc biệt) mới sẽ mang lại lợi ích cho tất cả thành viên IMF, giải quyết nhu cầu toàn cầu trong dài hạn về dự trữ, xây dựng lòng tin và thúc đẩy sự linh hoạt và ổn định của kinh tế toàn cầu, qua đó sẽ đặc biệt giúp các nước bị ảnh hưởng nhất có thể ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19.
Thái Quỳnh
Nhịp sống kinh tế