Phó thủ tướng yêu cầu Hà Nội ‘giãn cách triệt để’
Việc thực hiện Chỉ thị 16 ở Hà Nội phải thật nghiêm, triệt để giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, đặc biệt trong các khu vực phong tỏa, cách ly.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu chỉ đạo trên tại cuộc họp với Sở chỉ huy phòng chống Covid-19 Hà Nội, sáng 4/8. Ông yêu cầu Hà Nội không để “ngoài chặt, trong lỏng”.
Khi triển khai các biện pháp truy vết, xét nghiệm, cách ly để khoanh vùng, làm sạch các ổ dịch, Phó thủ tướng lưu ý phải thực hiện khẩn trương, “làm đến đâu chắc đến đó”, xử lý dứt điểm, nhằm mục tiêu thiết lập các vùng an toàn (vùng xanh) vững chắc. Hà Nội cần khoanh gọn những ổ dịch lớn, từng bước đưa các vùng nguy cơ cao, rất cao về mức thấp hơn và dần an toàn trở lại.
“Từng khu, từng cụm chúng ta phát động người dân giữ vùng xanh. Đây là một trong những chìa khoá để kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn thành phố”, ông Đam nói.
Về xét nghiệm, Phó thủ tướng lưu ý đây là khâu quan trọng trong chống dịch, Hà Nội cần rà soát năng lực, công tác tổ chức xét nghiệm. Thực tiễn cho thấy, nhiều nơi cải tiến quy trình, không cần có thêm máy, công suất xét nghiệm vẫn tăng lên. Ông yêu cầu trong vòng 48 giờ nữa, thành phố phải liên thông kết quả xét nghiệm; huy động lực lượng y tế tư nhân cùng tham gia.
Theo Phó thủ tướng, Hà Nội phải xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn hàng ngang để tránh lãng phí; phát huy sáng tạo của các lực lượng bên dưới. Nơi có nguy cơ cao, thành phố “quét” bằng xét nghiệm nhanh, ba ngày một lần; hoặc dùng mẫu gộp, lấy mẫu đại diện gia đình để tăng tốc mỗi ngày một lần.
Thành phố triển khai ngay việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh để lực lượng y tế chi viện cho các khu phong tỏa, cách ly, điều trị, tiếp nhận F0.
Về điều trị và phân tầng điều trị, Hà Nội phải chuẩn bị nhanh, thiết lập hệ thống oxy tại các cơ sở tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng để giảm tối đa số ca chuyển nặng. Đồng thời, thành phố lên phương án chuẩn bị bệnh viện đa khoa (có khoa hồi sức cấp cứu), chuyên điều trị ca nhiễm Covid-19.
Về phân phối lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian giãn cách, Phó thủ tướng phân tích, trong thời gian ngắn phải làm rất nghiêm. Tuy nhiên, khi kéo dài thì thành phố cần điều chỉnh, mở rộng khái niệm hàng hóa thiết yếu trên cơ sở tổ chức lực lượng vận chuyển hàng, giao hàng đến từng hộ gia đình mà vẫn an toàn.
“Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn trong tâm thế bình tĩnh và chủ động, vì vậy, những gì cần thiết thì phải làm ngay, chuẩn bị ngay”, Phó thủ tướng nói và nêu mục tiêu Hà Nội phấn đấu không để tình hình dịch bệnh diễn biến như ở TP HCM và một số tỉnh, đồng thời phải chuẩn bị cho tình huống xấu hơn để không bị động, bất ngờ, lúng túng.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong đợt dịch thứ tư (từ tháng 4/2021), thành phố ghi nhận 1.429 ca nhiễm Covid-19; trong đó 864 ca cộng đồng; 565 ca đã được cách ly từ trước.
Tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ “đang ở mức rất cao và khó lường vì đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây”. Các ổ dịch tại phố Bùi Thị Xuân, Trại Găng, Công ty cung ứng thực phậm Thanh Nga… đã được kiểm soát.
Thành phố chủ động rà soát các trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng, đã phát hiện nhiều ca dương tính. Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội nhận định có thể còn ca nhiễm ngoài cộng đồng chưa được phát hiện. Đặc biệt, dịch có nguy cơ lây lan vào bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, chuỗi cung ứng.
Hà Nội đã dùng khu nhà cao tầng thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai, quy mô 1.000 giường để điều trị ca nhiễm Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Thành phố cũng đang chuẩn bị phương án 20.000 giường bệnh.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục quản lý chặt chẽ người dân ra khỏi nhà; tận dụng giãn cách xã hội để tách F0 ra khỏi cộng đồng; dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, cố gắng không để lây lan ra cộng đồng.
Võ Hải - Viết Tuân