Mặc dù tất cả các hoạt động kinh doanh ngoài lãi phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên do nguồn thu chính sụt giảm, cùng với chí phí hoạt động và chi phí dự phòng tăng cao, VIB vẫn báo lãi đi lùi trong quý đầu năm 2024.
Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam ( VIB , HOSE: VIB ) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.500 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam ( VIB , HOSE: VIB )
Trong kỳ, nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần ghi nhận sụt giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 4.036 tỷ đồng. Trong khi đó, các mảng hoạt động kinh doanh ngoài lãi có sự phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, thu nhập hoạt động dịch vụ tăng 22%, mang về cho VIB gần 754 tỷ đồng lãi thuần.
Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 290 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 27,8 tỷ đồng. Tương tự, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận đạt gần 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 10 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thu nhập từ hoạt động kinh doanh khác của VIB tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ, mang về cho ngân hàng 226 tỷ đồng lãi thuần .
Theo đó, tổng thu nhập từ hoạt động của ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng gần 8%, lên mức hơn 5.318 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí hoạt động tăng tới 19,4% (lên mức 1.871 tỷ đồng) do đó lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VIB chỉ còn tăng 2,5% khi so với cùng kỳ.
Ngoài ra, ngân hàng tiếp tục tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng tới hơn 41% so với cùng kỳ năm trước, theo đó đã khiến lợi nhuận trước thuế quay đầu giảm tới 7,1%, xuống chỉ còn 2.502 tỷ đồng.
Lý giải về việc lợi nhuận sụt giảm trong quý đầu năm 2024, tại đại hội đồng cổ đông vừa qua, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cho rằng do quý I đã có một tháng là kỳ nghỉ tết, cùng với đó hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) giảm sút.
"So với kế hoạch 12.000 tỷ thì vẫn khả thi, đây vẫn là kết quả sáng trong hoạt động kinh doanh", ông Đặng Khắc Vỹ chia sẻ.
Tính đến 31/3/2024, tổng tài sản của VIB tăng nhẹ lên 413.888 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng nhẹ 0,5% so với cuối năm trước với 267.709 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 1%.
Về chất lượng nợ vay, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh tới 15% trong quý I, lên mức 9.633 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu từ mức 3,14% hồi đầu năm lên mức 3,6% tổng cho vay khách hàng của VIB . Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) có xu hướng tăng mạnh nhất từ 2.198 tỷ đồng cuối năm trước lên 3.565 tỷ đồng.
Nếu tính trên tổng cấu phần dư nợ cho vay (gồm cả mua nợ, trái phiếu, cho vay các tổ chức tín dụng khác) thì tỷ lệ nợ xấu của VIB là 2,4%. Dự phòng rủi ro cuối quý I là gần 4.800 tỷ đồng với tỷ lệ bao phủ nợ xấu gần 50%.
Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ cố gắng đưa nợ xấu dưới 2% vào cuối năm. Năm ngoái VIB đã trích lập dự phòng 4.800 tỷ đồng, sử dụng 3.600 tỷ để xử lý rủi ro và trong 3 tháng đầu năm đã thu lại 200 tỷ đồng từ xử lý rủi ro. Với thị trường bất động sản đang ấm lên và thêm các giải pháp thu hồi nợ, ban lãnh đạo VIB kỳ vọng ngân hàng sẽ có thu nhập bất thường 1.000-1.500 tỷ từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro.
"Hiện hơn 90% các khoản vay là có tài sản đảm bảo và hơn 5% là vay tín chấp, do đó chất lượng tín dụng của chúng ta là tốt", ông Đặng Khắc Vỹ cho biết.
Trong quý I/2024, VIB đã cắt giảm hơn 200 nhân viên, đưa số lượng nhân sự về mức 12.034 người. Trong bối cảnh lợi nhuận sụt giảm, thu nhập bình quân hàng tháng của nhân viên ngân hàng giảm nhẹ từ 32,64 triệu đồng về 31,57 triệu đồng, nằm ở tầm trung so với các ngân hàng trong hệ thống hiện nay.
Đình Tư