Năm 2023, ngành thuế đã quản lý được khoản doanh thu qua thương mại điện tử lên đến 3,5 triệu tỷ đồng, thu về 97.000 tỷ đồng cho ngân sách, tăng 16% so với năm 2022.
Hiện nay, để siết chặt quản lý, chống thất thu thuế đối với những trường hợp kinh doanh qua mạng cũng đã có những quy định và hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn. Trong đó, phải kể đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu của nhiều cơ quan quản lý, để làm sao không "bỏ lọt" các khoản thuế phải thu trên thương mại điện tử. Đó cũng là những mục tiêu được đặt ra trong Đề án 06 về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử cũng như Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Năm 2023, ngành thuế đã quản lý được khoản doanh thu qua thương mại điện tử lên đến 3,5 triệu tỷ đồng. Và tương ứng với đó, ngành thuế đã thu về 97.000 tỷ đồng cho ngân sách, tăng 16% so với năm 2022. Có 2 điểm được đánh giá đã phát huy tác dụng rất lớn trong việc thu thuế qua thương mại điện tử. Một là việc xác thực và quản lý thông qua mã định danh cá nhân, nằm trong Đề án 06. Đáng chú ý hơn là công cụ thứ hai, nằm trong Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là yêu cầu 5 Bộ, ngành gồm: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, và Ngân hàng Nhà nước phải chia sẻ, kết nối dữ liệu với nhau để quản lý chặt chẽ hơn đối với thương mại điện tử.
Ngay lập tức việc này đã phát huy tác dụng khi năm 2023, ngành Thuế đã có trong tay dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, 130 đơn vị viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình, tài khoản thanh toán của trên 9 triệu tổ chức và hơn 121 triệu cá nhân. Đây là một kho dữ liệu rất hữu ích để dần ngăn chặn tình trạng "ẩn danh trốn thuế" trên không gian mạng.
Hiện nay việc chuyển khoản dù có ghi hay không ghi nội dung cũng không còn quá quan trọng. Các ngân hàng thương mại cũng đã cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người bán hàng cho cơ quan thuế. Tài khoản nào có lượng tiền ra vào lớn sẽ là đối tượng được rà soát trước tiên, để xem cá nhân này đang kinh doanh gì, đã kê khai đóng thuế hay chưa. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đã chủ động đi kê khai và nộp thuế.
Kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử được vài năm, nhưng trước đó chị Vân chưa kê khai và nộp thuế. Nhưng kể từ năm 2023, các sàn thương mại điện tử đã gửi thông tin về doanh thu của chị cho cơ quan thuế. Vì vậy, chị đã chủ động đi kê khai và nộp thuế theo quy định, bởi có muốn giấu cũng chẳng được.
"Bản thân tôi cũng có doanh thu trên 2 tỷ, không giấu được doanh thu đấy với thuế nên tôi đã chủ động đi kê khai. Các sàn thương mại điện tử đều đã gửi thông tin đến cho cơ quan chức năng cũng như cơ quan thuế nên mình đi chủ động kê khai, để sắp xếp được khoản tiền nộp cũng như là không bị phát sinh thêm khoản nộp phạt", chị Lê Thị Hồng Vân - Cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử tại TP. Hà Nội chia sẻ.
Đến nay, Cục Thuế TP. Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu 21.500 doanh nghiệp, trên 16.500 hộ kinh doanh và hơn 80.600 cá nhân tiền lương, tiền công bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Từ cơ sở dữ liệu này đã xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra chuyên đề, 4 tháng đầu năm 2024 đã xử lý được 921 tổ chức, cá nhân tăng thu hơn 100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục thuế TP. Hà Nội cho biết: "Qua việc chuẩn hóa dữ liệu theo Đề án 06 cho thấy việc định danh cá nhân bây giờ rất chính xác. Do vậy, mà chúng tôi đã phối hợp với các ban ngành liên quan mời các cá nhân này lên làm việc. Chính các cá nhân này cũng thừa nhận các doanh thu, thu nhập, và thậm chí có nhiều trường hợp còn kê khai bổ sung ngoài các dữ liệu mà cơ quan thuế đang quản lý".
Mới đây, Cục thuế TP. Hà Nội cũng vừa chọn quận Hoàn Kiếm làm quận thí điểm trong quản lý thuế thương mại điện tử. Bởi đây là quận có nhiều hộ cá nhân kinh doanh và đã hoàn thành 99% tỷ lệ khớp nối dữ liệu với Bộ Công an. Từ việc đồng bộ dữ liệu này, các cá nhân kinh doanh qua mạng đã ngày càng hiện rõ chi tiết, phục vụ tốt cho việc quản lý thuế.
Không chỉ những doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử ở trong nước kê khai, nộp thuế, mà những "ông lớn" kinh doanh xuyên biến giới như: Google, Meta, Youtube, Tiktok cũng chủ động kê khai, nộp thuế trước khi bị cơ quan thuế gọi tên.
Kể từ tháng 3 năm 2022, ngành Thuế đã chính thức vận hành cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, nhằm hỗ trợ các đơn vị này có thể thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới. Lũy kế đến nay, đã có 94 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế với số thuế là trên 14,5 nghìn tỷ đồng.
Sẽ có nhiều giải pháp để ngăn trốn thuế trên sàn thương mại điện tử
Đẩy mạnh chia sẻ thông tin để quản lý thương mại điện tử
Mới đây trong cuộc họp đóng góp ý kiến để hoàn thiện báo cáo Sơ kết 1 năm triển khai Chỉ thị 18 của Thủ tướng, đại diện của 5 Bộ ngành liên quan trực tiếp đến nội dung này cũng chỉ ra những điểm còn khuyết thiếu để có giải pháp tháo gỡ, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc quản lý thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước thông tin: "Trong 929 sàn đó thì liên quan đến bao nhiêu người trong hơn 200 triệu tài khoản của khách hàng, để có cơ chế rõ ràng, thông tin cụ thể, phạm vi để đảm bảo việc cung cấp thông tin giữa ngành ngân hàng để phục vụ cho quản lý thuế và cũng đảm bảo an toàn bảo mật thông tin"
"Chỗ ngân hàng muốn có hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc trao đổi dữ liệu, dựa trên nguyên tắc rủi ro. Tức là những tài khoản cá nhân nào mà tiền ra, vào liên tục, thì cho chúng tôi số liệu đấy thì chúng tôi sẽ đưa ra tần suất dự báo là bao nhiêu đối chiếu với doanh thu. Xem tài khoản đấy buôn bán gì, đã kê khai nộp thuế chưa thì sẽ lọc ra được", ông Mai Xuân Thành - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết.
Đại Tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: "Bộ Thông tin và Truyền thông phải có một mệnh lệnh chắc chắn 22 đơn vị cấp chữ ký số hiện nay đều phải xác thực dân cư, vì không có xác thực này thì cuối cùng cũng giả, không phải người thật, mọi hoạt động sẽ không đúng, kể cả đối với hoạt động của ngành ngân hàng".
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: "Chúng ta phải có các giải pháp bảo mật, các đồng chí xây dựng hạ tầng công nghệ đến đâu chăng nữa nhưng nếu không an toàn thì không ai cho kết nối với thuế, không ai cho kết nối với dữ liệu dân cư. Vì các đồng chí kết nối trên yêu cầu không an toàn đó thì tự các đồng chí tạo điều kiện cho đối tượng xấu dựa vào cái yếu của các đồng chí để đánh cắp tài sản quốc gia".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, từ 1/1/2025 sẽ sử dụng số căn cước công dân làm mã số thuế.
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Dữ liệu phải sống, sạch, đầy đủ, chính xác. Lấy định danh thuế là căn cước công dân. Dữ liệu thanh toán cũng phải theo căn cước công dân để đồng bộ hóa thì chúng ta mới đối chiếu được, không thì khó".
Ngày 30/5 tới đây sẽ chính thức tròn 1 năm thực hiện Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị như một tiền đề quan trọng để các bộ ngành có thể chia sẻ dữ liệu với nhau, giúp việc quản lý thương mại điện tử ngày càng chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh truyền thống và online.
PV
https://vtv.vn/kinh-te/kinh-doanh-qua-mang-het-thoi-tron-thue-20240507233253058.htm