Kinh tế 4 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực

Thông tin tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra chiều 5/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã nhận định tình hình kinh tế tháng 4/2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhìn chung tốt hơn tháng 3/2024 và 3 tháng đầu năm…

Toàn cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra chiều ngày 5/4/2024.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, nhiều chỉ tiêu kinh tế cho thấy 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

KINH TẾ DUY TRÌ ĐÀ PHÁT TRIỂN

Cụ thể, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 đạt 50,3 điểm, trong đó lượng đơn hàng mới tăng mạnh.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93%. Lãi suất huy động và cho vay tiếp tục xu hướng giảm; tỉ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời.

“Đặc biệt, các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, an ninh năng lượng được đảm bảo, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định, tạo dư địa chính sách tài khoá.

Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tích cực, xuất siêu tăng, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá.

Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (15,65%). Thu hút FDI đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% (cao nhất trong những năm qua).

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực;trong4 tháng có 51.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 3,4% về số doanh nghiệp và 9,3% về vốn đăng ký với cùng kỳ); đồng thời có hơn 29.700 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2,4%.

TIẾP TỤC TẬP TRUNG ĐIỀU HÀNH VĨ MÔ

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, các thành viên Chính phủ cho rằng nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thách thức cần tập trung ứng phó, xử lý, khắc phục.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chia sẻ tại buổi họp báo.

Trên cơ sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập trung điều hành tốt kinh tế vĩ mô như điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả; bảo đảm hài hóa giữa tỷ giá và lãi suất; quyết liệt tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; sớm trình cấp có thầm quyền về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, trái phiếu, BĐS và tăng cường quản lý giá cả…

Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của bộ ngành, địa phương. Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%; có phương án sớm phân bổ 33 nghìn tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024.

Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Khẩn trương ban hành đầy đủ các Nghị định, thông tư thi hành các Luật về Đất đai, Tổ chức tín dụng, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở… để trình Quốc hội cho phép có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2024.

Ngoài ra, tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu theo hướng đẩy mạnh cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi; và phát triển những ngành dịch vụ, du lịch có tiềm năng, lợi thế.

Anh Nhi

Link gốc

https://vneconomy.vn/kinh-te-4-thang-tiep-tuc-chuyen-bien-tich-cuc.htm