Tại sao không gác hẳn lại những biến động hỗn loạn ngắn hạn của thị trường và tập trung vào những thứ không bao giờ đổi trong một thế giới thay đổi. Trong chuỗi bài viết này, chúng ta tập trung vào những nguyên lý bất biến của kinh tế học để giữ cho tâm trí bất biến giữa dòng đời vạn biến. Bài 2 tập trung nghiên cứu chi phí của thuế, tác động của thuế đối lợi ích kinh tế của các bên tham gia nền thị trường như thế nào.
Thuế là cái giá chúng ta phải trả cho một xã hội văn minh.
– Oliver Wendell Holmes Jr.
Ở một mức độ nào đó thì không ai phản đối rằng việc đánh thuế là cần thiết. Tuy nhiên, ngoài việc tạo nguồn thu, thuế còn tác động tiêu cực đến thị trường: nó thay đổi hành vi của các bên tham gia và làm méo mó kết quả phân bổ nguồn lực. Khi thuế được áp dụng, người mua phải trả giá cao hơn, người bán nhận giá bán thấp hơn (không thể chuyển toàn bộ gánh nặng thuế sang người mua), cả hai phía đều chịu thiệt.
Thặng dư thị trường: Lợi ích của người mua và người bán
Khi một giao dịch diễn ra trên thị trường, cả người mua và người bán đều nhận được lợi ích. Những lợi ích đó được gọi là thặng dư, và gồm hai loại chính:
1. Thặng dư tiêu dùng (Consumer Surplus)
Là phần chênh lệch giữa mức Giá mà người tiêu dùng sẵn lòng chi trả và mức Giá thực tế họ phải trả.
Ví dụ: Một người sẵn sàng chi 100.000 đồng cho một quyển sách, nhưng chỉ cần trả 70.000 đồng.
→ Thặng dư tiêu dùng = 100.000 – 70.000 = 30.000 đồng
2. Thặng dư sản xuất (Producer Surplus)
Là phần chênh lệch giữa Giá bán thực tế và Chi phí sản xuất tối thiểucủa người bán.
Ví dụ: Chi phí sản xuất quyển sách là 40.000 đồng, giá bán trên thị trường là 70.000 đồng.
→ Thặng dư sản xuất = 70.000 – 40.000 = 30.000 đồng
Tổng thặng dư thị trường = Thặng dư tiêu dùng + Thặng dư sản xuất
→ Tổng thặng dư trong trường hợp trên = 30.000 + 30.000 = 60.000 đồng.
Thuế làm thu hẹp quy mô tổng thị trường
Qua nhiều nghiên cứu và phân tích, các nhà kinh tế học nhận thấy: thuế làm giảm tổng thặng dư thị trường. Mặc dù chính phủ thu được một phần doanh thu, nhưng tổn thất mà người mua và người bán phải chịu thường lớn hơn khoản thuế đó, khiến cho tổng lợi ích xã hội bị giảm.
Phần thặng dư bị mất đi, được gọi là tổn thất vô ích (deadweight loss).
Tổn thất vô ích và sự biến dạng động cơ thị trường
Khi một mặt hàng bị đánh thuế, giá cả thay đổi khiến cả người mua và người bán điều chỉnh hành vi của mình. Hai trong mười nguyên lí cốt lõi của kinh tế học:
- Con người phản ứng với các động cơ khuyến khích.
- Thị trường tự do thường dẫn đến phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả.
Thuế làm méo mó động cơ của cả hai bên, khiến quy mô giao dịch bị thu hẹp dưới mức tối ưu, dẫn đến phân bổ nguồn lực kém hiệu quả.
Doanh thu thuế khi mức thuế thay đổi
Khi thuế tăng, tổn thất vô ích ngày càng lớn vì động cơ bị bóp méo nhiều hơn. Tuy nhiên, doanh thu thuế không tăng mãi mãi.
- Ở mức thuế thấp → tăng thuế → doanh thu thuế tăng.
- Nhưng đến một ngưỡng nhất định → tăng thuế thêm → doanh thu giảm do thị trường co lại hoặc ngừng giao dịch.
Trường hợp với một mức thuế quá cao, doanh thu thuế sẽ không tăng lên được vì người ta sẽ cùng nhau ngừng mua và bán hàng hóa đó. Mình có thể đưa ra ví dụ như sau:
- Ông A sẵn lòng trả 120 đồng cho một cốc trà đá.
- Ông B sản xuất trà đá với chi phí 80 đồng.
- Giá bán trà đá cuối cùng là 100 đồng.
→ Thặng dư tiêu dùng= 120 – 100 = 20 đồng
→ Thặng dư sản xuất = 100 – 80 = 20 đồng
→ Tổng thặng dư= 40 đồng
Nhưng nếu chính phủ áp thuế 50 đồng/cốc, giá bán tăng lên 130 đồng → cao hơn khả năng chi trả của ông A → giao dịch không diễn ra.
→ Tổng thặng dư bị mất hoàn toàn, chính phủ không thu được đồng thuế nào, nhưng thiệt hại xã hội là 40 đồng.
Cuối cùng, một vấn đề gần đây đang chiếm sóng truyền thông dạo gần đây là việc hoạt động thu thuế đối với hộ kinh doanh sẽ không còn như trước nữa. Một số tóm tắt sơ bộ về quy mô của loại hình kinh doanh này tại VN như sau: Hộ kinh doanh cá thể là xương sống của nền kinh tế Việt Nam, với khoảng 5–5,5 triệu hộ, tạo ra 8–9 triệu việc làm. Khu vực hộ kinh doanh và doanh nghiệp cá thể góp khoảng 30% GDP quốc gia.
Về việc thay đổi trong chính sách: nhà nước sẽ yêu cầu xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền khi doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm bắt đầu từ 1/6/2025, đồng thời bãi bỏ hoàn toàn cơ chế thuế khoán từ 1/1/2026. Ừ thì, trong bối cảnh đó, liệu chính sách thuế mới có đang đặt ra những yêu cầu thay đổi quá nhanh, làm suy giảm tính linh hoạt vốn là yếu tố đặc trưng giúp khu vực hộ kinh doanh duy trì sức sống và khả năng thích ứng trong nền kinh tế hiện nay? Mình bỏ ngõ câu hỏi ở đây rồi với nội dung chia sẻ kiến thức ở trên để mọi người suy ngẫm thử. Bài viết này xin kết thúc tại đây, cảm ơn cả nhà đã đọc.