Kinh tế Việt Nam cần làm gì để bắt kịp Hàn Quốc?

Nền kinh tế Việt Nam đang có tốc độ phát triển nhanh chóng như nền kinh tế Hàn Quốc trong giai đoạn “thần tốc” vào thập niên 80. Nhưng nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại nhiều rủi ro mà có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong tương lai. Vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyến cáo Việt Nam cần đa dạng hóa và phức tạp hóa các mặt hàng xuất khẩu, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Kinh tế Việt Nam theo "kịch bản" của Hàn Quốc

Theo báo cáo mới đây của tổ chức Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, nền kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phát triển nhanh chóng, tương tự như nền kinh tế Hàn Quốc trong giai đoạn “thần tốc” vào thập niên 80.

Theo đó, Hàn Quốc là một trong những quốc gia ít nổi tiếng chuyển đổi từ nền kinh tế có thu nhập thấp thành nền kinh tế có thu nhập cao trong thời gian ngắn. Theo các chuyên gia, quá trình công nghiệp hóa thần tốc của Hàn Quốc là kết quả của hàng thập kỷ đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, cùng các chính sách hỗ trợ xuất khẩu từ phía chính phủ.

Kể từ khi trở thành nền kinh tế thị trường phát triển và gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm 1996, chính phủ Hàn Quốc đã chuyển trọng tâm sang tăng trưởng kinh tế dựa trên nâng cao năng suất thông qua tiến bộ công nghệ. Đến đầu thế kỷ 21, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi các nỗ lực nâng cấp công nghệ trong lĩnh vực sản xuất từ phía chính phủ, dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng về năng suất lao động.

Kinh tế Việt Nam cần làm gì để bắt kịp Hàn Quốc Kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phát triển nhanh chóng, tương tự như nền kinh tế Hàn Quốc trong giai đoạn “thần tốc” vào thập niên 80.

Các chuyên gia phân tích, sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc cũng liên quan mật thiết đến việc đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, từ những sản phẩm đơn giản đến phức tạp. Trái ngược với nhiều quốc gia đang phát triển chỉ tập trung vào xuất khẩu các mặt hàng đơn giản như nông sản hoặc khoáng sản, Hàn Quốc đã mở rộng phạm vi sản xuất từ những năm 1970. Từ việc xuất khẩu nguyên liệu thô và nông sản vào những năm 1960, đến việc sản xuất hóa chất, vật liệu đóng tàu và hàng may mặc vào những năm 1980, Hàn Quốc hiện nay sản xuất các mặt hàng có giá trị cao như vi mạch, ô tô và linh kiện.

Có nhiều điểm tương đồng với Hàn Quốc, từ năm 1990 đến năm 2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng tăng trưởng nhanh chóng, với tốc độ trung bình hàng năm là 5,4%. Theo World Bank, sự đạt được ấn tượng này phản ánh ba yếu tố chính là khả năng tích lũy vốn nhanh, nguồn lao động dồi dào và tăng trưởng năng suất cao. Bên cạnh đó, các cải cách trong môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nhân lực, và dòng vốn FDI lớn cũng đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam cũng đã mở rộng danh mục sản phẩm xuất khẩu từ đơn giản, giá trị gia tăng thấp sang phức tạp và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam năm 1995 tập trung vào khoáng sản, nông nghiệp, và dệt may (màu vàng), những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam năm 2023 là điện tử (máy tính, điện thoại, linh kiện), máy móc và dệt may.

Tuy nhiên, trái ngược với Hàn Quốc, nơi mà chính phủ nước này khuyến khích đa dạng hóa trong sản xuất, sự đa dạng hóa tại Việt Nam lại đang được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp FDI. Điều này dẫn đến việc một số các tiến bộ về sản xuất ít có cơ hội được chia sẻ với các doanh nghiệp khác trong nước. Hơn nữa, việc sản xuất các mặt hàng phức tạp như điện tử và máy móc chỉ đang tập trung vào khâu lắp ráp, mà ít có sự đầu tư vào khâu xử lý và hoàn thiện sản phẩm. Theo các nhà nghiên cứu, hai yếu tố này đang cản trở tiềm năng đa dạng hóa nền kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Cần phát triển đa dạng hóa nền kinh tế

Báo cáo của World Bank đã chỉ ra rằng, các nhà nghiên cứu đã đưa ra 4 khuyến nghị về chính sách để phát triển đa dạng hóa nền kinh tế Việt Nam, cũng như góp phần giảm thiểu những rủi ro trong tương lai. Nếu được thực hiện, những hành động này có thể góp phần hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Kinh tế Việt Nam cần làm gì để bắt kịp Hàn Quốc Việt Nam cần chính sách để phát triển đa dạng hóa nền kinh tế.

Một là, Việt Nam cần để xác định những nhóm ngành phù hợp nhất để nâng cao triển vọng đa dạng hóa nền kinh tế. Theo báo cáo của World Bank, Việt Nam đang phải đối mặt với những hạn chế trong việc tận dụng năng lực công nghệ làm nền tảng cho hoạt động sản xuất hiện tại. Tuy vậy, báo cáo cũng cho thấy, Việt Nam có tiềm năng đa dạng hóa hơn 200 sản phẩm, trong đó có 92 sản phẩm mới là các mặt hàng công nghệ phức tạp. Sự chuyển đổi này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu chiến lược của Việt Nam là nâng cao chuỗi giá trị trên thị trường toàn cầu.

Hai là, Việt Nam sẽ cần đầu tư mạnh hơn vào việc nâng cấp công nghệ và năng lực để đa dạng hóa nền kinh tế. Dựa vào kinh nghiệm từ Hàn Quốc, khu vực tư nhân của Việt Nam có thể tăng cường đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng như cần tăng cường xây dựng năng lực cho lực lượng lao động. Nhà nước cũng cần đưa ra các chính sách công hiệu quả, cũng như tạo điều kiện cho sự hỗ trợ và phát triển các ngành công nghệ. Ngoài ra, việc tăng cường liên kết và tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình hợp tác giữa các doanh nghiệp đa quốc gia và doanh nghiệp địa phương sẽ thúc đẩy sự nâng cấp về năng lực công nghệ.

Ba là, Việt Nam cần đặt trọng tâm vào việc chia sẻ và tích lũy năng lực công nghệ. Trên thực tế, Hàn Quốc đã thành công trong việc chuyển đổi từ xuất khẩu các mặt hàng khai thác tài nguyên và thiếu liên kết (như nông nghiệp và khoáng sản); sang những mặt hàng công nghệ phức tạp (như ô tô và điện tử), nhờ vào sự trao đổi và phát triển năng lực công nghệ giữa các tập đoàn lớn. Điều này cho thấy rằng, một quốc gia có năng lực công nghệ cao có thể đa dạng hóa sang các sản phẩm dường như xa vời, không liên quan, thậm chí vượt ra ngoài cơ cấu công nghiệp hiện tại. Ngược lại, một quốc gia nếu thiếu năng lực công nghệ sẽ chỉ tập trung vào đa dạng hóa sang các sản phẩm lân cận, qua đó bỏ lỡ cơ hội phát triển các mặt phức tạp hơn.

Cuối cùng, Việt Nam cần tăng cường phối hợp giữa các chính sách về công nghiệp và đổi mới. Bài học của Hàn Quốc cho thấy, các chính sách công nghiệp và đổi mới của nước này đã kết hợp, thống nhất và song hành để thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế. Ngược lại, năng lực công nghệ hỗ trợ sản xuất của Việt Nam còn chưa đủ mạnh; chính sách đổi mới còn thiếu hiệu quả và đang bị phân tán. Vì vậy, sự phối hợp hiệu quả giữa các chính sách công nghiệp và đổi mới có thể khuyến khích các doanh nghiệp địa phương đầu tư vào nghiên cứu và nâng cấp năng lực công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Còn theo chuyên gia kinh tế, GS.TS. Ngô Thắng Lợi đánh giá, Việt Nam đã cơ bản xây dựng được tiền đề của một nước công nghiệp. Tuy nhiên, quá trình phát triển của Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập khi tăng trưởng đang có dấu hiệu "hụt hơi" theo thời gian. Biên độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm và chưa đủ mạnh để tạo ra những đột phá trong thực hiện tiến bộ xã hội.

Đáng lo ngại đó là tốc độ tăng trưởng đang chậm lại dần (hiệu quả đầu tư, năng suất lao động), nhất là những năm gần đây và ở mức khá thấp so với các nước từng ở cùng thời kỳ như Việt Nam (Hàn Quốc, Nhật Bản…), làm giảm khả năng gia tăng thu nhập của nền kinh tế.

Cũng theo GS.TS. Ngô Thắng Lợi, hiệu ứng của tăng trưởng kinh tế đến thực hiện tiến bộ xã hội giảm dần. Tăng trưởng kinh tế chưa có tác động đồng thuận đến cải thiện các nhu cầu phi vật chất nên đã hạn chế đến phát triển con người. Ở các vùng chậm phát triển, mối quan hệ không đồng thuận giữa tăng trưởng với công bằng xã hội gay gắt hơn.

Kinh nghiệm và bài học thế giới cho thấy các quốc gia có thể đạt mức thu nhập trung bình nhờ tự do hóa, tư nhân hóa và hội nhập quốc tế, nhưng đạt mức thu nhập cao hơn đòi hỏi nỗ lực chính sách để kích thích sự năng động của khu vực tư nhân, chứ không phải tự do kinh doanh.

Trước những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng, việc nhìn nhận, đánh giá lại các thành quả phát triển trong ba thập kỷ qua, cũng như phân tích những thách thức mới và khả năng ứng phó của Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tăng trưởng bền vững và đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 và thu nhập cao trước năm 2045.

Điểm mấu chốt để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, theo GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda Nhật Bản chính là cần tăng liên tục năng suất lao động. Cả tích lũy tư bản và cách tân công nghệ đều quan trọng trong quá trình chuyển từ một nước phát triển trung bình lên vị trí của nước thu nhập cao.

"Tăng trưởng đều đặn, liên tục trong năng suất lao động là yếu tố quan trọng để tránh bẫy thu nhập trung bình. Trong quá trình theo kịp các nước thu nhập cao, chuyển dịch cơ cấu (chuyển nguồn lực từ khu vực năng suất thấp đến khu vực năng suất cao) là lực đẩy quan trọng nhất để tăng năng suất và duy trì cạnh tranh quốc tế. Trong quá trình đó, cả tích lũy tư bản và tiến bộ kỹ thuật/công nghệ đều quan trọng”, GS Trần Văn Thọ nhấn mạnh.

Đối với các doanh nghiệp, ông Ngô Thắng Lợi khuyến nghị thực hiện phát triển bao trùm. Chú trọng vào tạo môi trường, cơ hội để các doanh nghiệp có chung một sân chơi để thoả sức thực hiện phát triển kinh doanh. Cần coi trọng hơn nữa môi trường phát triển cho kinh tế tư nhân, đặc biệt nhấn mạnh vai trò sếu đầu đàn, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và người dân vào trong quỹ đạo các doanh nghiệp lớn.

Đức Minh

https://thuongtruong.com.vn/news/kinh-te-viet-nam-can-lam-gi-de-bat-kip-han-quoc-119546.html