Gần 20 năm làm việc trong ngành dầu khí với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, anh Hoàng Thanh Tùng đột ngột lên Tây Nguyên khởi nghiệp rồi trở thành ông chủ của nhiều nhà yến, trại lợn với lợi nhuận trên 7 tỷ đồng/năm.
Từ bỏ lương 300 triệu/tháng
Tốt nghiệp Khoa Dầu khí Trường ĐH Mỏ địa chất Hà Nội năm 2001, anh Hoàng Thanh Tùng (SN 1979, hộ khẩu tại TP.HCM, trú tại thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) có kinh nghiệm gần 20 năm làm trong ngành dầu khí.
Anh Tùng cho biết, sau khi ra trường, anh vào làm việc tại Xí nghiệp Xây lắp, khảo sát và sửa chữa công trình biển, thuộc Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Vietsovpetro tại cảng dầu khí TP. Vũng Tàu. Công việc chính của anh là chế tạo các giàn khoan để khai thác dầu khí.
Trong thời gian làm việc tại đây, anh Tùng được điều động qua nhiều đơn vị. Giai đoạn 2013-2018, anh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Điều hành giàn khoan dầu khí nước sâu PVD tại mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh ngoài khơi Việt Nam.
Tổng giám đốc Tập đoàn Ricky Farm Hoàng Thanh Tùng, ông chủ của 3 trang trại heo gần 100.000 con/năm và nhiều nhà yến. Ảnh: Trần Hoàn
Quá trình làm việc, anh Tùng có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế tại các quốc gia như Trung Quốc, Singapore, Angieria... Thu nhập của anh có những tháng lên tới gần 300 triệu đồng. Với số tiền “khủng” đó, nhiều người sẽ an phận gắn bó với công việc này. Nhưng anh Tùng lại có sự lựa chọn khác, anh quyết định chuyển nghề đi nuôi lợn, chăm yến.
Nói về cơ duyên trở thành ông chủ của nhiều nhà yến, trại lợn, anh Tùng kể: Trong một lần đi công tác tại Mỹ, anh có ghé nhà một người Việt để chơi. Tại đây, họ có trang trại nuôi 10.000 con gà nên anh muốn làm thử nghiệm. Tuy nhiên, khi về khảo sát các chợ tại TP.HCM, anh thấy không thể đáp ứng được đầu ra.
“Năm 2016, một người bạn làm ở ngân hàng gợi ý về việc nuôi heo. Qua phân tích thấy hợp lý nên tôi liên hệ với Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam rồi cùng một người bạn vay mượn, xây dựng trại heo hậu bị quy mô 12.000 con ở Bình Phước với chi phí 39,5 tỷ đồng”, anh Tùng nhớ lại.
Ban đầu, do không am hiểu về pháp lý nên anh Tùng gặp nhiều khó khăn. Cùng với sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp có tên tuổi khác, hoạt động chăn nuôi không đem lại hiệu quả, anh phải chuyển nhượng cho người khác. Tuy nhiên, đây là bài học quý báu giúp anh thành công sau này.
Anh Tùng có gần 20 năm làm việc trong ngành dầu khí với thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng. Ảnh: NVCC
Năm 2019, anh Tùng nghỉ hẳn công việc tại ngành dầu khí, lên Tây Nguyên lập nghiệp. Sau khi tìm được quỹ đất, anh xây dựng trang trại nuôi heo tại xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) với quy mô 32.000 con/năm, theo hình thức nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.
Doanh nghiệp của anh đầu tư xây dựng chuồng trại, trang thiết bị, hệ thống xử lý môi trường, quản lý vận hành công nhân chăn nuôi. Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam lo phần con giống, thức ăn, kỹ thuật cũng như vaccine phòng bệnh. Đến thời kỳ xuất chuồng, phía C.P Việt Nam sẽ bao tiêu đầu ra.
Doanh thu được tính trên trọng lượng heo (kg) nhân với giá 5.000-5.500 đồng/kg.
Với hình thức này, người nuôi không phải lo biến động về đầu ra, về thị trường cũng như giá thức ăn chăn nuôi.
Thu lợi nhuận trên 7 tỷ đồng/năm
Từ thành công bước đầu, cuối năm 2020, anh Tùng chọn huyện Phú Thiện (Gia Lai) làm "cứ điểm" và xây dựng 2 trang trại nuôi heo ở xã Ia Sol và Ia Peng, với quy mô hơn 3 vạn con/trại/năm.
Hiện tại, với tổng đầu heo khoảng 96.000 con/năm đã mang lại doanh thu cho ông chủ Tập đoàn Ricky Farm gần 40 tỷ đồng. Trừ chi phí vay lãi, nhân công, vận hành, lợi nhuận từ nuôi heo mỗi năm trên 7 tỷ đồng.
Trại heo tại xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) được đầu tư 135 tỷ đồng. Ảnh: Trần Hoàn
“Tôi đang chờ phê duyệt để xây dựng một trang trại ở xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) với quy mô 48.000 con, nâng tổng đầu heo lên gần 150.000 con/năm”, anh Tùng tiết lộ.
Quá trình nuôi heo ở Phú Thiện, thấy chim yến bay nhiều, ông chủ 3 trang trại lợn lại “nổi hứng” nuôi chim. Sau 2 năm tìm hiểu, nghiên cứu, anh Tùng đứng ra thành lập HTX Phố Yến, kêu gọi bạn bè góp vốn đầu tư. Tuy mới đi vào hoạt động nhưng làng yến tại thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol với 15 căn nhà (trong đó anh Tùng sở hữu 7 căn) đã cho thu nhập gần 3 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí, lợi nhuận từ nuôi yến cũng đem lại cho anh 600 triệu đồng/năm.
"Ngoài việc tiêu thụ tổ yến thô của các thành viên trong HTX, tôi còn thu mua của nhiều hộ dân trên địa bàn để chế biến sâu các sản phẩm từ tổ yến. Không chỉ bán lẻ, từ tháng 1/2024, tôi xuất cho CTCP Tân Cảng Gantry (TP.HCM) đơn hàng yến trị giá 231 triệu đồng", anh Tùng cho biết.
Bên cạnh đó, HTX Phố Yến còn đang xây dựng chuồng trại để nuôi đà điểu, hươu sao và chồn. Anh Tùng cho hay, sắp tới sẽ nuôi khoảng 70 con đà điểu để phục vụ du lịch, còn tập trung chủ lực vào 300 con hươu sao và 1.000 con chồn.
Làng yến tại thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol có 15 căn nhà, trong đó anh Tùng sở hữu 7 căn. Ảnh: Trần Hoàn
“Trên địa bàn huyện Phú Thiện chỉ có 8 con hươu sao do chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn tài trợ. Sau khi thí điểm nuôi hươu sao thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng cho xã viên và các xã khác, tương lai sẽ gây dựng tổng đàn 5.000 con trên toàn huyện”, người đứng đầu HTX Phố Yến nói.
Khi thu được đủ nguồn nhung hươu, HTX sẽ đầu tư dây chuyền sấy khô, tán bột tạo thành các viên nang để làm thực phẩm chức năng; ngoài ra là cung cấp hươu giống để phát triển cho thị trường.
Trao đổi với VietNamNet, ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Thiện, cho biết, Ricky Farm có 2 trang trại đang hoạt động trên địa bàn. Qua kiểm tra, trang trại bảo đảm các điều kiện chăn nuôi, như hệ thống xử lý nước thải, cơ sở vật chất...
Quá trình xây dựng trang trại, công ty đã đầu tư mở rộng khoảng 8km đường giao thông nông thôn, hỗ trợ người dân kết nối đường điện để bơm nước tưới tiêu nội đồng; đồng thời tạo việc làm cho hơn 100 lao động, trong đó 80% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trần Hoàn
https://vietnamnet.vn/ky-su-dau-khi-nuoi-yen-chan-heo-thu-loi-nhuan-hon-7-ty-nam-2278812.html