“5 động lực giúp chứng khoán Việt Nam duy trì xu hướng tích cực”, đây là tiêu đề một bài báo mà Cường Anh vô tình đọc được. Theo như quan điểm của các chuyên gia, triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn đang rất tích cực với một số yếu tố hỗ trợ như:
- Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu cải thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng.
- Chính phủ tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp, dù lãi suất chính sách có thể tăng nhẹ, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
- Nguồn vốn FDI được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt, đặc biệt là với tiềm năng từ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
- Chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Cuối cùng là quyết tâm của Chính phủ và cơ quan quản lý trong việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong thời gian tới.
Cường Anh hoàn toàn đồng ý với quan điểm của các chuyên gia về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Nền kinh tế của chúng ta có thể nói là đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trong xu hướng phục hồi dần từ vùng đáy, và hàn thử biểu của nền kinh tế là thị trường chứng khoán đang vô cùng khởi sắc.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện trong trung và dài hạn, còn trong ngắn hạn thì sao? Liệu VN-Index vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới?
Với quan điểm và góc nhìn của Cường Anh, trong giai đoạn hiện nay đang có những vấn đề từ chính bản thân thị trường chứng khoán nói riêng và từ kinh tế vĩ mô nói chung đang tác động tiêu cực đến đà tăng của VN-Index trong ngắn hạn. Những yếu tố đó là gì? Chúng ta sẽ cùng phân tích ngay sau đây.
I. Về chính bản thân của thị trường chứng khoán
1. Động lượng của thị trường đang rất yếu
VN-Index tăng nhưng động lượng để thị trường đi lên đang rất yếu, bằng chứng là RSI hiện đang thấp hơn khá nhiều so với hồi tháng 4, mặc dù điểm số là tương đương nhau. Và VN-Index đang có dấu hiệu phân kỳ âm ở khung W.
Việc xuất hiện phân kỳ âm là dấu hiệu cho thấy rằng lực mua đã yếu đi và lực bán đang mạnh lên, thêm vào đó là việc VN-Index đang tiệm cận vùng đỉnh cũ hồi tháng 4 nên khả năng điều chỉnh trong ngắn hạn của thị trường đang rất cao.
2. Không có nhóm cổ phiếu nào dẫn dắt
VN-Index muốn tăng điểm bền vững thì điều không thể thiếu đó là phải có ít nhất 1 nhóm cổ phiếu dẫn dắt, và đặc biệt là phải có sự góp mặt của một trong ba nhóm (1. Ngân hàng; 2. Chứng khoán và 3. Bất động sản).
Tại sao lại phải có một trong ba nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản dẫn dắt? Đơn giản là vì ba nhóm cổ phiếu này là ba nhóm có tỷ trọng vốn hoá lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam và chỉ có ba nhóm này mới “đủ sức” để kéo VN-Index đi lên. Nhìn vào đồ thị của VN-Index từ năm 2020 cho đến nay, cứ khi nào VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ là sẽ có sự tăng giá hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu trên; ngược lại, khi ba nhóm trên suy yếu thì VN-Index không thể tăng giá mạnh được hoặc chỉ tăng trong một khoảng thời gian ngắn rồi sụt gảm.
Còn thời điểm hiện tại thì sao? Có thể quan sát thấy rằng từ nhịp tăng từ nửa cuối tháng 4 đến nay, không có một nhóm cổ phiếu nào dẫn dắt thị trường cả, các nhóm chỉ thay phiên nhau kéo thị trường và Cường Anh cho rằng việc không có nhóm dẫn dắt sẽ khiến thị trường đi lên kém bền vững. Ngoài ra, do không có nhóm ngành nào dẫn dắt nên dẫn đến VN-Index tăng về mặt điểm số nhưng động lượng lại kém mà Cường Anh đã nêu lên phía trên.
3. Động thái bán ròng mạnh tay của khối ngoại
Khối ngoại thường có động thái bán ròng mạnh tay ngay trước khi VN-Index có sự biến động mạnh.
Khối ngoại bắt đầu mạnh tay bán ròng từ phiên 08/03 đến phiên 03/04, ngay trước thời điểm VN-Index có sự sụt giảm mạnh trong tháng 4. Nếu anh chị em xem lại dữ liệu giai đoạn sụt giảm hồi tháng 09/2023 cũng sẽ cho ra kết quả tương tự. Và một điểm đáng chú ý là cứ khi nào khối ngoại mạnh tay bán ròng thì nhóm nhà đầu tư cá nhân lại mạnh tay mua ròng - đây là một điểm rất đáng lưu tâm.
II. Về bối cảnh kinh tế vĩ mô
4. NHNN vẫn đang phải bán dự trữ ngoại hối để hạ nhiệt tỷ giá
Có lẽ trong một vài tuần trở lại đây, khi VN-Index khởi sắc thì câu chuyện tỷ giá tăng cao đã xuất hiện ít hơn rất nhiều trên các mặt báo cũng như các trang thông tin và truyền thông và nhà đầu tư cũng ít quan tâm hơn đến tỷ giá. Tuy nhiên, theo quan điểm của Cường Anh, việc tỷ giá vẫn còn neo ở mức cao như hiện nay chính là một biến số mà chúng ta cần phải theo dõi thường xuyên và đánh giá kỹ càng.
Tại thời điểm ngày 24/05, tỷ giá trung tâm là 24,264 VND, tỷ giá NHTM bán ra là 25,477 VND và tỷ giá thị trường tự do là 25,772 VND. Với việc tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, NHNN vẫn đang phải bán USD ra để ghìm tỷ giá xuống.
Theo các nguồn tin thạo tin trên thị trường liên ngân hàng, tính đến thời điểm hiện tại, NHNN đã bán trên 3 tỷ USD dự trữ ngoại hối để đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như để hạ nhiệt tỷ giá; điều đó cũng đồng nghĩa với việc có trên 73,350 tỷ đồng đã rút ra khỏi hệ thống. Việc rút VND ra khỏi hệ thống sẽ khiến cho giá của các loại tài sản tài chính khó mà có thể tăng tiếp được.
Vấn đề đặt ra ở đây là NHNN còn bán dự trữ ngoại hối đến bao giờ? Cường Anh không thể biết là NHNN sẽ còn bán bao nhiêu và bán đến bao giờ, vì điều này phụ thuộc hoàn toàn vào cung - cầu USD trên thị trường; tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng nhu cầu về USD vẫn còn đang cao, bằng chứng là việc trong nửa đầu tháng 5 nước ta đã nhập siêu khoảng 2.63 tỷ USD.
Như Cường Anh đã nêu ở phần đầu bài viết, kinh tế của Việt Nam có thể nói là đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trong xu hướng phục hồi dần từ vùng đáy; và khi các hoạt động kinh tế sôi động dần lên thì tất yếu dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ tăng lên. Điều này không phải là xấu, nó cho thấy nền kinh tế đang tốt dần lên nhưng trong ngắn hạn việc nhập siêu sẽ gây áp lực lên tỷ giá - gần như không thể tránh được.
Với việc các hoạt động kinh tế đang phục hồi trở lại thì nhu cầu nhập khẩu trong những tháng tới chắc chắn vẫn còn tiếp tục tăng cao, điều đó sẽ dẫn đến nhu cầu về USD sẽ không thể giảm được và NHNN chắc chắn vẫn còn phải bán dự trữ ngoại hối.
5. Lãi suất tăng
Trên các mặt báo và các trang thông tin truyền thông dạo gần đây liên tục đưa tin về việc lãi suất ở các ngân hàng được điều chỉnh tăng lên.
Lãi suất huy động của nhóm NHTM lớn đã bắt đầu tăng lên từ đầu tháng 5 cho đến thời điểm hiện nay. Lãi suất huy động ghi nhận trung bình là 4.74%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Tại sao lãi suất lại tăng trong thời gian gần đây? Có phải là sự xoay chuyển trong chính sách tiền tệ của NHNN hay không?
Khoan hãy nói đến việc NHNN có xoay chuyển chính sách tiền tệ hay không, Cường Anh cho rằng việc lãi suất của các NHTM tăng lên trong thời gian gần đây là một hệ quả của việc NHNN bán dự trữ ngoại hối. Như Cường Anh đã nêu ở trên, NHNN đã bán ra trên 3 tỷ USD, đồng nghĩa với việc hút trên 73,350 tỷ đồng và hệ quả là cung tiền giảm. Khi cung tiền giảm thì chắc chắn là chi phí sử dụng tiền (ở đây chính là lãi suất) không thể duy trì ở mức thấp được và điều đó đã dẫn đến lãi suất của các NHTM đang tăng lên, mà một khi lãi suất tăng lên thì giá cả sẽ giảm xuống - đây chính là yếu tố sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Còn việc NHNN có xoay chuyển chính sách tiền tệ hay không thì cho đến thời điểm hiện tại chính sách tiền tệ của chúng ta vẫn đang nhất quán với việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, với việc đã sử dụng 2 trên 3 công cụ nhằm hạ nhiệt tỷ giá (phát hành tín phiếu và bán dự trữ ngoại hối) nhưng tỷ giá vẫn đang neo ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm trở lại thì việc NHNN sử dụng công cụ mạnh tay hơn là nâng lãi suất cần được nhà đầu tư chúng ta tính đến.
III. Kết luận
Tổng kết lại, chúng ta có:
- Động lượng của thị trường đang rất yếu
- Không có nhóm cổ phiếu nào dẫn dắt
- Động thái bán ròng mạnh tay của khối ngoại
- NHNN vẫn đang phải bán dự trữ ngoại hối để hạ nhiệt tỷ giá
- Lãi suất tăng
Cả 5 yếu tố nêu trên chính là những nguyên nhân mà Cường Anh cho rằng sẽ tác động tiêu cực đến VN-Index trong thời gian sắp tới. Điều này chắc chắn sẽ trái ngược với quan điểm của phần đông nhà đầu tư trên thị trường hiện nay, khi mà mọi người đang kỳ vọng rất nhiều về việc VN-Index sẽ bứt phá trong thời gian tới đây.
Quan điểm của Cường Anh là: Trên con đường ta đi, đâu phải lúc nào con đường cũng là thẳng tắp; cũng phải có lúc rẽ phải, rẽ trái; khi thì lên cầu, khi thì xuống hầm; đường thông hè thoáng thì ta đi nhanh, đi chậm khi phố xá đông đúc. Trên thị trường chứng khoán cũng vậy, đích đến của VN-Index là 1.500, 1.800 và xa hơn nữa; nhưng không phải là thị trường sẽ tăng một mạch từ số điểm 1.2xx hiện tại lên mà sẽ có những lúc tăng, lúc giảm đan xen nhau. Không phải lúc nào chúng ta cũng phải ở trên thị trường liên tục mà cũng cần có những lúc dừng lại khi những yếu bất lợi đang xuất hiện và chờ đợi thời điểm “giông bão” qua đi để quay trở lại. Chúng ta lạc quan về tương lai của thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng luôn phải thận trọng trước những biến số không mong muốn có thể xảy ra.
Trên đây là những quan điểm của Cường Anh về thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sắp tới. Tất cả đều là những quan điểm cá nhân và không có khuyến nghị mua bán bất kỳ cổ phiếu nào. Mọi quyết định mua bán đều là quyền của anh chị em, hãy có trách nhiệm với tài sản của mình.
Chúc tất cả anh chị em thành công trên thị trường chứng khoán.