Kết thúc quý I/2024, Bảo hiểm PJICO báo lãi sau thuế 67,7 tỉ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Nợ phải trả ở mức 5.725 tỉ đồng, cao gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu.
Tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu nhờ doanh thu tài chính
Theo BCTC hợp nhất quý I/2024 của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO - Mã CK: PGI), doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PJICO trong quý đầu năm đạt 895 tỉ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng nhẹ lên 647 tỉ đồng, tương ứng tăng 2,7%. Trong đó, tổng chi phí bồi thường bảo hiểm giảm 4%, xuống còn 351 tỉ đồng, ngược lại chi phí khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 12% lên 287 tỉ đồng.
Kết quả, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo hiểm PJICO tăng từ 186 tỉ lên hơn 248 tỉ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt mức 27,7%, trong khi cùng kỳ năm trước ở mức 22,8% cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi của PJICO cải thiện.
Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 32 tỉ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập khác tăng từ 3,6 tỉ lên 7,1 tỉ đồng.
Ở chiều ngược lại, các chi phí cũng ghi nhận tăng mạnh. Chi phí hoạt động tài chính ở mức 6,1 tỉ đồng, tăng 7%; chi phí quản lý doanh nghiệp 195 tỉ đồng, tăng 40%; chi phí khác 1,7 tỉ đồng. Kỳ này và cùng kỳ năm trước, PJICO không còn ghi nhận khoản doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư.
Kết quả kinh doanh của Bảo hiểm PJICO quý I/2024. Ảnh chụp màn hình BCTC PJICO
Kết quả, Bảo hiểm PJICO ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 67,7 tỉ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình kết quả kinh doanh, PJICO cho biết, lợi nhuận sau thuế quý I/2024 tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do doanh thu hoạt động tài chính kỳ này tăng.
Trong năm 2023, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PJICO đạt 3.226 tỉ đồng, tăng 5% so với năm 2022. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng tăng mạnh 68% lên 136 tỉ đồng.
Sau khi hạch toán các chi phí, PJICO báo lãi 229 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2022. Công ty giải trình khoản lãi 2022 tăng do doanh thu hoạt động tài chính và hoa hồng nhượng tái bảo hiểm năm 2023 tăng so với năm trước.
Như vậy, có thể thấy tăng trưởng lợi nhuận của PJICO năm 2023 và quý đầu năm nay chủ yếu đến từ sự tăng trưởng doanh thu hoạt động tài chính.
Nợ phải trả gấp 3 lần vốn chủ sở hữu
Tại ngày 31.3.2024, tổng tài sản PJICO đạt 7.547 tỉ đồng, tăng nhẹ 1,3% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn đạt 3.873 tỉ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm. Phần lớn trong đó là tiền gửi có kỳ hạn với 3.666 tỉ đồng, tăng nhẹ 1,9 tỉ đồng.
Công nợ phải thu cuối quý I đạt 605 tỉ đồng, biến động không đáng kể so với đầu năm. Trong đó phần lớn là khoản phải thu của khách hàng với 479 tỉ đồng và khoản phải thu khác với 172 tỉ đồng. Đáng chú ý, PJICO phải trích lập dự phòng tới 51 tỉ đồng cho các khoản phải thu khó đòi.
PJICO trích lập dự phòng 51 tỉ đồng cho các khoản phải thu khó đòi. Ảnh chụp màn hình PJICO
Một khoản mục chiếm tỉ trọng khá lớn trong cơ cấu tài sản của PJICO là tài sản tái bảo hiểm với 1.624 tỉ đồng, giảm nhẹ 3,6% so với đầu kỳ. Trong đó dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm 691 tỉ đồng, dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm 933 tỉ đồng.
PJICO có các khoản đầu tư tài chính dài hạn đạt 571 tỉ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm. Chủ yếu là đầu tư trái phiếu với 430 tỉ đồng, đầu tư cổ phiếu 94,7 tỉ đồng và đầu tư dài hạn khác 63 tỉ đồng. Công ty trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư này 16,5 tỉ đồng.
Tại thời điểm cuối quý I/2023, nợ phải trả của PJICO ở mức 5.725 tỉ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm, phần lớn là nợ ngắn hạn với 5.670 tỉ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm.
Trong cơ cấu nợ ngắn hạn, phần lớn là các khoản dự phòng nghiệp vụ với 4.148 tỉ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với đầu năm. Trong đó dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm ở mức 2.116 tỉ đồng, dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm 1.632 tỉ đồng, dự phòng dao động lớn 399 tỉ đồng.
Nợ phải trả của PJICO cao gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu. Ảnh chụp màn hình BCTC PJICO
Nợ vay ngắn hạn cuối quý I/2024 đạt 324 tỉ đồng, tăng 9,4%; phải trả người bán 548 tỉ đồng, tăng 12,5%; phải trả người lao động 250 tỉ đồng...
Vốn chủ sở hữu PJICO tại ngày 31.3.2024 đạt 1.821 tỉ đồng, giảm 2,3% so với đầu năm. Như vậy, số nợ phải trả 5.725 tỉ đồng, cao gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu.
Về dòng tiền, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ ghi nhận dương 152 tỉ đồng; dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 39 tỉ đồng do tiền chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác lên tới 445 tỉ đồng; dòng tiền tài chính âm 86 tỉ đồng do tiền chi trả nợ gốc vay 102 tỉ đồng,…
Việc nợ phải trả cao hơn vốn chủ sở hữu có nghĩa nguồn vốn của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nợ, doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu theo tỉ lệ đòn bẩy tài chính thì 1/1 được tính là bình thường, có nghĩa 1 đồng vốn chủ sở hữu, thì nợ phải trả cũng là 1 đồng. Thậm chí, tỉ lệ 2/1 cũng không phải quá rủi ro, tình trạng báo động là tỉ lệ lên đến 3/1.
Tuy nhiên, mỗi ngành nghề có một tỉ lệ đòn bẩy khác nhau. Trong đó đối với ngành bảo hiểm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu 3/1 là ở mức chấp nhận được.