Những ngày đầu tháng 5/2024, quan sát trên thị trường tiền tệ có thể thấy nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Đơn cử như tại Sacombank tăng 0,4%/năm lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng áp dụng cho sản phẩm tiền gửi online, lên lần lượt 2,7% và 2,9%/năm. Với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tăng thêm 0,5%/năm, lên mức 3,2%/năm. Ở các kỳ hạn dài hơn, như 6 tháng và 12 tháng, lãi suất huy động tăng thêm lần lượt 0,3%/năm và 0,2%/năm.
Hay tại BVBank cũng đã tăng lãi suất huy động lần thứ 2 kể từ cuối tháng 4 với mức tăng từ 0,1%-0,2/năm cho các kỳ hạn từ 1-2 tháng. Sau khi điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức 4,25%/năm. Bên cạnh đó, nhiều nhà băng khác như TPBank, VIB, PVComBank… cũng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1%-0,5%/năm. Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, đây là động thái đáng chú ý của các nhà băng sau một thời gian dài lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục. Chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang có tín hiệu khởi sắc, dòng tiền có dấu hiệu đi khỏi ngân hàng, việc nâng lãi suất huy động là tất yếu để có thể giữ chân dòng tiền.
Mặt bằng lãi suất cho vay vẫn được duy trì ổn định, dự báo hoạt động tín dụng có thể sẽ tăng trưởng tốt hơn trong những tháng tới
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế. Lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng lại 0,5 - 1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024.
Công ty chứng khoán VDSC nhận định, diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng cũng như diễn biến chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Động thái tăng lãi suất huy động khiến doanh nghiệp lo lắng về mặt bằng lãi suất cho vay có khả năng tăng, trong khi doanh nghiệp đang bắt đầu bước vào thời kỳ phục hồi và cần dòng tiền xoay vòng sản xuất, kinh doanh. Song, giới chuyên gia nhận định, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giữ ổn định, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Mới đây, tại Chỉ thị số 14/CT-TTg mới ban hành, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu ngành Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, các ngân hàng không chỉ giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, mà còn tích cực tung ra nhiều gói vay ưu đãi đối với nhiều nhóm doanh nghiệp. Chẳng hạn, Agribank đang dành hơn 180.000 tỷ đồng vốn ưu đãi lãi suất thấp cả ngắn, trung và dài hạn hỗ trợ khách hàng sản xuất, kinh doanh tại nhiều lĩnh vực: 10.000 tỷ đồng vốn ưu đãi triển khai chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối đa 2,5%/năm so với sàn lãi suất cho vay phục vụ nhu cầu đời sống (chỉ từ 4,0%/năm); Agribank dành 15.000 tỷ đồng tài trợ các dự án đầu tư thuộc 6 ngành trọng điểm và dự án thuộc lĩnh vực xanh với lãi suất ưu đãi dành cho các khoản vay trung và dài hạn, cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 6,0%/năm…
Tại BAC A BANK, ngân hàng này tiếp tục tung ra gói tín dụng “Nhận vốn ưu đãi - Đón đầu thời cơ” với tổng hạn mức chương trình lên tới 5.000 tỷ đồng. Theo đó, đối với các khoản vay thời hạn tối đa 3 tháng, BAC A BANK áp dụng lãi suất cố định 6,6%/năm. Ưu đãi hấp dẫn trong ngắn hạn này phù hợp với mô hình kinh doanh linh hoạt, giúp nhiều doanh nghiệp chớp nhanh cơ hội kinh doanh trong giai đoạn kinh tế phục hồi.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp SME, ABBANK cho biết, đang triển khai chương trình gói tín dụng “Kết nối nhu cầu – Mở rộng giải pháp” với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm và tổng hạn mức của các gói vay lên tới 5.000 tỷ đồng. Chương trình gói vay ưu đãi này được triển khai từ nay đến hết 30/9/2024.
Là chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gạo xuất khẩu tại Cần Thơ, anh Quang thường xuyên phải xoay vốn nhanh cho các đợt thu mua, xay xát số lượng lớn khi vào mùa vụ. Anh Quang phấn khởi cho biết, hiện nay, ngân hàng không chỉ ưu đãi sâu về lãi suất mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay. Từ đó giúp doanh nghiệp “phản ứng nhanh” để hoàn thành một số mục tiêu kinh doanh trong ngắn hạn. Ngoài ra, là khách hàng lâu năm của ngân hàng nên doanh nghiệp của anh Quang cũng được hưởng lợi khi phát sinh các nhu cầu giao dịch, thanh toán quốc tế, chi trả lương cho nhân viên…
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê mới đây, tình hình kinh tế đang dần được cải thiện, đơn hàng, các đối tác thương mại lớn đã đặt hàng trở lại. Kết quả khảo sát của đơn vị này cũng cho thấy có đến 91,7% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh của quý II/2024 sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024.
Với việc mặt bằng lãi suất cho vay vẫn được duy trì ổn định dự báo hoạt động tín dụng có thể sẽ tăng trưởng tốt hơn trong những tháng tới. Theo ông Đinh Đức Quang, hoạt động kinh tế hồi phục hỗ trợ sự tự tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất, tiêu dùng. Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch Covid-19 cũng cho thấy, tín dụng trong nước vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý đầu năm, và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II hàng năm, sau đó tăng dần trong các tháng còn lại của năm.
Tại kết quả khảo sát do Vụ Dự báo Thống kê NHNN công bố mới đây cho thấy, các TCTD dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 3,8% trong quý 2/2024 và tăng 13,6% trong năm 2024. Nhiều đơn vị phân tích cũng dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ bứt tốc từ quý II nhờ vào sự hồi phục của tăng trưởng kinh tế khi hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài diễn biến tích cực.
https://thoibaonganhang.vn/lai-suat-cho-vay-se-tiep-tuc-on-dinh-151604.html