Lãi suất “nhích” nhẹ dòng tiền sẽ về đâu?

Việc giá vàng liên tục biến động, tỷ giá ngoại tệ chưa giảm, lãi suất huy động đang rục rịch tăng trở lại đặt ra câu hỏi đối với các nhà đầu tư nên hướng dòng tiền vào kênh nào trong thời gian tới?

Mua bán vàng tại Công ty kinh doanh vàng bạc Mạnh Hải, phố Hoàng Cầu, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Trên thực tế, giá vàng SJC thời gian gần đây được niêm yết quanh mốc 90 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, thậm chí có thời điểm còn phá kỷ lục, đạt trên 92 triệu đồng/lượng. So với thời điểm đầu năm, giá vàng trong nước đã tăng hơn 20% giá trị.

Trong khi đó, tỷ giá VND/USD cũng chứng kiến nhiều phiên tăng mạnh, nhất là giai đoạn giữa tháng 4/2024. Đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 5% so với đầu năm và chưa có dấu hiệu suy giảm.

Còn với tiền gửi ngân hàng, riêng trong nửa đầu tháng 5 đã có khoảng 20 ngân hàng điều chỉnh nhích tăng lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn với bước tăng phổ biến từ 0,2-0,4%/năm so với trước đó.

Theo khảo sát của phóng viên TTXVN, lãi suất huy động cao nhất đối với tiền gửi 3 tháng hiện từ 3,2-3,5%/năm, niêm yết tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)... Lãi suất thấp nhất cho kỳ hạn này là 1,9-2%/năm, niêm yết tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)...

Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiền gửi cao nhất từ 4,5-4,7%/năm tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank)... Lãi suất thấp nhất cho cùng kỳ hạn từ 2,9-3%/năm cũng tại Agribank, Vietcombank, SCB...


Khách hàng giao dịch tại Vietbank. Ảnh: BNEWS phát

Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cao nhất phổ biến từ 5-5,4%/năm tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank), Kienlongbank... và thấp nhất từ 3,7-4,1%/năm tại SCB, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)...

Các mức lãi suất huy động trên dù đã tăng nhẹ, nhưng nếu so sánh với lãi suất của hơn 1 năm trước vẫn còn cách rất xa. Cùng thời điểm này năm ngoái, khách hàng gửi tiền tiết kiệm ngân hàng với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đã có thể được hưởng lãi suất từ 9%/năm, có kỳ hạn còn tiệm cận ngưỡng 11%/năm.

Sự suy giảm của dòng tiền gửi vào ngân hàng khi lãi suất huy động neo thấp trong một thời gian dài đã được phản ánh trong thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước. Tiền gửi của cả khách hàng doanh nghiệp và dân cư đều giảm mạnh trong tháng đầu năm 2024.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 1/2024, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm hơn 165.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Tương tự, tiền gửi của dân cư cũng xuống mức gần 6,5 triệu tỷ đồng, giảm hơn 34.600 tỷ đồng trong tháng đầu năm 2024.

Theo Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, lãi suất huy động quá thấp sẽ khiến người dân bỏ qua kênh tiền gửi ngân hàng mà tìm đến các kênh đầu tư khác. Với tỷ lệ lạm phát hiện từ 3-4% thì lãi suất tiền gửi tiết kiệm thực dương phải từ 4%/năm trở lên.


Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Trong bối cảnh các kênh đầu tư liên tục biến động mạnh, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế khuyến cáo các nhà đầu tư nên phân nhỏ rủi ro, tránh "để trứng vào một giỏ".

"Các nhà đầu tư cá nhân cần cẩn trọng phân bổ dòng tiền, tránh đi vay mượn, dùng tiền kinh doanh hoặc tiền lương ra để đầu tư vàng, bất động sản, chứng khoán... thay vào đó là sử dụng tiền nhàn rỗi, tiền tiết kiệm cá nhân để đầu tư. Bởi lẽ, trong trường hợp đầu tư không thành công thì khoản lỗ khi dùng tiền nhàn rỗi sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến công việc kinh doanh và cuộc sống hàng ngày", ông Hiếu chia sẻ.

Đánh giá về các kênh đầu tư thời điểm này, ông Hiếu cho rằng dù giá vàng từ đầu năm đến nay tăng nhanh nhưng với nhiều biện pháp can thiệp thị trường đang được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo triển khai, giá vàng trong thời gian tới có thể chững lại và đi xuống. Còn với bất động sản, giá trị thời gian tới sẽ khó giảm.

Trên thị trường chứng khoán, vị chuyên gia dự báo nếu hoạt động kinh tế trở nên sôi động hơn, nhiều mã chứng khoán uy tín và ổn định về giá có thể là kênh đầu tư phù hợp. Nhưng thị trường chứng khoán trong nước cũng vẫn còn những biến động khó đoán định do chịu tác động từ thị trường thế giới và phản ứng về lãi suất. Còn với tiền gửi ngân hàng, lãi suất huy động dù điều chỉnh nhưng mức tăng vẫn chưa đủ hấp dẫn dòng tiền.

"Các nhà đầu tư nên theo dõi thị trường một cách chặt chẽ để không quá hào hứng "tất tay" đổ tiền vào vàng, chứng khoán, bất động sản... thời điểm này mà cần tính toán cẩn thận, dàn trải rủi ro trên các kênh đầu tư", ông Hiếu nhấn mạnh.

Phân tích thêm về triển vọng đầu tư trên thị trường chứng khoán, ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE, cho rằng đã có rất nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2024 phản ánh xu hướng phục hồi. Đối với các nhà đầu tư dài hạn, đây là cơ hội để lựa chọn những doanh nghiệp phù hợp đầu tư trong năm 2024.

Còn với kênh tiền gửi ngân hàng, Báo cáo vĩ mô tiền tệ của WG phát hành mới đây nhận định lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước, nhưng mặt bằng chung của lãi suất tiền gửi các kỳ hạn ở tất cả các nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Điều này cho thấy, thanh khoản tại các ngân hàng thương mại vẫn ở mức dồi dào. WG cho rằng, lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trước khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại trong nửa cuối năm.

Lê Phương-Link gốc

https://bnews.vn/lai-suat-nhich-nhe-dong-tien-se-ve-dau/333260.html