Lãi suất tiền gửi liên tục tăng kể từ tháng 4 trở lại đây đã thu hút người dân tìm kiếm ngân hàng để gửi gắm khoản tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, sau vụ việc của SCB, tâm lý người dân đã thận trọng hơn trong việc “chọn mặt gửi vàng”.
Gửi tiền ngân hàng nào để nhận lãi cao nhất?
Theo khảo sát, ở thời điểm hiện tại đã xuất hiện 2 ngân hàng có mức lãi suất trên 6%/năm là OCB và OceanBank. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất đang là 6,1%/năm, được OceanBank áp dụng cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng. Ngân hàng này cũng có mức lãi suất kỳ hạn 24 tháng cao nhất thị trường với 6%/năm.
Hình minh họa.
Đứng thứ hai là ngân hàng OCB với lãi suất kỳ hạn 36 tháng gửi online là 6%/năm và kỳ hạn 24 tháng là 5,8%/năm.
Tiếp đến, có 3 ngân hàng cùng niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 36 tháng là 5,8% bao gồm VietBank, Saigonbank và SHB. Mặc dù vậy mức lãi suất kỳ hạn 24 tháng của các nhà băng này lại không giống nhau. Trong đó, VietBank đang niêm yết mức lãi 5,8%/năm; Saigonbank niêm yết mức lãi 5,7%/năm trong khi SHB có mức lãi tiền gửi 24 tháng là 5,5%/năm.
Theo đến là NCB với mức lãi suất đồng nhất từ 18 tháng đến 36 tháng là 5,7%/năm. Trong khi đó, LPBank và TPBank đều có mức lãi tiền gửi từ 24 tháng đến 36 tháng là 5,6%/năm.
Ngoài ra, ngân hàng HDBank đang dẫn đầu ở kỳ hạn 18 tháng với lãi suất lên đến 5,9%/năm. Nhưng kỳ hạn 24 - 36 tháng tại HDBank chỉ có mức lãi 5,5%/năm, mức lãi suất này cũng được áp dụng tương tự với ngân hàng Kienlongbank.
Tính riêng kỳ hạn 12 tháng, OceanBank tiếp tục có mức lãi suất cao nhất thị trường với 5,4%/năm. Tiếp theo là mức lãi suất 5,2%/năm của VietBank, NCB, và KienLong Bank cao thứ nhì thị trường.
Ở nhóm ngân hàng quốc dân, VietinBank là ngân hàng duy nhất tăng lãi suất huy động trong tháng 5 này, hiện duy trì mức lãi suất 5%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 24 - 36 tháng.
Trong khi 3 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh còn lại bao gồm Vietcombank, Agribank và BIDV đều đang niêm yết lãi suất huy động dưới 5%/năm ở các kỳ hạn. Thậm chí lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng tại Vietcombank và Agribank còn được niêm yết dưới 2%/năm.
Ngân hàng nào “hút” nhiều tiền gửi nhất?
Theo thống kê, BIDV đang dẫn đầu về tiền gửi, trong quý I, tiền gửi khách hàng tại ngân hàng này tăng 1,8% so với cuối năm trước, đạt hơn 1,73 triệu tỷ đồng.
Tiếp đến là VietinBank và Vietcombank với tổng tiền gửi đến hết tháng 3/2024 lần lượt là 1,42 triệu tỷ đồng và 1,34 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quý I, lượng tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank sụt giảm hơn 48 nghìn tỷ đồng (tương đương giảm 3,5%). Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm mạnh hơn tiền gửi có kỳ hạn, theo đó tỷ lệ CASA của Vietcombank từ 35,2% giảm xuống còn 34,7%. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn giữ vị trí số 3 về lượng tiền gửi.
Hiện, còn Agribank chưa công bố báo cáo tài chính chi tiết nhưng riêng lượng tiền gửi ngân hàng của 3 nhà băng kể trên đã chiếm đến gần 46% tổng tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống, tương ứng đạt gần 4,49 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm ngoái.
Ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, top 5 nhà băng có lượng tiền gửi cao nhất là MB đạt hơn 558 nghìn tỷ đồng; Sacombank: 533 nghìn tỷ đồng, ACB: hơn 492 nghìn tỷ đồng, Techcombank: hơn 458 nghìn tỷ đồng và VPBank là 455 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng tiền gửi trong 3 tháng đầu năm, LPBank là ngân hàng có tốc độ tăng mạnh nhất với mức tăng 10,4%. Theo đó, số dư tiền gửi của khách hàng tại LPBank đã lên gần 262 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 11 trong 27 ngân hàng niêm yết.
Nhóm các nhà băng tư nhân có mức tăng trưởng tiền gửi trên 4% gồm: SeABank tăng 6,6% lên mức gần 155 nghìn tỷ đồng; Sacombank tăng 4,4%; MSB tăng 4,1%; NCB tăng 4,3%; BVBank tăng 4,4%; PGBank tăng 4,2%.
Đáng chú ý, ABBank là ngân hàng sụt giảm tiền gửi mạnh nhất, ghi nhận giảm đến 16,5% trong 3 tháng xuống còn hơn 83 nghìn tỷ đồng.
Tiếp đến là TPBank ghi nhận sụt giảm 8,4%; MB giảm 1,5%; Kienlongbank giảm 1,2%; VIB giảm 1%; SHB giảm 0,7%; BacABank giảm 0,3%; Saigonbank giảm 0,2%.