Sau đợt “sóng” đón khách du lịch vào dịp lễ vừa rồi, tỉnh Quảng Bình lại trở về “yên lặng” khi lượng khách ngày thường và cuối tuần thưa thớt. Tỉnh đang có những giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch của mình duy trì ổn định hơn.
Bãi biển Nhật Lệ, một trong những điểm du lịch được du khách chọn lựa vào các dịp lễ. Ảnh: Công Sáng
Nhiều khó khăn
Theo nhận định chung, du lịch Quảng Bình thường đón khách theo từng “đợt”. Lý giải cho tình hình này, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho rằng, đa số du khách lựa chọn những dịp lễ, Tết, nghỉ dài ngày nhằm thực hiện những chuyến du lịch xa, vừa du lịch khám phá vừa nghỉ ngơi. Nên ngày thường và cuối tuần vẫn chưa thu hút khách như kỳ vọng.
Tiếp nữa, nhu cầu của du khách hiện nay thường hướng đến sản phẩm của từng địa phương, như mùa hoa ban, hoa tam giác mạch… Trong khi đó, Quảng Bình chưa có được sản phẩm ấn tượng riêng như vậy.
Ông Quý thông tin, trên địa bàn tỉnh, số lượng nhà đầu tư những dự án, chuỗi dịch vụ lưu trú, khu vui chơi giải trí lớn vẫn còn thiếu. Cùng đó, khách đường hàng không, đường biển còn hạn chế.
Quảng Bình vẫn đang chật vật trong việc thu hút khách du lịch xuyên suốt cả năm. Ảnh: Công Sáng
Một điều người đứng đầu ngành du lịch tỉnh thừa nhận, người dân Quảng Bình chưa chuyên nghiệp trong cách thức làm du lịch, lực lượng lao động tại chỗ thường xuyên thay đổi, không ổn định; nên việc đầu tư đào tạo, nâng cao tay nghề chưa thể xuyên suốt.
“Vừa qua, việc nhiều khách du lịch phàn nàn về dịch vụ ở các khách sạn tại Quảng Bình, nếu không điều chỉnh sẽ làm cản trở đến chất lượng” - ông Quý nói.
Hiện nay, bên cạnh “Vương quốc hang động”, Quảng Bình vẫn cần thêm các loại hình khác để tạo ra một chuỗi sản phẩm khác biệt nhằm thu hút du khách đến tận hưởng giá trị nguyên sơ, nguyên bản của thiên nhiên.
“Việc nghiên cứu chiến lược để tạo ra một chuỗi các hoạt động thu hút khách vẫn đang là điều mong muốn của ngành du lịch” - ông Quý kỳ vọng.
Triển khai nhiều loài hình du lịch
Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình thông tin thêm, thời gian qua, ngành đã thực hiện số phần việc như: vận động doanh nghiệp phối hợp; tham mưu UBND tỉnh trong việc cấp phép, chấp thuận chủ trương đầu tư các hoạt động du lịch, dịch vụ như: Bang Onsen; một số tuyến du lịch sinh thái trên khu vực Tây Nam, đặc biệt tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, dọc dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam, từ huyện Quảng Ninh vào đến Lệ Thuỷ.
Ông Quý nhận định: “Đây là một loại hình du lịch mới mà Quảng Bình chưa có. Khi thực hiện những tour du lịch sinh thái kết hợp với sử dụng dịch vụ suối nước nóng ở Bang có thể hấp dẫn khách du lịch mà không bị thời tiết tác động đến”.
Trong thời gian tới, để thu hút lượng khách xuyên suốt, ngành du lịch tỉnh đang hướng đến mở một số loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; tăng dung lượng đón khách vào dịp cuối năm, tổ chức các lễ hội… Qua đó, có thể tăng lưu trú, cũng như thu hút lượng khách đến với tỉnh trong mùa thấp điểm.
Về lâu dài, tỉnh tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch như trong quy hoạch tỉnh 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó hướng đến là trung tâm du lịch mạo hiểm của Châu Á vào năm 2030.
Hiện nay, tỉnh đang rà soát quy hoạch lại các địa điểm để có thể tổ chức, mời gọi các doanh nghiệp đến nhằm triển khai các dự án du lịch mạo hiểm. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tổ chức các hội nghị kêu gọi thu hút đầu tư với các lĩnh vực chuyên ngành như du lịch mạo hiểm, một số sản phẩm du lịch tiềm năng mới.