Học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân sẽ có tinh thần thượng tôn pháp luật, chia sẻ với xã hội, tạo ra giá trị đích thực cho xã hội...
Phải phát huy sáng kiến và cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất và thực hành tiết kiệm... là tư tưởng văn hoá kinh doanh Hồ Chí Minh.Hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 – 19/05/2024), ngày 14/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh”.
Diễn đàn được tổ chức nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động học tập và làm theo đạo đức, phong cách, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới và góp phần thúc đẩy văn hóa kinh doanh vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
TƯ TƯỞNG VĂN HÓA KINH DOANH CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Đặc biệt, đối với giới công thương, Người khẳng định, giới công thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân, là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước, thành viên của mặt trận Việt Minh.
Người cũng nhấn mạnh, giới công thương phải đồng hành với dân tộc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Theo Người, muốn trở thành người kinh doanh giỏi phải không ngừng học tập, khổ công rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh.
Do đó, doanh nhân cần phải có đủ các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tri thức chuyên môn vững vàng, nắm vững pháp luật, sâu sát thực tế, lý trí vững chắc, bản lĩnh kiên cường, tình cảm trong sáng, kết hợp giữa chính trị và khoa học, chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật, đặc biệt quan tâm tới việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu cửa quyền…
"Đến nay tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá kinh doanh vẫn còn nguyên giá trị với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam", Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ tại diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh” ngày 14/5.
Minh chứng, gần đây nhất, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước”.
Nghị quyết cũng đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó dành hẳn một nhóm nhiệm vụ giải pháp về “Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
VĂN HOÁ KINH DOANH TRUNG THỰC VÀ CÓ ĐẠO ĐỨC
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty CP Shinec, chia sẻ Shinec luôn coi văn hoá doanh nghiệp là trục xuyên tâm để phát triển bền vững. Văn hóa kinh doanh có đạo đức là nền tảng của sự phát triển bền vững.
Với mục tiêu duy trì vị thế, thương hiệu, danh tiếng của Công ty Cổ phần Shinec, ngoài tuân thủ các quy định pháp luật, doanh nghiệp đã xây dựng cuốn "Nội quy lao động", nhằm đặt ra các quy tắc ứng xử chung, xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ nhân viên.
“Từ văn hoá kinh doanh trung thực và có đạo đức, Shinec đã xây dựng nên văn hoá doanh nghiệp riêng của chính mình. Văn hoá kinh doanh luôn được điều chỉnh để phù hợp với thực tế của xã hội và luôn gắn với 4 yếu tố cốt lõi theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: sản xuất phải nhanh, nhiều, tốt, rẻ; thực thà, tôn trọng người tiêu dùng; thi đua; học hỏi kinh nghiệm”, ông Điệp cho hay.
Shinec đã có gần 23 năm xây dựng và phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp tàu thuỷ, đến phát triển và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp.
Dù trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nào, Shinec cùng đều luôn lấy yếu tố đặt lợi ích của đối tác, bạn hàng lên hàng đầu. Nhờ đó, Shinec đã đạt được nhiều bước tiến lớn, đặc biệt là trong lĩnh lực đầu tư và kinh doanh hạ tầng.
Tại Shinec, việc đặt lợi ích của đối tác, bạn hàng còn phải được lồng ghép với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Nên ngay từ khi bắt tay xây dựng Khu công nghiệp đầu tiên của Shinec là Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng, doanh nghiệp này đã muốn xây dựng nơi đây thành mô hình điểm, thành khu công nghiệp sinh thái kiểu mẫu phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Phong trào học tập và nghiên cứu khoa học cũng được đẩy mạnh thông qua sáng kiến Câu lạc Eco Nam Cầu Kiền. Công ty cũng thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo cho người lao động về chuyên môn và công tác quản trị để nâng cao năng lực của người lao động.
Không chỉ với Shinec, doanh nghiệp này còn lan toả tinh thần, văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp tới hệ sinh thái các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Nam Cầu Kiền và trong các khu, cụm công nghiệp khác trong cả nước mà Shinec đang đầu tư.
“Thực tế từ Shinec, tôi khẳng định, văn hoá doanh nghiệp là hồn cốt của doanh nghiệp, làm nên giá trị thương hiệu của doanh nghiệp và giá trị sản phẩm của xã hội. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đúng trong mọi góc độ của giá trị dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Và trong cơ chế thị trường, xây dựng và phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, mỗi doanh nhân là những chiến sĩ thời bình thực hiện nhiệm vụ trên mặt trận kinh tế để chấn hưng đất nước”, ông Điệp nhấn mạnh.
TRUNG THỰC, TÔN TRỌNG KHÁCH HÀNG
PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Giám đốc Công ty TNHH Nấm Linh Chi, cho rằng các doanh nghiệp hiện nay đã và đang có nhiều cơ hội để phát triển và hội nhập quốc tế, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều thách thức, khó khăn đòi hỏi phải vượt qua, đưa doanh nghiệp phát triển mà vẫn giữ được nền tảng văn hóa của dân tộc, hòa nhập mà không hòa tan.
Trong bối cảnh này, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy trách nhiệm với cộng đồng, tạo dựng lòng tin, sự ủng hộ của khách hàng.
Bác Hồ đã nhấn mạnh, doanh nhân phải nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện tác phong làm việc khoa học. Văn hóa kinh doanh là xây dựng môi trường làm việc có văn hóa lành mạnh, phát huy và thực hành dân chủ, là tôn trọng sức lao động và quan tâm tới đời sống của người lao động, là trung thực không có hàng nhái hàng kém chất lượng. Đó là tiền đề cốt lõi tạo nên một doanh nghiệp hùng mạnh và bền vững.
Văn hóa kinh doanh hôm nay theo tư tưởng của Bác là chú trọng xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa và đạo đức của người lãnh đạo. Trong một doanh nghiệp, lãnh đạo mà có đạo đức thì mới là tấm gương và lãnh đạo được doanh nghiệp phát triển.
Học tập phong cách đạo đức Hồ Chí Minh, tập thể cán bộ, người lao động trong toàn công ty Nấm Linh Chi luôn đoàn kết, tương thân tương ái cùng nhau xây dựng môi trường làm việc khoa học và văn hóa, chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và kinh doanh để nâng cao hiệu quả công việc.
Vì vậy, từ một vài sản phẩm đến nay doanh nghiệp này đã có gần 30 sản phẩm khác nhau được phân phối trên thị trường tạo nên ngành sản xuất nấm có giá trị cho Việt Nam.