DPR có thể là GVR thứ 2
Thank bài viết của team @LTBNM, rất chất lượng!!
Quý này team thấy ngành bán lẻ khá sáng với những câu chuyện phục hồi rõ ràng như MWG MSN VNM DGW . Các bài viết về các mã này team lần lượt sẽ lên bài trong thời gian tới
nay có nhóm may mặc đang nhận tin tốt đang phản ứng khá tích cực. Các nhóm ngành khác cá nhân mình thấy cần chờ thêm các thông tin hỗ trợ như dữ liệu xnk tháng 7 hay thông tin về Mỹ công nhận Việt Nam là nền kte thị trường
thks ad, ngóng ạ
Trong suốt 2022-2023 VND gặp vô vàn khó khăn với những vấn đề liên quan tới trái phiếu Trung Nam rồi thị trường chung thì sang 2024 lại gặp vụ tin tặc tấn công vào cuối Q1-2024 khiến tình hình kinh doanh càng khó khăn hơn gấp bội phần. Vậy liệu có phải tự nhiên mà nhiều khó khăn cùng ập tới với VND như vậy không? Và quan trọng nhất là VND liệu sẽ khổ tới khi nào? Tình hình các quý tới sẽ ra sao? Chúng ta sẽ cùng đi phân tích chi tiết trong bài viết này với chúng tôi nhé!
I. Kết quả kinh doanh
Chúng ta sẽ điểm qua kết quả kinh doanh để nắm được tình trạng của công ty lúc này cũng như tình hình kinh doanh chi tiết của từng mảng. Kết thúc Q2-2024 VND ghi nhận doanh thu thuần đạt 1,458 tỷ đồng, giảm 9.1% yoy. Tuy nhiên do chi phí hoạt động tăng cao khiến cho lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế đều giảm khá nhiều so với cùng kỳ. Cụ thể lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ ghi nhận lãi 345 tỷ đồng, giảm 19.6% yoy. (Hình 1)
Đáng chú ý sau giai đoạn 2023 kết quả kinh doanh của VND đang trên đà hồi phục tốt cả về doanh thu và lợi nhuận thì 2 quý đầu năm 2024 lại có kết quả đi lùi dần. Chúng ta có thể liên tưởng phần nào ảnh hưởng do vụ tin tặc tấn công nhưng nhìn nhận khách quan thì doanh thu của VND cũng giảm đi khá nhiều so với các quý trước của năm 2023. Cụ thể hơn mức độ ảnh hưởng từng yếu tố chúng tôi sẽ bóc chi tiết trong phần dưới sau.
Bóc tách theo lợi nhuận gộp từng mảng của công ty chúng ta sẽ thấy mảng tự doanh và cho vay của VND giảm rất mạnh trong 2 quý đầu năm 2024, nhất là mảng tự doanh khi đã giảm từ 800 tỷ đồng tại Q4-2023 xuống còn 272 tỷ đồng tại Q2-2024. Cụ thể như hình 2 dưới:
Chi tiết từng mảng kinh doanh ra sao và tiềm năng các quý tới chúng tôi sẽ bóc tách trong phần dưới của bài viết.
II. Bóc tách kinh doanh từng mảng
1. Mảng cho vay
Đây từng là mảng mà VND là một trong những công ty đi tiên phong đẩy mạnh trong giai đoạn 2020-2022 và đó cũng là giai đoạn thành công nhất của VND khi công ty liên tục bứt phá về kết quả kinh doanh cũng như vươn lên top 3 công ty chứng khoán lớn nhất trên sàn Hose. Tuy nhiên những vinh quang đó đã để lại quá khứ khi mà năm 2023 VND đã không thể phục hồi mảng cho vay tích cực trở lại như giai đoạn trước. Trong khi nhiều công ty chứng khoán khác đã ngang bằng hoặc vượt kết quả đạt được năm 2022 thì VND tuy đã hồi phục nhưng vẫn còn cách khá xa so với đỉnh. (Hình 3)
Nguyên nhân cho sự sụt giảm trên đến chính từ 2 nguyên nhân:
- Sau khi đạt đỉnh kết quả cho vay vào Q2-2022 và đạt đỉnh thị phần vào Q1-2022 thì thị phần của VND đã giảm dần từ đó cho tới nay, hiện tới Q2-2024 thị phần của VND chỉ còn 6.46% tại Q2-2024. Thậm chí Q1 còn về mức thấp nhất với 6.01%, qua đó khiến VND đã tụt xuống vị trí thứ 4 xếp sau VPS, SSI và TCBS. Cụ thể thị phần như hình 4 dưới:
Trong thời gian tới nếu không sớm cải thiện thậm chí VND hoàn toàn có thể đánh mất vị trí thứ 4 vào tay HSC khi mà công ty này đang cho thấy sự trở lại mạnh mẽ để dành lại thị phần.
- Nguyên nhân thứ 2 đến từ việc VND đã áp dụng chính sách giảm phí trong giai đoạn 2020-2022 để gia tăng khách hàng và đẩy mạnh cho vay. Tuy nhiên cho tới nay công ty không có nhiều chính sách mới và gần như tất cả các đối thủ khác trên thị trường cũng đã áp dụng chính sách này để thu hút khách hàng, thậm chí còn có thêm nhiều chính sách khác. Điều này khiến cho VND gặp khó trong khoản đẩy mạnh cho vay cũng như chiếm lại thị phần.
Chưa kể VND còn khó khăn hơn nữa trong cuối Q1 và đầu Q2-2024 khi mà công ty gặp phải sự cố bị tin tặc tấn công khiến cho công ty phải ngừng giao dịch trong nhiều ngày để xử lý sự cố. Trong thời gian xử lý công ty đã phải miễn lãi vay cho khách hàng, qua đó khiến doanh thu mảng cho vay sụt giảm mạnh trong 2 quý đầu năm 2024, nhất là Q2. Thậm chí sau khi giao dịch trở lại VND cũng vẫn phải tiếp tục hạ lãi suất cho vay để giữ chân khách hàng cũng như thu hút thêm lượng khách mới nhằm bù đắp phần nào cho một phần khách hàng sẽ chuyển đi sau sự cố.
Đây là cú đánh khá mạnh vào kết quả kinh doanh của VND trong năm 2024. Trong 2 quý tới của năm chúng tôi cho rằng mảng cho vay sẽ dần phục hồi trở lại khi mà hoạt động giao dịch của công ty đã hoạt động bình thường cũng như các chính sách hỗ trợ khách hàng kết thúc. Mức lợi nhuận gộp có thể quay trở lại khoảng 300-350 tỷ đồng trong 2 quý cuối năm 2024. Còn để trở lại mức đỉnh 453 tỷ đồng như tại Q2-2022 vẫn còn là câu chuyện rất khó khăn và cần nhiều thời gian hơn nữa với VND.
Hiện tỉ lệ cho vay/VCSH của VND chỉ ở mức 65% tại Q2-2024 nên áp lực tăng vốn là không có với VND. Tuy vậy trong năm 2024 công ty vẫn có kế hoạch tăng vốn qua đó đưa vốn góp của VND tăng từ hơn 12k tỷ đồng lên hơn 18k tỷ đồng bằng các phương án sau:
- Trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 5%
- Chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 20%, giá 10k/cp
- Chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp 244 triệu cp với giá 10k/cp
- Esop 12 triệu cổ phiếu
Như vậy có thể thấy dù không có áp lực gì về tăng vốn nhưng VND lại có kế hoạch tăng mạnh vốn trong năm 2024. Mục đích của công ty là để có dòng tiền hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn về dòng vốn của mình. Tuy nhiên với giá cổ phiếu chúng tôi cho rằng hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, áp lực tăng vốn không có nhưng lại pha loãng rất nhiều trong thời gian tới sẽ khiến cho giá cổ phiếu VND rất khó có khả năng bật tăng trở lại và khiến cổ đông ngại “lăn chốt” khi mà tình hình kinh doanh của công ty còn quá nhiều khó khăn.
2. Mảng tự doanh (HTM + FVTPL)
Đây là mảng có đóng góp lớn nhất vào tỉ trọng doanh thu, lợi nhuận của VND và cũng là mảng chiếm tỉ trọng tài sản lớn nhất của công ty với 21,114 tỷ đồng mảng FVTPL và 5,462 tỷ đồng HTM. Tổng 2 mảng chiếm tới 58.9% tổng tài sản của công ty. (Hình 5)
Trong tổng hơn 26k tỷ đồng tự doanh của VND thì đa phần là trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi. Cụ thể tổng trái phiếu đạt 10,776 tỷ đồng, chiếm 40.6% tỷ trọng. Chứng chỉ tiền gửi + tiền gửi có kỳ hạn đạt 12,852 tỷ đồng, chiếm 48.2% tỷ trọng. Như vậy chỉ còn lại 11.2% tỷ trọng là cổ phiếu các loại như VPB, HSG, C4G, … Cụ thể như ảnh 6 dưới:
Như vậy có thể thấy VND đang có chiến lược khá kỳ lạ so với giai đoạn trước, tức công ty hiện tại lại có phần kinh doanh theo kiểu chắc chắn khi phần lớn tiền của mình được dùng để mua trái phiếu cũng như gửi ngân hàng để lấy lãi. Trong bối cảnh thị trường chung đang hồi phục cùng với đó là nền lãi suất thấp thì đúng là kỳ lạ thật. Trong 2 quý gần đây của năm 2024 tuy doanh thu không giảm mấy (do tài sản FVTPL có phần giảm) nhưng giá vốn lại tăng cao, nhất là Q2-2024 khiến cho lợi nhuận gộp giảm mạnh. (Hình 7)
Chúng tôi cho rằng khả năng cao là do VND đã hạch toán các chi phí phát sinh cho vụ tin tặc tấn công vào cuối Q1, đầu Q2-2024 vào giá vốn của phần này (chi phí chuộc dữ liệu, chi phí khắc phục sự cố,…) khiến cho giá vốn tăng cao và đẩy lợi nhuận giảm. Trong các quý tới khi mà không phát sinh các chi phí như vậy cùng với việc tài sản FVTPL trong Q2 tăng mạnh trở lại (chủ yếu tăng vào trái phiếu và tiền gửi) sẽ giúp cho mảng tự doanh của VND hồi phục lợi nhuận trở lại. Dự kiến lợi nhuận gộp tại 2 quý cuối năm có thể đạt 700-800 tỷ đồng mỗi quý.
Tuy nhiên trái phiếu của VND vẫn luôn là khoản mang lại nhiều lo lắng cho các cổ đông khi trong suốt thời gian qua các thông tin về rủi ro trái phiếu Trung Nam luôn treo trên đầu. Được biết Trung Nam là một trong các bên mà VND mua trái phiếu nhiều nhất và trong thời gian qua và doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh khiến cổ đông lo lắng họ sẽ không thể trả lãi cũng như thực hiện nghĩa vụ tất toán khi trái phiếu hết hạn. Cho tới hiện tại thì các khoản lãi vẫn được thanh toán đúng hẹn phần nào giảm thiểu các rủi ro trên nhưng nếu đầu tư vào VND quý nhà đầu tư vẫn cần chú ý cập nhật các thông tin liên quan tới vấn đề trên vì lượng trái phiếu mà VND mua của Trung Nam là khá lớn và sẽ có ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh cũng như dòng vốn của công ty nếu có rủi ro phát sinh.
III. Tổng kết và định giá
Như vậy với việc phân tích chi tiết 2 mảng kinh doanh chính của VND trong 2 quý qua cùng với tiềm năng các quý tới của VND. Do ảnh hưởng từ vụ tin tặc tấn công đã khiến cho kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm của VND bị sụt giảm khá nhiều so với kết quả đạt được năm 2023. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng đây chỉ là yếu tố ngắn hạn ảnh hưởng và kết quả kinh doanh 2 quý cuối năm của VND sẽ phục hồi trở lại mức tương đương cuối năm 2023 đã đạt được.
Nhưng dù vậy thì chúng tôi vẫn không đánh giá cao VND khi mà các chính sách phát triển cũng như sử dụng vốn trong thời gian qua là không hợp lý. Điều này sẽ khó giúp VND tăng tốc được trong các năm tới và có thể sẽ đánh mất thị phần vào tay các công ty khác trên thị trường nếu không có gì thay đổi trong thời gian tới. Đây mới là lý do chính khiến cho giá cổ phiếu VND sẽ còn rất lâu để trở lại vùng đỉnh giá (khoảng 28-29k/cp) trong thời gian tới trong khi các đối thủ khác đều đã gần đỉnh và vượt đỉnh từ lâu rồi. Về định giá chúng tôi cho rằng VND đang chịu tác động tiêu cực từ cả thị trường chung cũng như báo cáo tài chính Q2-2024 ra khá xấu khiến giá cổ phiếu giảm nhiều thời gian qua. Trong 2 quý tới khi kết quả kinh doanh phục hồi trở lại được thì giá cổ phiếu có thể hồi trở lại được vùng giá khoảng 18-20k/cp. Tuy nhiên phải cần thời gian và mức độ phục hồi của cổ phiếu sẽ là dần dần và chậm hơn mức độ trung bình của ngành chứ không kỳ vọng nhanh được do nội tại doanh nghiệp là không phải tốt.
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-
DCM đã ghi nhận quý thứ 3 tăng trưởng liên tiếp về lợi nhuận nhờ vào việc giảm khấu hao từ nhà máy ure đã hết khấu hao. Như vậy liệu DCM sẽ chỉ còn 1 quý tăng trưởng nữa hay công ty sẽ có tiếp những động lực mới hỗ trợ cho việc tăng trưởng còn có thể kéo dài hơn trong tương lai? Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng phân tích và làm rõ chi tiết về DCM trong thời gian tới sẽ ra sao?
I. Kết quả kinh doanh
Kết thúc Q2-2024 DCM ghi nhận doanh thu thuần đạt 3,863 tỷ đồng, tăng 17.4% yoy. Đáng chú ý lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng, tăng 82.5% yoy. (Hình 1)
Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng được mạnh so với cùng kỳ là nhờ giá vốn giảm (do chi phí khấu hao giảm) và thêm khoản lợi nhuận khác phát sinh trong Q2-2024 với hơn 170 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty thì khoản lợi nhuận đột biến này tới từ khoản lãi do giao dịch mua giá rẻ. (Hình 2)
Dễ hiểu hơn thì đây là khoản mà DCM đã mua công ty NPK Hàn Việt trong Q1-2024 và hoàn tất sát nhập trong Q2-2024 với giá dưới giá trị thực của công ty và khoản chênh lệch này được hạch toán vào khoản thu nhập khác như trên báo cáo tài chính. Cụ thể hơn về việc sát nhập công ty mới cũng như khấu hao giảm chúng tôi sẽ phân tích trong phần dưới.
Về tài chính, DCM luôn duy trì nền tảng tài chính vững mạnh trong các năm gần đây, cuối Q2-2024 công ty sở hữu gần 4k tỷ đồng tiền mặt và hơn 6.9k tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Trong khi đó tổng nợ vay của công ty chỉ ở mức gần 1,500 tỷ đồng. Điều này giúp cho công ty có nền tảng tài chính tốt và mỗi quý còn có thêm một khoản từ lãi gửi ngân hàng. Ngoài ra DCM cũng là doanh nghiệp có mức cổ tức bằng tiền khá đều đặn, gần nhất là mức trả cổ tức 30% trong 2023 và 20% trong 2024. Tính trên thị giá thì mức cổ tức này tương đương lãi khoảng 5-7%/ năm, tương đương lãi gửi ngân hàng chưa kể mức biến động giá.
II. Những động lực hỗ trợ tăng trưởng
Đây là phần chúng ta sẽ phân tích chi tiết từng mảng đã và sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng của DCM trong thời gian qua. Chi tiết sẽ phân tích trong phần dưới nhưng về cơ bản chúng ta có thể thấy trong Q2-2024 việc giảm trích lập giúp DCM tăng khoảng 300 tỷ đồng so với cùng kỳ. Khoản thu nhập khác giúp mang lại 167 tỷ đồng so với cùng kỳ. Như vậy 2 khoản này đã giúp DCM tăng được khoảng 467 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nếu như loại bỏ 2 khoản này ra thì chúng ta có thể thấy dù doanh thu của công ty đã tăng trở lại nhưng lợi nhuận của mảng kinh doanh cốt lõi vẫn gặp khó khăn và giảm so với cùng kỳ. Mức sụt giảm không chính xác nhưng vào khoảng 50% yoy. Chúng ta sẽ phân tích chi tiết phần dưới.
1. Nhà máy ure hết khấu hao
Nhờ vào việc nhà máy ure hết khấu hao từ Q4-2023 đã giúp DCM hưởng lợi khi chi phí khấu hao của công ty giảm mạnh từ Q4-2023 cho tới nay. Đây là chi tiết khoản khấu hao từng quý của DCM từ 2020 cho tới nay (Hình 3):
Như vậy chúng ta có thể thấy so với trước khi nhà máy ure hết khấu hao thì hiện tại mỗi quý DCM chỉ còn phải khấu hao hơn 50 tỷ đồng và giảm khoảng 290 tỷ đồng mỗi quý. Và điều này sẽ giúp DCM có lợi nếu so với cùng kỳ tới hết Q3-2024, tức chỉ còn 1 quý nữa là DCM được hưởng lợi từ việc khấu hao giảm và sau đó sẽ là mức nền thấp được duy trì trong các năm tới.
2. Thâu tóm và sát nhập công ty NPK Việt Hàn (KVF)
DCM đã hoàn tất thương vụ mua lại công ty phân bón Việt Hàn trong Q1-2024 và hoàn thành sát nhập trong Q2-2024. Vốn chủ KVF là 89 triệu $ bao gồm đất và 2 nhà máy của công ty. 2 nhà máy của công ty đã vận hành từ 2018. DCM đã phải chi ra 23.6 triệu $ cho thương vụ trên (17 triệu $ cho phần đất và khoảng 6.6 triệu $ cho 2 nhà máy) đây là mức giá thấp hơn nhiều so với giá trị đầu tư 33 triệu $ cho nhà máy NPK hiện tại của DCM. Chính điều này giúp cho DCM có khoản lợi nhuận đột biết ghi nhận vào bctc Q2-2024 nhờ mua được KVF với giá rẻ hơn giá trị thật trên bctc.
Tuy nhiên đổi lại DCM cũng phải nhận lại KVF trong tình trạng đang kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm nay. Điều này khiến cho khi sát nhập vào kết quả kinh doanh hợp nhất của DCM trong Q2 làm lợi nhuận gộp sau hợp nhất giảm đi. Nhưng DCM mua lại KVF với nhiều tham vọng trong các năm tới, cụ thể là:
- DCM sẽ tăng ngay lập tức công suất sản xuất NPK lên thêm 360k tấn/ năm (công suất nhà máy NPK của DCM trước sát nhập KVF là 300k tấn/năm) qua đó giúp tăng công suất của công ty lên 120%.
- DCM sẽ tận dụng tệp khách hàng và thị trường có sẵn của KVF tại khu vực Đông Nam Bộ và miền Trung để thâm nhập vào 2 khu vực này qua đó giúp công ty mở rộng thêm thị trường cho các sản phẩm của mình bao gồm cả đạm ure. DCM dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1,500 tỷ đồng trong năm 2024 để mở rộng cơ sở hạ tầng xung quanh các khu vực này nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của công ty.
- DCM sẽ tận dụng được việc nhà máy của KVF gần với cảng Hiệp Phước sẽ giúp cho công ty rút ngắn quãng đường vận chuyển, qua đó giúp mua nguyên vật liệu thuận lợi hơn, giảm chi phí logictics
- DCM có tham vọng lớn khi muốn biến sản phẩm NPK trở thành một mũi nhọn mới bên cạnh sản phẩm đạm ure. Tuy sản phẩm NPK mới chỉ được đi vào sản xuất trong 2 năm gần đây nhưng lại đang được DCM chú trọng đầu tư để mở rộng thị phần cả nội địa và xuất khẩu. trong 5 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu NPK đã tăng mạnh 150% yoy. Thương vụ thâu tóm KVF cũng là một trong những bước đi nhằm hiện thực hóa tham vọng của DCM. Ngoài ra công ty cũng đã khởi công xây dựng nhà máy phân bón NPK Bình Định công suất 50k tấn/năm. Nhà máy được chia thành 2 giai đoạn trong đó GD1 chủ yếu để làm kho chứa phân phối sản phẩm ra khu vực miền Trung và dự kiến có thể hoạt động từ tháng 8/2024. GD2 là đầu tư sản xuất, phối trộn các loại phân bón NPK với công suất khoảng 50k tấn/năm.
- Cuối cùng là việc DCM đã tiếp nhận và vận hành KVF rất tốt sau khi sát nhập, trong tháng 4 DCM đã tiếp quản 100% KVF và chỉ sau đó 1 tháng DCM đã giúp KVF có lợi nhuận, vượt qua việc kinh doanh âm trước đó. Đây được coi là dấu hiệu rất tốt để giúp KVF không còn là gánh nặng đối với DCM sau khi sát nhập nữa mà dần đóng góp lợi nhuận lớn dần cho công ty mẹ trong thời gian tới.
Như vậy việc thâu tóm và sát nhập thêm KVF đã và sẽ giúp DCM có nhiều tiềm năng phát triển và tăng trưởng trong các quý tới.
3. Kỳ vọng chính sách luật thuế VAT 5% sẽ được thông qua
Hiện tại, thực trạng ngành phân bón tại thị trường Việt Nam đang có bất cập với chính sách thuế khi mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) khiến cho các doanh nghiệp trong nước không được khấu trừ đầu vào dẫn tới chi phí và giá vốn sản phẩm cao hơn và sẽ khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác như Trung Quốc hay Nga dù có cùng chất lượng nhưng không thể cạnh tranh về giá bán.
DCM đang kỳ vọng luật thuế sửa đổi sẽ giúp cho các sản phẩm phân bón được đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5% thay vì không chịu thuế như hiện tại (Nếu không thuộc diện chịu thuế thì các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế đầu vào như máy móc, dịch vụ, nguyên vật liệu sản xuất qua đó làm tăng thêm 5% chi phí đầu vào cho công ty). Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp được hoàn thuế VAT 5% và qua đó giảm giá thành sản suất và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài qua đó giúp công ty tăng thị phần trong nước trong các năm tới. (Hình 4)
Tuy nhiên khả năng cao phải 2025 luật thuế VAT mới có thể được áp dụng và nếu được áp dụng thì mỗi năm DCM có thể được hoàn thuế khoảng 250-270 tỷ đồng. Đây sẽ là động lực tăng trưởng mới cho DCM từ 2025 nếu được phê duyệt trong thời gian tới. Chúng ta sẽ cùng phải cập nhật thông tin này trong thời gian tới.
4. Giá bán và nhu cầu phân bón trong thời gian tới
Giá Ure Trung Quốc sau khi tạo đáy vào tháng 7/2023 đã có phần hồi phục khá tốt sau đó với mức tăng khoảng 10-15% cũng phần nào hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành phân bón. Trong thời gian gần đây giá Ure tại Trung Quốc lại có phần giảm do nước này tiếp tục chính sách hạn chế và cấm xuất khẩu các sản phẩm phân bón nhằm phục vụ cho thị trường trong nước nhiều biến động trong thời gian gần đây do thời tiết cực đoan. (Hình 5)
Tại các thị trường khác như tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu khác thì giá ure có phần hồi phục khoảng 15% và chưa bị giảm lại. Cụ thể như tại thị trường trong nước giá ure ở mức thấp nhất là 9.1k/kg vào tháng 7/2023 và hiện đang bán khoảng 10.6k/kg. Tuy nhiên mức giá này vẫn thấp hơn mức giá trong Q2-2024 (khoảng 11.5k/kg) sẽ khiến Q3-2024 của DCM khó tăng trưởng được do mức nền cùng kỳ cao. (Hình 6)
Trong thời gian tới giá phân bón được kỳ vọng sẽ phục hồi chậm nhờ động lực thị trường Trung Quốc và Nga tiếp tục gia hạn việc cấm và giảm xuất khẩu phân bón qua đó khiến nguồn cung phân bón giảm bớt hỗ trợ cho thị trường xuất khẩu và cả nội địa về giá bán và nhu cầu.
Như vậy về nhu cầu tiêu thụ cũng như giá bán đầu ra của DCM chúng tôi cho rằng sẽ phục hồi ở mức thấp quanh 5-10% trong thời gian tới.
DCM đang mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới như ÚC, New Zealand để tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm của mình cũng là yếu tố có thể kỳ vọng trong các quý tới dù mức đóng góp là chưa nhiều và thị trường xuất khẩu chính vẫn là campuchia.
III. Tổng kết và định giá
Như vậy với những phân tích ở trên chúng ta có thể thấy động lực ngắn hạn nhất trong Q3 tới chính là tiếp tục hưởng lợi từ giảm khấu hao nhà máy và từ Q4 trở đi để tiếp tục tăng trưởng DCM sẽ phụ thuộc chính vào 2 điều. 1 là kỳ vọng vào việc được đưa vào diện áp thuế VAT 5% để giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ trưởng cho công ty. 2 là kỳ vọng mảng phân NPK sẽ có đột phá hơn sau khi sát nhập thêm KVF giúp công ty nâng công suất sản xuất cũng như thâm nhập các thị trường mới.
Chúng tôi giả định luật thuế VAT 5% sẽ được thông qua để hỗ trợ DCM tiếp tục tăng trưởng sau Q3-2024 thì DCM sẽ vẫn còn tích cực ở hiện tại và mức định giá phù hợp cho DCM vào khoảng 42-45k/cp. Tuy nhiên nếu không được thông qua thì DCM sẽ gặp khó trong bài toán tăng trưởng tốt mà chỉ có thể phục hồi dần dần. Điều này sẽ ảnh hưởng tới kỳ vọng và định giá của DCM và khi đó định giá DCM có thể chỉ ở mức 30-33k/cp.
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-
Tình hình xuất nhập khẩu tháng 7
Tổng giá trị xuất khẩu tháng 7 đạt 36.2 tỷ đô - tăng trưởng mạnh lên mức 20,5% yoy. Top 3 mặt hàng tăng trưởng là: Hạt tiêu (+128,2%), Máy ảnh máy quay và linh kiện (+54,6%) và Chè (+49,3%). Top 3 mặt hàng giảm giá trị là: Sắn (-63%), Đá quý và Kim loại quý (-31,5%) và Thức ăn gia súc và nguyên liệu (-30,1%).
Tổng giá trị nhập khẩ u đạt 33,9 tỷ đô, tăng 25,5% yoy - một con số tăng trưởng khá ấn tượng. Top 3 mặt hàng tăng trưởng: Đậu tương (+140,1%), Phế liệu sắt thép (+80,4%) và Sản phẩm từ kim loại thường khác (+72,8%). Những mặt hàng giảm về giá trị NK là: Thức ăn gia súc và nguyên liệu (-31,7%), Sản phẩm khác từ dầu mỏ (-21,7%), Bông các loại (-17,7%)
———-Team LTBNM tổng hợp ————-
DCM vẫn ngon nhỉ ad
DGC từng là một cổ phiếu rất “hot” trong khoảng đầu năm 2024 nhờ giá P4 tạo đáy với mức tăng trên 40% chỉ trong 1 tháng. Tuy nhiên, cơn gió dần đảo chiều, giá P4 cũng nhanh chóng nguội lạnh và DGC cũng vậy. Bên cạnh đó, báo cáo Q2 chưa có nhiều nổi bật cùng nhiều thông tin chưa tích cực về siêu dự án Nghi Sơn cũng khiến giá cổ phiếu chao đảo cùng thị trường. Vì vậy bài viết này chúng tôi sẽ phân tích những điểm cần lưu ý nếu muốn đầu tư vào DGC trong nửa cuối 2024.
I. Kết quả kinh doanh Q2/24
Kết thúc Q2/24, DGC ghi nhận doanh thu đạt 2.504 tỷ đồng – tăng nhẹ 4% yoy. Sau khi trừ giá vốn hàng bán thì lãi gộp của doanh nghiệp này đạt 983 tỷ đồng, tăng 4,5% yoy. Nhờ vậy, biên lãi gộp đạt 39,2% và tương đương cùng kì. (Hình 1)
Báo cáo của DGC cũng không có gì nổi bật khi doanh thu tài chính giảm gần 10% còn 165 tỷ do lãi từ tiền gửi tiết kiệm giảm trong bối cảnh lãi suất đang ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kì 2023 dù khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lại cao hơn. Công ty cũng không ghi nhận chi phí lãi vay trong quý vừa qua nên tổng chi phí tài chính là 5 tỷ đồng. Chi phí SG&A cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ các dịch vụ mua ngoài bằng tiền khác. Như vậy, DGC mang về 842 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - chỉ tăng vỏn vẹn 1 tỷ đồng so với cùng kỳ nhưng lại là khoản cao nhất trong 06 quý trở lại đây của doanh nghiệp này. Nhờ vậy, biên lãi ròng đạt 33,6% và cao nhất trong 02 năm trở lại đây.
Lũy kế nửa đầu 2024, Hóa chất Đức Giang đem về 4.889 tỷ đồng doanh thu và 1.515 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Như vậy, DGC đã hoàn thành 48% kế hoạch doanh thu và 51% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
II. Những điểm cần lưu ý với DGC
Tựu chung lại thì báo cáo của DGC không quá nổi bật giữa kì báo cáo vừa qua bởi giá Phốt pho vàng chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại đỉnh cao tạo được từ cuối 2023. Như vậy, giá P4 sẽ là một yếu tố rất quan trọng để quyết định tình hình kinh doanh nửa cuối năm 2024 của Tập đoàn này.
- Dự báo về giá P4 trong nửa cuối năm
Có thể nói, thị trường linh kiện, điện tử ảm đạm trong nửa đầu năm qua là nguyên nhân chính khiến sản lượng tiêu thụ P4 chưa có nhiều cải thiện, từ đó khiến cho giá P4 chưa thể tăng phi mã như giai đoạn trước. Trong khi đó, DGC lại bảo trì dây chuyền nhà máy PWA và Phốt Pho vàng nên thành tích kinh doanh chưa có nhiều khởi sắc. (Hình 2)
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm 2024 cánh cửa xuất khẩu của DGC sẽ rộng mở khi Trung Quốc sẽ chưa thể xuất khẩu trong năm nay và suy yếu trong dài hạn do (1) tình hình thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất hóa chất và (2) xu thế Trung Quốc +1 đang mạnh dần lên khi các nhà sản xuất đa dạng nguồn cung ngoài Trung Quốc. Vì thế, chúng tôi kì vọng về dài hạn - từ 2025 trở đi - giá P4 sẽ tăng trở lại trong bối cảnh nguồn cung từ quốc gia tỷ dân này thắt chặt khi nhu cầu sản xuất bán dẫn phục hồi. Tuy nhiên đó là câu chuyện dài hạn, còn hiện tại từ nay đến cuối 2024 thì chúng tôi thấy rằng khó có cú shock nào khiến giá Phốtpho có thể bật tăng mạnh.
- Cập nhật tiến độ dự án Nghi Sơn
Theo đó, dự án Nghi Sơn sẽ là giải pháp tăng trưởng cho DGC trong bối cảnh các nhà máy của Tập đoàn đều đang chạy full công suất. Việc khởi động dự án Nghi Sơn Đức Giang sẽ đánh dấu bước tiến mới của DGC trong việc sản xuất các sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để đóng góp vào tăng trưởng giai đoạn 2025 trở đi. Theo các chuyên gia, dự án này sẽ chạy 50% công suất trong năm 2025 và full 100% trong năm 2026 nếu đúng tiến độ đề ra. (Hình 3)
Tuy nhiên, trên thực tế mọi chuyện có phần khó khăn hơn khi cuối tháng 7 vừa qua Hóa chất Đức Giang công bố lùi tiến độ khởi công tổ hợp này. Được biết, việc khởi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, chạy thử nghiệm và bàn giao được đặt kế hoạch thực hiện từ Q4/24 đến Q1/26 thay vì từ tháng 6 năm 2024 như công bố ở ĐHCĐ. Lý do được BLĐ đưa ra là (1) dự án chưa thể hoàn tất hồ sơ phòng cháy chữa cháy do chưa có vụ trí đấu nối giao thông và cấp thoát nước và dự kiến hoàn thành trong Q3/24; (2) Dự án di dân và tái định cư vẫn chưa hoàn thành. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì một số hộ dân tại thị xã Nghi Sơn chưa đồng ý với phương án đền bù dẫn đến việc chưa thể di dân trong thời gian này. Vì thế, thời gian bắt đầu dự án phải lùi lại nhưng DGC vẫn kỳ vọng thời điểm hoàn thành giai đoạn 1 theo kế hoạch cũ (Q1/26). Nếu đi vào hoạt động 100% công suất thì dự án có thể tạo ra doanh thu 100 triệu đô/năm.
III. Kết luận
Như vậy, có thể thấy trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm DGC sẽ chưa có nhiều động lực để tăng giá. Chúng tôi cho rằng nếu giá P4 có thể bật tăng mạnh hoặc tổ hợp siêu dự án Nghi Sơn có tiến triển và bắt đầu khởi công thì mới là chất xúc tác để DGC tăng giá trong nửa cuối năm nay. Còn không thì giá cổ phiếu sẽ tiếp tục đi tìm nền giá mới phù hợp.
Xét về định giá, hiện DGC đang giao dịch ở vùng PE 13-14.x - khá cao so với mặt bằng chung trong quá khứ dù đã bị điều chỉnh cùng VNIndex trong thời gian vừa qua. Với diễn biến của giá P4 cũng như các thông tin chưa rõ ràng về nhà máy Đức Giang, chúng tôi cho rằng DGC sẽ đi ngang ở vùng giá 105 - 115 và sẽ chỉ bứt phá khi có thông tin hỗ trợ tích cực hơn như đã phân tích ở trên.
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-
Cảm ơn bài viết chi tiết quá ạ, nhưng mà lần sau hi vọng ad tóm gọn lại hơn tí nhé ạ hhuhu
Đức Giang giờ vẫn vào được luôn ạ, target bao nhiêu vậy ạ
Trong quý trước khi phân tích MSN chúng tôi đã kỳ vọng công ty sẽ bắt đầu vào giai đoạn phục hồi ấn tượng nhờ các mảng kinh doanh chính đều khả quan. Thực tế KQKD Q2-2024 đã cho thấy kết quả giống với những gì được kỳ vọng. Kết quả từng mảng và tiềm năng của MSN sẽ còn tới đâu sẽ được chúng tôi phân tích chi tiết trong bài viết này.
I. Kết quả kinh doanh
Kết thúc Q2-2024 MSN ghi nhận doanh thu thuần đạt 20,34 tỷ đồng, tăng 8.2% yoy. Nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên mức 29.4% (mức cao nhất trong 5 năm vừa qua) và các chi phí như chi phí tài chính được tiết giảm đã giúp cho lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 503 tỷ đồng, tăng mạnh gần 4.8 lần so với cùng kỳ. (Hình 1)
Bóc tách kết quả kinh doanh từng mảng của MSN có thể thấy đa phần các công ty con của công ty đều cho thấy sự phục hồi tốt về cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm MCH tăng trưởng 10.3% doanh thu, 10% về lợi nhuận gộp. WCM tăng 9.3% về doanh thu và 12.4% về lợi nhuận gộp. Meatlife tăng 6.3% doanh thu và 133% lợi nhuận gộp. Chi tiết hơn từng mảng chúng tôi sẽ phân tích trong phần dưới.
Về tỉ trọng đóng góp cũng không có nhiều thay đổi sau Q2-2024 khi MCH vẫn là mảng đóng góp lớn nhất về lợi nhuận với tỉ trọng 58% dù chỉ đứng thứ 2 về doanh thu với 35%. Mảng siêu thị WCM tuy đứng đầu về tỉ trọng doanh thu với 39% nhưng do biên lợi nhuận gộp thấp nên chỉ đóng góp 34% về lợi nhuận gộp. 2 mảng còn lại là MHT và MML không đóng góp nhiều về lợi nhuận cho công ty khi mức đóng góp chỉ là 2% và 6%. Cụ thể như hình 2 dưới:
Chi tiết các mảng chính trong bài viết tại quý trước chúng tôi đã viết khá chi tiết từng ngành, quý nhà đầu tư có thể đọc lại để nắm chi tiết hơn còn trong bài viết này chúng tôi chủ yếu sẽ update tình hình mới nhất trong quý vừa rồi cũng như một vài chú ý tới quý nhà đầu tư.
II. Tiềm năng kinh doanh các mảng chính
1. Mảng MCH
Đây là mảng quan trọng nhất của MSN khi đóng góp tới 58% về lợi nhuận gộp của công ty. MCH cũng là công ty đang niêm yết trên sàn Upcom và MSN đang nắm khoảng 72% cổ phần. Các thương hiệu sản phẩm kinh doanh tiêu biểu của MCH có thể kể đến như Chin-su, Omachi, Kokomi, Nam Ngư, wake-up 247,…
Sau 6 tháng đầu năm 2024 MCH đã đạt 13,968 tỷ đồng doanh thu và 3,402 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết quả đạt được gần tương đương 50% kết quả công ty đã đạt được trong năm 2023 (cần biết 2023 là năm mà MCH đã tăng trưởng mạnh về lợi nhuận). (Hình 3)
Với việc 2 quý cuối năm thường ngành bán lẻ sẽ làm ăn tốt hơn so với 2 quý đầu năm thì khả năng cao năm 2024 MCH vẫn có thể tăng trưởng được cả về doanh thu và lợi nhuận so với 2023. Chúng tôi dự phóng năm 2024 MCH có thể tăng trưởng ở mức 10-20%. Động lực hỗ trợ tăng trưởng vẫn tới từ việc các sản phẩm mới của công ty vẫn đang được đón nhận và tiêu thụ rất tốt (lẩu tự sôi omachi, enerz, bupnon tea365, chante, sopa,…). Chưa kể MCH có lợi thế hơn các đối thủ trong ngành khi tận dụng được nền tảng bán lẻ ( WCM ) có sẵn của công ty mẹ để hỗ trợ tăng trưởng cho các sản phẩm mới.
Nhưng động lực lớn nhất được kỳ vọng ở TCH đó chính là chiến lượng “Go Global “vẫn đang mang lại nhiều tín hiệu khả quan khi các sản phẩm của công ty được đón nhận khá tích cực. Kế hoạch của công ty với chiến lược này cũng hết sưc tham vọng và nếu tiếp đà tích cực như hiện tại thì sẽ là lời giải cho bài toán tăng trưởng đều trong dài hạn nhiều năm nhờ dung sai thị trường lớn như cái cách mà FPT đã làm trong vài năm qua.
Ngoài ra trong ngắn hạn 2024-2025 MCH cũng đang có kế hoạch sẽ chuyển giao dịch từ sàn Upcom sang Hose và có thể sau đó là MSN sẽ thoái bớt vốn khỏi công ty. Những thông tin này có thể sẽ tác động tích cực trong ngắn hạn đối với MSN khi có lợi nhuận đột biến để cải thiện cơ cấu tài chính doanh nghiệp.
2. Mảng bán lẻ WCM – Kỳ vọng lớn lao sau khi vượt điểm hòa vốn
Tuy chỉ đóng góp thứ 2 về lợi nhuận gộp cho công ty mẹ MSN, thậm chí xét về lợi nhuận sau thuế thì WCM vẫn còn ghi nhận con số âm cho đến hết Q2-2024 nhưng mảng WCM lại đang là mảng được kỳ vọng sẽ giúp MSN bật tăng được cả về lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu. (Hình 4)
Sau đây chúng tôi sẽ giải thích chi tiết cho nhận định trên với những luận điểm sau:
- WCM là mảng bán lẻ mà MSN đã tái cấu trúc trong các năm qua sau khi nhận chuyển nhượng từ Vingroup từ năm 2019 và đã liên tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở con số âm từ 2021 cho tới nay. Tuy nhiên trong các quý gần đây kể từ đầu 2023 mức lợi nhuận sau thuế đều được cải thiện sau từng quý. Và tới Q2-2024 chỉ còn ghi nhận âm 41 tỷ đồng. Nhưng đáng chú ý là nếu chỉ tính riêng trong tháng 6-2024 tức tháng cuối cùng của Q2-2024 thì lợi nhuận sau thuế của WCM đã ghi nhận con số dương. Đây là điều rất quan trọng đối với một chuỗi bán lẻ khi đạt điểm hòa vốn và có lãi (giống cách mà MWG đã làm hay FRT).
- Để đạt được kết quả lợi nhuận sau thuế dương không phải ngẫu nhiên hay từ thị trường chung mà có, đây là kết quả của rất nhiều cố gắng của công ty trong việc tái cấu trúc toàn diện WCM. Cụ thể công ty đã chuyển đổi mô hình kinh doanh Winmart+ cho phù hợp với từng thị trường thành thị hoặc nông thôn để tối ưu hóa chi phí, cung cấp các sản phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau. Từ 2023 công ty cũng chuyển đổi chiến lược kinh doanh của mình khi thay vì mở rộng mạng lưới thuần túy thì đã cải tạo lại các cửa hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa các chi phí như logistics, giảm hao hụt hàng hóa,… Theo thống kê các cửa hàng đã cải tạo mang lại kết quả tốt hơn nhiều so với các cừa hàng chưa được cải tạo. Trong năm 2023 WCM mới cải tạo được 1615 cửa hàng trên tổng 3,633 cửa hàng và trong năm 2024 sẽ tiếp tục cải tạo và theo chúng tôi khi hoàn tất quá trình cải tạo sẽ mang lại mức lợi nhuận dương như đã làm được tại tháng 6 vừa qua.
- Đầu tháng 8 vừa qua, sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực vào tháng 6 WCM đã đặt ra tham vọng lớn hơn khi sẽ đẩy mạnh hơn việc mở rộng cửa hàng sau khi đã tìm ra công thức kinh doanh có lãi. Trong 6 tháng đầu năm 2024 WCM chỉ mở rộng thêm 40 cửa hàng nhưng kế hoạch các tháng còn lại sẽ mở rộng thêm nhiều hơn nữa. Trong chia sẻ mới nhất, lãnh đạo WCM cũng cho biết mục tiêu của chuỗi là sẽ đạt 10,000 cửa hàng vào năm 2030 (hiện đang có 3,673 cửa hàng). Đây là điều không mới khi mà các chuỗi kinh doanh khác cũng đều có công thức tương tự, tức là mở rộng mạnh khi tìm thấy công thức có lãi tại các chuỗi kinh doanh.
Như vậy với việc đã vượt qua điểm hòa vốn và có lãi nhờ tái cấu trục lại chuỗi thì WCM sẽ là động lực rất lớn đối với MSN trong các năm tới khi công ty có thêm nguồn lãi từ mảng này. Ngoài ra việc sẽ đẩy mạnh mở rộng thêm chuỗi cũng giúp cho tốc độ tăng trưởng của chuỗi về lợi nhuận tăng lên. Không những thoát cảnh là gánh nặng của tập đoàn mà WCM lại đang được kỳ vọng là mảng mang lại đột biến tăng trưởng cho MSN trong thời gian tới.
3. Các mảng còn lại
Các mảng kinh doanh còn lại của MSN không có đóng góp quá lớn vào tỉ trọng của công ty nhưng có một số điều nổi bật sau trong Q2 vừa qua:
- Mảng MML trong 6 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế dương nhẹ 0.7 tỷ đồng so với mức lỗ 200 tỷ đồng cùng kỳ. Điều này có được nhờ diễn biến giá lợn tích cực trong Q2-2024 giúp cho tình hình kinh doanh của công ty khởi sắc hơn.
- Mảng khai thác chế biến quặng của MSN tại MHT ghi nhận kết quả không khả quan trong 6 tháng đầu năm khi giảm cả về doanh thu và lợi nhuận gộp. Đáng chú ý lợi nhuận sau thuế còn bị âm 146 tỷ (cùng kỳ lãi 332 tỷ đồng). Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ vẫn thấp do nền kinh tế đang phục hồi khá yếu. Hiện công ty đang thương lượng với các nhà cung cấp nguyên liệu để tiết kiệm chi phí đầu vào. Công ty cũng sẽ cho hoạt động nổ mìn trong thời gian tới để hỗ trợ doanh thu và lợi nhuận. Ngoài ra dự kiến công ty sẽ thoái vốn toàn bộ 100% vốn tại H.C.Starck cho Mitsubishi Materials corp vưới giá 134.5 triệu USD, qua đó giúp công ty có thể ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường khoảng 40 triệu USD trong năm 2024.
- Công ty liên kết TCB trong năm 2024 đang cho thấy sự hồi phục rất tốt về kết quả kinh doanh, chúng tôi cũng đã có bài phân tích chi tiết về ngân hàng này nên không phân tích lại. Dự kiến 2 quý cuối năm 2024 kết quả kinh doanh của TCB vẫn tiếp tục tích cực, qua đó đóng góp thêm vào kết quả kinh doanh của MSN trong năm 2024.
III. Tổng kết và định giá
Với những phân tích khá chi tiết và cập nhật ở trên chúng ta có thể thấy MSN đang trên đường hồi phục ấn tượng và bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với đóng góp chính từ tăng trưởng bền vững của mảng MCH (tăng trưởng đều 10-15% trong các năm tới). Nhưng động lực bứt phá của MSN có lẽ là trông chờ vào chuỗi WCM khi đã bước qua điểm hòa vốn để bắt đầu có lãi cũng như tham vọng mở rộng mạnh trong các năm tới sau khi quá trình tái cấu trúc thành công.
Chúng tôi đánh giá cao MSN và cho rằng đây là cổ phiếu đang chú ý của ngành bán lẻ trong Q3 này cũng như các quý tới nhờ động lực tăng trưởng rõ ràng và mới ở đầu chu kỳ hái quả. Hiện MSN đang giao dịch vùng giá 74.x và vẫn còn cách khá xa đỉnh cũ của mình. Cho kỳ định giá tới kết kỳ bctc Q3-2024 (tới tháng 10-2024) chúng tôi thấy rằng MSN sẽ sớm chinh phục vùng giá 8x trong Q3 và mức định giá phù hợp là khoảng 85-88k/cp, tức tăng khoảng 15-20% so với hiện tại.
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-
Nhóm mình làm bài phân tích hay quá ạ
Nhưng mà anh chị có thể làm thành từng bài riêng để phân tích từng doanh nghiệp chi tiết hơn được ko ạ
bên mình có post bài về mã riêng bên chuyên gia nha b. do vậy nên ở đây mình gửi tổng hợp các bài thôi ạ
cảm ơn bạn
MWG đã tiếp tục cho thấy khả năng hồi phục mạnh mẽ của mình sau Q1-2024 và thậm chí còn ấn tượng hơn, qua đó cũng khiến cho những nghi ngờ về việc KQKD Q1-2024 chỉ là đột biến đã không còn. Vậy những ngành nào đã đóng góp vào kết quả kinh doanh ấn tượng của MWG và động lực lớn sẽ dẫn dắt MWG phục hồi mạnh trong các năm tới là gì? Bài viết này chúng tôi sẽ update KQKD Q2 và cập nhật chi tiết tới quý nhà đầu tư.
I. Kết quả kinh doanh
MWG đã công bố KQKD Q2-2024 với doanh thu thuần đạt 34,134 tỷ đồng, tăng 15.8% yoy. Lợi nhuận sau thuế đạt 1,172 tỷ đồng, tăng mạnh 69 lần so với cùng kỳ (cùng kỳ chỉ lãi 72 tỷ đồng). Biên lợi nhuận gộp cũng tiếp tục được cải thiện trong các quý gần đây và tại Q2-2024 đã đạt 21.4%, cao hơn 2.9% so với cùng kỳ. (Hình 1)
Kết quả ấn tượng trên không phải ngẫu nhiên mà có cũng như không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường chung. Đây là thành quả sau năm 2023 liên tục tái cấu trúc của công ty ở tất cả các chuỗi. Chi tiết hơn về công cuộc tái cấu trúc này của MWG chúng tôi đã phân tích tại quý trước, quý nhà đầu tư có thể đọc lại để hiểu rõ hơn.
MWG đã tập trung “giảm lượng – tăng chất” và qua đó tập trung giảm các chi phí, loại bỏ các địa điểm kinh doanh không hiệu quả để qua đó giúp tăng biên lợi nhuận gộp cho công ty cũng như tăng lợi nhuận sau thuế mạnh dù doanh thu tăng trưởng ở mức độ bình thường do nhu cầu tiêu thụ vẫn còn yếu từ thị trường chung. Công ty cũng tăng cường quản lý tồn kho để giảm chi phí lưu kho, thúc đẩy bán hành kênh online qua đó giảm hệ số tồn kho. Trong Q2-2024 hệ số tồn kho/ doanh thu của công ty đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử với chỉ 0.62 lần. (Hình 2)
Trong Q2-2024 MWG vẫn tiếp tục duy trì chính sách giảm lượng – tăng chất khi tiếp tục giảm số lượng cửa hàng tại các chuỗi, đóng các cửa hàng kinh doanh không hiệu quả và tập trung vào các cửa hàng mang lại lợi nhuận cho công ty. Cụ thể vào cuối Q1-2024 tổng số cửa hàng của MWG là 5,596 cửa hàng đã giảm xuống còn 5,446 cửa hàng vào cuối Q2 – 2024. Trong đó chuỗi DMX là đóng cửa nhiều nhất với 91 cửa hàng. (Hình 3)
Tuy tổng số cửa hàng giảm nhưng doanh thu của MWG vẫn tăng trưởng trên 15% đã cho thấy chiến lược đúng đắn của công ty trong hoàn cảnh hiện tại. Cụ thể hơn về tình hình kinh doanh từng chuỗi chúng ta sẽ bóc tách và phân tích trong phần dưới của bài viết.
II. Tình hình kinh doanh của các chuỗi
Hiện MWG đang kinh doanh tại 6 chuỗi cửa hàng bán lẻ nhưng đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận cho công ty chủ yếu tới từ 3 chuỗi là TGDD, ĐMX và BHX với đóng góp lần lượt vào doanh thu là 20.6%, 46.9% và 29.7%. Vì vậy trong ngắn hạn kết quả kinh doanh của MWG sẽ phụ thuộc chính vào 3 chuỗi trên. Dưới đây chúng ta sẽ đi phân tích các chuỗi. (Hình 4)
1. Chuỗi TGDD và DMX
Đây là 2 chuỗi chính đóng góp vào lợi nhuận cho công ty khi mà chuỗi BHX mới bắt đầu vượt điểm hòa vốn trong năm 2024. Trong Q2 tổng doanh thu của 2 chuỗi trên đạt khoảng 22.9k tỷ đồng, cao hơn kết quả đạt được trong Q1 và tăng 6.3% so với cùng kỳ. Doanh thu không tăng mạnh một phần do công ty đã giảm khá nhiều cửa hàng ở 2 chuỗi trên cũng như vĩ mô chung của toàn ngành bán lẻ hồi phục vẫn còn yếu.
Tuy nhiên điểm nhấn và động lực tăng trưởng lớn nhất của 2 chuỗi trên không phải là tăng trưởng doanh thu mà là việc tái cấu trúc toàn diện giúp tăng trưởng mạnh lợi nhuận dù doanh thu tăng không nhiều nhờ vào việc cắt giảm các chi phí, tối ưu hóa hoạt động của chuỗi. Công ty tập trung vào 2 yếu tố đó là:
- Tối ưu hóa hoạt động bằng cách đóng cửa các cửa hàng vận hành không hiệu quả, tái cấu trúc nhân lực để nâng cao năng lực và hiệu quả cho cán bộ nhân viên tại các chuỗi.
- Cắt giảm các chi phí đầu vào như chi phí logictics, đẩy mạnh kênh bán hàng online để giảm tồn kho,… qua đó giảm đáng kể chi phí đầu vào, thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận cho công ty.
Chính những điều trên đã góp phần giúp cho 2 chuỗi TGDD và DMX hoạt động hiệu quả từ đầu năm tới nay, tuy giảm số cửa hàng nhưng vẫn tăng trưởng rất tốt về doanh thu và đặc biệt là lợi nhuận cho công ty. Trong các quý tới chúng tôi cho rằng quá trình tái cấu trúc vẫn sẽ tiếp tục được diễn ra khi mà MWG coi tái cấu trúc là cả quá trình kéo dài chứ không phải chỉ diễn ra một lần rồi thôi. Điều này sẽ là động lực thúc đẩy 2 chuỗi trên tiếp đà tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
2. Bách Hóa Xanh đã có lãi
Bách Hóa Xanh đã có lãi là điều rất quan trọng đối với MWG cũng như các cổ đông của công ty. Điều này giúp cho chuỗi BHX chuyển đổi trạng thái từ “ăn bám” công ty mẹ đã chuyển sang giai đoạn đóng góp lợi nhuận cho công ty mẹ.
Lũy kế 6 tháng chuỗi BHX đạt doanh thu 19,400 tỷ đồng, tăng mạnh 42% yoy. 2 ngành hàng tươi sống và FMCGs vẫn là động lực tăng trưởng chính cho chuỗi. Doanh thu trên mỗi cửa hàng đã được đẩy lên mức 2.1 tỷ đồng/ cửa hàng trong tháng 6 và đáng chú ý nhất là trong Q2-2024 BHX đã ghi nhận có lãi. (Hình 5)
Thành quả có được của BHX là nhờ công ty đã liên tục cải tiến và tối ưu hóa chi phí đầu vào trong các năm qua. Nhưng việc công ty thay đổi định vị chuỗi BHX từ “chợ hiện đại” thành “siêu thị mini” có thể coi là bước ngoặt giúp cho chuỗi BHX liên tục tăng trưởng doanh thu cũng như tối ưu được chi phí của mình nhờ:
- Thói quen tiêu dùng người Việt là giá trị sản phẩm/ lần mua thấp nhưng lại có tần suất mua cao, chủ yếu đi xe máy.
- Mô hình siêu thị mini sẽ giúp chi phí mặt bằng thấp hơn nhiều so với mô hình siêu thị lớn.
- Minimart đã có thể đáp ứng trên 70% nhu cầu về các hàng hóa cần thiết, dư địa mở rộng vẫn còn lớn.
Trong năm 2024 chúng tôi cho rằng MWG vẫn sẽ tiếp tục tìm cách tối ưu hóa hoạt động của BHX thay vì sớm mở rộng ngay sau khi có lãi. Hết 2024 công ty sẽ tổng kết lại trước khi có kế hoạch tiếp theo cho năm 2025. Tuy nhiên khả năng rất cao trong 2025 chuỗi BHX sẽ được mở rộng mạnh về số lượng cửa hàng để gia tăng mạnh lợi nhuận sau khi đã có lãi. Thậm chí kế hoạch tiến ra miền Bắc và miền Trung cũng được tính đến.
3. Các chuỗi còn lại
Trong 3 chuỗi kinh doanh còn lại của MWG là Avakids, thuốc An Khang và Erablue thì hiện chuỗi Avakids và chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn đang trong quá trình tiếp tục tìm điểm hòa vốn, chưa mang lại tín hiệu khả quan. Trong số 3 chuỗi này hiện chỉ có chuỗi Erablue đang mang lại những tín hiệu khả quan trong thời gian gần đây, cụ thể:
- Tính đến hết tháng 7-2024 chuỗi có 65 cửa hàng, trong đó có 37 cửa hàng size mini và 28 cửa hàng size supermini và tín hiệu khả quan là doanh thu mỗi cửa hàng hiện đã gấp đôi doanh thu một cửa hàng điện máy xanh có diện tích tương tự. Cụ thể cửa hàng supermini hiện có doanh thu trung bình 2.2 tỷ đồng/ tháng và cửa hàng mini có doanh thu trung bình 4 tỷ đồng/ tháng.
- Thị trường điện máy, bán lẻ tại Indonesia hiện còn đang phân mảnh, chuỗi lớn nhất cũng chỉ mới có 60 cửa hàng. Indo cũng có nét giao thông tương đồng Việt Nam ( di chuyển nhiều bằng xe máy trong khi các siêu thị lại đa phần nằm trong trung tâm thương mại lớn ) sẽ là yếu tố giúp cho niềm tin EraBlue có thể thành công tương tự như ĐMX tại Việt Nam.
- Về dịch vụ EraBlue cũng đang làm vượt trội so với các đối thủ. Cụ thể tại thị trường Indo hiện dịch vụ giao hàng, lắp đặt khá sơ khai. Để mua một chiếc máy giặt, khách hàng phải chờ từ 7-10 ngày mới được giao và hoàn thiện lắp đặt trong khi với EraBlue thì chỉ mất 4 tiếng để hoàn thành cả giao hàng và lắp đặt cho khách. Văn hóa tận tâm được MWG duy trì và phát huy nên rất được lòng khách hàng tại Indonesia.
- Về kế hoạch trong tương lai, EraBlue đặt mục tiêu sẽ có lời trước Quý 4-2024. Ngoài ra công ty đặt mục tiêu mở rộng lên 100 cửa hàng vào cuối năm, tức sẽ mở thêm 35 cửa hàng nữa. Tiếp theo sẽ là 500 cửa hàng vào 2027.
Với những tín hiệu khá tích cực của EraBlue sẽ là động lực tăng trưởng tiếp theo của MWG trong các năm tới sau BHX hiện tại. Chúng tôi sẽ cập nhật thêm tình hình trong các bài phân tích tiếp theo.
III. Tổng kết và định giá
Với những phân tích ở trên chúng ta có thể thấy MWG đang vào giai đoạn hái quả ngọt sau năm 2023 quyết tâm tái cấu trúc cũng như tập trung đưa BHX vượt điểm hòa vốn. Trong thời gian tới khi mà các chuỗi tiếp tục mang lại lợi nhuận lớn cùng với sự phục hồi của ngành bán lẻ sẽ là động lực giúp MWG tăng trưởng mạnh mẽ và việc vượt đỉnh về KQKD sẽ là không quá bất ngờ. Xa hơn chúng tôi kỳ vọng BHX sẽ sớm được tối ưu và mở rộng mạnh mẽ từ 2025 để giúp MWG bứt phá tiếp.
Về định giá, với kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ sớm trở lại vùng đỉnh thậm chí là vượt đỉnh đã đạt được trong quá khứ nhờ thêm các động lực mới thì giá cổ phiếu tiệm cận và vượt đỉnh lịch sử cũng là không bất ngờ. Hiện MWG đang giao dịch vùng giá 65.x và cho định giá hết kỳ bctc Q3 tới (tới khoảng cuối tháng 10) chúng tôi cho rằng mức giá phù hợp với MWG sẽ là khoảng 75-80k/cp, tương ứng với vùng đỉnh cũ của cổ phiếu.
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-
Dạ cảm ơn bài phân tích của Ad ạ, phân tích rất hay và chi tiết
Ở trên em có thấy bài ptich con DPR thì hiện tại con DPR so với GVR có điểm gì mạnh hơn không ạ