À dạ, cảm ơn ad ạ
GVR bên mình chưa phân tích chi tiết nên để so sánh sợ không chính xác. Về cơ bản các cp nhóm ngành cao su chủ yếu phụ thuộc theo giá cao su tự nhiên. Gần đây giá đang cho thấy sự phục hồi nên khả năng các cổ phiếu ngành này cũng phục hồi được theo.
view ad tuần sau thế nào nhỉ
Giờ nói mất tính hấp dẫn kkk
Ad cho em ké với
nói để e kham khảo em chốt lãi bác ơi:)))
khi nào ad nói được ạ :))
1 ngày nữa thôi bác, bấc hú Ad xem
T có phải Ad đâu mà biết kkk
Thị trường đang ở ngưỡng trạng thái cực tốt. Xung quanh kẻ tin kẻ ngờ. Cuối tuần vừa rồi một loạt các tin tức mang tính hỗ trợ vĩ mua lại được tăng thêm như: lãi suất tín phiếu hạ về 4.15 (trạng thái ngân hàng thừa tiền), Thông báo chuyển đổi trạng thái vĩ mô tiền tệ của chủ tịch Fed tại Jason Hole… Dự kiến có thể là một tuần tăng điểm rất tốt của thị trường và nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục cao
HAH là một trong những cổ phiếu tăng trưởng mạnh trong thời gian qua mà chúng tôi đã khuyến nghị cho khách hàng của mình. Thật vậy, bằng việc nhìn vào giá cước vận tải tăng chóng mặt trong thời gian qua cũng đủ để chúng ta thấy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển - trong đó có HAH sẽ tăng trưởng rất tốt. Bài phân tích này của team sẽ tập trung phân tích kết quả kinh doanh cũng như các luận điểm đầu tư để nhà đầu tư an tâm nắm giữ cổ phiếu tăng trưởng tốt như Hải An bất chấp thị trường nhiều biến động.
I. Kết quả kinh doanh Q2/24
Không khó để thấy, trong Q2 vừa qua HAH đã có một kì kinh doanh khá tốt khi doanh thu tiếp tục đà tăng từ Q1. Cụ thể, doanh thu tăng mạnh lên mức 949 tỷ đồng và là quý cao nhất kể trong vòng 15 năm hoạt động của doanh nghiệp này. Mức tăng trưởng lên tới 55% so với cùng kỳ. Đây là kết quả của việc nhận thêm 1 tàu mới (Haian Beta) vào Q2 vừa qua. Như vậy, tổng công suất tính đến hết Q2 đạt khoảng 19,5 nghìn TEU. Bên cạnh đó, khối lượng vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đã tăng gấp đôi so với mức nền thấp của năm 2023 đã thúc đẩy cả sản lượng và giá cước cao, từ đó giúp HAH ghi nhận doanh thu cao kỷ lục. Biên lãi gộp cũng đạt mức 26,3% và là mức cao nhất từ trước tới nay. (Hình 1)
Tuy doanh thu tăng trưởng mạnh tuy nhiên một số nhóm chi phí của HAH cũng tăng theo. Cụ thể, chi phí lãi vay tăng lên mức 22,7 tỷ (+18% yoy), chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 54% - đạt mức 44 tỷ đồng. Bên cạnh đó, do biến động của tỷ giá khá lớn trong thời gian vừa qua đã khiến HAH ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá gần 8 tỷ đồng. Do phát sinh các chi phí này khá lớn nên lãi thuần của công ty chỉ đạt 111 tỷ đồng, tăng trưởng 14% và có biên lãi ròng là 11,7%.
Trong báo cáo của HAH, chúng tôi cũng nhận thấy công ty đang ghi nhận khoản nợ liên quan đến trái phiếu dài hạn. Theo tìm hiểu của team, lô trái phiếu trị giá 500 tỷ được HAH phân phối với 4 nhà đầu tư với lãi suất cố định 6%/năm. Lô này sẽ được trả theo định kì 6 tháng/lần và lần trả lãi gần nhất là 2/8 vừa qua. Vì thế chúng tôi cho rằng chi phí tài chính trong báo cáo Q3 sẽ tăng thêm 15 tỷ. Chúng tôi đánh giá đây không phải là con số quá lớn so với lợi nhuận mà HAH có thể đạt được trong nửa cuối năm. (Hình 2)
Qua báo cáo Q2, chúng ta có thể thấy dù doanh thu lập đỉnh nhưng lãi ròng và các nhóm biên lãi thì vẫn chưa vượt qua được cái bóng của mình trong quá khứ. Trong khi đó, Q2 vừa qua ghi nhận sự tăng giá đột biến của giá cước tàu biển do các bất ổn từ địa chính trị. Vậy cái gap ở đây là gì, và cần chú ý điều gì khi đầu tư vào HAH? Chúng tôi sẽ giải đáp câu hỏi này ở phần sau của bài viết.
II. Luận điểm đầu tư
Bởi HAH có 2 nhóm ngành kinh doanh chính là khai thác tàu và khai thác cảng, nên chúng tôi sẽ phân tích từng mảng một để đưa ra nhận định phù hợp với tình hình kinh doanh hiện nay.
1. Mảng khai thác tàu
Đây là mảng kinh doanh chính của HAH khi chiếm gần 80% tổng doanh thu (chưa loại trừ doanh thu nội bộ do chúng tôi không đủ thông tin để bóc tách). Có thể thấy, kể từ Q1/24 biên lãi gộp của mảng này đang có sự hồi phục đáng kể sau khi chạm đáy vào cuối năm 2023 và đang ở mức 16%. Vậy do đâu mà doanh thu tăng trong bối cảnh giá cước tăng, nhưng biên lãi gộp lại không cải thiện tốt? (Hình 3)
Theo chúng tôi tìm hiểu, HAH hiện đang sở hữu đội tàu gồm 15 chiếc với tổng công suất 23.000 TEU với 8 tàu tự khai thác và 7 tàu cho thuê. Vì mỗi đội tàu sẽ có đặc điểm khác nhau nên chúng tôi sẽ chia làm 2 phần phân tích từng đội.
- Đối với tàu cho thuê: Nổi bật nhất trong số 7 tàu cho thuê này là cuối tháng 7 vừa qua, HAH đã nhận thêm tàu HaiAn Opus với công suất 1.800 EU và là chiếc cuối cùng trong số 4 tàu được đóng mới. Việc cho thuê tàu mới trong bối cảnh giá cho thuê đang ở mức cao như hiện nay sẽ là điểm cộng tích cực cho kết quả kinh doanh Q3 của HAH. Được biết, đội tàu mới của HAH kì vọng sẽ ký ở mức cho thuê 15-18.000 USD/ngày - cao hơn 30-40% so với giá ký ở giai đoạn đầu năm, từ đó đem lại biên lãi gộp lớn hơn cho mảng khai thác tàu. Tuy nhiên, giá cước mới này sẽ chỉ áp dụng cho các tàu mới, còn các tàu cũ đã kí hợp đồng khai thác đến hết năm nay với giá cố định thì sẽ không được hưởng lợi từ trend này. (Hình 4)
Chúng tôi kì vọng giá cước vận tải sẽ neo ở mức cao như hiện nay khi các bất ổn địa chính trị vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giới chuyên gia lý giải nguyên nhân giá cước tăng chủ yếu do các hãng vận tải buộc phải chuyển hướng tránh đi qua kênh đào Suez do rủi ro an ninh trên Biển Đỏ, khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn và làm tăng chi phí. Thời gian gần đây tình hình chiến sự tại khu vực này đã dịu xuống tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi khai thác kênh di chuyển này. Vì thế, chúng tôi kỳ vọng giá cước vận tải vẫn neo cao ở vùng giá này giúp các hợp đồng ký mới cho HAH được giá cao hơn giai đoạn 2023, một phần cũng sẽ tạo tâm lý tăng trưởng tích cực cho giá cổ phiếu trong giai đoạn tới.
Link bài báo ngày 18/7 cho thấy tình hình tại khu vực này vẫn chưa thật sự ổn định:
- Đối với đội tàu tự khai thác các tuyến nội địa: Chúng tôi nhận thấy giá cước vận tải đối với các tuyến nội địa và trong khu vực không tăng tương quan với giá cước quốc tế, tuy nhiên chúng tôi vẫn kì vọng sự tăng trưởng dù chậm hơn do tăng thêm 02 tàu mới từ đầu năm 2024 đến nay (HaiAn ALFA và HaiAn BETA). Giá cước của các chuyến tàu này sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế cũng như số liệu xuất nhập khẩu của nước ta nên mảng này chúng tôi cho rằng sẽ duy trì mức tăng ở mức ổn định.
Như vậy có thể thấy, HAH đang được hưởng lợi từ việc tăng các chuyến tàu cho thuê trong bối cảnh giá cước đang neo ở mức cao. Tuy nhiên, giá cước này sẽ chỉ áp dụng cho các hợp đồng kí mới trong năm nay thay vì tất cả các chuyến tàu, nên dù doanh thu tăng rất nhanh nhưng mức tăng của biên lãi lại không được tốt như vậy. Bên cạnh đó, đội tàu tự khai thác các tuyến nội địa được tăng thêm về số lượng nhưng giá cước lại chưa đồng thuận với giá cước thế giới nên cần thêm thời gian để mảng khai thác nội địa này bứt tốc. Vì thế, chúng tôi kì vọng giá cước vận tải thế giới duy trì ở mức cao sẽ giúp đội tàu mới kí được hợp đồng với giá cao hơn, cũng như tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư khi nắm giữ cổ phiếu.
2. Mảng khai thác cảng
Dịch vụ vận tải biển tuy đóng góp doanh thu nhỏ nhưng là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính trong Q2. Cụ thể, sản lượng xếp dỡ tại cảng và vận tải tăng gần 50% khi 02 tàu 1.800 TEU mới đi vào hoạt động và nhu cầu xuất khẩu phục hồi. Các thị trường chính của Hải An là Trung Quốc và nhóm ASEAN cũng ghi nhận nhu cầu xuất và nhập khẩu đáng kể. Sản lượng tăng đi kèm giá cước cao hơn trong quý vừa qua cũng giúp biên lãi gộp của mảng này cải thiện và đạt 49% - mức cao nhất từ 2022 trở lại đây. (Hình 5)
Đối với mảng vận tải biển, chúng tôi cho rằng dư địa tăng trưởng cho nửa cuối 2024 đến từ sự hồi phục mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu. Theo thống kê từ Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 7, số liệu XNK của nước ta ghi nhận con số khả quan với mức tăng trên 20% đối với xuất khẩu và 25,5% đối với nhập khẩu và sẽ tốt dần hơn về nửa cuối năm.
Link: Tình hình xuất nhập khẩu tháng 7 – Chứng khoán
Ngoài ra, HAH cũng đang tích cực mở rộng thị phần cả trong nước lẫn quốc tế bằng cách bổ sung các điểm đến tại cảng Chân Mây (Huế), cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), Long An và các thị trường quốc tế như Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Việc mở rộng thị phần trong bối cảnh tình hình XNK của nước ta đang trở nên tốt dần sẽ là động lực tăng trưởng chính đối với mảng khai thác cảng của Hải An.
III. Kết luận
Như vậy, chúng tôi khuyến nghị đầu tư vào HAH bởi những lý do sau:
- Đội tàu của HAH có thêm tàu mới và cho thuê được với giá cao sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng các quý tới. Giá cước vận tải duy trì ở mức cao.
- Mảng khai thác cảng cũng được cải thiện sản lượng tích cực trong thời gian tới.
Tổng kết lại chúng ta có thể thấy diễn biến giá cước vận tải sẽ rất nhạy và ảnh hưởng lớn tới biến động giá cổ phiếu của HAH trên thị trường. Vì vậy quý nhà đầu tư cũng cần theo dõi biến động giá cước để đầu tư đạt hiệu quả cao hơn.Với những diễn biến FA công ty và vĩ mô ngành vận tải cho tới lúc này chúng tôi tin rằng giá cổ phiếu HAH có thể tạo đáy ở vùng quanh giá 41k/cổ phiếu.Trong Q3 này, chúng tôi kỳ vọng giá cổ phiếu có thể tăng trở lại ít nhất ở vùng giá 44k - 45k/cổ phiếu - tương đương mức đỉnh cũ - do dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm là hoàn toàn có cơ sở.
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-
cảm ơn ad đã đưa khuyến nghị
quá chi tiết tks ad
VTP đã thể hiện tham vọng lớn để vươn lên dẫn đầu ngành trong những năm tới cũng như có những bước đi táo bạo và đầy lớn lao để thực hiện được tham vọng đề ra. Tuy nhiên để đạt được những thành quả thật sự thì cũng cần có thời gian chứ không thể một sớm một chiều mà có được. Nhưng giá cổ phiếu thời gian trước lại có vẻ không muốn chờ mà muốn kéo cho tới đích luôn. Vậy định giá từng bước với VTP sẽ như thế nào là phù hợp và kế hoạch táo bạo của công ty liệu có thành công? Chúng ta sẽ cùng phân tích và đánh giá chi tiết trong bài viết này của chúng tôi.
I. Kết quả kinh doanh
Trong năm 2024 có vẻ KQKD đang có xu hướng đi ngược với giá cổ phiếu khi mà chúng ta thấy giá cổ phiếu cứ kéo nhưng nhìn KQKD lại thấy giảm là giảm. Vậy cụ thể thế nào chúng ta sẽ cùng bóc tách qua kết quả kinh doanh để nắm được phần nào lý do. (Hình 1)
Cụ thể kết thúc Q2-2024 VTP ghi nhận 4,945 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ, Lợi nhuận sau thuế đạt 93 tỷ đồng, giảm 4.6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý sau 2 quý cuối năm 2023 VTP tăng trưởng tốt về lợi nhuận thì đã có phần giảm lại trong năm 2024.
Nhìn bức tranh tổng thể về doanh thu của VTP từ 2021 cho tới nay chúng ta có thể thấy xu hướng chung là đang giảm dần qua các năm nhưng biên lợi nhuận gộp đang có xu hướng tốt dần lên để giúp cho lợi nhuận không bị giảm dù doanh thu giảm.
Bóc tách kết quả kinh doanh của VTP chúng ta sẽ giải thích được tại sao lại như vậy. VTP chủ yếu hoạt động trong 2 mảng là hàng hóa (chủ yếu kinh doanh về sim thẻ điện thoại) và dịch vụ (các dịch vụ logictics). Từ 2023 VTP đã chủ động tiến hành cắt giảm việc kinh doanh mảng hàng hóa (có biên lợi nhuận gộp rất thấp và không hiệu quả) để tập trung toàn bộ cho việc phát triển đẩy mạnh mảng dịch vụ (có biên lợi nhuận gộp tốt hơn và tiềm năng hơn). Cụ thể như hình 2 dưới đây là kết quả kinh doanh của 2 mảng từ 2021 cho tới nay sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn về bức tranh của từng mảng:
Như vậy có thể thấy mảng dịch vụ mới là mảng chính mang lại lợi nhuận cho công ty và cũng đang cho thấy sự tăng trưởng khá tốt trong các quý gần đây. Trong phần dưới chúng tôi sẽ phân tích chi tiết hơn về mảng này.
II. Mảng dịch vụ - Những kế hoạch tham vọng
Trong bài viết này chúng tôi sẽ không phân tích mảng hàng hóa do công ty đang cắt giảm mảng này và thực tế mảng hàng hóa cũng gần như không có đóng góp nhiều về mặt lợi nhuận khi mà biên lợi nhuận gộp ở mức rất thấp. Vì thế chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào phân tích mảng dịch vụ với nhiều tham vọng lớn của công ty ở mảng này.
1. Tái cấu trúc lại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ
Sau khi thay đổi ban lãnh đạo vào năm 2022 (có giám đốc điều hành mới và một số vị trí chủ chốt khác) VTP đã tiến hành tái cấu trúc nhằm nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ giao hàng. Theo đó cả thời gian giao hàng lẫn chất lượng phục vụ đã được cải thiện đáng kể. (đây từng là những lý do khiến VTP bị kêu và chê nhiều nhất trước đó). Hiện thời gian giao hàng trung bình đã được cải thiện rất lớn khi giảm từ mức 62 giờ trước đó xuống còn chỉ khoảng 38-40 giờ như hiện tại.
Ngoài ra công ty cũng mạnh dạn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ để có thể hỗ trợ tối đa cho việc giảm thời gian vận chuyển, đảm bảo chất lượng phục vụ cũng như tiết kiệm chi phí đầu vào để qua đó tăng sức cạnh tranh với các đối thủ trong ngành.
Hiệu quả đem lại là khá tích cực khi thị phần của VTP đã liên tục tăng trong các quý gần đây khi từ mức 15-16% năm 2021 đã lên 17.2% cuối năm 2023 và mục tiêu 2024 sẽ là tăng lên 19.5%, qua đó tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu của mình (Hình 3)
Chúng tôi cho rằng với việc chú trọng tới dịch vụ cũng như ban lãnh đạo gần đây cũng chú trọng tới chính sách thưởng cho nhân viên sẽ là cơ sở giúp cho VTP sẽ tiếp tục chiếm được thị phần khi các hàng vận chuyển khác dần gặp khó khăn sau khi các chính sách hạ giá vận chuyển hết mang lại hiệu quả sau thời gian đầu áp dụng.
2. Định vị lại chiến lược kinh doanh, ký các hợp đồng chiến lược quan trọng
VTP đang đẩy mạnh cắt giảm các hoạt động kinh doanh không cốt lõi để tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi. Với dịch vụ chuyển phát VTP xác định khách hàng mục tiêu là B2B (doanh nghiệp – doanh nghiệp) chứ không phải là B2C (doanh nghiệp – khách hàng). Đồng thời mở rộng từ giao hàng khâu cuối (last mile delivery) sang chuỗi cung ứng (supply chain). Các lĩnh vực mới mà công ty tập trung đẩy mạnh từ 2023 đều đang cho thấy kết quả ấn tượng. Cụ thể mảng B2B ghi nhận tăng trưởng 35.9%, thị trường nước ngoài tăng trưởng 34.7%. Chuỗi cung ứng ghi nhận tăng trưởng 295%.
Nhờ chiến lược kinh doanh rõ ràng, hướng tới những đối tượng khách hàng cụ thể và tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ đã giúp cho VTP liên tục ghi nhận các hợp đồng ký mới với các đối tác quan trọng như Unilever, Abbott, Guardian, Bibomart, …
3. Nâng cấp cơ sở hạ tầng, định hướng xây dựng các tuyến vận tải xuyên biên giới
Tham vọng của VTP không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà còn hướng tới các thị trường quốc tế ở bên cạnh nước ta.
Ở thị trường nội địa, VTP đang tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tập trung cải thiện cơ sở vật chất để triển khai hệ thống logistics cấp quốc gia một cách đồng bộ, bao gồm các trung tâm logistics, kho ngoại quan, cảng cạn để kết nối các khu nuôi trồng, KCN với các HUB giao thông đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu để hàng hóa có thể lưu thông một cách nhanh nhất với chi phí tối ưu nhất. VTP có lợi thế nhờ nguồn lực và hạ tầng đi kèm của tập đoàn Viettel sẽ hỗ trợ rất lớn cho quá trình triển khai và hoàn thiện hệ thống trong các năm tới. Cụ thể VTP đã khởi công xây dựng trung tâm phân loại hiện đại tại KCN Quang Minh, Hà Nội với vốn đầu tư 500-700 tỷ đồng trong tháng 1/2024. Công ty cũng đầu tư 1 trung tâm phân loại và logistics tại Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương. Theo đó tổng mức đầu tư trong năm 2024-2025 vào khoảng 3,000 tỷ đồng.
Ở thị trường quốc tế, VTP có tham vọng tạo hành lang kết nối thương mại xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Asean (trong điều kiện không bất lợi về chính trị). Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhất cho cả hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam. Vừa qua VTP đã ký thỏa thuận hợp tác với chính quyền thành phố Nam Ninh và thành phố Bằng Tường xây dựng 2 trung tâm logistics tại các thành phố này, qua đó giúp giảm thời gian kết nối giữa Quảng Tây và Hà Nội (giảm ½ thời gian kết nối còn chỉ 12 tiếng, tiết kiệm 30% chi phí) qua đó đặt nền móng quan trọng cho quá trình xây dựng và khai thác mạng lưới chuyển phát tại nước ngoài của VTP trong tương lai. Ngoài thị trường Trung Quốc thì thị trường Lào cũng rất tiềm năng do ngành dịch vụ chuyển phát tại nước này kém phát triển với chỉ 5% tổng sản lượng bưu kiện được giao tận nơi. Như vậy với việc có thể khai thác được cả thị trường nước ngoài để kết nối với nội địa sẽ là tiềm năng tăng trưởng rất lớn đối với VTP trong nhiều năm tới và dư địa là rất lớn nếu thành công.
III. Nhưng con đường vẫn còn dài và nhiều thử thách, không lên thẳng như giá cổ phiếu được
Chính những kế hoạch tham vọng cùng với đó là những thành quả bước đầu cũng đã được ghi nhận (thị phần tăng, lợi nhuận tăng) đã giúp cho giá cổ phiếu của VTP đã tăng rất mạnh kể từ đầu 2023 cho tới nay (thời điểm công ty bắt đầu công cuộc tái cấu trúc và định hình lại doanh nghiệp). Theo đó giá cổ phiếu đã tăng gấp 3 lần dù cho doanh thu và lợi nhuận mảng dịch vụ tăng chưa được nhiều. Giá cổ phiếu đã tăng gần như không ngừng nghỉ từ vùng giá 21-25k/cp lên tới vùng giá 7x-8x như hiện nay. Với giá khoảng 73.x như hiện nay thì mức định giá P/E đang là khoảng 25 lần. Còn nếu lấy giá ở vùng đỉnh tức khoảng 95k/cp thì mức P/E khi đó khoảng 32 lần. Theo thuần định giá P/E thì mức định giá này là khá cao.
Vì chúng ta cần phải hiểu là VTP vẫn còn đó rất nhiều việc cũng như nhiều biến cố có thể gặp trên con đường chinh phục các tham vọng của mình trong các năm tới. Cụ thể một số biến chính như:
- Ngành nghề của VTP là ngành có mức độ cạnh tranh rất gay gắt và rào cản gia nhập ngành không phải là quá khó khăn.
- Các kế hoạch của VTP là khá tham vọng nhất là với thị trường quốc tế nhưng thời gian để có thể hoàn thành là không ngắn nên về định giá cũng cần có theo từng bước đạt được chứ k thể trả trước cho quá xa khi mà có nhiều biến số không lường trước được.
- Trong các năm tới các chi phí khấu hao, chi phí giá vốn của VTP sẽ tăng lên khá nhiều sau giai đoạn đầu tư mới nhiều nên áp lực tăng trưởng được lợi nhuận là khá khó khăn chứ chưa nói bài toán duy trì được ổn định và lâu dài kiểu như FPT để được trả mức định giá cao như vậy.
Tuy nhiên về tổng quát chúng tôi thấy rằng VTP vẫn rất tiềm năng và tham vọng trong các năm tới nếu xét thuần về mặt FA doanh nghiệp. Về thuần định giá chúng tôi thấy VTP không còn rẻ nhưng với nội tại tốt và kế hoạch đầy tham vọng trong các năm tới sẽ khiến giá cổ phiếu vẫn có thể tăng giá trong thời gian tới khi thị trường tốt dần lên.
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-
TDC đã trải qua năm 2023 vô cùng khó khăn khi trải qua cả 4 quý với mức lợi nhuận âm, thậm chí kéo dài sang cả quý đầu năm 2024. Phải tới Q2 vừa qua mới ghi nhận lợi nhuận dương sau 6 quý liền âm. Vậy đây đã là dấu hiệu cho thấy khó khăn với TDC đã qua hay chưa? Chúng ta sẽ cùng phân tích trong bài viết này nhé
I. Kết quả kinh doanh
Kết thúc Q2-2024 TDC ghi nhận doanh thu 115 tỷ đồng, giảm 14.2% yoy nhưng lợi nhuận sau thuế lại ghi nhận lãi tới 73.4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ tới 281 tỷ đồng. Đáng chú ý Q2-2024 là quý ghi nhận lợi nhuận dương đầu tiên sau 6 quý liền lợi nhuận âm. (Hình 1)
Chúng ta sẽ đi bóc tách xem nguyên nhân từ đâu khiến cho lợi nhuận Q2-2024 dương được. Đầu tiên nhìn vào các mảng kinh doanh chính của công ty chúng ta không thấy có sự thay đổi lớn so với cùng kỳ khi mà doanh thu giảm 14.2% và lợi nhuận gộp cũng giảm 3.3% so với cùng kỳ. Như vậy có thể thấy mảng kinh doanh chính chưa có khởi sắc gì. Chúng tôi xem chi tiết từng mảng cũng thấy tương tự khi từng mảng cũng không có thay đổi gì. Đóng góp chính vẫn là mảng bê tông và BĐS nhưng chưa thấy sự khởi sắc nào. (Hình 2)
Bóc tách các yếu tố khác chúng ta sẽ thấy lợi nhuận Q2-2024 của TDC ghi nhận được mức dương phần lớn tới từ khoản lợi nhuận tài chính và ngược lại Q2-2023 lợi nhuận âm lớn là do chi phí khác bất ngờ bị đội lên, cụ thể:
- Q2-2024 ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến từ khoản doanh thu hoạt động tài chính với 124.9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ hơn 1 tỷ đồng. Xem thuyết minh chi tiết thì khoản doanh thu này tới từ khoản hợp đồng hợp tác kinh doanh như hình 3 dưới.
Trong khi đó chi phí tài chính có phần được tiết giảm so với cùng kỳ nhờ chi phí lãi vay đã giảm từ 93 tỷ đồng xuống còn 80 tỷ đồng nên lợi nhuận hoạt động tài chính chính là động lực giúp cho lợi nhuận Q2-2024 của công ty ghi nhận mức lợi nhuận dương. Tuy nhiên đây chỉ là một khoản lợi nhuận đột biến và sẽ không thể lặp lại trong các quý tới nữa.
- Q2-2023 ngoài việc không có lợi nhuận đột biến thì TDC còn phải chịu khoản chi phí đột biến với hơn 228 tỷ đồng. Cụ thể công ty ghi nhận chi phí khác đột biến lên 228 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ gần 3 tỷ đồng. Xem thuyết minh chi tiết thì khoản này do công ty bị hoàn nhập tài sản đã bán năm trước (100 tỷ đồng) và phạt do vi phạm hợp đồng (128 tỷ đồng). Đây là khoản phát sinh do các sản phẩm BĐS đã bán nhưng bị trả lại. Do đã ghi nhận doanh thu trước đó nên hiện tại sẽ phải ghi vào chi phí để bù lại. (Hình 4)
Như vậy có thể thấy khá rõ rằng tuy mảng kinh doanh cốt lõi không có tha đổi nhiều nhưng lợi nhuận 2 quý khác nhau lớn tới từ những yếu tố mang tính chất đột biến. Điều này cơ bản cho thấy Q2-2024 vừa qua chưa thể coi là quý bước ngoặt để đưa TDC kinh doanh có lãi trở lại. Còn các quý tới sẽ như thế nào chúng ta sẽ bóc tách và phân tích tiềm năng trong phần dưới của bài viết.
Về bức tranh tài chính, TDC từ 2016 cho tới nay vẫn liên tục duy trì chính sách vay nợ cao với tỉ lệ nợ vay/ vốn chủ luôn trên 100%. Điều này sẽ có lợi nếu thị trường kinh doanh thuận lợi như giai đoạn 2016-2018 hay 2020-2022 còn các giai đoạn khó khăn thì đây sẽ là gánh nặng vô cùng lớn với doanh nghiệp. Chính giai đoạn từ cuối 2022 cho tới nay có thể coi là giai đoạn khó khăn nhất khi mà ngành BĐS đóng băng, ngành bê tông cũng khó khăn khi xây dựng không có việc. Lãi suất cũng duy trì ở mức cao trong giai đoạn cuối 2022, đầu 2023 khiến chi phí lãi vay tăng cao. (Hình 5)
Hiện tại tuy mặt bằng lãi suất đã giảm nhiều giúp cho áp lực chi phí lãi vay giảm xuống nhưng với mỗi năm phải trả hơn 150 tỷ đồng lãi vay trong khi tổng doanh thu chỉ hơn 500 tỷ đồng thì rất khó để doanh nghiệp có thể nghĩ tới chuyện lợi nhuận dương được khi mà còn rất nhiều các chi phí khác.
Ngoài ra lịch sử các dự án của TDC thường kéo dài khá lâu từ khi khởi công cho tới khi hạch toán trong khi nguồn vốn đa phần là đi vay sẽ khiến cho giá vốn bị đội lên khá nhiều do chi phí lãi vay (vốn hóa lãi vay) và thị trường BĐS đóng băng thì áp lực với công ty càng lớn vì càng để lâu thì giá vốn càng tăng lên trong khi giá bán không tăng được, thậm chí còn phải hạ giá để bán được hàng và khi đó thậm chí tới lúc hạch toán các dự án còn có thể bị lỗ.
II. Tiềm năng các quý tới
Trong phần này chúng ta sẽ đi phân tích kế hoạch kinh doanh và các mảng của công ty trong thời gian tới để xem công ty có thể trở lại được không.
1. BĐS – Kế hoạch với nhiều dự án
Trong năm 2024-2025 tới công ty đã trình lên kế hoạch bù lỗ cho giai đoạn vừa qua với việc sẽ đưa nhiều dự án vào mở bán và hạch toán. Công ty cũng lên kế hoạch khá cao cho năm 2024 với mức lợi nhuận sau thuế lên tới 408 tỷ đồng. Dưới đây là các dự án chính có trong kế hoạch của công ty:
- Uni Town: KĐT nằm đối diện cổng KCN VSIP II và trong năm 2024 công ty dự kiến mở bán 65 căn với tổng doanh thu có thể đạt 344 tỷ đồng.
- TDC Plaza: là dự án căn hộ với 5 block cao 21 tầng tọa lạc tại trung tâm thành phố mới Bình Dương. Năm 2024 dự kiến sẽ tiến hành thi công để hoàn tất các block A,B,C,D và trung tâm thương mại. Doanh thu chuyển nhượng toàn bộ dự án ước tính khoảng 630 tỷ đồng.
- Các dự án đất nền như Chơn Thành, Cocoland và Westemland dự kiến cũng mang lại doanh thu hơn 200 tỷ đồng.
- TDC Hòa Lợi: trong năm 2024 công ty dự kiến sẽ ra sổ và có thể bàn giao dự án TDC Hòa Lợi để mang về doanh thu khoảng 552 tỷ đồng.
- Dự án Vsip Sông Cấm: trong năm 2023 công ty dự kiến hạch toán 126 tỷ đồng lợi nhuận nhưng do không xuất kịp hóa đơn ghi nhận nên công ty chỉ ghi nhận được hơn 40 tỷ đồng trong năm 2023 và dự kiến 2024 sẽ ghi nhận khoảng 117 tỷ đồng, còn lại tiếp tục ghi nhận sang 2025.
Tuy nhiên với những dữ liệu cho tới hiện tại chúng tôi thấy rằng sẽ là khá khó để TDC có thể thực hiện được kế hoạch đặt ra trong năm 2024 bởi những luận điểm sau:
- Tồn kho tới Q2-2024 của TDC là khoảng hơn 400 tỷ đồng và không có dấu hiệu tăng nhiều sau khi giảm mạnh vào Q3-2022 (do hạch toán dự án lớn là UniGalaxy giúp mang lại doanh thu lớn năm 2022). Điều này cho thấy công ty không triển khai được các dự án của mình dù danh sách dự án và kế hoạch là khá nhiều. Khoản người mua trả trước cũng tăng không nhiều. (Hình 6)
- Như đã phân tích ở phần trước, tình hình tài chính của TDC là khá khó khăn với nợ vay lớn và điều này là khó khăn cho việc công ty có thể triển khai được nhiều dự án một lúc. Hiện tại để tiếp tục có tài chính cho việc triển khai các dự án lớn nhằm mở bán để hạch toán thì công ty phải có nguồn lực kinh tế thực hiện. Hiện tại chúng tôi chưa thấy cửa nào sáng cả. Tại đại hội cổ đông 2024, khi được hỏi câu hỏi về nguồn vốn, công ty có thông tin rằng đang tìm kiếm và làm việc với một số đối tác để hợp tác phát triển dự án, bao tiêu sản phẩm. Điều này chúng ta có thể hiểu gần như công ty phải chấp nhận bán lúa non cho các đối tác hoặc chia sẻ lợi nhuận dự án cùng họ để triển khai được thành công. Như vậy lợi nhuận còn lại dành cho TDC sẽ là rất thấp. Chưa kể việc tìm kiếm đối tác cũng là hết sức khó khăn và phức tạp trong vấn đề hợp đồng.
- Với việc vay nợ lớn trong nhiều năm nay khiến cho các dự án của công ty khi hạch toán gần như biên lợi nhuận gộp là rất mỏng do lãi vay ăn hết lợi nhuận. Vì thế khi các dự án đưa vào hạch toán trong các năm tới có thể mang lại doanh thu tốt cho công ty nhưng để có được lãi tốt hay không lại là điều mà chúng tôi chưa chắc chắn.
Như vậy với những phân tích trên chúng tôi khá nghi ngờ tính khả thi của kế hoạch mà công ty đặt ra trong năm 2024 tới., nhất là mảng BĐS.
2. Mảng bê tông
Đây là mảng kinh doanh đóng góp lớn nhất vào doanh thu của công ty với hơn 50% tỉ trọng doanh thu trong năm 2023. Trong năm 2023 mảng bê tông đóng góp 358 tỷ đồng doanh thu, giảm 35.7% yoy. Lợi nhuận gộp đạt 66 tỷ đồng, giảm 38.3% yoy. (Hình 7)
Trong 6 tháng đầu năm 2024 mảng bê tông đóng góp doanh thu đạt 167 tỷ đồng, giảm 3% yoy. Lợi nhuận gộp đạt 34 tỷ đồng, tăng 3% yoy. Như vậy có thể thấy dù mức nền 2023 là thấp nhưng 6 tháng đầu năm 2024 kết quả kinh doanh của công ty gần như là đi ngang so với cùng kỳ chứ chưa có gì khởi sắc cả. Công ty đặt kế hoạch trong năm 2024 sẽ nghiên cứu và mở rộng thị trường đối với các địa bàn đang phát triển KCN tại tỉnh Bình Dương và cả Bình Phước. Tuy nhiên kết quả hiện tại là chưa có gì khác biệt cũng như tiềm năng ngành xây dựng theo chúng tôi là vẫn còn rất nhiều khó khăn và ít nhất cũng phải hết 2025 mới có thể kỳ vọng khởi sắc trở lại được.
Cho kỳ vọng 2024 chúng tôi cho rằng mảng bê tông sẽ đi ngang so với cùng kỳ 2023 với khoảng 350 tỷ đồng doanh thu và 70 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
III. Tổng kết
Như vậy với những phân tích ở trên chúng tôi thấy rằng công ty đặt kế hoạch cho năm 2024 là khá tham vọng với hơn 2,400 tỷ đồng doanh thu và hơn 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Cụ thể như hình 8 dưới:
Để hoàn thành kế hoạch này TDC phải ghi nhận doanh thu hơn 2k tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 350 tỷ đồng trong 2 quý còn lại của năm 2024. Với tình hình vĩ mô ngành BĐS như hiện tại cùng tiềm năng các dự án mà công ty đang đặt kế hoạch là khá khó để có thể hoàn thành kế hoạch trên. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng chỉ cần mảng core chính của doanh nghiệp mà giúp lợi nhuận sau thuế của công ty dương trở lại cũng đã là một động lực hỗ trợ cho giá cổ phiếu hồi phục rồi.
Về định giá cho kỳ báo cáo tài chính Q3 tới chúng tôi cho rằng giá hiện tại của TDC là khá cao và mức giá phù hợp với cổ phiếu trong Q3 tới chỉ là khoảng 10-11k/cp.
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-
HLD đã ra bctc Q2-2024 với điểm nhấn lớn nhất là tồn kho của công ty tăng mạnh lên 1855 tỷ đồng từ mức chỉ hơn 400 tỷ đồng ở quý trước đó. Vậy tồn kho này tăng là do đâu và công ty có điểm nhấn gì đáng chú ý sau BCTC Q2 vừa ra hay không? Chúng ta sẽ cùng đi phân tích và bóc tách trong phần dưới của bài viết.
I. Kết quả kinh doanh
Sau giai đoạn hạch toán các dự án lớn tại Bắc Ninh giúp cho kết quả kinh doanh của HLD từ 2017 tới 2019 và đầu 2020 tăng vọt thì từ 2021 trở đi khi mà không có các dự án lớn nào gối đầu thì kết quả kinh doanh của HLD hết sức ảm đạm. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2024 doanh thu công ty chỉ đạt vỏn vẹn có 6.9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 0.6 tỷ đồng. Con số kém xa những gì đã đạt được ở giai đoạn trước. (Hình 1)
Trong các năm tới dự án lớn tiếp theo có thể được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu lớn cho công ty chính là các dự án tại Yên Bái và gần hơn nữa là dự án Bình Giang – Hải Dương.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất là trong Q2 vừa qua trên bctc cục tồn kho đã bất ngờ tăng mạnh từ 414 tỷ đồng vào cuối Q1-2024 lên tới 1855 tỷ đồng vào cuối Q2-2024. (Hình 2)
Theo thuyết minh chi tiết của công ty thì khoản mục tồn kho tăng mạnh trong Q2-2024 chính là đến từ dự án Bình Giang – Hải Dương tăng lên từ 313 tỷ đồng cuối 2023 lên 1,796 tỷ đồng tại cuối Q2-2024 (Hình 3)
Như vậy có thể khẳng định đây chính là dự án mà sẽ được kỳ vọng tiếp theo của HLD trong các năm tới. Chi tiết hơn về dự án chúng tôi sẽ cập nhật ở phần dưới bài viết.
Ngoài kết quả kinh doanh thì HLD còn một số điểm đáng chú ý sau:
- Về cơ cấu tài chính, dù làm trong ngành BDS nhưng tỉ lệ nợ vay/ VCSH của HLD vẫn được duy trì ở mức khá thấp với chỉ khoảng 31.2%. Điều này cho thấy công ty không sử dụng quá cao đòn bẩy tài chính và điều này giúp cho công ty bớt khó khăn và áp lực hơn trong giai đoạn BĐS đang thời kỳ đóng băng. Tuy nhiên so với chính công ty thì từ 2022 tới nay nợ vay lại đang có xu hướng tăng, nhất là giai đoạn 2022. Cụ thể như hình 4 dưới.
- Tiếp theo là vấn đề chia cổ tức, HLD trong các năm trước vẫn nổi tiếng nhờ chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao cũng như đều đặn, tuy nhiên cũng từ sau 2021 khi kết quả kinh doanh kém đi vì không còn các dự án BĐS hạch toán. Năm 2022 chỉ còn 12% và 2023 là 7%, sang 2024 công ty sẽ không chia cổ tức tiền mặt và dự kiến 2025 cũng vậy khi chưa có dự án mới hạch toán. Như vậy đây sẽ là điểm trừ với các nhà đầu tư theo trường phái an toàn. (Hình 5)
Như vậy với báo cáo tài chính Q2 thì điểm nhấn lớn nhất trên báo cáo chính là việc dự án Bình Giang có biến chuyển lớn để có thể kỳ vọng dự án sẽ thay đổi và sớm mở bán trong tương lai.
II. Các dự án chính
Trong phần này chúng tôi sẽ chỉ điểm danh các dự án có khả năng mang lại lợi nhuận lớn trong tương lai cho công ty còn các dự án đang cho thuê hay thu dịch vụ mang lại lợi nhuận ổn định nhưng không lớn nên chúng tôi sẽ không phân tích trong phần này.
1. Dự án Bình Giang – Hải Dương
Đây là dự án được kỳ vọng nhất của HLD ở hiện tại vì nó gần như là dự án lớn nhất và duy nhất của công ty đang được triển khai và thi công hiện tại còn các dự án khác vẫn đang ở giai đoạn đầu xin phê duyệt đầu tư hoặc đã thi công và bàn giao xong. (Hình 6)
Đầu tiên chúng ta sẽ đi sơ qua về thông tin cơ bản của dự án:
- Diện tích dự án: 44.26ha và mật độ xây dựng khoảng 30%
- Địa điểm: Thái Học – Bình Giang – Hải Dương
- Quy mô dự kiến: 800 căn shophouse, nhà LK, biệt thự và căn hộ chung cư.
- Tổng mức đầu tư: dự kiến 3500 tỷ đồng
Hiện tại dự án đã giải phóng mặt bằng được 97.7%, đã khởi công và gần như hoàn thành việc thi công hạ tầng như san nền, dải đá răm các tuyến đường của dự án, hệ thống thoát nước, điện, …
Theo lãnh đạo công ty thông tin dự án dự kiến sẽ đưa vào kinh doanh từ Q4-2025 với giá bán bình quân dự kiến khoảng 24.5 triệu/m². Trong đó công ty dự kiến sẽ bán 30% dự án cho tổng công ty HUD theo thỏa thuận với ngân hàng để có thể ký kết hợp đồng tín dụng. (Hình 7)
Như vậy có thể thấy từ Q2-2024 cho tới Q4-2025 sẽ là quãng thời gian mà công ty tiến hành các hạng mục như xây thô các căn shophouse, LT, BT của dự án cũng như hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối và điều này sẽ khiến tồn kho của dự án tăng nhanh hơn so với giai đoạn thi công hạ tầng trước đó. Đây sẽ là động lực hỗ trợ cho giá cổ phiếu trong thời gian tới khi mà ít nhất nhà đầu tư có thể thấy những thay đổi rõ nét trên báo cáo tài chính từng quý.
Tuy nhiên từ nay cho tới ngày hái quả của dự án vẫn còn là rất xa khi mà cuối 2025 mới mở bán và có thể phải tới 2026-2027 mới được hạch toán.
2. Các dự án khác
Ngoài dự án Bình Giang đang thi công và triển khai thì HLD cũng vẫn còn các dự án khác dự kiến sẽ khởi công trong tương lai. Các dự án này đều có đặc điểm chung là đều nằm tại Yên Bái và tình trạng là chưa khởi công. Cụ thể hiện trạng của từng dự án đang như sau:
- Dự án Đồng Tâm – Yên Bái: Dự án có quy mô 3.25ha tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái. Dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 366 tỷ đồng. Dự án đã được chấp thuận chủ trương xây dựng theo quyết định số 1501/QĐ-UBND và đang trong quá trình GPMB, hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Hiện tại dự án đang trong quá trình xin phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.
- Dự án Hợp Minh – Yên Bái: Dự án có quy mô 24.62ha, đã được chấp thuận chủ trương dầu tư vào 23/9/2022. Tiếp theo công ty đã được phê duyệt là nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực và kinh nghiệm vào 18/1/2023. Trong thời gian tới công ty sẽ tiến hành GPMB và hoàn thiện hồ sơ dự án.
Như vậy cả 2 dự án trên đều mới chỉ trong giai đoạn đầu và còn cần nhiều thời gian để có thể khởi công chứ chưa nói đến các giai đoạn tiếp theo như mở bán hay xa hơn là hạch toán. Vì vậy cũng k nên kỳ vọng quá vào các dự án này.
III. Tổng kết và định giá
Với những phân tích ở trên chúng ta có thể thấy rõ tiềm năng của HLD trong các năm tới gắn liền với tiến độ dự án Bình Giang và thực tế sớm nhất cũng phải 2025 mới mở bán và sang 2026-2027 mới có thể hạch toán. Hiện mới là Q3-2024 và chúng tôi cho rằng hiện tại chưa phải thời điểm thích hợp để đầu tư vào HLD. Thời điểm có lẽ phù hợp hơn để đầu tư vào HLD là giai đoạn khi công ty mở bán dự án, tức phải cuối 2025 đến đầu 2026 theo tiến độ công ty thông tin.
Về định giá chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu khả năng sẽ chỉ đi ngang và không có biến động quá nhiều trong thời gian tới (có chăng chỉ có biến động theo xu hướng chung của ngành). Điều này có nghĩa giá cổ phiếu khả năng sẽ đi ngang trong vùng giá 25-30k/cp từ nay tới hết năm 2024.
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-
mình thắc mắc sao VTP lại nằm ở sàn UPCOM
Trong series lần này, chúng tôi sẽ cập nhật các thông tin liên quan đến một số cổ phiếu lớn trong ngành dầu khí: PVD, PVS, PVT,… và đưa ra những nhận định của team về những mã cổ phiếu này.
Bài 1: PVD – Mong chờ gì ở những tháng tiếp theo?
PVD hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp giàn khoan và dịch vụ kĩ thuật khoan phục vụ hoạt động, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Hiện PVD đang sở hữu 07 giàn khoan, chiếm đến 70% thị phần khoan trực tiếp trên lãnh thổ nước ta. PVD và PVS hiện là 02 doanh nghiệp được phân vào khu vực “Thượng nguồn” khi đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực khai thác dầu khí.
Tính từ năm 2023 đến hết Q1/24, PVD đang cho thấy những lần tăng giá khá vững chắc khi tình hình thị trường chung tốt lên, bản thân PVD cũng có nhiều sự thay đổi tích cực. Vì thế, bài viết này sẽ tìm kiếm những luận điểm đầu tư cho thấy PVD vẫn là một cổ phiếu nhiều tiềm năng trong cả trung và dài hạn. (Hình 1)
I. Kết quả kinh doanh Q2.24
Kết thúc nửa đầu năm 2024, PVD ghi nhận tăng trưởng doanh thu khá ấn tượng. Cụ thể, trong Q2 vừa qua, công ty ghi nhận doanh thu bán hàng đạt 2.254 tỷ đồng – tăng mạnh gần 60% yoy. Theo giải trình của công ty, kết quả của việc tăng trưởng doanh thu này đến chủ yếu từ việc đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng tăng 25% yoy và tăng thêm 1 giàn khoan Hakuryu-11 trong Q2/24 trong khi cùng kỳ 2023 lại chưa ghi nhận. Bên cạnh đó, doanh thu tại các công ty con cũng tăng đã đóng góp vào sự tăng trưởng chung của PVD trong quý vừa qua. Đây cũng là quý ghi nhận doanh thu cao nhất từ 2015 trở lại đây. Tuy nhiên giá vốn hàng bán cũng tăng gần 70% nên giá vốn hàng bán chỉ đạt 20,8% - thấp hơn cùng kỳ 4,6%. (Hình 2)
Tuy doanh thu tăng mạnh và đạt con số kỷ lục, lợi nhuận của doanh nghiệp này lại ghi nhận con số tăng trưởng âm. Cụ thể, LNST công ty mẹ đạt 136 tỷ - giảm nhẹ 17% - và ghi nhận biên lãi ròng là 6%. Lí giải cho vấn đề này, ban lãnh đạo cho biết Q2/23 phát sinh một khoản thu nhập từ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với khách hàng trong khi Q4 không ghi nhận khoản này. (Hình 3)
Bên cạnh đó, trong quý vừa qua công ty liên doanh của PVD cũng ghi nhận lỗ gần 5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 19 tỷ đồng do khối lượng công việc tại nhóm công ty này bị giảm đi. Chúng tôi cũng nhận thấy chi phí tài chính trong quý vừa qua tăng mạnh lên mức 133 tỷ đồng – trong khi cùng kì chỉ là 79 tỷ. Đây là kết quả của việc đồng USD tăng mạnh trong thời gian vừa qua, cũng là một trong những lí do lớn khiến LNST của PVD giảm mạnh. (Hình 4)
Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm PVD ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 4.036 tỷ đồng và lãi ròng 281 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 34% so với cùng kỳ. PVD đã hoàn thành 65% kế hoạch doanh thu và 74% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm nay. Động lực tăng trưởng trong nửa năm vừa qua đến khi dịch vụ khoan tăng trưởng 36% với giá thuê trung bình tăng 30% và hiệu suất trung bình của các giàn này lên đến 99,54%. Doanh thu từ các dịch vụ liên quan đến giếng khoan trong nửa đầu năm nay của PVD cũng tăng 33% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên do là doanh nghiệp vay nợ nhiều bằng đồng USD và hoạt động trên cả thị trường quốc tế, nên tỷ giá có biến động mạnh thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lãi ròng của doanh nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng trong năm nay tình hinh kinh doanh của PVD vẫn ổn định ở cả giai đoạn trung hạn và dài hạn khi có nhiều câu chuyện hơn để kể. Và đó là những luận điểm đầu tư của team.
II. Luận điểm đầu tư
Trong giai đoạn ngắn – trung hạn từ nay đến hết năm, chúng tôi kì vọng hoạt động khai thác tại các thị trường PVD cho thuê giàn khoan vẫn còn sôi động. Còn đối với giai đoạn dài hạn hơn, câu chuyện về Lô B - Ô Môn sẽ là động lực tăng trưởng không phải chỉ cho PVD mà còn cả các doanh nghiệp thượng nguồn. Đây là những ý chính trong bài phân tích lần này của chúng tôi.
1. Động lực ngắn – trung hạn: Họa động cho thuê giàn khoan vẫn sôi động
Hiện tại, giá thuê giàn khoan trung bình tại thị trường ĐNÁ đã hạ nhiệt so với thời điểm Q1 nhưng vẫn đang ở mức cao, quanh 130 – 135 nghìn USD/ngày với hiệu suất 95,8% trong Q1. Với một số giàn khoan cao cấp hơn thì mức thuê có thời điểm lên tới 150 nghìn USD/ngày, tiệm cận mức đỉnh giai đoạn 2013 – 2015. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc giá dầu neo ở mức cao trên $70/thùng đã tái khởi động các chiến dịch thăm dò, khai thác, từ đó kích thích nhu cầu thuê giàn khoan. Nhưng trên hết, lý do chính khiến giá giàn khoan cho thuê tăng cao đến từ việc các giàn khoan được điều động sang khu vực Trung Đông, trong khi nhu cầu tại khu vực chưa hạ nhiệt. (Hình 5)
Cụ thể, động lực thúc đẩy nhu cầu thăm dò dầu khí đến từ Saudi Aramco, ADNOC, tập đoàn Dầu khí Kuwait – những tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới:
- ADNOC có kế hoạch mở rộng từ 4,2 triệu thùng/ngày lên 5 triệu thùng/ngày vào 2027. Để thực hiện kế hoạch này, ADNOC đã chi trả 150 tỷ đồng vốn XDCB trong 5 năm tới
- Saudi Aramco ban đầu dự định tăng công suất sản xuất dầu từ 12,2 triệu thùng/ngày lên 13,2 triệu thùng/ngày trong năm 2027 nhưng đã trì hoãn kế hoạch mở rộng này. Công ty dã hủy bỏ đấu thầu các hợp đồng EPIC trị giá hơn 10 tỷ đô để mở rộng mỏ Safaniya khổng lồ của mình.
- Không chỉ thế, trong tháng 7 vừa qua, Kuwait đã phát hiện mỏ dầu khí khổng lồ, tương đương sản lượng của nước này trong 3 năm tại mỏ Al-Nukhida ở phía đông đảo Failaka.
Link: Ông lớn OPEC phát hiện mỏ dầu khí khổng lồ
Như vậy, có thể thấy nhu cầu giàn khoan ở khu vực này rất nóng, từ đó gián tiếp làm khan hiếm nguồn cung ở những khu vực khác. Chúng tôi cho rằng giá và hiệu suất cho thuê giàn khoan sẽ tiếp tục ở mức cao do số lượng giàn khoan có sẵn trên thị trường ĐNA đang ở mức thấp, từ đó thúc đẩy tích cực tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của PVD. Chúng tôi update một số thông tin liên quan đến lịch cho thuê giàn khoan của PVD (Hình 6):
2. Động lực trung – dài hạn: Lô B – Ô Môn là điểm nhấn tăng trưởng với dòng khí đầu tiên từ 2026
Lô B là một câu chuyện dài hạn, với những vướng mắc kéo dài đến 20 năm trước khi Chính phủ chốt PVN là chủ đầu tư từ tháng 6/23. Đến tháng 10/23, một số hợp đồng quan trọng đã được ký với các đối tác để triển khai dự án (thỏa thuận khung lô B, biên bản thống nhất nội dung hợp đồng bán khí Ô Môn 1, trao thầu hợp đồng EPC 1), và các hiệp định thương mại. Tuy chưa nhận được quyết định đầu tư cuối cùng (FID) nhưng các gói thầu xây lắp và hoạt động giải phóng mặt bằng đã và đang được triển khai để kịp tiến độ. Chúng tôi kỳ vọng siêu dự án này sẽ nhận được FID cuối 2024 hoặc sang 2025 để đảm bảo kế hoạch và các cam kết với các bên liên quan. Nếu bám đúng theo kế hoạch đề ra, 2026 sẽ nhận được dòng khí đầu tiên từ Lô B, đánh dấu một mốc vàng son mới cho ngành dầu khí Việt Nam. (Hình 7)
Đối với dự án này, PVD dự kiến sẽ đưa ra 1-2 giàn khoan tự nâng sở hữu để tham gia thăm dò và khai thác. Bên cạnh đó, PVD dự kiến mua lại giàn khoan tự nâng từ 10-15 tuổi với giá khoảng 90 triệu đô. Mục đích việc đầu tư vào giàn khoan này là để mở rộng công suất, đồng thời phục vụ kịp thời cho việc phát triển dự án Lô B này. Tuy nhiên, tiến độ dự án đang chậm hơn kế hoạch bởi BLĐ cho biết đang tìm các giàn khoan khác với chi phí đầu tư tốt hơn, hiệu quả hoạt động cao hơn. Bởi trung bình một giàn khoan hoạt động được từ 25 đến 30 năm, PVD đầu tư vào các giàn 10-15 năm tuổi thì hiệu quả chưa phải là tối ưu nhất trong bối cảnh này.
3. Tỷ giá hạ nhiệt sẽ góp phần tăng lợi nhuận của doanh nghiệp
Không thể không kể đến tỷ giá – một trong những “kẻ thù” của những doanh nghiệp của khoản vay bằng đồng USD. Tính đến thời điểm viết bài, tỷ giá đã hạ nhiệt về dưới mốc 25.000đ, nhờ vào kỳ vọng FED sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng 9 tới đây, với xác suất trên 64% sẽ cắt giảm 25 điểm phần trăm – theo FED Watch. Tuy đã hạ nhiệt đáng kể, nhưng chúng tôi cho rằng Q3 này ảnh hưởng của tỷ giá vẫn phần nào phản ánh vào KQKD Q3 do mức tăng vẫn là 4,35% so với cùng kỳ. Kỳ vọng của chúng tôi là mức ảnh hưởng sẽ không còn quá mạnh như trong Q2, khi chi phí tài chính chiếm đến gần 6% doanh thu. (Hình 8)
III. Kết luận
Tổng kết lại, chúng tôi nhận thấy PVD vẫn là một case xứng đáng để đầu tư trong cả trung – dài hạn bởi:
- Trong ngắn – trung hạn: Giá giàn khoan dự kiến sẽ tiếp tục neo ở mức cao bởi nguồn cung thấp trong khu vực. Tỷ suất hoạt động của giàn khoan cũng lên đến mức gần 100% - cho thấy sự hoạt động hiệu quả. 6/7 giàn khoan của PVD đều đang có hợp đồng cho thuê dài hạn đến hết 2025, 1 giàn khoan đất liền sẽ có hợp đồng mới vào tháng 9/24.
- Trong trung – dài hạn: Lô B – Ô Môn là điểm nhấn tăng trưởng khi nhận được FID kỳ vọng trong cuối năm 2024, đầu năm 2025 để kịp tiến độ triển khai, ký kết với các đối tác. PVD dự kiến sẽ đóng góp 1-2 giàn vào siêu dự án này. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng việc có các thông tin tích cực liên quan đến Lô B sẽ là chất xúc tác cực lớn vào tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư, từ đó khiến giá cổ phiếu của ngành Dầu khí nói chung, PVD nói riêng tăng mạnh.
- Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt sẽ khiến tác động của lỗ tỷ giá lên hoạt động kinh doanh của PVD giảm xuống, từ đó khiến lợi nhuận cải thiện so với hiện nay.
Như vậy, với những luận điểm trên, chúng tôi cho rằng PVD vẫn xứng đáng để đầu tư trong năm nay. Xét về giá cổ phiếu, chúng tôi nhận thấy PVD đã tạo đáy ở vùng giá 26.x và đang trên đà hồi phục và có thể quay lại vùng giá 28-29 trong điều kiện thị trường không có nhiều biến động. Tuy nhiên, nếu có các thông tin tích cực như giá giàn khoan tăng, hay nhận được chủ trương đầu tư thêm giàn khoan, hay các thông tin tích cực về Lô B thì câu chuyện sẽ có nhiều thay đổi. Vì thế, chúng tôi sẽ theo sát các thông tin này và đưa ra các khuyến nghị phù hợp cho khách hàng của team ngay khi có diễn biến mới.
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-
BFC đã công bố bctc Q2-2024 với cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng rất tốt. Thậm chí lợi nhuận Q2 của công ty còn đạt mức cao nhất trong nhiều năm gần đây của công ty. Vậy điều gì đã giúp cho BFC tăng trưởng tốt đến vậy trong bối cảnh ngành phân bón cũng chưa quá khởi sắc như hiện tại.
I. Kết quả kinh doanh
Kết thúc Q2-2024 BFC ghi nhận doanh thu thuần 2,916 tỷ đồng, tăng 25% yoy. Nhờ mức biên lợi nhuận gộp tiếp tục được cải thiện đã giúp cho lợi nhuận gộp của công ty tăng mạnh 89% yoy và đặc biệt là lợi nhuận sau thuế ghi nhận 167.6 tỷ đồng, tăng 218% yoy, con số lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm trở lại đây của công ty. (Hình 1)
Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh hơn so với lợi nhuận gộp là nhờ các chi phí của công ty có mức tăng thấp hơn so với mức tăng của lợi nhuận gộp. Cụ thể dù chi phí bán hàng tăng khá nhiều nhưng chi phí lãi vay lại giảm khá nhiều đã giúp cho tổng chi phí tăng không quá nhiều.
Như vậy có thể thấy điểm nhấn trong bức tranh kinh doanh của BFC trong Q2-2024 đó chính là công ty tăng được khá mạnh doanh thu cộng với biên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh trong các quý gần đâu. Cụ thể lý do và động lực cho 2 điểm nhấn chính trên chúng tôi sẽ phân tích chi tiết trong phần dưới của bài viết.
Ngoài ra còn một số điểm đáng lưu ý về BFC trên BCTC như sau:
- Về nợ vay, trong năm 2023 và đầu 2024 BFC đã liên tục giảm nợ vay xuống từ hơn 2k tỷ đồng đã chỉ còn 1,030 tỷ đồng vào cuối Q2-2024, tức mức giảm tới 50% từ vùng đỉnh 2022. Nợ vay của BFC cũng gần như toàn bộ là nợ ngắn hạn để phục vụ cho hoạt động của công ty. (Hình 2)
Nhờ nợ vay liên tục được giảm trong các quý gần đây nên chi phí lãi vay của BFC cũng được tiết giảm đáng kể từ mức 36 tỷ đồng trong Q2-2023 xuống còn 16.6 tỷ đồng tại Q2-2024. Trong các quý tới theo chúng tôi chi phí lãi vay sẽ tiếp tục giảm khi mà nợ vay tiếp đà giảm cũng như lãi suất trên thị trường đang tiếp tục duy trì ở mức thấp.
- Tiếp theo là tới cổ tức tiền mặt, BFC trong gần 10 năm trở lại đây vẫn duy trì chính sách chi trả cổ tức tiền mặt khá cao và chúng tôi cho rằng trong tương lai cũng vẫn sẽ vậy do BFC có cổ đông lớn nhà nước chiếm tới 65% cổ phiếu công ty (Vinachem) nên thường sẽ duy trì chi trả cổ tức phần lớn lợi nhuận làm ra. Cụ thể trong năm 2024 BFC đã tiến hành trả cổ tức 25% lợi nhuận năm 2023. Tính trên thị giá hiện tại thì % cổ tức vào khoảng 6%, cao hơn chút so với lãi suất gửi tiết kiệm hiện tại. Cho kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024 vào 2025 công ty cũng đã ra kế hoạch sẽ chia cổ tức bằng tiền không dưới 15%, cụ thể sẽ được chốt vào ĐHCĐ năm 2025. (Hình 3)
Như vậy ngoài kết quả kinh doanh tốt tại Q2-2024 thì các yếu tố tài chính khác của công ty cũng đang cho thấy kết quả tốt dần lên. Phần tiếp theo chúng ta sẽ đi phân tích chi tiết động lực giúp BFC tăng trưởng mạnh tại Q2 vừa qua và xem các động lực này sẽ kéo dài trong bao lâu.
II. Động lực tăng trưởng mạnh mẽ
1. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh
Theo chúng tôi đây có lẽ là động lực lớn nhất giúp cho BFC cải thiện và tăng trưởng mạnh lợi nhuận dù cho thị trường chung ngành phân bón vẫn chưa cho thấy sự phục hồi lớn về sản lượng tiêu thụ. Cụ thể trong giai đoạn giá phân tăng khá mạnh năm 2021-2022 biên lợi nhuận gộp của công ty duy trì ở vùng 11-13% và sang 2023 khi giá phân giảm mạnh đã khiến biên lợi nhuận gộp giảm xuống chỉ còn 6-8%. Nhưng sang 2024 đã liên tục được cải thiện lên 13.6% tại Q1-2024 và 16.8% tại Q2-2024. Đây là mức cao nhất trong nhiều năm qua. (Hình 4)
Vậy từ đâu mà khiến cho biên lợi nhuận gộp của BFC tăng tốt vậy, theo chúng tôi đây là những nguyên nhân chính:
- Đầu tiên là do tồn kho, như hình dưới đây là hình ảnh về tồn kho của BFC trong các năm gần đây. Chúng ta có thể thấy khá rõ tồn kho của công ty tăng mạnh từ cuối 2021 sang 2022 khi mà giá phân bón tăng cao do xung đột Nga-Ukraine hay tình hình thiếu khí đốt tại EU, … (Hình 5)
Lúc này BFC gặp tình trạng tích tồn kho giá cao ở vùng đỉnh và khi cuối 2022 sang 2023 giá phân bón giảm mạnh đã khiến cho biên lợi nhuận gộp của BFC giảm mạnh khi đầu vào tích tồn kho giá cao còn đầu ra giá bán bị giảm. Tuy nhiên trong năm 2023 công ty đã giảm lại tồn kho và xử lý hết lượng tồn kho giá cao. Trong 4 quý gần đây BFC đã chủ động hạ tồn kho xuống trong giai đoạn giá phân bón đầu vào vẫn có xu hướng giảm và đi ngang để tránh ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp qua đó nâng dần biên lợi nhuận gộp khi hết tồn kho giá cao.
- Tiếp đến là giá các nguyên liệu đầu vào của công ty trong năm 2023 và sang 2024 (giá Ure, Kali, phân lân) giảm với tốc độ mạnh hơn so với giá bán NPK đầu ra giúp cho biên lợi nhuận gộp tăng lên. Cụ thể như trong hình dưới đây là diễn biến giá các loại phân từ giữa 2022 cho tới giữa 2024. (HÌnh 6)
Chúng ta có thể thấy khá rõ giá phân NPK (đường màu đỏ) giữ giá tốt nhất trong khi các loại phân đầu vào như đạm Ure hay Kali đều giảm khá nhiều, nhất là Kali. Nguyên nhân khiến cho giá NPK giảm ít hơn so với các loại phân khác là do đây là loại phân bón tổng hợp chính gồm cả 3 hoạt chất cho cây trồng và được đánh giá kinh tế hơn so với từng loại phân bón đơn lẻ. Và do có tính kinh tế hơn nên nhu cầu cũng duy trì tốt hơn so với các loại phân khác.
- Từ 15/7/2023 thuế xuất khẩu NPK đã được đưa về 0% để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu NPK như BFC giảm được giá thành sản phẩm qua đó tăng tính cạnh tranh và nâng cao biên lợi nhuận gộp cho công ty.
Như vậy với những động lực rõ ràng trên đã giúp biên lợi nhuận gộp của BFC tăng rất mạnh trong các quý gần đây, qua đó hỗ trợ lớn cho tăng trưởng lợi nhuận của công ty. Chúng tôi cho rằng trong các quý tới khả năng biên lợi nhuận gộp của BFC sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao từ 16-20% để qua đó hỗ trợ lợi nhuận tăng trưởng tốt.
2. Doanh thu tăng trưởng tốt
Trong Q2-2024 chúng ta thấy doanh thu của BFC tăng trưởng rất tốt với mức tăng trưởng 25% yoy. Trong bối cảnh ngành phân bón vẫn còn khá nhiều khó khăn cũng như cạnh tranh khá gay gắt trong mảng phân NPK thì mức tăng trưởng 25% là rất đáng ghi nhận. Theo chúng tôi dưới đây là những nguyên nhân giúp cho doanh thu của BFC tăng trưởng tốt vậy trong thời gian qua:
- Sản phẩm NPK được sử dụng cho nhiều các loại cây khác nhau từ lúa tới các loại cây ăn trái như điều, sầu riêng hay cà phê,… . BFC cũng thường xuyên ra mắt các dòng phân bón mới để phù hợp nhất với từng cây trồng qua đó giúp nông dân đạt hiệu quả tốt nhất khi bón cho cây. Trong thời gian qua giá các loại nông sản được duy trì ở mức cao giúp cho nhu cầu sử dụng phân bón cũng như mở rộng canh tác có xu hướng tăng lên, thúc đẩy nhu cầu đầu ra của công ty.
- Hiện tại trên thị trường công suất thiết kế của các loại phân bón đều đang vượt so với nhu cầu tiêu thụ. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên với sản phẩm NPK thì cung và cầu đang sát nhau nhất qua đó cũng giúp cho giá bán NPK ít bị giảm hơn trong thời gian qua để hỗ trợ doanh thu cho công ty. (Hình 7)
- Tiếp theo như đã đề cập ở trên, từ tháng 7/2023 các sản phẩm xuất khẩu NPK được đưa về 0% qua đó sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu NPK như BFC giảm được giá thành sản phẩm qua đó tăng tính cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu, qua đó giúp cho thị trường xuất khẩu của công ty tăng trưởng tốt hơn.
- BFC sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp giúp cho quá trình bán hàng tốt hơn, ngoài ra công ty cũng đứng thứ 2 thị phần về phân bón NPK, có khả năng cạnh tranh tốt nhờ các sản phẩm đa dạng, chuyên dụng cao giúp cạnh tranh mạnh được về giá cũng như chất lượng với các công ty khác. (Hình 8)
Ngoài ra thị phần ngành phân bón NPK khá phân mảnh với 52% là các công ty nhỏ nên cơ hội để BFC chiếm lĩnh thêm thị phần là khá sáng sủa khi công ty có nhiều lợi thế cạnh tranh và có kinh nghiệm lâu năm trong nghề.
Như vậy với động lực tốt từ cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu sẽ là động lực giúp cho BFC duy trì doanh thu cao trong thời gian tới.
III. Tổng kết và định giá
Với những phân tích ở trên chúng ta có thể thấy BFC đang có kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng với động lực chính tới từ 2 yếu tố chúng tôi đã phân tích kỹ đó là:
- Biên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh nhờ nhiều động lực trong thời gian qua.
- Doanh thu tăng trưởng tốt
Chúng tôi cho rằng trong 2 quý còn lại của năm 2024 doanh thu và lợi nhuận của BFC sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, qua đó cũng hỗ trợ tốt cho giá cổ phiếu của công ty. Về định giá cho Q3 tới, tức tới khoảng giữa tháng 10-2024, chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu sẽ có biến động tích cực. Hiện BFC đang giao dịch ở vùng giá 45k/cp tại thời điểm viết báo cáo, tương ứng mức P/E khoảng 7.4 lần. Chúng tôi cho rằng mức giá này vẫn có thể tăng lên với dư địa tăng trưởng hiện tại và chúng tôi định giá BFC vào khoảng 52-55k/cp cho giai đoạn Q3 tới.
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-
Ngành phân đạm được kỳ vọng sẽ phục hồi tốt nếu như dự thảo thuế VAT 5% được đưa vào áp dụng, nhất là đối với các doanh nghiệp sản suất đạm ure. Vậy những kỳ vọng với riêng DPM có thực sự lớn cũng như giá cổ phiếu lúc này còn đáng để chú ý hay không? Với DCM thì có thêm động lực nhà máy hết khấu hao, với BFC là giá NPK giảm ít hơn giá đầu vào giúp biên lợi nhuận gộp tăng vậy còn với DPM sẽ còn động lực nào khác ngoài kỳ vọng được áp dụng thuế VAT 5% hay không?
I. Kết quả kinh doanh
Trước tiên chúng ta vẫn đi điểm qua kết quả kinh doanh của công ty sau 2 quý đầu năm 2024 để xem tình trạng kinh doanh của công ty đang như thế nào. Kết thúc Q2-2024 DPM ghi nhận doanh thu thuần đạt 3,948 tỷ đồng, tăng 6.5% yoy. Lợi nhuận sau thuế đạt 231 tỷ đồng, tăng mạnh 129% yoy. Đáng chú ý biên lợi nhuận gộp trong 2 quý đầu năm 2024 đã có sự cải thiện khá tốt so với năm 2023, cụ thể như hình 1 dưới.
Biên lợi nhuận gộp của DPM trong 2 quý đầu năm 2024 có phần phục hồi so với cùng kỳ chủ yếu tới từ việc giá phân ure bình quân bán ra cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ giá ure dao động trong khoảng 9-10k/kg còn năm nay duy trì ở vùng 10-11k/kg). Ngoài ra mảng phân NPK cũng cải thiện được biên lợi nhuận gộp do giá đầu vào giảm nhiều hơn so với giá bán đầu ra (điều này chúng tôi đã phân tích chi tiết trong bài viết BFC gần nhất).
Nhờ mức nền 2023 thấp nên sang 2024 đã ghi nhận tăng trưởng trở lại của DPM, nhất là về mặt lợi nhuận. Tuy nhiên mức lợi nhuận này vẫn còn khá xa so với vùng đỉnh cuối 2021 sang 2022.
Về bức tranh tài chính, DPM vẫn duy trì bức tranh tài chính lành mạnh với lượng tiền mặt + tiền gửi ngân hàng lớn, lên tới 9,700 tỷ đồng. Trong khi nợ vay chỉ khoảng gần 1,700 tỷ đồng nợ ngắn hạn để giúp công ty duy trì hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm đang giảm khá nhiều trong điều kiện hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế cũng phần nào ảnh hưởng tới lợi nhuận tài chính của công ty khi lãi tiền gửi sẽ bị giảm đi.
Tiếp theo về cổ tức, trong vài năm trở lại đây DPM đã duy trì mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt lớn cho cổ đông, qua đó cũng hỗ trợ rất lớn cho giá cổ phiếu trong giai đoạn thị trường khó khăn. Mức chi trả lớn nhất là vào giai đoạn 2022 và 2023 để chi trả cho năm tài chính 2021 và 2022, 2 năm kinh doanh thành công nhất của công ty. (Hình 2)
Tuy nhiên từ 2023 khi việc kinh doanh gặp khó khăn khiến lợi nhuận giảm mạnh, DPM đã không thể duy trì mức trả cao như các năm trước được nữa. Trong cuộc họp ĐHCĐ năm nay công ty đã thống nhất sẽ phân phối lợi nhuận cho năm 2023 là 20% cổ tức tiền mặt và kế hoạch sang 2025 sẽ chia cho 2024 là khoảng 15%. Như vậy có thể thấy cổ tức của công ty sẽ phụ thuộc khá lớn vào lợi nhuận mà công ty đạt được, tuy nhiên dù sao với mức chia 20% trong năm 2024 cũng là hỗ trợ tốt cho cổ phiếu.
Trong 2 quý còn lại của năm 2024 DPM sẽ kinh doanh ra sao và sự hồi phục có được tiếp diễn hay không sẽ được chúng tôi bóc tách trong phần dưới của bài viết.
II. Hoạt động các mảng và động lực phục hồi
1. Mảng ure
Đây là sản phầm truyền thống và cũng là sản phẩm chiếm tỉ trọng lớn nhất của công ty vào cả doanh thu và lợi nhuận. Trong các năm gần đây DPM hướng cả sang phát triển sản phẩm NPK hay hóa chất nhưng tỉ trọng là không đáng kể nếu so với Ure.
Trong phần này chúng ta sẽ bóc tách thành 3 phần đó là chi phí đầu vào, giá bán đầu ra và cuối cùng là sản lượng tiêu thụ. Vì 3 yếu tố này sẽ ảnh hưởng chính tới kết quả kinh doanh của công ty. Cụ thể từng phần như dưới đây:
- Đầu tiên là về chi phí đầu vào, chí phí chính của DPM đó chính là nguồn khí. Hiện tại trong ngành có DCM đã ký hợp đồng giá khí dài hạn tới 2029 nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi biến động từ giá khí trên thị trường, còn đối với DPM thì sẽ chịu ảnh hưởng do công ty không ký dài hạn. Theo lãnh đạo công ty trong năm 2024 chi phí vận chuyển và giá khí khả năng cao sẽ đi ngang và tăng nhẹ so với 2023. Dự kiến chi phí giá khí đầu vào cho cả năm 2024 và 2025 tới sẽ là khoảng 11.4 USD/mmbtu (cao hơn khoảng 5-7% so với 2023)
- Về giá bán đầu ra, hiện giá bán tại thị trường nội địa đang dao động trong khoảng 10k/kg và nhờ mức nền cùng kỳ 2 quý đầu năm 2023 thấp nên giá bán năm 2024 vẫn cao hơn so với cùng kỳ khoảng 5-10% và nhờ điều này đã giúp cho biên lợi nhuận gộp 2 quý vừa qua được cải thiện. (Hình 3)
Tuy nhiên nhìn vào giá bán chúng ta ■■■ thể thấy mức nền giá bán 2 quý cuối năm 2023 là khá cao với trên 11-12k/kg, nhất là tại quý 3-2023. Vì vậy khả năng rất cao giá bán 2024 sẽ thấp hơn so với cùng kỳ. Trong khi chi phí đầu vào về cơ bản sẽ đi ngang thì biên lợi nhuận gộp của DPM sẽ thấp hơn so với cùng kỳ.
Nhưng nếu nhìn dài hạn hơn nếu như luật thuế VAT 5% được áp dụng cho chi phí đầu vào của các sản phẩm phân bón thì biên lợi nhuận gộp của DPM sẽ được cải thiện đáng kể ( khi đó các nguyên liệu đầu vào của DPM sẽ được tiết giảm) qua đó giúp công ty tăng biên lợi nhuận gộp hoặc giảm giá bán để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, qua đó lại tăng được sản lượng.
Hiện tại chỉ khoảng 10% sản lượng của DPM là xuất khẩu còn 90% vẫn là thị trường nội địa nên thị trường nội địa sẽ là quan trọng nhất và ảnh hưởng nhiều nhất tới công ty.
Về xu hướng giá bán ure, chúng tôi cho rằng giá bán ure sẽ phụ thuộc khá lớn vào tình hình thị trường Trung Quốc. Hiện thị trường này đang hạn chế xuất khẩu để ưu tiên phục vụ trong nước trước, tuy nhiên trong tương lai chúng tôi chưa biết chính sách này sẽ kéo dài trong bao lâu và nếu kéo dài có thể giúp giá phân hồi phục dần được. Nhưng chúng tôi cho rằng mức độ phục hồi nếu có cũng là không cao do hiện tại nguồn cung trên thị trường đang cao hơn nguồn cầu khá nhiều. Chỉ có phân NPK là cung và cầu đang khá cân bằng. (Hình 4)
Vì vậy tựu chung lại giá ure sẽ khó có thể bật tăng nhanh trở lại và ít nhất DPM sẽ con 2 quý tới của năm 2024 khó khăn trước khi kỳ vọng luật thuế VAT mới sẽ được phê duyệt và có thể áp dụng bắt đầu từ 2025.
- Cuối cùng là về sản lượng tiêu thụ. Như đã đề cập ở trên, 90% sản lượng của DPM là tại thị trường nội địa và chỉ có khoảng 10% xuất khẩu nên nhu cầu thị trường nội địa sẽ là quan trọng nhất. Tại đây chúng tôi có 2 kỳ vọng chính có thể giúp sản lượng của DPM dần phục hồi trong năm 2024. Một là hiện giá nông sản đa phần đang có diễn biến khá tích cực và tăng tốt trong năm vừa qua, điều này khiến các hộ nông dân chú trọng hơn tới nhu cầu chăm sóc và bón phân để nâng cao năng suất, qua đó giúp nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng lên, nhất là khi giá phân bón đang ở vùng đáy nhiều năm. (Hình 5)
Thứ hai là vấn đề áp thuế VAT 5% với các sản phẩm đầu vào phân bón sẽ giúp cho DPM giảm được chi phí sản xuất, qua đó có thể hạ giá bán để cạnh tranh trên thị trường nội địa với hàng phân bón nhập khẩu để dành thêm thị phần. Qua đó chúng tôi kỳ vọng sản lượng Ure của DPM có thể phục hồi 5-7% trong năm 2024 và tiếp tục phục hồi trong năm 2025 khi luật VAT có thể được thông qua và chính thức áp dụng.
Như vậy với mảng Ure, mảng kinh doanh chính của DPM chúng tôi cho rằng trong ngắn hạn sẽ gặp khó khăn khi mức nền giá bán tại Q3-2023 là khá cao và có lẽ phải từ 2025 trở đi mới có thể phục hồi rõ nét được.
2. Các mảng kinh doanh còn lại
Ngoài sản xuất đạm Ure thì DPM còn sản xuất thêm các sản phẩm khác như NPK, phân bón thương mại. Cụ thể các mảng này kinh doanh như sau:
- NPK: Sản lượng tiêu thụ NPK của DPM tăng tốt trong năm 2023 và sang nửa đầu năm 2024 nhờ việc tăng sản lượng sản xuất cũng như nhu cầu tiêu thụ phân NPK vẫn tốt hơn do giá trị kinh tế cao hơn (NPK cung cấp cả 3 thành phần cần thiết cho cây trồng, qua đó giúp đạt hiệu quả kinh tế cao hơn). Ngoài ra giá phân NPK có mức giảm ít hơn các phân đơn như Ure hay Kali nên biên lợi nhuận được cải thiện khá rõ nét và lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên do tỉ trọng đóng góp không cao và cũng phải cạnh tranh khá gay gắt với các thương hiệu khác nên kỳ vọng mảng NPK có thể dẫn dắt tăng trưởng mạnh cho DPM là điều khá khó khăn.
- Phân bón thương mại: Doanh thu trong năm 2024 giảm xuống khá nhiều so với cùng kỳ 2023 do cùng kỳ 2023 công ty mạnh tay đẩy mạnh bán hàng để giải phóng tồn kho trong giai đoạn giá phân đang giảm nhiều để giảm thiểu tổn thất cho công ty (càng giữ giá phân xuống càng lỗ nhiều). Hiện tại khi giá phân đã dần ổn định nên lợi nhuận đã quay trở lại từ Q1-2024, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp chỉ đạt mức 3% (cùng kỳ là -10%) nên mức độ đóng góp về lợi nhuận cũng là chưa nhiều.
Như vậy các mảng kinh doanh còn lại của DPM hoạt động khá tốt với giá bán và biên lợi nhuận đều được cải thiện. Tuy nhiên do tỉ trọng đóng góp không lớn nên mức độ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh chung của công ty sẽ là không nhiều.
III. Tổng kết và định giá
Với những phân tích ở trên chúng ta có thể thấy kỳ vọng lớn nhất đối với DPM đó chính là luật thuế VAT 5% sẽ được thông qua trong thời gian tới và có thể áp dụng từ 2025 qua đó giúp công ty có thể tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như tăng được biên lợi nhuận gộp. Tuy nhiên đây có thể coi là động lực không đủ nhiều để có thể hỗ trợ công ty tăng trưởng cũng như giá cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian tới được. Để so sánh trong ngành rõ ràng BFC và DCM có nhiều động lực rõ ràng hơn so với DPM trong thời gian tới.
Về định giá cổ phiếu, chúng tôi cho rằng định giá cho giai đoạn BCTC Q3-2024, tức tới khoảng cuối tháng 10/2024 thì DPM sẽ gặp nhiều khó khăn khi mức nền giá phân cùng kỳ ở mức cao cũng như các kỳ vọng chính chưa đóng góp ngay trong ngắn hạn. Hiện cổ phiếu đang giao dịch vùng giá 34.x/cp, tương ứng mức P/E khoảng 20 lần. Đây là mức định giá không hề rẻ theo P/E, nhưng nhờ nền tảng tài chính tốt cùng việc vẫn duy trì chia cổ tức 15-20% tiền mặt trong các năm tới chính là điều hỗ trợ về giá cho cổ phiếu. Kết luận lại để định giá cho kỳ báo cáo Q3-2024 của DPM chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu sẽ vận động quanh vùng 32-36k/cp và khó có thể bứt phá được.
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-