Lãng Tử Buôn Nước Mắm - Cùng nhịp đập của thị trường


HVN đã gây rất nhiều chú ý trong quý trước khi có diễn biến giá rất sôi động, từ tăng thốc cho đến giảm sốc và hiện đã dần cân bằng trở lại. Vậy với những gì đang có thì HVN sẽ như thế nào sau giai đoạn biến động mạnh vừa qua. HVN trong Q2 cũng là cổ phiếu thành công của team chúng tôi khi mua được vùng 18.x và bán ở vùng 35 trước khi có cú giảm mạnh (Hình 1). Mọi người có thể đọc lại bài viết tại quý trước mà team đã viết, trong bài này chúng tôi sẽ cập nhật nhanh tình hình công ty sau BCTC Q2-2024

I. Kết quả kinh doanh

Đầu tiên chúng ta sẽ cập nhật kết quả kinh doanh của HVN sau bctc Q2 vừa qua. Kết thúc Q2-2024 HVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 24,639 tỷ đồng, tăng 19.8% yoy. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 934 tỷ đồng trong khi cùng kỳ là -1,362 tỷ đồng. Như vậy Q2-2024 đã là quý thứ 2 liên tiếp HVN ghi nhận lợi nhuận dương kể từ covid 2020 tới nay. Tuy nhiên nếu so với quý liền trước là Q1-2024 thì cả doanh thu và lợi nhuận của HVN đều giảm khá nhiều, nhất là lợi nhuận khi mà Q1-2024 ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 4,334 tỷ đồng. (Hình 2)

Nếu ai đã đọc bài viết quý trước của chúng tôi về HVN thì sẽ rõ là trong Q1-2024 HVN đã ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến theo công ty ghi là thu nhập từ xóa nợ. Đó là thỏa thuận trả máy bay với Pacific Airlines. (Hình 3)

Như vậy nếu chúng ta tạm loại bỏ khoản lợi nhuận bất thường này ra khỏi lợi nhuận tại Q1 thì mức lợi nhuận của công ty sẽ khoảng hơn 1k tỷ đồng và con số tại Q2 cũng giảm không phải quá nhiều so với Q1. Cụ thể hơn chúng ta sẽ phân tích thêm trong phần sau về tình hình kinh doanh các chuyến bay trong Q2 vừa qua và các quý tới.

Về tình hình tài chính, nợ vay của HVN vẫn đang xu hướng tích cực khi giảm liên tục trong các quý gần đây. Kết thúc Q2-2024 tổng nợ vay chỉ còn 23,356 tỷ đồng, giảm tới hơn 13k tỷ đồng so với thời kỳ Co-vid 2020-2021. (Hình 4)

Với nợ vay tiếp tục giảm nhưng về chi phí lãi vay của công ty lại vẫn duy trì xu hướng tăng từ 2022 khi lãi suất bắt đầu tăng. Sang 2023 khi lãi suất giảm nhưng chi phí lãi vay của HVN lại không có xu hướng giảm mà vẫn duy trì ở mức nền cao. Một phần nguyên nhân là HVN có nợ vay lớn bằng đồng USD (khoảng hơn 6k tỷ đồng) mà lãi USD vẫn đang duy trì ở vùng cao và phải tới tháng 9 tới mới bắt đầu quá trình hạ lãi suất. Trong năm tới khi nợ vay dần được trả bớt và lãi suất duy trì nền thấp cùng với việc FED bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất sẽ hỗ trợ cho lãi vay của HVN có thể bắt đầu giảm từ 2025 trở đi.

Trong phần dưới đây chúng ta sẽ phân tích thêm hoạt động kinh doanh cốt lõi của HVN trong Q2 vừa qua.

II. Hoạt động kinh doanh cốt lõi

Hoạt động vận tải hành khách bằng các tuyến bay vẫn là hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty. Trong Q1-2024 HVN được hưởng lợi khá lớn khi mà Bamboo quyết định cắt giảm nhiều đường bay để tái cấu trúc qua đó chỉ tập trung khai thác một số tuyến bay “vàng”. Điều này giúp các hãng bay khác có thể chiếm lĩnh thị phần mà Bamboo để lại. Điều này cùng với lợi nhuận bùng nổ trong Q1-2024 đã giúp cho giá cổ phiếu tăng mạnh từ vùng 16 lên tới 37.x tức tăng hơn 2 lần.

Tuy nhiên tới đầu tháng 7 khi mà những số liệu Q2 dần hé lộ và thị phần bay trong Q2 cũng dần thể hiện qua các con số đã khiến cho HVN giảm mạnh sau đó vì đà tăng quá nhiều và có phần fomo trước đó. Cụ thể:

  • Thị phần HVN thực tế đã tăng rất tốt trong 5 tháng đầu năm 2024 khi tăng từ 36.7% trong năm 2023. Ngoài HVN thì VJC cũng tận dụng rất tốt việc sụt giảm của Bamboo để tăng thị phần từ 38.6% lên 42.8%. Tuy HVN tăng tốt về thị phần nhưng đồng thời công ty con của HVN là Pacific lại bị thu hẹp đáng kể từ 6.8% xuống chỉ còn 2.4%. Nguyên nhân là công ty đã dừng bay trong 3 tháng và mới mở lại đường bay từ tháng 6-2024 do tái cơ cấu. Như vậy thị phần HVN tăng lên chủ yếu từ Pacific chuyển sang (HVN tăng 5.5% thị phần còn Pacific giảm 4.4% thị phần) (Hình 5)

Điều này đồng nghĩa với miếng bánh mà Bamboo để lại chủ yếu rơi vào tay VJC thay vì HVN như kỳ vọng.

  • Về thị trường bay chung thì vẫn đang phục hồi khá tốt với tổng hành khách ước đạt 38.1 triệu khách sau 6 tháng đầu năm 2024, tăng 6.7% yoy. Trong đó động lực tăng trưởng chính là khách hàng quốc tế với hơn 21 triệu khách, tăng hơn 44% yoy. Tuy nhiên khách nội địa lại có xu hướng giảm với 17 triệu khách, giảm hơn 19% yoy. Theo chúng tôi nguyên nhân khiến cho lượng khách nội địa giảm là do: 1. Do xu hướng “du lịch trả thù” sau đại dịch đã phần nào trầm lắng trở lại sau năm 2022-2023 sôi động và 2. Do bối cảnh thiếu hụt máy bay trong 6 tháng đầu năm nên các hãng bay đa phần đều có xu hướng ưu tiên khai thác và phục vụ các tuyến bay quốc tế. Như vậy trong thời gian tới khi các máy bay hoạt động ổn định trở lại chúng tôi kỳ vọng lượng khách nội địa sẽ phục hồi theo.

Như vậy thực tế là HVN vẫn tăng được thị phần và cả lưu lượng khách phục vụ trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ là mức độ tăng không đạt như kỳ vọng cùng dòng tiền nóng rút ra đã khiến cho cổ phiếu sụt giảm mạnh về vùng 2x như hiện tại.

Trong thời gian tới với tuyến quốc tế khai thác thêm các đường bay và thị trường hàng không Việt Nam cũng nằm trong xu thế phục hồi của khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ được kỳ vọng phục hồi hoàn toàn vào cuối 2024. Điều này sẽ giúp HVN có thể duy trì mức lợi nhuận dương trong các quý tới.

III. Kết luận và định giá

Với những phân tích ở trên chúng ta cũng phần nào hiểu qua về HVN cũng như diễn biến giá trong thời gian 2 quý vừa qua. Tuy thị phần chưa đạt như kỳ vọng nhưng với việc vẫn tăng trưởng và kết quả kinh doanh vẫn duy trì lợi nhuận dương 2 quý liên tiếp thì có thể khẳng định HVN vẫn đang trên con đường phục hồi của mình. Điều này đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu sẽ rất khó có thể trở về vùng tích lũy 13-15k như trong năm 2023 mà sẽ tăng dần theo sự phục hồi của doanh nghiệp. Giai đoạn trước giá cổ phiếu tăng nóng một phần do tính đầu cơ và sự kỳ vọng quá mức khiến cho giá bị rơi mạnh trở lại sau đó. Tuy nhiên hiện tại giá cổ phiếu có vẻ đã ổn định trong vùng giá 20-22k/cp. Về việc định giá cho quý 3 tới, chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu khả năng vẫn sẽ biến động ở xu hướng đi ngang trong biên độ 10-15% tại vùng giá 21-24k/cp để tạo mức nền mới trước khi nghĩ tới các vùng giá cao hơn ở những quý sau nếu sự phục hồi của công ty vẫn được tiếp tục.

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-

1 Likes


Trong phân khu “thượng nguồn” của ngành dầu khi Việt Nam, ngoài PVD thì PVS cũng là một cái tên đáng chú ý. PVS là doanh nghiệp cung cấp đa dạng các dịch vụ phụ trợ cho hoạt động khai thác dầu khí ở khâu thượng nguồn. Tính đến nay, công ty sở hữu 06 mảng kinh doanh chính cung cấp các dịch vụ kỹ thuật xuyên suốt quá trình hình thành - phát triển - khai thác - kết thúc của một dự án dầu khí cơ bản. Đây cũng là đơn vị duy nhất trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đủ năng lực và kinh nghiệm để triển khai đồng bộ các dịch vụ khảo sát đáp ứng nhu cầu chuẩn quốc tế. (Hình 1)

Là một doanh nghiệp có core kinh doanh thuộc hàng “thượng phẩm” trên sàn chứng khoán nước ta, tuy nhiên, sau 1 khoảng thời gian hơn 1 năm duy trì kênh tăng giá, hiện tại PVS đang trong quá trình tái tích lũy quanh MA50 tuần và cần nhiều hơn nữa các thông tin tích cực để bứt phá, nhất là các thông tin liên quan Lô B - Ô Môn. Vì thế, bài viết này chúng tôi sẽ tập trung phân tích các dự án trong thời gian sắp tới của PVS để tìm ra luận điểm đầu tư phù hợp. (Hình 2)

I. Kết quả kinh doanh Q2/24

Theo báo cáo Q2/2024 của PTSC, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp chưa có sự tăng trưởng tương đồng. Cụ thể, doanh thu ghi nhận 5.578 tỷ đồng - tăng trưởng 18,4% yoy nhờ khối lượng từ các gói thầu của dự án Lô B cũng như các dự án Năng lượng tái tạo. Mức tăng của giá vốn cũng khá tương đồng với mức tăng của doanh thu, nên biên lãi ròng đạt 4,1% - xấp xỉ cùng kỳ. Chúng tôi cũng nhận thấy Q2 thường là quý ghi nhận biên lãi gộp thấp nhất trong năm. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận 195 tỷ đồng - giảm 13% yoy. (Hình 3)

Sự lệch pha trong tăng trưởng doanh thu và LNST đến từ 3 yếu tố chính:

  • Chi phí quản lý tăng 33% khi chi phí nhân công và chi phí thuê ngoài tăng.
  • Lợi nhuận tài chính ròng giảm 22% - chủ yếu do giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay. Chúng tôi cho rằng đây là điều phù hợp trong bối cảnh lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ dù khoản tiền và đầu tư tài chính không có nhiều chênh lệch.
  • Mức lợi nhuận gộp thấp của mảng cơ khí xây dựng: đây là mảng chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của PVS, tuy nhiên trong nửa đầu năm thì biên lãi của mảng cơ khí không mấy khả quan, nên kéo chung biên lãi của PTSC xuống. Chúng tôi sẽ phân tích rõ từng mảng trong phần sau của báo cáo này.

Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, PVS đã ghi nhận doanh thu và LNST lần lượt đạt 9.287 tỷ đồng (+10%yoy) và 513 tỷ đồng (+12% yoy). Với con số này, PTSC hoàn thành 60% kế hoạch doanh thu và 78% kế hoạch LNST đề ra đầu năm. Chúng tôi cũng nhận định rằng, nửa đầu năm 2024 vẫn là giai đoạn thấp điểm. Giai đoạn bùng nổ nhất của doanh nghiệp sẽ là khi dự án Lô B nhận được FID trong thời gian sắp tới đây. Bên cạnh đó, kế hoạch tăng vốn dài hạn sẽ là điểm nhấn đầu tư cho doanh nghiệp này.

II. Bình mình đang dần ló rạng?

Tổng Cty hiện sở hữu 06 mảng kinh doanh, cung cấp đa dạng các dịch vụ phụ trợ cho hoạt động khai thác dầu khí ở khâu thượng nguồn. Trong đó, mảng Dịch vụ cơ khí là chiếm tỷ trọng cao nhất (47% Q2/24), theo sau là mảng Dịch vụ tàu kĩ thuật (11%) và Dịch vụ lắp đặt, vận hành (11%). Dịch vụ kho nổi FSO cũng là một mảng đáng kỳ vọng của PVS và chỉ chiếm 10% doanh thu. Chúng tôi cũng quan tâm đến mảng Dịch vụ căn cứ cảng khi chỉ chiếm 6% tổng doanh thu nhưng lại có biên lãi cao nhất. Bên canh đó, mảng NLTT (điện gió) cũng là một mảnh đất màu mỡ đang được khai phá. Vì kinh doanh khá đa dạng nên trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ phân tích một vài mảng kinh doanh chứa nhiều tiềm năng nhất của PTSC bao gồm: Dịch vụ cơ khí; Dịch vụ kho nổi FSO, FPSO; Dịch vụ cảng và Năng lượng tái tạo. (Hình 4)

I. Mảng Dịch vụ cơ khí

Đây là mảng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của PVS, với tỷ trọng thường trên 40% nhưng biên lãi lại không cao nên vô hình chung kéo biên lãi của cả công ty đi xuống. Trong quý vừa qua, doanh thu mảng cơ khí đạt 2.601 tỷ đồng, nhưng do kinh doanh dưới giá vốn nên biên lãi ròng đạt -1%. Đây cũng không phải là quý đầu tiên PVS ghi nhận biên lãi âm đối với mảng kinh doanh này. (Hình 5)

Tuy tình hình kinh doanh mảng cơ khí trong những năm gần đây chưa có nhiều nổi bật, nhưng chúng tôi tin rằng dự án Lô B sẽ đem lại làn gió mới cho mảng kinh doanh này qua lượng backlog khổng lồ trị giá 1,5 tỷ đô. Cụ thể, PTSC nhận được 4 hợp đồng xây lắp tại chuỗi siêu dự án này. Trong năm 2023, PVS đã được trao thầu giới hạn đối với 3 hợp đồng EPC và EPCI. Các gói thầu giới hạn này sẽ giúp công ty triển khai một phần công việc trước khi FID được ban hành chính thức để kịp dòng khí đầu tiên vào cuối 2026.

Để tiện theo dõi, chúng tôi đã tổng hợp các dự án liên quan đến Lô B tại bảng 6 sau:

Có thể thấy, khối lượng công việc dồi dào từ các dự án khai thác khí và xây dựng điện khí trong nước, đặc biệt đến từ dự án Lô B sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho PVS tầm nhìn 2 năm tới đây (2025-2026) cũng như giai đoạn vận hành dự án này cho tới hết vòng đời dự án. Ngoài dự án Lô B này, PVS cũng tích cực kí kết các hợp đồng thầu cho các dự án trong nước như: mỏ dầu Lạc Đà Vàng (giai đoạn 1A), Sư tử trắng 2B, Hải Sư Vàng, Lạc Đà Hồng, Kèn Bầu, Cá Voi Xanh,… và các dự án quốc tế tại khu vực Trung Đông như: Qatar, Arab Saudi,… Bên cạnh đó, PTSC còn đang sở hữu các hợp đồng M&C tiềm năng cho các kho cảng LNG trong nước tại 02 kho cảng LNG Thị Vải và LNG Sơn Mỹ. Thông tin các hợp đồng này chúng tôi xin tóm tắt tại bảng sau:

Bảng 7: Các hợp đồng M&C tiềm năng cho dự án dầu khí trong nước (Trừ Lô B) và quốc tế

Bảng 8 : Các hợp đồng M&C tiềm năng cho dự án LNG trong nước

Tổng kết lại, chúng tôi tin rằng với lượng hợp đồng thầu khổng lồ như được liệt kê ở bên trên, PVS hứa hẹn một khoảng thời gian bùng nổ về doanh thu và lợi nhuận. Giai đoạn 2024 - 2030 là giai đoạn vàng Việt Nam đẩy mạnh huy động sản lượng từ điện khí, và cũng là giai đoạn vàng của các cổ phiếu dầu khí như PVS khi tham gia vào hầu hết chuỗi giá trị khai thác dầu khí tại nước ta.

2. Mảng Dịch vụ cung ứng kho nổi FSO

Mảng kho nổi FSO/FSPO vẫn đang tích cực đóng góp vào kết quả kinh doanh của PVS khi trong quý vừa qua ghi nhận 564 tỷ doanh thu và 25 tỷ lãi gộp - tương ứng biên lãi 4%. Chúng tôi kỳ vọng các kho nổi thuộc các công ty liên kết của PTSC sẽ đàm phán được giá thuê tốt trong bối cảnh giá dầu neo cao. Do tính chất của kho nổi thường gắn bó lâu dài với một dự án khai thác dầu khí nên việc duy trì được giá thuê cao và ổn định sẽ là động lực để duy trì KQKD tích cực cho PVS. (Hình 9)

Để dễ hình dung về các hợp đồng thuê FSo/FPSO của PVS, chúng tôi tổng hợp theo bảng 10 dưới đây

Hiện tại các tàu của PVS đều đang có việc và sẽ được tái ký hợp đồng khi hết hạn hợp đồng. Trong các tàu FSO chúng tôi lưu ý về FSO Lạc Đà Vàng và FSO Lô B vì đây là 2 dự án mới được đặt kế hoạch đầu tư cho giai đoạn 2024 - 2030. Theo thông tin từ ĐHCĐ 2024, PTSC dự định đầu tư cho 2 dự án này là khoảng 200 triệu đô cho mỗi dự án, cho thấy niềm tin vào khả năng thắng thầu. Đây sẽ là một trong những mảng nổi trội của PVS mà chúng tôi nhận thấy có thể dễ dàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng đều đặn.

3. Mảng Dịch vụ căn cứ cảng

Kết thúc Q2, mảng Dịch vụ căn cứ cảng ghi nhận 307 tỷ đồng doanh thu, 60 tỷ lãi gộp - tương đương biên lãi gộp đạt 20%. Đây là mảng có biên lãi cao nhất trong cơ cấu biên lãi của PVS tuy nhiên chỉ đóng góp 10% doanh thu. (Hình 11)

PTSC hiện đang sở hữu danh mục 8 cảng trải dài khắp 3 miền Tổ Quốc để phục vụ xếp dỡ tàu hàng container và hàng rời, đồng thời cung cấp một phần diện tích cảng cho hoạt động xây lắp cơ khí do vị trí thuận lợi cho việc di dời giàn khoan, chân đế điện gió sau khi hoàn thành ra các vị trí đã định sẵn ngoài khơi bằng sà lan. Các cảng của PTSC phục vụ chủ yếu công tác hậu cần cho quá trình thăm dò dầu khí và phục vụ các tàu dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Chúng tôi kỳ vọng mảng này sẽ đem lại doanh thu tích cực trong bối cảnh giá thuê cảng đang neo ở mức cao như hiện nay khi các căng thẳng chính trị đang chưa có nhiều biến chuyển tích cực.

4. Mảng Năng lượng tái tạo

PTSC hiện đang kỳ vọng tham gia vào chuỗi dự án điện gió ngoài khơi trong tầm nhìn dài hạn dù hiện tại chưa có kế hoạch, chiến lược cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy PVS có những lợi thế và kinh nghiệm để thâm nhập sâu vào lĩnh vực này.

Cụ thể, theo tìm hiểu của chúng tôi thì xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi sẽ có những nét tương đồng với xây dựng dầu khí trong quá trình M&C xây dựng cơ sở vật chất. Các lĩnh vực chính có thể đạt được sự phối hợp giữa việc lắp đặt các dự án điện gió và dầu khí ngoài khơi là chế tạo và lắp đặt các tháp, nền móng đế do sự liên kết của các cơ sở đã được thiết lập.

Ngoài ra, quá trình xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi có 4 giai đoạn chính và ước tính kéo dài từ 7 đến 11 năm. Quá trình này rất phức tạp và thường được thực hiện trong môi trường nhiều thử thách. Hầu hết trang trại điện gió không chỉ được thực hiện bởi 1 nhà thầu mà cần sự phối kết hợp. Điều này cũng tương đồng quá trình xây dựng dầu khí ngoài khơi khi cần có sự kết hợp của một thành phần hoặc các thành phần khác nhau liên quan đến một số nhà thầu EPC. Vì thế, chúng tôi tin rằng điện gió ngoài khơi sẽ không phải là điều khó khăn đối với PVS trong việc xây dựng, triển khai.

III. Tổng kết, đánh giá

Như vậy, chúng tôi đã đi qua các mảng kinh doanh trọng yếu của PVS trong trung - dài hạn tới đây. Chúng tôi xin tóm tắt lại như sau:

  • Mảng dịch vụ cơ khí: lượng backlog khổng lồ đảm bảo công việc cho PVS trong giai đoạn 2024 - 2030, trong đó Lô B là siêu dự án cần được quan tâm. Chúng tôi cho Lô B khi nhận được FID sẽ trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho Kết quả kinh doanh của PTSC nên rất cần quan tâm đến dự án này. Bên cạnh đó, công ty cũng đã tích cực mở rộng các dự án ra cả quốc tế và cả mảng LNG để liên tục tìm hướng đi mới.
  • Mảng Dịch vụ cung ứng kho nổi FSO/FPSO: hiện các tàu đều đang hoạt động, một số tàu hết hợp đồng sẽ được đàm phán mới trong năm nay. Chúng tôi kỳ vọng giá dầu leo cao sẽ giúp mảng này ghi nhận doanh thu tích cực
  • Mảng điện gió: Tuy chưa có kế hoạch, chiến lược cụ thể nhưng chúng tôi cho rằng lợi thế và kinh nghiệm của PVS sẽ cho phép doanh nghiệp thâm nhập sâu vào lĩnh vực này.

Với những luận điểm trên, chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu PVS sẽ phụ thuộc phần lớn vào quá trình thực hiện dự án Lô B - Ô Môn. Khi có quyết định cuối cùng với dự án này, chúng tôi tin rằng giá cổ phiếu ngành dầu khí nói chung, PVS nói riêng sẽ bùng nổ. Tuy nhiên hiện tại các thông tin đang chưa rõ ràng, kèm theo đó là thị trường đang ở giai đoạn sideway khá khó chịu. Vì thế, chúng tôi cho rằng trong bối cảnh như hiện nay thì giá cổ phiếu PVS sẽ chưa thể bứt phá tới vùng cao hơn được mà sẽ đi ngang ở vùng 40 - 42k cho tới khi có các thông tin ủng hộ hơn.

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-


Trong năm 2023 và đầu 2024 TPB đã gặp khá nhiều khó khăn với chất lượng tài sản của mình. Hiện tại sau bctc Q2-2024 liệu đã có những tín hiệu tích cực nào dần xuất hiện hay chưa và với TPB có những điều gì đáng chú ý? Chúng ta sẽ cùng đi trả lời các câu hỏi trên trong bài phân tích dưới đây của chúng tôi.

I. Kết quả kinh doanh

TPB đã công bố bctc Q2 với tổng lợi nhuận thuần đạt 4,236 tỷ đồng, tăng 8.1% yoy. Lợi nhuận trước thuế đạt 1,904 tỷ đồng, tăng 17.6% yoy. Đáng chú ý là NIM của ngân hàng tiếp tục được cải thiện lên 4.16% trong khi cùng kỳ chỉ đạt 3.66%. (Hình 1)

Nhờ NIM được cải thiện tốt nên dù cho trong Q2-2024 TPB trích lập dự phòng nhiều hơn khá nhiều so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng trưởng tốt.

Bóc tách chi tiết từng mảng kinh doanh và các chi phí chúng ta có thể thấy cơ bản như sau:

  • Mảng tín dụng tuy tăng trưởng lùi về thu nhập lãi (-13.4% yoy) nhưng nhờ chi phí giá vốn giảm mạnh hơn đã giúp cho thu nhập lãi thuần vẫn tăng trưởng được 18.6% yoy. Nguyên nhân do lãi suất huy động đầu vào đã giảm mạnh trong 2023 và đầu 2024.
  • Các mảng kinh doanh ngoài lãi, nổi bật là mảng dịch vụ cũng tiếp tục ghi nhận quý thứ 2 liên tiếp nhờ mức nền thấp năm 2023. Cụ thể trong Q2-2024 mảng dịch vụ đã tăng trưởng 17.6% yoy về lợi nhuận.
  • Chi phí hoạt động được tiết giảm đáng kể và giảm 28.4% yoy nhờ vào việc ngân hàng đã tiên phong trong chuyển đổi số giúp tiết kiệm chi phí hoạt động.
  • Ngân hàng vẫn tiếp tục trích lập chi phí dự phòng rủi ro ở mức cao với 949 tỷ đồng trong Q2-2024, tuy nhiên nếu so với 3 quý gần đây thì mức trích lập này đã có phần giảm xuống.

Cụ thể hơn chúng ta sẽ phân tích trong phần dưới của bài viết.

II. Phân tích các mảng kinh doanh và bức tranh tài chính ngân hàng

1. Mảng tín dụng

Đây là mảng kinh doanh cốt lõi của tất cả các ngân hàng. Với TPB mảng tín dụng chiếm 76.4% tỉ trọng về lợi nhuận. Còn lại là mảng dịch vụ với 22.3% và các mảng khác với 1.3% tỉ trọng còn lại. Trong phần này chúng ta sẽ đi phân tích lần lượt theo đầu ra cho vay, đầu vào huy động và hiệu quả vận hành của ngân hàng.

Đầu tiên là tín dụng cho vay, kết thúc Q2 tổng tiền cho vay của TPB đạt hơn 213 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 3.9% so với đầu năm và thấp hơn khá nhiều so với con số cùng kỳ là 10%. Tuy nhiên trong năm 2024 tín dụng Q1 của ngân hàng đã ghi nhận mức âm với -2.2% và chúng tôi cho rằng nguyên nhân một phần do ngân hàng đã dùng nghiệp vụ “kỹ thuật “ trong Q4-2023 để đẩy tín dụng tăng mạnh vào cuối 2023 và đầu 2024 giảm bù lại. (Hình 2)

Nếu chỉ tính trong Q2-2024 thì TPB đã tăng được khoảng 6.1%, ấn tượng hơn khá nhiều so với con số 2.7% cùng kỳ 2023. Về ngành nghề cho vay chính của TPB thì ngân hàng vẫn duy trì tỉ trọng cho vay lớn vào mảng tiêu dùng với 50.3% tổng lượng cho vay. Tiếp đến là các ngành khác như công nghiệp (9.52%), Xây dựng (8.26%) và BĐS (8.04%). Cụ thể như hình 3 dưới:

Trong 6 tháng đầu năm tình hình phục hồi của nền kinh tế vẫn còn khá chậm và các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng vẫn có những điểm sáng xuất hiện như các doanh nghiệp đầu ngành có nhiều lợi thế đã bắt đầu cho thấy sự phục hồi của mình và hơn nữa, mảng bán lẻ cũng cho thấy sự phục hồi tốt vào cuối Q2, qua đó giúp kỳ vọng phục hồi tốt hơn nữa trong 2 quý tới của năm 2024. Điều này cùng với lịch sử trong nhiều năm TPB thường tăng mạnh tín dụng vào quý cuối cùng của năm sẽ là động lực để tin rằng kết thúc năm 2024 tăng trưởng tín dụng của TPB vẫn có thể chạm mức khoảng 15-16% trở lên. Đây sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận của ngân hàng trong 2 quý tới.

Về huy động vốn đầu vào cũng như giá vốn đầu vào, TPB đã làm rất tốt trong thời gian gần đây khi duy trì huy động đầu vào ở mức vừa phải (tiền gửi/ cho vay khoảng 95%) để tránh bị chi phí vốn cao trong giai đoạn mà lãi suất huy động đang trong xu hướng giảm như hiện nay. Ngoài ra casa của ngân hàng cũng được đẩy mạnh và tăng tốt trong 4 quý gần đây khi tăng mạnh từ 22.2% vào Q1-2023 đã lên 40.6% vào Q2-2024 vừa qua. (Hình 4)

Điều này cùng với việc ngân hàng đã đáo hạn nhiều khoản huy động lãi suất ở mức cao, nền lãi suất huy động duy trì ở mức thấp khiến cho các chi phí của ngân hàng như COF hay CIR đều đang có xu hướng giảm. Đồng thời NIM cũng liên tục được cải thiện trong 4 quý gần đây. (Hình 5)

Trong thời gian tới khi lãi suất cho vay sẽ bị yêu cầu hạ và duy trì ở mức thấp sẽ khiến cho NIM khó mà tiếp tục tăng được nhiều nữa và chúng tôi cho rằng khả năng cao sẽ duy trì đi ngang ở vùng 4.2% trong 2 quý tới. Điều này kết hợp với tín dụng nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong 2 quý cuối năm 2024 thì mảng tín dụng sẽ rất quan trọng đối với tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.

2. Bức tranh tài chính và trích lập dự phòng

Đầu tiên về bức tranh tài chính. Kết thúc Q2-2024 tổng nợ xấu của TPB là 4,400 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ gần 500 tỷ đồng (cùng kỳ là 3,913 tỷ đồng). Tuy nhiên nếu so với quý 1-2024 trước đó thì nợ xấu đã giảm nhẹ 84 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại Q2 là 2.06%, cao hơn môt chút so với mục tiêu 2% nhưng so với cùng kỳ đã giảm được 0.15% và cũng giảm 0.91% so với quý có tỉ lệ nợ xấu cao nhất là Q3-2023. (Hình 6)

Như vậy có thể thấy nợ xấu của ngân hàng vẫn đang duy trì ở vùng cao trên 2% nhưng về mặt tích cực là nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu có xu hướng đi ngang và giảm nhẹ trong các quý gần đây sau giai đoạn tăng phi mã đầu năm 2023. Bóc tách chi tiết nợ xấu theo từng nhóm nợ chúng ta có thể thấy nợ xấu trong Q2 tăng chủ yếu ở nhóm 3 và 4 trong khi nợ nhóm 5 đã được cải thiện đáng kể. Tuy không làm tổng nợ xấu giảm xuống so với Q1-2024 nhưng với việc nợ nhóm 5 được cải thiện cũng phần nào giúp cho áp lực trích lập dự phòng giảm bớt. Cụ thể như hình 7 dưới:

Ngoài ra nợ nhóm 2 (nhóm nợ cần chú ý) vẫn đang có xu hướng giảm từ Q3-2023 cũng phần nào giảm áp lực lên các nhóm nợ sau trong thời gian tới. Tuy nhiên nếu so với các năm từ 2022 trở về trước thì mức nợ nhóm 2 vẫn đang ở mức cao và cần tiếp tục cố gắng cải thiện trong thời gian tới.

Với việc nợ xấu cùng nợ nhóm 2 tăng mạnh từ Q1-2023 khiến cho bộ đệm dự phòng của TPB giảm đi nhanh chóng. Cụ thể, tỉ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng đã giảm nhanh từ mức 135% xuống chỉ còn 84% trong Q1-2023, 61% trong Q2-2023 và chỉ còn 47% trong Q3-2023. Điều này đã gây áp lực lớn lên ngân hàng vào nửa cuối 2023 và bắt buộc phải gia tăng trích lập dự phòng cho các món nợ xấu cũng như phần nào hồi phục lại bộ đệm dự phòng của mình. Như hình dưới chúng ta có thể thấy từ Q3-2023 TPB đã phải tăng mạnh khoản dự phòng rủi ro tín dụng lên mức gần 1,300 tỷ đồng, trong khi trung bình các quý trước chỉ ở khoảng 300-500 tỷ đồng mỗi quý. (Hình 8)

Nhờ việc trích lập dự phòng lớn đã giúp tỉ lệ bao phủ nợ xấu hiện đã hồi phục về mức 66%, tuy nhiên so với trung bình các năm trước thì mức này vẫn còn cách khá xa ( trung bình các năm trước khoảng 120%-140%). Chính điều này kết hợp với tỉ lệ nợ xấu hiện vẫn ở mức cao trên 2% sẽ khiến cho TPB sẽ phải tiếp tục duy trì mức trích lập cao ít nhất trong hơn 1 năm tới trước khi nghĩ đến những điều tích cực hơn.

Trong 2 quý đầu năm 2024 TPB có phần giảm mức trích lập so với cuối năm 2023 nhưng theo chúng tôi mức trích lập cao sẽ trở lại trong 2 quý tới do ngân hàng có thói quen trích lập cao vào cuối năm. Ngoài các ý chính như trên thì nợ xấu của TPB còn một số thông tin mà nhà đầu tư cũng quan tâm trong thời gian gần đây chúng tôi có thể cập nhật nhanh như dưới đây:

  • Với nhóm khách hàng Novaland: Hiện NVL còn một trái phiếu và một khoản vay vào các dự án có pháp lý tốt. Vì vậy khả năng thu hồi nợ là cao và không đối mặt quá nhiều rủi ro với TPB.
  • Với Hưng Thịnh: Hiện theo thông tin từ ban lãnh đạo thì các khoản tín dụng đã xử lý xong. Các khoản nợ đã được các đối tác của Hưng Thịnh mua lại nên số dư nợ còn lại là rất nhỏ không đáng lo.
  • Về việc mua lại công ty tài chính tiêu dùng Handico đang trong quá trình chờ xem xét và phê duyệt, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2024.
  • Hiện dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên tổng dư nợ đã giảm từ mức 5.94% cuối 2023 xuống còn 4.65% và con số này là vừa phải khiến cho áp lực đáo hạn lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 là không quá lớn.

Tổng kết lại bức tranh tài chính của TPB vẫn là khá xấu và ngân hàng vẫn phải tiếp tục duy trì chính sách trích lập cao cũng như tập trung xử lý các khoản nợ xấu trong các quý tới. Chúng tôi cho rằng phải từ 2025 thì bức tranh tài chính của ngân hàng mới tốt lên được.

III. Tổng kết và định giá

Với những phân tích ở trên chúng ta đã thấy khá rõ bức tranh của TPB đó là tiềm năng tăng trưởng tổng lợi nhuận thuần nhờ động lực từ cải thiện chi phí đầu vào cũng như mức nền cùng kỳ thấp. Tuy nhiên do tiếp tục phải trích lập ở mức cao trong các quý tới sẽ khiến cho lợi nhuận của ngân hàng khó mà bứt phá được. Chúng tôi cho rằng sớm nhất cũng phải sang 2025 mới là thời điểm để TPB trở lại được.

Về định giá cho Q3-2024, hiện TPB đang giao dịch vùng giá 18.x k/cp tương ứng mức định giá P/B khoảng 1.12 lần. Đây là mức định giá ở vùng thấp kể từ 2021 cho tới nay nhưng cũng là hợp lý khi bức tranh tài chính giai đoạn này cũng là khó khăn nhất đối với ngành bank. Tựu chung lại do định giá khá sát vùng thấp nhất trong các năm gần đây nên áp lực giảm giá của TPB là không nhiều và có thể cần cú hích về tín dụng mới có thể giúp cổ phiếu tăng tốt trở lại được. Chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu khả năng cao sẽ đi ngang quanh vùng 18.x từ nay cho tới kỳ ra bctc Q3 tới.

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-

1 Likes


Trong khi toàn ngành ngân hàng đang gặp khó khăn với bài toán tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2024 thì HDB lại có vẻ đang thu trái ngọt trên lối đi riêng của mình. Ngân hàng vừa đạt mức tăng trưởng tín dụng cao lại đạt cả tăng trưởng lợi nhuận mạnh. Vậy lối đi của HDB là gì và bức tranh tài chính liệu có đồng hành với gang màu sáng về kết quả kinh doanh của ngân hàng hay không?

I. Kết quả kinh doanh

1. Kết quả kinh doanh chung

HDB đã công bố bctc Q2-2024 với kết quả kinh doanh tiếp tục duy trì tổng lợi nhuận của ngân hàng ở mức cao và mức NIM tiếp tục được cải thiện mạnh. Cụ thể tổng lợi nhuận thuần của ngân hàng đạt 8,293 tỷ đồng, tăng 29.3% yoy. Lợi nhuận trước thuế đạt 4,137 tỷ đồng, tăng mạnh 50.9% yoy. Đáng chú ý đây đã là quý thứ 3 liên tiếp HDB ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế tăng mạnh và duy trì trên 4k tỷ đồng. NIM của ngân hàng cũng được cải thiện mạnh mẽ lên 5.44%, cao hơn khá nhiều so với mức cuối 2023 là 4.83%. Chi tiết như hình 1 dưới:

Động lực chính hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của ngân hàng tăng trưởng mạnh trong Q2-2024, nhất là lợi nhuận đến từ sự tăng trưởng mạnh của thu nhập lãi thuần (+55.8% yoy) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 21.4% yoy. Cụ thể từng mảng chúng ta sẽ phân tích trong phần sau.

Về mảng kinh doanh ngoài lãi, HDB tập trung tỉ trọng chính vào mảng tín dụng với khoảng 90% lợi nhuận và mảng kinh doanh ngoài lãi không có tỉ trọng cao và đóng góp không nhiều. Lợi nhuận chủ yếu đến từ kinh doanh ngoại hối và dịch vụ. Mảng dịch vụ trong Q2 vẫn tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm lớn với -62.6% với chỉ 225 tỷ đồng lợi nhuận. Còn mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận 310 tỷ đồng, tăng mạnh 114% yoy.

Ngoài kết quả kinh doanh tốt thì các chỉ số về hiệu quả hoạt động cũng thay đổi tích cực trong Q2 vừa qua. Cụ thể NIM tiếp đà hồi phục quý thứ 3 liên tiếp lên 5.44%, cao hơn cả giai đoạn 2021. CIR của ngân hàng cũng duy trì ở mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây với chỉ 34.28% cũng cho thấy hoạt động tích cực của ngân hàng. Trong Q2-2024 chỉ số CIR có tăng nhẹ là do chi phí lương có phần tăng mạnh trong giai đoạn ngân hàng đầu tư mạnh vào công nghệ và mạng lưới. Trong các quý tới khả năng hệ số CIR sẽ tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp. (Hình 2)

Chỉ số chi phí vốn COF cũng giảm xuống còn 6.2% sau khi tăng mạn trong năm 2022 và đầu 2023 do tốc độ huy động nhanh hơn nhiều tốc độ tăng trưởng tín dụng (tiền gửi khách hàng tăng gấp đôi so với cho vay khách hàng chỉ tăng gấp 1.4 lần.)

2. Mảng tín dụng

HDB là ngân hàng có xu hướng tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi của ngành khi tỉ trọng đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng từ mảng tín dụng là cao hơn so với trung bình ngành. Cụ thể mảng tín dụng đóng góp tới 93.1% vào lợi nhuận cho ngân hàng và các mảng kinh doanh ngoài lãi chỉ đóng góp vỏn vẹn có 6.9%. Điều này đồng nghĩa ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt hay không gần như phụ thuộc hoàn toàn vào mảng kinh doanh cốt lõi là tín dụng. Kết thúc Q2-2024 tổng cho vay của HDB đạt khoảng 386 nghìn tỷ VND, tăng trưởng tín dụng đạt mức 12.5%, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn ngành là khoảng 6%. (Hình 3)

Động lực tăng trưởng chính cho vay của ngân hàng đến từ lĩnh vực xây dựng (+43.8% so với đầu năm) ,mảng bán lẻ (+28% so với đầu năm) và tài chính bảo hiểm (+40.8% so với đầu năm). HDB được biết đến là ngân hàng bán lẻ đặc trưng, tập trung phát triển tệp khách hàng bán lẻ tại các vùng nông thôn và đô thị loại 2. Đây là nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn cao nhưng mức độ tiếp cận còn thấp. Ưu điểm của nhóm khách hàng này là nhu cầu tín dụng cao, hàm lượng công nghệ hạn chế nên ít có nhu cầu chuyển đổi ngân hàng vay vốn nên độ trung thành cao giúp cho ngân hàng có lượng khách ổn định và trung thành. Tuy nhiên nhược điểm của tệp khách hàng này là khả năng chống chịu với biến động kinh tế thấp cũng như nhiều rủi ro tín dụng hơn.

Tuy nhiên với khẩu vị rủi ro của HDB ở mức cao và trong tình trạng nhu cầu tín dụng toàn thị trường còn yếu thì chính tệp khách hàng này đã giúp HDB vượt qua giai đoạn khó khăn về đầu ra như hiện tại. Vấn đề còn lại của ngân hàng chính là xử lý và kiểm soát rủi ro nợ xấu. Trong ngắn hạn với việc thông tư 02 tiếp tục được gia hạn sẽ là hỗ trợ lớn giúp ngân hàng có thêm thời gian và nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Với việc là 1 trong 4 ngân hàng được ngân hàng nhà nước lựa chọn để nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém nên HDB có lợi thế được cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Kết hợp với thế mạnh đã tăng trưởng tín dụng cao trong các năm gần đây và 6 tháng đầu năm 2024 thì khả năng cao tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 hoàn toàn có thể đạt mức khoảng 28-30%. Mức có thể coi là rất cao trong bối cảnh toàn ngành hiện tại.

Về đầu vào, như phân tích ở trên, trong giai đoạn 2023 HDB chịu áp lực lớn về chi phí vốn do tốc độ tăng tiền gửi cao hơn so với tốc độ cho vay trong khi xu hướng lãi suất giảm mạnh trong 2023 khiến cho HDB bị tồn lượng huy động vốn cao. Sang năm 2024 khi mà các khoản huy động lãi suất cao đáo hạn và nền lãi suất duy trì đi ngang mức thấp sẽ giúp HDB giảm dần áp lực chi phí vốn và dần hạ trong các năm tới. Ngoài ra HDB còn đang nhắm tới thị trường quốc tế hoặc các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động tại địa phương để qua đó đa dạng nguồn vốn đầu vào cũng như giảm sự phụ thuộc vào các công ty nhà nước. (Hình 4)

Về Casa, HDB thuộc top những ngân hàng có tỉ lệ casa thấp nhất hiện nay và chỉ trong khoảng 9-10%. Tuy nhiên bù lại ngân hàng lại có đầu ra cho vay với lãi suất cao bù đắp cho chi phí vốn cao của mình.

II. Nợ xấu và trích lập nợ xấu

Với ngân hàng có khẩu vị rủi ro cao như HDB để đẩy mạnh tín dụng cũng như cho vay với lãi suất trung bình cao hơn thì nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu cao là rủi ro thường trực và phải đối mặt thường xuyên. Tuy nhiên nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu của HDB kiểm soát là khá tốt so với các ngân hàng trong cùng phân khúc rủi ro cao như VPB. Cụ thể tại Q2-2024 tỉ lệ nợ xấu của HDB là 2.1%, giảm 0.15% so với Q1 trước đó. Nhưng nếu so với giai đoạn các năm trước đó trung bình khoảng 1.6% thì tỉ lệ nợ xấu hiện tại của HDB vẫn là khá cao và cũng tạo nên áp lực nhất định cho ngân hàng về trích lập và xử lý nợ xấu. (Hình 5)

Bóc tách nợ xấu theo từng nhóm nợ chúng ta thấy nợ xấu chủ yếu nằm ở nhóm 3 với khoảng 48.4%. Các nhóm nợ có xu hướng khá ổn định và tăng đều trong năm 2023 cho tới nay. Tuy nhiên rủi ro với HDB là nợ nhóm 2 vẫn ở mức cao và không giảm mấy trong 2 quý gần đây. Nếu thông tư 02 không còn được gia hạn trong năm 2025 thì khả năng nợ xấu tăng lên đáng kể đối với HDB là khá cao. (Hình 6)

Điều này đặt ra áp lực lớn lên trích lập dự phòng và chuẩn bị bộ đệm tốt để sẵn sàng khi thông tư 02 hết hạn. Trong 3 quý gần đây mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của HDB là khoảng 1,200 tỷ đồng mỗi quý, tuy đã cao hơn mức trung bình năm 2022 (khoảng 700-800 tỷ đồng) nhưng do nợ xấu tăng lên nên tỉ lệ bao phủ nợ xấu vẫn chỉ ở mức thấp với 59% vào Q2-2024. (Hình 7)

Điều này cho chúng ta thấy HDB vẫn muốn trích lập ở mức vừa phải để hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận tốt trong 3 quý gần đây nhờ hỗ trợ ngắn hạn khi thông tư 02 được gia hạn đến hết năm 2024. Tuy nhiên với nợ nhóm 2 ở mức cao gây áp lực lên ngân hàng thì khả năng rất cao trong 2 quý còn lại của năm 2024 và 2025 tới thì mức trích lập rủi ro tín dụng sẽ phải nâng lên ít nhất quanh vùng 1,500 tỷ đồng mỗi quý trở lên để đảm bảo an toàn tín dụng cũng như dần nâng bộ đệm dự phòng của mình về vùng an toàn như trung bình các năm trước (tỉ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 80-90%)

Như vậy có thể thấy về trích lập có 2 yếu tố quan trọng sẽ ảnh hưởng tới việc trích lập của ngân hàng là tỉ lệ bao phủ nợ xấu và thời điểm hết hạn thông tư 02 (thời điểm thông tư không được gia hạn nữa).

III. Tổng kết và định giá

Với những phân tích ở trên chúng ta có thể thấy khá rõ bức tranh của ngân hàng HDB. Với việc chấp nhận và tập trung vào phân khúc có nhiều rủi ro cao khi hướng tới cho vay tại các khu vực đặc thù và các ngành có độ rủi ro cao đang mang lại hiệu quả cho HDB vượt qua bài toán tăng trưởng tín dụng với việc sẽ tăng trưởng mạnh tín dụng trong năm 2024 dù tình trạng chung toàn ngành là rất khó khăn. Hiệu quả kinh doanh cũng đang đạt mức cao nhờ vào cải thiện giá vốn đầu vào cũng như duy trì mức trích lập vừa phải để hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận. Tuy nhiên rủi ro đi kèm là tỉ lệ nợ nhóm 2 ở mức cao, ngành nghề cho vay có nhiều rủi ro tiềm ẩn nên khi đầu tư vào HDB cần chú ý tới thời điểm thông tư 02 hết hạn cũng như rủi ro sẽ tăng trích lập dự phòng trong các quý tới.

Hiện HDB đang giao dịch ở vùng giá 26.x tương ứng với mức định giá P/B khoảng 1.45 lần. đây là mức khá cao so với các ngân hàng khác hiện tại, nhưng cũng là xứng đáng với những kỳ vọng mà HDB đang có. Về định giá cho kỳ bctc Q3-2024 chúng tôi cho rằng mức định giá phù hợp với HDB vào khoảng 27-28k/cp và với những nhà đầu tư HDB thì nên cẩn trọng hơn vào giai đoạn cuối 2024 đầu 2025 khi mà có thể có những bất lợi như trích lập tăng hay liên quan thông tư 02.

———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-

3 Likes

bank tăng chậm quá nhưng quá vững bền

1 Likes

mãi một tình yêu HDB

2 Likes

doanh nghiệp tốt, chờ đẹp là vao

1 Likes

giá nào được bác

1 Likes

Bank có mbb cũng ổn mà ad pick HDB, mã này rủi ro lắm

1 Likes

Chứng đóng cao nhất phiên ace ăn tối lấy sức mai mà đua lệnh :))))
mai ăn chứng nhé

1 Likes

thế nào r bạn, chứng ổn chứ. VCI thấy cũng đc đó ạ

HDB dự kiến đạt doanh thu hoạt động khoảng 34.200 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 29,5% so với năm trước, và lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 15.676 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Giá mục tiêu của HDB được ước tính là 28.100 VNĐ/cổ phiếu, với khuyến nghị đầu tư trong khoảng 22.500 - 23.500 VNĐ/cp

1 Likes

EVF đi ạ, đẩy rần rần

1 Likes

Đẩy quá mới dè;>>

EVF đang còn nhiều cơ hội, đánh vào mấy phân khúc SMe còn nhiều tiềm năm.