Lãnh đạp PAN Group nói gì về dự án kênh đào Phù Nam Techo có nguy cơ làm giảm 50% lượng nước về ĐBSCL?

Dự án kênh đào Phù Nam Techo (dài 180km sẽ giúp kết nối thủ đô Phnom Penh với các cảng của Campuchia trên vịnh Thái Lan) đang gây nhiều sự chú ý với giới học giả và truyền thông quốc tế. Việt Nam cũng rất quan tâm đến dự án này.

Những lo ngại từ dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia

Theo Bộ Giao thông Campuchia, dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo Canal) - hay còn gọi dự án hệ thống đường thủy và hậu cần Tonle Bassac - trị giá 1,7 tỷ USD, dự kiến khởi công vào quý IV/2024 (hoàn thành sau 4 năm) sau khi Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Trung Quốc (CRBC) đạt thỏa thuận phát triển kênh đào tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai, Con đường" hồi tháng 10 năm ngoái.

Nguồn: Khmer Times, Nikkei

Bên cạnh lo ngại về câu chuyện an ninh quân sự, hãng tin Bloomberg (Mỹ) lo ngại về tác động môi trường của dự án này trong đó có khả năng làm chuyển hướng dòng nước khỏi sông Mekong.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 11/4, ông Đoàn Khắc Việt - đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia ven sông Mekong. "Việt Nam cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, Ủy hội sông Mekong trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực".

Sáng ngày 23/4, tại TP. Cần Thơ, Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức họp tham vấn về dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia và thực hiện tham vấn sử dụng nước của Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Tại sự kiện, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã bày tỏ quan ngại dự án này sẽ có những tác động tiêu cực tới Đồng bằng sông Cửu Long.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ bày tỏ lo ngại, nếu tính toán đầy đủ thì vào mùa khô khi có kênh Phù Nam Techo, lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu (hai phân lưu của sông Mekong) khi về đến Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm hơn 50%.

Sông Hậu đoạn chảy qua TP. Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long

"Những năm khô hạn như năm 2016 và năm 2024, tình trạng thiếu hụt nước sẽ thêm trầm trọng. Đây là điều đáng suy nghĩ cho tương lai dòng chảy trên sông Hậu mùa khô chứ không thể xem là không đáng kể.

Chắc chắn là với mức suy giảm theo ước tính như thế này thì khả năng xâm nhập mặn sâu hơn, có thể ảnh hưởng trên một nửa diện tích canh tác vùng châu thổ trong tương lai vào mùa khô và trong các giai đoạn triều cường", ông Tuấn cảnh báo.

Ngoài ra, các vấn đề về dòng chảy mùa lũ, bảo tồn hệ sinh thái động thực vật cũng được các chuyên gia đề cập.

Doanh nghiệp nông nghiệp vốn hóa 4.450 tỷ đồng trên sàn HoSE đối phó ra sao?

Chiều ngày 26/4, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Số 11 Lê Hồng Phong, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội, CTCP Tập đoàn PAN (Mã PAN - HoSE) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2024.

Trong phần Q&A, ngay câu hỏi mở đầu, cổ đông nêu vấn đề: "Tình hình thế giới làm giá lương thực đẩy lên cao, doanh nghiệp có kế hoạch gì để nắm bắt thời cơ? Đằng bằng sông Cửu Long bị hạn hán, xâm nhập mặn; Campuchia xây kênh đào Phù Nam có thể làm giảm 50% lưu lượng nước? Tập đoàn đối phó ra sao? Chiến lược mảng nào là chính trong thời gian tới?".

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT cho biết: "Chúng tôi không bỏ mảng nào, đây đều là kênh chiến lược để vươn tầm ra thị trường trong nước và quốc tế. Mỗi công ty con sẽ có chiến lược riêng để phát triển, tập đoàn mẹ không giẫm chân bất kỳ mảng nào của các công ty con".

Tiếp lời, bà Trần Kim Liên - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Mã NSC) - công ty thành viên của PAN chia sẻ: "Chúng tôi cố gắng thích ứng với biến đổi khí hậu và thuận thiên đồng thời nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh, tìm ra những bộ giống thích ứng với xu thế biến đổi để "thuận thiên", để vượt qua những vấn đề khó khăn không phải do mình tạo ra.

Câu chuyện kênh đào Phù Nam của Campuchia là câu chuyện vĩ mô.

Mọi người sợ COVID-19 nên ở trong nhà, chúng tôi làm nông nghiệp thì không sợ COVID".

PAN Group được biết đến là doanh nghiệp có quy mô Top đầu (vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng - vốn hóa hiện hơn 4.450 tỷ đồng) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau hơn 30, hệ sinh thái PAN Group hiện ghi nhận nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm thông qua hai nền tảng PAN Farm (gồm Vinaseed, PAN-HULIC, VFC) và PAN Food (gồm Bibica, Lafooco, Aquatex Bến Tre, 584 Nha Trang, Golden Beans).

Doanh thu chủ lực của doanh nghiệp những năm qua được đóng góp từ hoạt động nông nghiệp, thủy sản và thực phẩm. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng nuôi trồng và canh tác trọng điểm của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nói chung và và PAN Group nói riêng.

Quốc Trung

https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lanh-dap-pan-group-noi-gi-ve-du-an-kenh-dao-phu-nam-techo-co-nguy-co-lam-giam-50-luong-nuoc-ve-dbscl-232956.html