LDG dưới thời Chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng: Từ “pha loãng” cổ phiếu đến “sạch bóng” cổ đông lớn

## Từ một cơ cấu cổ đông cô đặc vào thời điểm mới lên sàn, dưới thời ông Nguyễn Khánh Hưng, cổ phiếu LDG dần bị “pha loãng” và đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã “sạch bóng” cổ đông lớn.

Trước khi ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Công ty CP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) bị khởi tố và bắt tạm giam, doanh nghiệp này đã là một cái tên gây xôn xao bởi một loạt bất ổn. Người đứng đầu hết bị bán giải chấp rồi lại bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) “tuýt còi” vì “bán chui” cổ phiếu, các dự án dính tai tiếng, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nhiều lần tổ chức ĐHĐCĐ bất thành, dường như thời kỳ “hoàng kim” của LDG được cho là trôi vào “dĩ vãng”.


Dưới thời ông Nguyễn Khánh Hưng, cơ cấu cổ đông của LDG liên tục bị pha loãng

Có thể thấy, kể từ khi ông Nguyễn Khánh Hưng nhậm chức Chủ tịch HĐQT hồi tháng 12/2016, mặc dù LDG liên tục ghi nhận sự tăng trưởng về kết quả kinh doanh, thiết lập kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận nhưng những vấn đề liên quan đến chất lượng cổ phiếu và cổ đông của doanh nghiệp lại không mấy ổn định. Đặc biệt, sau khi Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) cùng các công ty con thoái sạch vốn vào tháng 7/2020, cơ cấu cổ đông của LDG liên tục bị pha loãng và đến nay đã “sạch bóng” cổ đông lớn.

Cơ cấu cổ đông của LDG trước khi lên sàn

Theo bản cáo bạch niêm yết của LDG năm 2015, được thành lập năm 2010 với tên gọi Công ty CP Địa ốc Long Điền, doanh nghiệp có số vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng, được góp bởi 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, Công ty TNHH Phú An của doanh nhân Lê Kỳ Phùng góp 25,4 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 50,8%; Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (tên gọi cũ của Tập đoàn Đất Xanh) góp 24,5 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 49%; ông Bùi Đắc Tuấn góp 100 triệu đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,2%. Cần biết, ông Tuấn cũng là một cá nhân liên quan đến Phú An, theo đó, thông qua doanh nghiệp và cá nhân liên quan, quyền chi phối doanh nghiệp tập trung trong tay Chủ tịch HĐQT khi đó là ông Lê Kỳ Phùng.

Trước khi lên sàn chứng khoán, trong giai đoạn 2010 – 2014, Địa ốc Long Điền đã trải qua 3 lần tăng vốn điều lệ: Lên xấp xỉ 228 tỷ đồng vào ngày 22/5/2013; lên 700 tỷ đồng vào ngày 14/1/2014; lên 750 tỷ đồng vào ngày 19/08/2014. Đáng chú ý, trong cả 3 lần tăng vốn này, mặc dù cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp được mở rộng nhưng nhóm của Chủ tịch Lê Kỳ Phùng, bao gồm Công ty TNHH Phú An (giải thể ngày 15/10/2013 rồi được sáp nhập vào Công ty TNHH Phú Lạc và đổi tên thành Công ty TNHH Du lịch Phú Lạc) và các cá nhân liên quan là bà Lý Thị Tố Trinh, bà Lý Tố Lan, bà Phạm Thuỷ Nhung và bà Nguyễn Thị Kiều Loan, ông Bùi Đắc Tuấn vẫn luôn giữ vị thế nhóm cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp. Tương tự, về phía Đất Xanh, doanh nghiệp này cũng duy trì sức ảnh hưởng thông qua sự hiện diện của các công ty con là Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Dịch vụ Hà Thuận Hùng và Công ty CP Xây dựng Địa ốc Long Kim Phát.


Cơ cấu cổ đông của LDG trước khi lên sàn chứng khoán (Tổng hợp từ bản cáo bạch niêm yết của doanh nghiệp)

Nhìn chung, mặc dù xuất hiện của một nhà đầu tư mới là bà Phạm Nguyễn Thuỷ An, “quyền lực” tại Địa ốc Long Điền về cơ bản tập trung tại nhóm ông Lê Kỳ Phùng và nhóm Đất Xanh.

Còn tại thời điểm niêm yết, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp khá cô đặc. Tổng số cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng ghi nhận tại bản cáo bạch niêm yết là 53.560.205 cổ phiếu, chiếm 71,41% vốn điều lệ đã đăng ký.


Số cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng ghi nhận tại bản cáo bạch niêm yết của LDG

Đổi chủ, thay tướng và pha loãng

Đáng chú ý, không lâu sau khi doanh nghiệp đổi tên và niêm yết trên sàn chứng khoán, nhóm ông Lê Kỳ Phùng bất ngờ thoái vốn, “nhường ghế” Chủ tịch và rút lui hoàn toàn khỏi LDG.

Ngày 7/12/2016, ông Lê Kỳ Phùng chính thức từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT LDG. Đáng nói, trước đó, “cha đẻ” của LDG đã âm thầm triệt thoái toàn bộ 9,4 triệu cổ phiếu mà cá nhân trực tiếp sở hữu tại LDG, tương ứng với 12,54% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Sự việc này đã từng khiến ông Phùng nhận “tráp phạt” từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt 42,5 triệu đồng vì tội “bán chui”. Trong khi đó, pháp nhân liên quan tới cựu Chủ tịch LDG là Công ty TNHH Du lịch Phú Lạc cũng bán sạch 12,6 triệu cổ phiếu nắm giữ, hạ tỷ lệ sở hữu từ 16,8% về 0%.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Khánh Hưng (đang là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh) được bổ nhiệm thay thế toàn bộ vị trí mà ông Lê Kỳ Phùng để lại. Lúc này, lượng cổ phần sở hữu cá nhân của ông Hưng tại LDG rất thấp, mà theo ghi nhận tại báo cáo quản trị năm 2016, tại ngày 31/12/2016, Chủ tịch HĐQT chỉ nắm giữ 118.000 cổ phiếu, tương ứng 0,13% vốn điều lệ.

Dù vậy, nhóm cổ đông tổ chức liên quan đến ông Nguyễn Khánh Hưng và Đất Xanh vẫn đóng vai trò chi phối. Trong đó, Đất Xanh nắm 16,2%, Hà Thuận Hùng nắm 16%, Long Kim Phát nắm 9,13%.

Tháng 9/2017, trong đợt phát hành cổ phiếu lớn nhất lịch sử doanh nghiệp này, nâng vốn điều lệ của LDG lên gần 1.600 tỷ đồng, Đất Xanh đã mua vào 25,5 triệu cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 26,7%. Tại thời điểm cuối năm 2017, tính thêm 10,62% cổ phần của Hà Thuận Hùng và 6,06% cổ phẩn của Long Kim Phát, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông tổ chức liên quan đến Đất Xanh tại LDG lên đến 43,38%.


Trong đợt phát hành cổ phiếu lớn nhất lịch sử LDG diễn ra vào tháng 9/2017, Đất Xanh đã mua vào 25,5 triệu cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 26,7%

Tháng 7/2020, nhóm Đất Xanh thoái toàn bộ vốn tại LDG. Đây là khởi đầu cho quá trình pha loãng cổ phiếu LDG.

Cần biết, từ tháng 11/2018, ông Nguyễn Khánh Hưng đã liên tục mua gom cổ phiếu LDG. Ghi nhận tại báo cáo quản trị năm 2020, tại thời điểm ngày 31/12/2020, tỷ lệ sở hữu của ông Hưng tại LDG là 11,8% (hơn 28 triệu cổ phiếu).

Sau đó, tận dụng “sóng” cổ phiếu bất động sản, từ giữa tháng 12/2021, ông Hưng bắt đầu đăng ký bán ra. Trong giai đoạn này, thị giá LDG tăng gấp gần 6 lần, lập đỉnh quanh mức 28.000 đồng/cp. Tuy nhiên, bước sang đầu quý II/2022, ảnh hưởng từ sự đi xuống của nhóm “cổ đất”, mã này liên tục rơi sâu và hiện vẫn đang chật vật dưới đáy dài hạn.


Sau khi leo đỉnh từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, từ quý II/2023, cổ phiếu LDG bắt đầu lao dốc và hiện đang “nằm sàn”

Trong giai đoạn thị trường diễn biến không thuận lợi này, ông Nguyễn Khánh Hưng đã nhiều lần bị bán giải chấp số lượng lớn cổ phiếu do sử dụng nguồn tiền từ margin của các công ty chứng khoán. Đến giữa tháng 5/2023, tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch LDG giảm xuống còn 3,92%, chính thức mất quyền cổ đông lớn. Trước khi bị khởi tố bắt tạm giam, hồi tháng 8/2023, ông Nguyễn Khánh Hưng cũng bị HOSE hủy bỏ giao dịch bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu do không báo cáo, công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Phân trần về sự việc này, Chủ tịch LDG cho hay, nguyên nhân là do thư ký mới chưa nắm rõ quy định dẫn đến sai sót công bố thông tin. Dù vậy, sau đó, ông Hưng vẫn bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt 520 triệu đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng.

Đáng nói, mặc dù trải qua hơn 8 năm niêm yết trên sàn, nhưng LDG chưa một lần trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, mà chủ yếu phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Đặc biệt, dưới thời ông Hưng, doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên (ESOP) trong 3 năm liên tục (2017, 2018, 2019). Trước hết, điều này khiến cho chính sách phân chia lợi nhuận trở nên không được hài hoà, bởi lẽ, cổ đông chỉ có một nguồn thu nhập cố định là cổ tức, trong khi lãnh đạo, nhân viên vẫn còn có lương, thưởng và thêm cổ phiếu ESOP để bán đều đặn hàng năm. Mặt khác, việc phát hành ESOP cũng khiến cho cổ đông bị pha loãng tỷ lệ sở hữu.

Sau một quá trình pha loãng cổ phiếu, đến tháng 12/2023, LDG không có cổ đông lớn và đa phần lãnh đạo không nắm giữ cổ phần công ty. Hệ quả là doanh nghiệp này đã phải mất tới 3 lần mới có thể triệu tập ĐHDCĐ thường niên năm 2023. Trong lần thứ ba tổ chức, có 286 cổ đông đại diện 18,67% số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty tham dự.

Trên thực tế, dù đã “sạch bóng” cổ đông lớn nhưng quá trình pha loãng của LDG vẫn tiếp tục. Mới đây, doanh nghiệp này vừa thông qua kế hoạch phát hành 12.810.367 cổ phiếu ESOP, dự kiến triển khai từ quý IV/2023 đến quý I/2024.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, việc không có cổ đông lớn, đặc biệt là trong giai đoạn “khủng hoảng” sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi như: Thiếu sự hỗ trợ về kinh nghiệm, vốn, thậm chí là các mối quan hệ “làm ăn” từ các “ông lớn”. Bên cạnh đó, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý trong công tác điều hành doanh nghiệp. Việc ra quyết định cũng sẽ không còn linh hoạt như trước đây và có thể mất nhiều thời gian, công sức để điều phối, tham vấn với các bên liên quan trong những quyết định.

Hà Lê

Nhỏ lẻ khó ăn đấy

Giờ vào hơi muộn tôi còn ít để từ lâu rồi giờ vẫn chưa về bờ…báo giờ về lại 15.x