Lịch sử liệu có lặp lại?

, , ,

275305713_10221160830677837_3413787430038964658_n



Lịch sử liệu có lặp lại?

Sự trùng hợp đáng kinh ngạc giữa cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1979 và tình hình kinh tế chính trị hiện tại.

Diễn biến 1978-1980s:

Cuộc cách mạng Iran diễn ra vào tháng 01/1978 nổ ra đã đẩy giá dầu tăng một cách khủng khiếp. Chỉ trong vòng hơn một năm, giá dầu đã tăng gấp đôi. Sau khi cuộc cách mạng Iran kết thúc vào tháng 02/1979, những tưởng giá dầu sẽ được ổn định thì ngay lập tức, cuộc chiến giữa hai nước láng giềng là Iran và Iraq đã diễn ra vào tháng 09/1980 và đẩy tình trạng leo thang của giá dầu lên cực điểm. Đến cuối năm 1980 giá dầu đã tăng hơn 3 lần so với trước đó khoảng 3 năm. Với tư cách là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới vào thời điểm đó (7% sản lượng toàn cầu) thì những bất ổn về chính trị kinh tế của Iran đã đẩy giá dầu tăng phi mã.

Chính vì sự khủng hoảng giá dầu này mà dẫn đến chu kỳ siêu lạm phát trên toàn cầu. Chỉ số lạm phát của Mỹ năm 1980 đã tăng lên cực đỉnh là 15% (bình quân cả năm là 13.5%). Đương nhiên ai cũng hiểu và cho rằng đây là cuộc khủng hoảng cung dẫn đến chi phí gia tăng và làm gia tăng giá cả. Tuy nhiên, thực chất ngoài vấn đề khủng hoảng dầu mỏ (nguồn cung bị ảnh hưởng, giá dầu tăng, chi phí sản xuất và giá cả hàng hóa tăng) thì do Mỹ cũng đã bơm một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế trong giai đoạn 1973-1975 để kích thích kinh tế khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Cả hai yếu tố này đã tạo nên chu kỳ siêu lạm phát tại Mỹ và là cuộc siêu lạm phát cao nhất tính cho đến tận bây giờ.

Kết quả, bất chấp các tranh cãi rằng đây là cuộc khủng hoảng siêu lạm phát do nguồn cung gây ra, cuối cùng Fed đã quyết định tăng lãi suất lên con số cao lịch sử của nền kinh tế nước này nhằm kiềm chế lạm phát. Đó cũng chính là mức lãi suất cao nhất tại Mỹ trong vòng 50 năm qua. Fed đã đẩy lãi suất lên con số…20% (tức gấp 4 lần so với giai đoạn trước đó)

HIỆN TẠI:

Có thể chỉ mới đọc phần trên các bạn đã nhận ra sự trùng hợp đáng kinh ngạc với những gì đang diễn ra.

Kinh tế cũng trải qua thời kỳ khó khăn chật vật do đại dịch covid diễn ra trong 2020-2021. Tất cả các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã bơm một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế để kích thích kinh tế, tránh rơi vào suy thoái. Điều này cộng với sự gãy vỡ của chuỗi cung ứng đã đẩy lạm phát lên cao nhất trong vòng 30 năm qua tại Mỹ. Đến tháng 2/2022, chỉ số lạm phát của Mỹ đã chạm mốc 7.5%.

Diễn biến lạm phát này lại càng được như đổ dầu vào lửa bởi cuộc chiến tranh Nga - Ukraine. Cũng như cuộc cách mạng Iran và cuộc chiến tranh Iran - Iraq diễn ra vào 1979-1980, giá dầu một lần nữa lại tăng phi mã. Nhưng khác với cuộc chiến của hơn 40 năm trước đó chính là nó diễn ra ngay tại Châu Âu và tại một quốc gia đang chiếm 10% sản lượng dầu mỏ toàn thế giới, chính là Nga. Chỉ khác là sản lượng của Nga không bị ảnh hưởng nhưng nguồn cung từ Nga lại bị chặn bởi các lệnh trừng phạt và những đòn tâm lý sợ hãi gây ra bởi trừng phạt. Những dự báo táo bạo nhất, điên rồ nhất đã được đưa ra, nhưng hoàn toàn có khả năng diễn ra dù chỉ là …một chạm. Nhưng viễn cảnh giá dầu neo tại mức cao chót vót trong nhiều năm là điều mà các nhà điều hành kinh tế đang hết sức lo ngại. Cũng như giá dầu trong giai đoạn 1979-1984, nó cao hơn gấp đôi so với giai đoạn trước đó, thì lần này điều này cũng có khả năng xảy ra, thậm chí còn có thể tồi tệ hơn.

Không những bị ảnh hưởng bởi sự gãy đoạn của chuỗi cung ứng, bởi lượng tiền khổng lồ bơm vào nền kinh tế, mà giờ đây áp lực SIÊU LẠM PHÁT đang vờn vờn trước mắt khi cuộc chiến Nga Ukraine có khả năng tạo nên cuộc khủng hoảng dầu mỏ như trong lịch sử.

Tất cả những gì đang diễn ra, cứ dường như đang mô tả lại quá khứ, mô tả lại lịch sử. Liệu rằng lịch sử có lặp lại và nếu nó lặp lại, chúng ta cần làm gì để chiến thắng. Đó không hề là một câu trả lời đơn giản.

Dù sao đi nữa đây cũng là một cơ hội có một không hai cho những ai sinh sau 1980 như tôi được một lần nhìn thấy lịch sử trước khi mình sinh ra.

1 Likes