Nhập khẩu điện thông qua các liên kết lưới điện với nước bạn Lào được cho là giải pháp kinh tế, hiệu quả để giải quyết tình trạng thiếu điện tại phía Bắc nước ta. Giải pháp này đã được đưa vào Quy hoạch điện VIII, hướng tới phát triển liên kết lưới điện mới với Lào ở cấp điện áp 500kV.
Tác giả: Ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh
Nhập khẩu điện từ Lào là giải pháp kinh tế, hiệu quả
Lào có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo với hơn 26 GW tiềm năng về thủy điện; hơn 100 GW tiềm năng điện gió trên bờ. Chính phủ Lào đã xác định định hướng chiến lược là biến Lào trở thành “ắc quy xanh của khu vực” – biến xuất khẩu điện thành ngành xuất khẩu chiến lược. Từ năm 2022 tới nay, Chính phủ Lào đã cấp quyền phát triển cho 16 dự án năng lượng của các nhà đầu tư Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, và Việt Nam với tổng công suất đạt gần 10 GW. Gần 50% số dự án nêu trên có định hướng xuất khẩu điện cho EVN, trong khi phần còn lại hướng tới xuất khẩu cho Công ty lưới điện Nam Trung Quốc (CSG).
Đối với Việt Nam, Quy hoạch điện VIII được Chính phủ phê duyệt tháng 5 năm 2023 đã định hướng nhập khẩu điện từ Lào như sau: “Năm 2030, nhập khẩu khoảng 5.000 MW từ Lào theo Hiệp định giữa hai Chính phủ, sản xuất 18,8 tỷ kWh mỗi năm; có thể tăng lên 8.000 MW. Đến năm 2050, nhập khẩu khoảng 11.000 MW, sản xuất 37 tỷ kWh mỗi năm trên cơ sở cân đối với xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả tối ưu tổng thể”.
Bằng cách nhập khẩu điện từ Bắc và Trung Lào, Việt Nam có thể bổ sung ngay lập tức nhu cầu điện mùa cao điểm cho miền Bắc, giảm áp lực lên lưới điện truyền tải; đa dạng hóa cơ cấu năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tăng cường an ninh năng lượng. Hiện nay, tình trạng thiếu điện đã và đang diễn ra ở miền Bắc, và có xu hướng ngày càng căng thẳng hơn – do sự phát triển của nhu cầu phụ tải điện miền Bắc đang nhanh hơn so với khả năng phát triển của nguồn điện và lưới điện.
Trong năm nay, với quyết tâm rất lớn của Chính Phủ, đường dây500kV Bắc Nam mạch 3 – phân đoạn Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên) sẽ được đưa vào vận hành và bổ sung thêm cho miền Bắc từ 2.000 đến 2.600MW công suất điện truyền tải từ miền Nam. Tuy nhiên, công suất bổ sung đó chưa đủ đáp ứng nhu cầu điện của miền Bắc trong ngắn và trung hạn – đặc biệt là vào các tháng cao điểm hè.
Giải pháp nhập khẩu điện từ Lào là lựa chọn đúng đắn và cần thiết. Thêm nữa, các nguồn điện nhập khẩu từ Lào cũng chủ yếu là năng lượng tái tạo (thủy điện và điện gió) – là giải pháp thay thế thân thiện với môi trường, đóng góp vào mục tiêu trung hòa carbon năm 2050 của Chính phủ Việt Nam, đồng thời không tạo thêm áp lực lớn lên lưới điện xương sống 500kV của nước ta - vốn đã và đang đầy tải do truyền tải điện từ các dự án điện tái tạo từ miền Nam ra miền Bắc”.
Quy hoạch điện VIII đề ra liên kết lưới điện mới với Lào ở cấp điện áp 500kV
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng đặt ra đối với việc nhập khẩu điện từ Lào là lựa chọn cấp điện áp của đường dây liên kết lưới điện hai quốc gia. Hiện nay, toàn bộ các liên kết lưới điện giữa Lào và Việt Nam phục vụ nhập khẩu điện từ Lào mới được thực hiện ở cấp điện áp 220kV. (Bao gồm các đường dây: Nậm Sum – Nông Cống; Nậm Mô – Tương Dương ở miền Bắc; Xekaman 1- Bờ Y và Xekaman 3 – Đăk Ooc ở miền Trung).
Với điều kiện lưới điện truyền tải hiện tại của nước ta, mỗi đường dây 220kV phục vụ nhập khẩu điện chỉ có thể truyền tải 400MW đến 600MW công suất đặt. Như vậy, để truyền tải 5000 đến 8000 MW công suất nhập khẩu điện từ Lào, cần tới ít nhất từ 13 đến 15 đường dây liên kết lưới điện ở cấp điện áp 220kV, tập trung trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Hà Tĩnh tới Quảng Nam.
Do những hạn chế nêu trên, Quy hoạch điện VIII đã đưa vào 3 liên kết lưới điện mới với Lào ở cấp điện áp 500kV (Ngoài liên kết Monsoon – Thạnh Mỹ đã có trong Quy hoạch điện VII), bao gồm: Sầm Nuea – Trạm cắt 500kV Hòa Bình 2; Xebanghieng – Lao Bảo; và Hat San – Kon Tum.
Mỗi liên kết ở cấp điện áp 500kV có thể đảm bảo nhu cầu nhập khẩu ổn định từ 1800 đến 2500MW, do đó 3 đường dây liên kết đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII là đủ phục vụ nhu cầu nhập khẩu điện từ Lào theo kế hoạch tới năm 2030.
Gần đây nhất, đối với hướng nhập khẩu điện từ Lào trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Trạm biến áp 500kV Lao Bảo (trên địa bàn tỉnh Hướng Hóa) với công suất 1.800MVA và đường dây 220kV từ trạm biến áp 500kV Lao Bảo nối nhánh rẽ 220kV Lao Bảo – Đông Hà sẽ được xây mới để phục vụ giải tỏa hơn 1.100MW công suất phát của các nhà máy điện hiện hữu trong khu vực này; đồng thời giúp nhập khẩu hơn 1000MW điện tái tạo từ Lào.
Trong khi đó, nếu sử dụng đường dây 220kV, dư địa theo ước tính cho công suất điện nhập khẩu từ Lào chỉ là từ 150MW tới 200MW.
Theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, trong trường hợp đường dây 500kV Xebanghieng – Lao Bảo và các trạm 500kV Lao Bảo, trạm cắt 500kV được xây dựng, toàn bộ công suất lên tới 2,500MW (dự kiến có thể nhập khẩu điện từ Lào) sẽ được truyền tải thẳng lên lưới điện 500kV Bắc Nam. Đây là giải pháp kinh tế, hiệu quả, ít gây ảnh hưởng tới môi trường, nhân sinh.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn
An ninh Tiền tệ