Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, "cứu cánh" cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.
Số liệu kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm tiếp tục cho thấy nhiều điểm sáng, trong đó dòng vốn FDI dồi dào với FDI đăng ký mới tăng mạnh 73% so với cùng kỳ 2023 và FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh khó khăn.
Trong đó, tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Namtrong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng số vốn đăng ký mới và số dự án FDI mới 4 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh lần lượt là 29% và 73% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, tháng 4 ghi nhận lượng vốn đầu tư và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Vũng Tàu là tỉnh thu hút vốn FDI đăng ký mới cao nhất cả nước với 1,5 tỷ USD, gấp 12 lần cùng kỳ do có dự án nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học của Thổ Nhĩ Kỳ với tổng vốn đầu tư 730 triệu USD.
Về vốn FDI giải ngân, tính đến ngày 20/4, vốn FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI thực hiện đạt mức cao nhất của 4 tháng đầu năm 2024 trong 5 năm qua khi các doanh nghiệp FDI tích cực giải ngân chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (4,93 tỷ USD); kinh doanh bất động sản (0,61 tỷ USD); sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước (0,26 tỷ USD).
Báo cáo từ Công ty Chứng khoán Agriseco đánh giá vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đang tăng trưởng tích cực, đặc biệt là vốn đăng ký mới cùng số dự án mới tăng mạnh trước xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang muốn hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực bán dẫn, chip, năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, các động lực từ xuất khẩu và đầu tư công tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng, thu ngân sách tăng trên 10% và các cân đối lớn được đảm bảo; PMI tháng 4 đã vượt ngưỡng 50 điểm thể hiện sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Tuy nhiên, các yếu tố khó khăn, rủi ro vẫn tồn tại như xung đột chính trị thế giới leo thang, lạm phát tại Việt Nam đang gặp áp lực tăng trong bối cảnh tỷ giá diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn, PMI tháng 4 có sự cải thiện nhẹ nhưng chưa hình thành xu hướng vững chắc. Những yếu tố này làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư về sức bật hồi phục trong năm 2024.
Dù vậy, dòng vốn FDI liên tục đổ vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng và là"cứu cánh" cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân rất thấp.
FDI sẽ ngày càng tích cực từ nay đến cuối năm
Đánh giá về triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong các tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng kết quả thu hút FDI sẽ ngày càng tích cực hơn.
Thứ trưởng Trung phân tích, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi cho các nhà đầu nước ngoài, Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chip. Trong đó, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, đầu tư kinh doanh trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Ngày càng nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Mỹ đầu tư, hợp tác cụ thể tại Việt Nam, tiêu biểu như: Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip…
Phân tích về các dòng vốn đầu tư, các chuyên gia cho rằng trong khi giải ngân vốn đầu tư công đang chậm lại do còn tồn tại những vướng mắc về cơ chế chính sách, giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân thì đầu tư tư nhân vẫn rất thấp. Điều này dẫn đến nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dòng vốn đến từ khu vực FDI.
Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang và đã quan tâm đến Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử, đặc biệt hệ sinh thái chip bán dẫn.
“Nếu Việt Nam trở thành căn cứ địa sản xuất chip điện tử sẽ nâng cao được vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Tuấn nói và cho biết các nhà đầu tư vào Việt Nam thời gian này quyết rất nhanh, khi mọi thứ sẵn sàng, trong đó có ít nhất 4 yếu tố, gồm: Cơ sở hạ tầng, nguồn lao động, nguồn năng lượng và thủ tục nhanh chóng thì các doanh nghiệp tiến hành triển khai dự án ngay lập tức.
Vì vậy, muốn tận dụng được dòng vốn này và biến nó trở thành "cứu cánh"cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công và đầu tư tư nhân đang chậm lại thì các bộ ngành, địa phương cần phải có sự đồng bộ, phải chuyên nghiệp hơn, phải có sự chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố, bao gồm: Đất đai, nguồn nhân lực, hạ tầng… hay việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Còn rất nhiều việc phải làm để thực sự đón sóng FDI,Phó Tổng Thư ký VCCI cho hay.