Sự cố nghẽn lệnh sàn Hose: Đến thời cổ phiếu cũng bị tắc đường!
10:10, 11/03/2021
(NB&CL) Theo số liệu từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước, từ cuối năm 2020, khi thanh khoản thị trường tăng lên 10.000-15.000 tỷ đồng/phiên khiến hệ thống giao dịch HOSE tự động nghẽn, lệnh mua bán của nhà đầu tư gửi đi rất khó khăn khiến nhà đầu từ muốn bán cũng không bán được mà mua cũng chẳng xong.
Audio Player
00:00
06:06
[Use Up/Down Arrow keys to increase or decrease volume.](javascript:void(0)
Audio
HOSE tắc đường vì quá nhiều lệnh
Thời gian gần đây, hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn không chỉ gây nhiều bức xúc cho nhà đầu tư trong nước mà ngay cả khối ngoại cũng đã bán ròng liên tục, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán.
Đơn cử như trong phiên giao dịch ngày thứ 3 (9/3), khi VN-Index giảm mạnh về đến vùng hỗ trợ của chỉ số thì dòng tiền “bắt đáy” lại được kích hoạt. Tuy nhiên, đà hồi phục này của thị trường lại bị cản vì bảng giá tiếp tục “tắc đường”… còn trong những phiên giao dịch trước đó, bảng giá hiển thị thông tin sai lệch, thậm chí giá cổ phiếu trên sàn nhảy loạn xạ.
Nhà đầu tư bức xúc vì liên tục xảy ra tình trạng nghẽn lệnh.
Anh V. H có tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán VnDirect cho biết, dù chưa có một đơn vị nào đứng ra thống kê số lượt và khung giờ HOSE bị “tắc đường” nhưng điểm lại giao dịch trong 3 tháng vừa qua cho thấy nhà đầu tư nếm trái đắng nghẽn lệnh gần như cơm bữa.
“Thậm chí có phiên khớp lệnh chỉ diễn ra bình thường chừng 15 phút đầu, sau đó nhà đầu tư mua chẳng được mà bán cũng không xong”, anh H. bày tỏ bức xúc.
Không riêng gì nhà đầu tư thiệt đơn thiệt kép mà ngay bản thân công ty chứng khoán cũng chịu vạ lây, thậm chí có những công ty phải tặng khách hàng doanh thu phí giao dịch cho khách hàng để thay lời xin lỗi vì sự cố nghẽn lệnh sàn Hose…
Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà bản thân khối ngoại trong thời gian gần đây cũng thể hiện mất dần niềm tin khi sàn Hose liên tục “tắc đường”. Đáng quan ngại hơn khi khối ngoại có động thái bán ròng liên tục và tập trung vào cổ phiếu vốn hoá lớn, áp lực bán ròng dồn dập ngày càng mạnh, đỉnh điểm nhất là phiên ngày 5/3 giá trị rút ròng hơn 1.330 tỷ đồng, phiên hôm nay 8/3 mức rút ròng mạnh xếp thứ nhì với hơn 1.267 tỷ đồng…
Lý giải về tình trạng “tắc đường” của sàn Hose, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), từng thừa nhận rằng, một số lệnh giao dịch của nhà đầu tư qua các công ty chứng khoán không gửi được vào hệ thống giao dịch tại HOSE là do năng lực thiết kế của hệ thống giao dịch tại HOSE có giới hạn về số lượng lệnh trong một ngày, không đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng đột biến ngoài dự đoán của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua nên có tình trạng nghẽn lệnh.
Để đảm bảo cho hoạt động thông suốt của thị trường, khắc phục tình trạng quá tải hệ thống giao dịch, SSC đã báo cáo Bộ Tài Chính và chỉ đạo HOSE triển khai đồng thời và đồng bộ các giải pháp ngắn, trung và dài hạn.
Theo đó, giải pháp trước mắt được đưa ra là sẽ thực hiện ngay các giải pháp để tối ưu hóa lượng lệnh giao dịch nhập vào hệ thống. Thứ nhất, nâng đơn vị giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô để hạn chế giao dịch lô lẻ (đã triển khai từ ngày 4/1). Thứ hai, chỉ đạo HOSE khẩn trương phối hợp và yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát, hạn chế lỗi phát sinh từ phía công ty, hạn chế giao dịch tự động… nhằm tránh tác động xấu đến hệ thống. Thứ ba, chỉ đạo HOSE tiến hành thực hiện rà soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, hạn chế lỗi có thể xảy ra đối với hệ thống giao dịch, cải tiến các quy trình xử lý sự cố, tăng cường trực ca vào các thời gian giao dịch cao điểm…
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Sốt ruột vì HOSE tắc đường, các công ty chứng khoán và doanh nghiệp cũng tương kế tựu kế để chống “tắc đường” và chống cả “tắc cả niềm tin” nên đã tình nguyện chuyển sàn để giảm tải cho HOSE. Ngay lập tức cơ chế này được áp dụng từ ngày 03/3/2021.
Lãnh đạo Bộ Tài chính họp bàn, xử lý tình trạng nghẽn lệnh.
Tuy nhiên, theo giới chuyên môn nếu chỉ trông chờ vào giải pháp này thì khó khả thi, và không chỉ giới chuyên môn, nhà đầu tư mà ngay cả bản thân các doanh nghiệp - đơn vị huy động vốn cũng đứng ngồi không yên. Đơn cử, tại cuộc gặp mặt với chủ đề “Đối thoại 2045” giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Vietjet kiêm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng HDBank cho rằng, với tham vọng trở thành quốc gia hùng cường, sàn HOSE phải sánh ngang với sàn Hong Kong, London hay New York… Tuy nhiên vì cơ chế, HOSE lại đang sử dụng giải pháp công nghệ thông tin có từ vài chục năm trước. Tới đây, HOSE thay đổi hệ thống công nghệ nhưng giải pháp này cũng đã 10 năm.
“Làm sao để có thể khẳng định được năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc giải quyết vấn đề này”, bà Thảo bày tỏ quan điểm và đồng thời nhấn mạnh “chỉ cần 2 tháng và chi phí khoảng 60 tỷ đồng để có thể giải quyết vấn đề này”.
Đồng quan điểm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cũng đề xuất Thủ tướng để các doanh nghiệp tư nhân trong nước xử lý vướng mắc về kỹ thuật HOSE. Theo ông, chỉ cần niềm tin của Chính phủ với doanh nghiệp, doanh nhân, những trục trặc của sàn chứng khoán có thể giải quyết xong trong 2 tháng.
Trước kiến nghị của các doanh nhân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu các ý kiến, giải quyết thật nhanh việc thay đổi công nghệ của sàn HOSE để không còn xảy ra trục trặc, không cần sử dụng ngân sách…
Chứng khoán vốn là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, là nơi huy động vốn hiệu quả nhất, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Nhưng chỉ vì sự cố nghẽn lệnh sàn HOSE lặp lại từ ngày này qua tháng khác khiến dòng vốn bị tắc - Nghẽn lệnh thị trường chứng khoán lúc này được giới chuyên ngành ví như “tắc đường” vì dòng vốn và doanh nghiệp khó gặp nhau bởi trên sàn HOSE nhà đầu tư mua không được bán cũng chẳng xong. Cùng với đó, động thái bán ròng của khối ngoại đã và đang bán ròng trong suốt thời gian vừa qua càng cho thấy không chỉ nhỏ lẻ, F0, Fn mất niềm tin vào thị trường mà đối tác cũng sốt ruột không kém.
Mất bò mới lo làm chuồng, sau khi thị trường chứng khoán vừa mất niềm tin vừa vơi bớt dòng vốn thì Bộ Tài chính mới chịu vào cuộc. Theo đó, chiều tối 9/3, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với 2 Sở Giao dịch chứng khoán HOSE và HNX cùng các đơn vị liên quan là FPT để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán, giải quyết tình trạng nghẽn lệnh liên miên trên HOSE trong thời gian qua.
Tại buổi gặp này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết có nhiều giải pháp được bàn đến. Tuy nhiên một trong ba giải pháp do Bộ Tài chính xây dựng được cho là khá phù hợp với quan điểm của FPT. Theo đó, Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng “tắc đường” nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.
DNW chú ý đại hội cd
HDC
an toàn