Vì bị săn lùng quá nhiều, loại cỏ lạ này đã rơi vào nguy cơ tuyệt chủng.
Loại cỏ được săn lùng
Vào những năm từ 2018 đến 2021, nhiều thương gia Trung Quốc tìm tới các xã thuộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh để thu mua một loại cỏ dại mà họ khẳng định là thần dược. Giá thu mua có khi lên đến cả trăm triệu đồng cho một cân nên nhiều người dân đổ xô vào rừng tìm kiếm.
Không chỉ có ở Bình Liêu, năm 2012, nhiều thương lái cũng ra sức mua rất nhiều loại cỏ này ở một số xã như Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Lâm, Hương Liên… ở Hà Tĩnh.
Theo VTC News , không chỉ có các thương lái Trung Quốc, nhiều dân buôn người Nhật Bản cũng sẵn lòng bỏ ra số tiền khổng lồ để mua chúng sau khi đã được phơi khô.
Đó là loại cỏ gì mà giá thành đắt đỏ như vậy?
Lan kim tuyến là loại cỏ được nhiều thương gia Trung Quốc, Nhật Bản săn lùng. (Ảnh: Dược liệu Thái Sơn)
Trong một bài viết trên Vietnamnet , loại cỏ nói trên được gọi là lan kim tuyến, có nhiều ở Việt Nam. Lan kim tuyến (tên khoa học: Anoechilus roxburglihayata), thuộc họ Lan (Orchidaceae). Nó còn có nhiều tên khác như cỏ kim cương, cỏ nhung, kim tuyến liên, lan gấm hay mộc sơn thạch tùng…
Sở dĩ nó được đặt tên như vậy là bởi lá của loại cỏ này màu tím nhung, mặt dưới lá màu phớt hồng, gân lá có thể nhìn thấy rất rõ, lá tuy dày nhưng sờ vào cho cảm mềm mượt. Khi quan sát, người nhìn có cảm giác gân lá óng ánh như có kim tuyến. Thân cây chia thành nhiều đốt.
Lan kim tuyến là cây thân thảo với phần rễ mọc dài, cắm thẳng vào đất. Chiều dài của rễ phụ thuộc vào kích thước của cây, trung bình một cây lan kim tuyến có từ 2 đến 10 rễ.
Phần gân lá của lan kim tuyến óng ánh như có kim tuyến. (Ảnh: VNUA)
Lá cây sau khi mọc ra có dạng hình trứng, phần gốc lá thì tròn, càng tới ngọn càng nhọn. Lá thường mọc xoắn quanh thân cây, xòe trên mặt đất và có kích thước khoảng từ 3-6cm. Cây ưa độ ẩm cao và ưa bóng râm, kỵ ánh sáng, yêu cầu đất nhiều mùn, tơi xốp, thoáng khí.
Lan kim tuyến mọc ở vách núi, dọc theo khe suối, dưới các tán cây to trong rừng ẩm ở độ cao 500-1.600 mét. Chúng thường được tìm thấy mọc đơn lẻ hoặc thành cụm rải rác ở các vùng núi cao của Việt Nam. Ngoài ra, chúng còn phát triển ở Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal…
Lan kim tuyến mọc ở vách núi, dọc theo khe suối, dưới các tán cây to trong rừng ẩm ở độ cao 500-1.600 mét. (Ảnh: LIFE GIFT)
Hầu hết các loài lan kim tuyến đều quý. Loài thì cho giá trị rất cao trong thế giới sinh vật cảnh, như loài Anoectochilus albo-lineatus Paret Rchbf. rất nổi tiếng, có hình ảnh trên tất cả các tạp chí cây cảnh. Ở Việt Nam hiện nay thống kê được khoảng hơn 15 loài trong đó chỉ có 2 loài là cây thuốc rất quý gồm có lan gấm ngọc vân bạc (Anoectochilus formosanus Hayata) và lan gấm ngọc vân hồng (Anoectochilus roxburghii). Các loài này sinh sống dọc theo dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Trường Sơn.
Loại cỏ mang giá trị dược liệu quý
Theo Dân trí , lan kim tuyến là một trong những cây dược liệu quý tại Việt Nam, do tác dụng dược lý đa dạng và giá trị kinh tế cao. Trong cuốn Từ điển cây thuốc Việt Nam , quyển I, trang 1251 có chép: "Ở Vân Nam (Trung Quốc), lan kim tuyến được dùng để trị lao phổi, ho do phế nhiệt, phong thấp, đau nhức xương khớp và viêm dạ dày mãn tính.
Còn theo cuốn sách "Bản thảo cương yếu" của Trung Quốc thì lan kim tuyến là vua thảo dược có chức năng làm mát gan, thanh nhiệt, giải độc, ho khan, đau họng, thổ huyết, đau bụng, sốt cao, tăng sức đề kháng…
Lan kim tuyến là một trong những cây dược liệu quý tại Việt Nam, do tác dụng dược lý đa dạng và giá trị kinh tế cao. (Ảnh: VNUA)
Các chuyên gia Tây y nghiên cứu thì lan kim tuyến khi được thí nghiệm dùng trên chuột mắc bệnh tiểu đường có khả năng chống tăng đường huyết từ polysaccharose. Họ đã dùng 2 liều polysaccharose 100 hoặc 300 mg/kg, mỗi ngày một lần trong 25 ngày với chúng. Kết quả cho thấy, so với những con chuột mắc bệnh tiểu đường không được điều trị thì những con được dùng thuốc giảm đáng kể các tổn thương bệnh lý ở tuyến tụy, gan đồng thời chức năng của 2 bộ phận này cũng được cải thiện nhiều.
Ngoài ra, lan kim tuyến còn có tác dụng phục hồi các tế bào gốc bị tổn thương và thường được dùng để điều trị bệnh đái tháo đường, sỏi, viêm phế quản…
Bằng sáng chế của Mỹ US 7033617 B2 về "Sử dụng các chất chiết xuất thực vật Chi Lan Kim Tuyến như là các loại thuốc thảo dược bổ sung dinh dưỡng cho phòng ngừa tác hại hóa chất hoặc điều trị các khối u ác tính của con người".
Vào năm 2015, các nhà khoa học Mỹ đã công bố bằng sáng chế của Mỹ US 9072770 B2 cho biết "Chiết xuất dung dịch nước của Chi Lan Kim Tuyến, dược phẩm hữu ích cho bảo vệ gan".
Lan kim tuyến do bị khai thác quá nhiều nên bị rơi vào nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh: SFARM)
Tuy nhiên, lan kim tuyến do bị khai thác quá nhiều nên vào những năm 1990, nó đã được chính phủ Trung Quốc đưa vào danh sách cây thuốc quý có nguy cơ tuyệt chủng.
Với đặc tính quý giá về dược liệu, lan kim tuyến được thị trường thu mua với giá khá cao, hơn 100.000.000 đồng/kg khô. Do số lượng ít, mọc rải rác và còn bị khai thác quá nhiều (với hình thức khai thác chặt cả cây) nên loại cỏ này đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 2007 theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, xếp hạng EN A1a,c,d và bị cấm khai thác sử dụng mục đích thương mại.
Các nhà khoa học đã chọn lọc, bảo tồn gen và trồng thành công lan kim tuyến Việt Nam tại cao nguyên Langbian, Lâm Đồng và một số vùng khác.
Theo Nguyệt Phạm
Đời sống và Pháp luật