Lộc Trời nợ nông dân hàng trăm tỷ tiền lúa: Bài học xương máu khi sống nhờ vay nợ và tích cực 'bán chịu' gần 6.500 tỷ đồng

Giá trị các khoản nợ khó đòi của Lộc Trời đã tăng gấp 3 trong năm 2023 vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Công ty đã phải trích lập dự phòng 564 tỷ đồng cho các khoản nợ khó đòi nói trên.

LTG:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp

Là một trong những tên tuổi lớn trong ngành lúa gạo, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) mới đây lại gây chú ý khi đang nợ hàng trăm tỷ đồng tiền lúa của nông dân. Quý đầu năm Công ty cũng thua lỗ gần trăm tỷ đồng.

Để khắc phục, Lộc Trời cho biết phương án sẽ bán lúa giá thấp để nhanh chóng trả nợ. Tập đoàn cũng chấp thuận cho Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn thế chấp toàn bộ số cổ phiếu đang nắm giữ để bảo đảm cho nghĩa vụ vay vốn tại ngân hàng.

Sự vụ xảy ra tại Lộc Trời xảy ra trong bối cảnh những năm qua, cùng với kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, vay nợ của Lộc Trời cũng gia tăng nhanh chóng.

NỢ VAY TĂNG 75%, NỢ XẤU HƠN 800 TỶ

Tính đến thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Lộc Trời gần 11.500 tỷ đồng thì nợ phải trả là 8.400 tỷ đồng - bằng 73% tổng tài sản. Trong tổng nợ 8.400 tỷ đồng đó, chủ yếu là nợ vay tài chính chiếm 75%. Dư nợ chủ yếu là dư nợ vay ngắn hạn chiếm 6.228 tỷ đồng – tăng đến 66% so với năm 2022.

Chi phí lãi vay đã "ăn mòn" lợi nhuận của Công ty khi ghi nhận tới 582 tỷ đồng trong năm 2023, bằng 2,5 lần chi phí của năm 2022.

Nợ không phải là gánh nặng duy nhất trong năm vừa qua của Lộc Trời. Một điều đáng bận tâm khác trên BCTC Công ty là khoản phải thu ngắn hạn. Đây là yếu tố "giam" vốn, làm suy yếu dòng tiền hoạt động.

Năm qua, trong khi doanh thu tăng trưởng 37%, thì giá trị các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng của Công ty đã tăng gấp đôi, lên mức 6.476 tỷ đồng. Quá nửa trong số đó là các khách hàng lớn của Công ty.

Năm qua, trong khi doanh thu tăng trưởng 37%, thì giá trị các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng của Công ty đã tăng gấp đôi, lên mức 6.476 tỷ đồng. Quá nửa trong số đó là các khách hàng lớn của Công ty.

Khoản phải thu khách hàng thực chất là các khoản "bán chịu" của Lộc Trời, giúp Công ty ghi nhận doanh thu, nhưng chưa thể thu về số tiền tương ứng.

Giá trị các khoản nợ khó đòi của Lộc Trời cũng đã tăng gấp 3 trong năm 2023 vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Công ty đã phải trích lập dự phòng 564 tỷ đồng cho các khoản nợ khó đòi nói trên. Việc tăng trích lập dự phòng trong năm đã khiến chi phí quản lý của Lộc Trời tăng vọt từ mức gần 400 tỷ đồng năm 2022 lên gần 720 tỷ đồng năm 2023.

Lộc Trời nợ nông dân hàng trăm tỷ tiền lúa: Bài học xương máu khi sống nhờ vay nợ và tích cực 'bán chịu' gần 6.500 tỷ đồng- Ảnh 1.

THỊ TRƯỜNG GẠO THĂNG HOA NHƯNG THUỐC TRỪ SÂU VẪN 'GÁNH TEAM'

Về Lộc Trời, Công ty xuất thân là doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), những năm trở lại đây ban lãnh đạo chủ động giảm mạnh mảng này và định vị kinh doanh chính là lúa gạo. Lộc Trời hiện là công ty nông nghiệp lớn ở An Giang, đồng thời là công ty niêm yết về lúa gạo top đầu trên thị trường chứng khoán với vốn điều lệ hơn 1.007 tỷ đồng.

Việc chuyển hướng của Lộc Trời gặp điều kiện thuận lợi khi trong giai đoạn 2022-2023 ngành lúa gạo Việt Nam tăng tốc rất mạnh. Năm 2023, Lộc Trời công bố đạt doanh thu 16.068 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Trong đó, mảng kinh doanh lúa gạo (chủ yếu là xuất khẩu gạo) đóng góp tới 70% doanh thu của Công ty, tăng mạnh từ tỷ lệ 55% năm 2022 và 40% vào năm 2021.

Mặc dù vậy, lợi nhuận tạo ra từ mảng lúa gạo lại vô cùng "nhỏ giọt". Năm 2023, trong khi xuất khẩu gạo đẩy doanh thu mảng này đạt mức kỷ lục 11.233 tỷ đồng, thì lợi nhuận gộp thu về vỏn vẹn 253 tỷ. Tương đương biên lợi nhuận gộp lúa gạo của Tập đoàn chỉ 2%, thậm chí giảm so với con số 2,9% năm ngoái.

Biên lợi nhuận của ngành lúa gạo mỏng đã được đại diện Lộc Trời thừa nhận tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023. Để thu mua gạo và chế biến, xuất khẩu, Lộc Trời phải ứng trước tiền sản xuất, giống... cho nông dân với mức lãi suất bằng 0. Trong khi đó, Công ty phải vay vốn ngân hàng trong giai đoạn thị trường vốn khó khăn, lãi suất ngân hàng cao.

Để thu mua gạo và chế biến, xuất khẩu, Lộc Trời phải ứng trước tiền sản xuất, giống... cho nông dân với mức lãi suất bằng 0. Trong khi đó, Công ty phải vay vốn ngân hàng trong giai đoạn thị trường vốn khó khăn, lãi suất ngân hàng cao.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty còn cho biết, nếu có một khoản vốn lớn để đầu tư vào các nhà máy chế biến sâu như chế biến dầu ăn, bột gạo, sản xuất gas... biên lợi nhuận từ các sản phẩm gạo mới có thể tăng lên.

Ngược lại, mảng thuốc bảo vệ thực vật dù bị cắt giảm đáng kể lại trở thành yếu tố "gánh team" lợi nhuận cho Lộc Trời. Năm qua, mảng này mang về 2.371 tỷ đồng lợi nhuận gộp cho Tập đoàn – gấp 10 lần lợi nhuận lúa gạo.

Lộc Trời nợ nông dân hàng trăm tỷ tiền lúa: Bài học xương máu khi sống nhờ vay nợ và tích cực 'bán chịu' gần 6.500 tỷ đồng- Ảnh 3.

Sang năm 2024, "chờ đợi" vốn vay trong khi tình hình giải ngân chậm khiến Lộc Trời "vỡ trận". 3 tháng đầu năm, dù doanh thu thuần tiếp tục tăng 57% song Công ty lỗ ròng hơn 96 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản Lộc Trời đạt gần 12.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 78% về còn hơn 105 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn là khoảng phải thu ngắn hạn khách hàng của Lộc Trời vào mức 6.622 tỷ đồng, Công ty đang trích lập 490 tỷ đồng cho nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.

CHẤP NHẬN BÁN LÚA GIÁ THẤP ĐỂ CÓ TIỀN THANH TOÁN CHO NÔNG DÂN

Theo báo cáo mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, Lộc Trời còn nợ 245 tỷ đồng tiền mua lúa của hơn 900 nông dân trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2023-2024.

Lý giải về tình trạng nợ này, Lộc Trời cho hay công ty chưa thu xếp kịp dòng tiền từ vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, các khách hàng quốc tế cũng chậm thanh toán do hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng khi giá gạo biến động mạnh.

"Lỗi của chúng tôi là không tính trước các phương án nguồn tiền khác. Hiện chúng tôi đang làm việc với một số ngân hàng, đồng thời đẩy mạnh đơn hàng và tích cực trao đổi với các đối tác để thu hồi thanh toán sớm, cố gắng trả bớt qua mỗi tuần cho nông dân" , đại diện Lộc Trời nói.

Cụ thể, doanh nghiệp đang tích cực bán lúa, gạo trong kho, chấp nhận bán giá thấp để có tiền thanh toán sớm cho nông dân. Thậm chí, doanh nghiệp cũng sẵn sàng bán lúa khô lại cho nông dân hoặc hoàn trả lúa đã sấy khô cho nông dân không tính chi phí lưu kho.

Doanh nghiệp cũng sẵn sàng bán lúa khô lại cho nông dân hoặc hoàn trả lúa đã sấy khô cho nông dân không tính chi phí lưu kho.

Đồng thời, Lộc Trời đang đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu gạo, đặc biệt hoàn thành sớm hợp đồng xuất khẩu cho thị trường Indonesia và Philippines. Tính đến ngày 25/4, doanh nghiệp đã xuất gần 88.000 tấn, trị giá trên 57 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) và đang có kế hoạch giao tiếp gần 70.000 tấn trong tháng 5 và tháng 6.

Đối với các ngân hàng, Công ty cho biết đang đẩy nhanh tiến độ vay vốn, trong đó hoàn tất các bước cuối cùng để ký hợp đồng với Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO) để giải ngân vào cuối quý II với khoản vay trị giá 90 triệu USD, tương đương 2.200 tỷ đồng.

Cùng với đó, Lộc Trời cũng cho biết đang thuyết phục các ngân hàng hợp tác đảm bảo dòng tiền thanh toán cho nông dân. "Lộc Trời thu xếp nhận nợ hoặc bảo lãnh cho các khoản vay của nông dân, hợp tác xã để ngân hàng chấp nhận giãn tiến độ thanh toán cho nông dân, hợp tác xã", doanh nghiệp chia sẻ.

Doanh nghiệp này cũng cam kết trả lãi suất 0,8%/tháng (tức 9,6%/năm) cho nông dân từ ngày 27/4 trở về sau và mỗi tuần trả một phần nợ để dứt điểm đến ngày 20/5. Trong trường hợp nông dân, hợp tác xã có nguyện vọng muốn trao đổi trực tiếp, doanh nghiệp sẽ bố trí nhân viên tiếp tại các nhà máy, trụ sở, văn phòng của tập đoàn.

Tri Túc

An ninh Tiền tệ

https://cafef.vn/loc-troi-no-nong-dan-hang-tram-ty-tien-lua-bai-hoc-xuong-mau-khi-song-nho-vay-no-va-tich-cuc-ban-chiu-gan-6500-ty-dong-188240513101016455.chn