TỔNG QUAN VỀ CÁC LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ VÀ KHUYẾN NGHỊ
1/ Luận điểm đầu tư:
-
Hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tương đối lạc quan trong Q4/2024 đối với nhóm FDI. Nhóm này cũng là nhóm đóng góp chính cho giá trị xuất khẩu khi chiếm tới hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu trong tháng 11.
-
Hoạt động xuất nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ có nhiều điểm tích cực.
-
Theo Harper Petersen chỉ số cho thuê tàu container toàn cầu tăng lên cao nhất trong vòng 2 năm qua.
-
Tính từ đầu năm đến nay công ty đã nhận thêm 3 tàu đóng mới cỡ 1.781 TEU. Tổng đội tàu 15 chiếu với tổng công suất đạt 23.000 TEU. Ban lãnh đạo HAH vừa phê duyệt mua thêm tàu container đã qua sử dụng, loại Panamax có sức chở 3.500- 5.000 TEU, nhằm mở rộng đội tàu.
-
Hoạt động liên kết cùng các liên doanh với các hãng tàu và liên doanh cảng depot cũng sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn, khi mảng khai thác cảng gần như là chạm đỉnh.
-
Tỷ suất sinh lời kỳ vọng trong năm 2025 của HAH đạt mức 9%.
2/ Khuyến nghị:
-
Khuyến nghị tập trung quan sát diễn biến của cổ phiếu hơn.
-
Ở vị thế nắm giữ dưới 6 tháng có thể mua ở mức 47.000VND - 48.000VND (ngay vùng hỗ trợ theo Fibonacci thoái lui) cắt lỗ ở mức 10%. Mục tiêu 53.000VND (theo Fibonacci mở rộng)
-
Ở điểm mua trung dài hạn ở mức 44.000VND - 45.000VND tương đương ở mức P/E và P/B là -2std.
PHẦN I: TÌNH HÌNH CHUNG CỦA NGÀNH LOGISTIC
1/ Cập nhật vĩ mô
1.1/ Xuất nhập khẩu
Nguồn: Tổng cục thống kê
Cập nhật tình hình xuất khẩu
-
Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% YoY. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20,0%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%.
-
Trong 11 tháng năm 2024 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2024, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản sơ bộ đạt 3,89 tỷ USD, chiếm 1,1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến sơ bộ đạt 325,52 tỷ USD, chiếm 88,0%; nhóm hàng nông sản, lâm sản sơ bộ đạt 31,35 tỷ USD, chiếm 8,4%; nhóm hàng thủy sản sơ bộ đạt 9,17 tỷ USD, chiếm 2,5%.
Cập nhật tình hình nhập khẩu
-
Theo chiều ngược lại, tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% YoY, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 126,05 tỷ USD, tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 219,57 tỷ USD, tăng 15,2%.
-
Trong 11 tháng năm 2024 có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 11 tháng năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất sơ bộ đạt 323,72 tỷ USD, chiếm 93,7%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 47,5%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 46,2%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng sơ bộ đạt 21,9 tỷ USD, chiếm 6,3%.
=> Xuất siêu dịch vụ chín tháng năm 2024 là 24,31 tỷ USD.
Chi tiết tình hình xuất nhập khẩu
Nguồn: Tổng cục thống kê và Goldenbell
Một số thị trường xuất, nhập khẩu chủ yếu trong 11 tháng năm 2024 đạt mức tăng trưởng khả quan. Trung Quốc giữ vững là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất trong 11 tháng năm 2024, ước tính bộ đạt 185,4 tỷ USD, tăng 18,8% YoY. Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 2 với ước tính 122,4 tỷ USD về thương mại hai chiều, tăng 21,8% YoY. Còn lại là các khu vực như ASEAN, Hàn Quốc, EU và Nhật Bản.
1.2/ Vận tải
Nguồn: Tổng cục thống kê (lũy kế 11T2024)
Vận tải hàng hóa trong 11 tháng năm 2024 ước đạt 2.420,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,1% svck và luân chuyển 493,5 tỷ tấn.km, tăng 11,5%.
1.3/ Xu hướng của doanh nghiệp trong thời gian tới
Nguồn: Tổng cục thống kê
Theo khảo sát từ các doanh nghiệp, cho thấy chỉ số cân bằng chung quý IV/2024 so với quý III/2024 là 24,8% (42,2% doanh nghiệp dự báo hoạt động SXKD tốt hơn, 17,4% doanh nghiệp dự báo hoạt động SXKD khó khăn hơn). Chỉ số cân bằng khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với 28,8% (44,0% tốt hơn, 15,2% khó khăn hơn); khu vực doanh nghiệp nhà nước 28,6% (47,5% tốt hơn, 18,9% khó khăn hơn); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 22,6% (40,9% tốt hơn, 18,3% khó khăn hơn).
Nguồn: Tổng cục thống kê
Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV/2024 khả quan hơn với 83,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý III/2024 (36,0% tăng, 47,6% giữ nguyên); 16,4% doanh nghiệp dự báo giảm.
=> Từ khảo sát về dự báo tình hình sản xuất và đơn đặt hàng có thể thấy Q4/2024 sẽ là thời điểm khá lạc quan đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh FDI, ở chiều ngược lại các doanh nghiệp tư nhân trong nước lại kém lạc quan hơn đôi với thời gian tới.
2/ Tổng quan về ngành
Theo MergeGlobal (2008), chuỗi cung ứng ngành vận tải container được chia làm 05 phần với các lĩnh vực riêng biệt.
Theo Điều 08, Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015, chỉ các doanh nghiệp vận tải biển nội địa mới có thể khai thác hàng hóa nội địa. Nhờ vậy, đội tàu Việt Nam đảm nhận 100% công việc vận chuyển hàng hóa trong nước, trên tuyến nội địa hiện nay, có khoảng 9 hãng tàu cùng khai thác.
Theo cục hàng hải Việt Nam: Tính đến hết tháng 7/2024, đội tàu container Việt Nam có tổng sức chở ước đạt hơn 51.000 TEU, chỉ riêng HAH đã có tổng số tàu lên 15 chiếc (tính từ đầu năm đến nay công ty đã nhận thêm 3 tàu đóng mới cỡ 1.781 TEU) với tổng sức chở đạt hơn 23.000 TEU (+30,1% YTD) chiếm 45% sức chở của đội tàu Việt Nam.
3/ Giá cước vận tải và sản lượng hàng container thông qua cảng biển tăng cao
Giá cước vận tải container đường biển quốc tế tăng cao, do căng thẳng địa chính trị tại biển Đỏ và tình trạng tắc nghẽn tại cảng Singapore (cảng container lớn thứ 2 thế giới). Tình trạng này gây thiếu hụt nguồn cung tàu container trên nhiều tuyến, giúp các hãng tàu nâng giá cước vận tải. Chỉ số giá cước tàu container CCFI tuyến Trung Quốc – Đông Nam Á hiện đã tăng gần 70% kể từ đầu năm 2024 (YTD).
Nguồn: Harper petersen
Nguồn cung đội tàu container tại thị trường nội địa thu hẹp khi các hãng tàu nội địa đẩy mạnh cho thuê quốc tế nhằm hưởng lợi giá cước tăng cao. Trong đó, công suất đội tàu Việt Nam trên thị trường nội địa và nội Á đã giảm 6,8% YTD, còn công suất cho thuê ra thị trường quốc tế đã tăng hơn 70% YTD (động lực tăng trưởng chính).
4/ Các chi phí vận hành tàu
Nguồn: Ting and Tzeng (2003)
Theo Ting and Tzeng (2003): Khoản chi phí lớn nhất trong vận hành tàu vận tải biển là phí nhiên liệu (chiếm gần một nửa chi phí vận hành tàu). Còn phí dịch vụ cảng biển là chi phí lớn thứ hai, thường được hãng tàu thu từ khách hàng nhằm bù đắp khoản này.
PHẦN II: TỔNG QUAN DOANH NGHIỆP
1/ Giới thiệu
Giới thiệu cơ cấu cổ đông của công ty
Nguồn: Goldenbell
Tính đến hết tháng 10 năm 2024, nhóm cổ đông là tổ chức trong nước chiếm 36,8%, tiếp theo là nhóm cổ đông đến từ nước ngoài và cuối cùng nhóm cổ đông cá nhân đang nắm giữ các vị trí quan trọng của công ty. Trong số đó Công ty cổ phần Đầu tư và Vận tải Hải Hà là cổ đông chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 16,8%.
2/ Tổng quan hoạt động kinh doanh
Hoạt động kinh doanh HAH là một chuỗi cung ứng khép kín cho khách hàng. Trong đó ba mảng kinh doanh chính là: dịch vụ cảng, dịch vụ vận tải đường biển và khai thác cảng depot.
Nguồn: Goldenbell
2.1/ Mảng khai thác tàu
Hoạt động khai thác tàu của HAH (chiếm 91,7% DTT) bao gồm: (1) tự vận hành (kết hợp với nhiều hảng tàu lớn) (2) cho thuê 7/15 tàu (chiếm 52,7% công xuất đội tàu). Ngoài ra, Ban lãnh đạo HAH vừa phê duyệt mua thêm tàu container đã qua sử dụng, loại Panamax có sức chở 3.500- 5.000 TEU, nhằm mở rộng đội tàu.
Tự khai thác:
Tuyến nội địa (tuyến chính): Qua các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tp. Hồ Chí Minh. Trong đó, tuyến hoạt động chính của HAH là tuyến đi qua hai cảng Hải Phòng – Tp. Hồ Chí Minh. Đối với mảng này thì có áp lực cạnh tranh cao vì vậy HAH cũng không có sự khác biệt lớn về chi phí làm hàng so với các hãng tàu nội địa khác.
Tuyến nội Á: Hoạt động từ năm 2022, trung chuyển hàng container từ cảng Khâm Châu, Nam Sa và Hồng Kông (Trung Quốc) và đưa về đến cảng Hải Phòng. Tuyến vận tải nội Á không khả quan trong ngắn hạn do không có lợi thế cạnh tranh.
Cho thuê tàu:
Lợi thế cạnh tranh lớn của HAH khi đội tàu nội địa tương đối cũ (75% là tàu trên 15 năm tuổi) không đáp ứng được các điều kiện cho thuê định hạn. Đến tháng 7/2024 HAH đã nhận 3 tàu mới, việc này sẽ thúc nảy doanh thu mảng cho thuê tàu. Dưới đây là danh sách các tàu đang cho thuê và thời hạn thuê.
Danh sách tàu đang cho thuê
Nguồn: Goldenbell tổng hợp
Ngoài ra Hải An còn thành lập liên doanh với Zim Integrated Shipping Ltd. (hãng tàu lớn thứ 10 thế giới). Trong đó, Hải An sẽ là bên góp tàu và Zim sẽ đóng góp quy trình quản lý và vận hành. Mục đích phát triển tuyến vận tải nội Á, kết nối lưu thông hàng hóa thông qua Trung Quốc, Đông Nam Á đến các khu vực quốc tế khác.
2.2/ Khai thác cảng
Cảng Hải An là cảng container nằm trên sông Cấm. Vị trí của cảng Hải An nằm sâu hơn trong sông so với các đối thủ khác. Điều này không quá ảnh hưởng, vì kích cỡ tàu có thể đi vào sông Cấm tối đa là 1.800 TEU. Doanh nghiệp vẫn tập trung vào hoạt động chính như: xếp dỡ container; nâng, hạ container; đóng rút hàng, kiểm hóa, giám định, lấy mẫu hàng; vệ sinh, lưu kho, vận tải nội địa;… Cảng Hải An không thể mở rộng dù đã vượt công suất từ năm 2014 (năm 2021 đạt gần 167% công suất thiết kế) do hạn chế về vị trí địa lý.
Ngoài ra, HAH và công ty Pantos Holdings Incorporation Hàn Quốc cùng thành lập liên doanh Pan Hải An, kinh doanh trong lĩnh vực vận hành và khai thác cảng depot cho hoạt động phân phối hàng hóa tại Hải Phòng, với mục tiêu khép kín quy trình dịch vụ logistics trọn gói của HAH. Tỷ lệ sở hữu của Hải An là 51%. Cảng depot Pan Hải An nằm tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ (thành phố Hải Phòng). Tổng diện tích khai thác là 154.000 m², trong đó, có 80.000 m² cho kho depot và 20.000 m² cho kho CFS và kho ngoại quan. Kinh doanh tập trung trong việc: Lưu kho, bốc xếp hàng hóa, thủ tục hải quan, đóng rút hàng và vận chuyển container đường bộ. Về công suất thiết kế, cảng depot dự kiến có thể khai thác được 400.000 TEU/năm, mô hình này sẽ được HAH tiếp túc được đẩy mạnh trong những năm tới.
=> Định hướng dịch vụ cảng làm phụ trợ cho mảng vận tải biển, giúp HAH khép kín chuỗi cung ứng và gia tăng giá trị. Việc kết hợp hai mảng kinh doanh đảm bảo mang lại nguồn hàng cho hoạt động cảng, hạn chế áp lực cạnh tranh với các cảng khác trong khu vực Hải Phòng.
3/ Cập nhật kết quả kinh doanh
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, HAH có doanh thu thuần đạt 1.129 tỷ đồng, tăng trưởng 66% QoQ. Chi phí giá vốn hàng bán đạt 736 tỷ đồng, giúp công ty thu về lợi nhuận gộp 392 tỷ đồng, tăng mạnh 148%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu HAH đạt 2.781 tỷ đồng, tăng trưởng 43% YoY. Lợi nhuận sau thuế tích lũy đạt 452 tỷ đồng, tăng 42% YoY. Trong đó: Doanh thu mảng khai thác cảng và khai thác tàu tăng lần lượt là 56% và 36% YoY và lần lượt đạt 306 tỷ đồng và 2.700 tỳ đồng.
Nguồn: BCTC và Goldenbell tổng hợp
-
Mảng khai thác tàu: Đóng góp 3 tàu mới Haian Beta, Haian Opus (cho thuê định hạn giá 24 nghìn USD/ngày) và tàu Haian Alfa (chạy liên doanh với ONE), ngoài ra một số tàu cũ như Haian West, East, Mind cũng được đẩy cho thuê định hạn.
-
Mảng khai thác cảng: Sản lượng tự khai thác Q3/2024 là 161,161 TEUs (+22% YoY) nhờ (1) mở rộng các tuyến dịch vụ ở tại cả thị trường nội địa và quốc tế nhờ nhu cầu duy trì xu hướng hồi phục trong Q3.2024 (2) liên doanh với ONE, ZIM (3) ngoài ra, giá cước tự khai thác ước tính +5% yoy.
-
Các động lực giúp biên lợi nhuận được cả thiện: (1) Giá cước, sản lượng tự khai thác cải thiện. (2) HAH đẩy được nhiều tàu cho thuê định hạn với giá tốt trên mức hòa vốn (12 - 13k USD/ngày). (3) Biên lợi nhuận gộp các mảng khác (depot, vận chuyển,…) đã cải thiện và đạt 48% trong Q3/2024.
Nguồn: fiintrade và Goldenbell tổng hợp
Theo biểu đồ, từ đầu năm 2024 biên lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận ròng đã có cải tiến rõ nét, khi tại thời điểm Q3/2024 hai chỉ số này lần lượt đạt 35% và 25%, gần như đang quay lại thời kỳ tỏa sáng của năm 2021. Chỉ tiêu ROE và ROA nhờ đó cũng đã cải thiện nhưng chưa quá rõ nét chỉ đạt lần lượt 15,5% và 7,3% ở Q3/2024.
Khai thác sâu vào dữ liệu, có thể thấy biên lợi nhuận gộp cao là vì mảng khai thác cảng luôn đem lại biên lợi nhuận gộp trung bình trên mức 40% (từ năm 2021 đến 2024). Vì vậy khi nhìn vào biểu đồ trên có thể hiểu vì sao mảng khai thác cảng chỉ chiếm 1/10 doanh thu nhưng lại chiếm tới trên 20% lợi nhuận gộp (từ năm 2021 đến 2024), thậm chí là 50% lợi nhuận gộp ở Q1/2024.
4/ Tình hình tài chính
Tổng tài sản doanh nghiệp tại Q3/2024 đạt hơn 6.640 tỷ đồng. Với tài sản ngắn hạn là 1.660 tỷ đồng (chiếm 25% TTS) và 4.980 tỷ đồng (chiếm 75% TTS). Tư khi chính thức niêm yết tới nay HAH luôn duy trì vốn lưu động ròng ở mức dương và luôn có sự tăng trưởng qua nhiều năm.
Cấu trúc tổng tài sản tại Q3/2024
Nguồn: BCTC Q3/2024 và Goldenbell tổng hợp
Tại thời điểm cuối Q3/2024 tổng nợ phải trả là 3.020 tỷ đồng tăng 55% YoY, nợ ngắn hạn chỉ tăng 18% YoY và ở mức 1.024 tỷ đồng, còn nợ dài hạn đạt 1.996 tỷ đồng tăng 85% YoY chủ yếu đến từ hoạt động vay để mua tàu mới.
Cấu trúc tài sản ngắn hạn qua các năn
Nguồn: BCTC và Goldenbell tổng hợp
Tài sản ngắn hạn: Tại cuối Q3/2024 chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản tiền và tương đương tiền (chiếm 46,6% TSNH) với hơn 774 tỷ đồng tăng 150% YoY. Tiếp theo là khoản mục phải thu khác hàng (chiếm 36,3% TSNH) với 604 tỷ đồng giảm 50% YoY chủ yếu là do thanh toán tiền đóng tàu Huanghai Shipbuilding Co., Ltd.
Về hàng tồn kho thì hầu như là chi phí bảo hiểm, nhiên liệu và dầu tồn trên tàu. Khoản mục đáng quan tâm cuối cùng đó tài sản lưu động khác với tỷ trọng trong Q3/2024 là hơn 179 tỷ đồng chiếm 11% TSNH, trong đó thuế VAT phải thu là 150 tỷ đồng, các khoản chi tiết khác không đáng kể.
Tài sản dài hạn: Tại cuối Q3/2024 tài sản dài hạn chiếm 75% tổng tài sản, trong đó chủ yếu là tài sản cố định với 4.204 tỷ đồng chiếm hơn 63% tổng tài sản (hầu như các tài sản đều đang được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho chính khoản vay mua chúng thời hạn từ 5 năm trở lên).
Trong tài sản cố định thì phương tiện vận chuyển (tàu chở hàng) chiếm tới 90% tài sản cố định. Trong năm 2024 hầu như HAH chỉ tập trung nguồn lực cho việc đưa các tàu mới về đội, chi phí mua sắm phương tiện vận tải đạt 1.357 tỷ đồng và máy móc thiết bị thêm 29 tỷ đồng nửa. Nhờ mua sắm mới nên hoạt động thuê tài sản cố định cũng giảm đi 46% so với đầu năm.
5/ Định giá
5.1 Định giá theo P/E và P/B
Cập nhật chỉ số định giá P/E và P/B của của cổ phiếu HAH tại ngày 14/12/2024 nguồn fiintrade.
Nguồn: Fiintrade và Goldenbell
Chỉ số P/E và P/B hiện tại đề nằm trên đường P/E và P/B trung bình 3 năm (đường gạch nối màu đỏ) và đường trung bình 5 năm (đường gạch nối màu xanh). Với P/E tại ngày 13/12/2024 là 13,8 lần và trung bình 3 năm, 5 năm lần lượt là 8,5 và 8,2 lần, còn P/B hiện tại là 2 lần và trung bình 3 năm, 5 năm lần lượt là 1,8 và 1,5 lần. Cho thấy thời gian này HAH đang rất được kỳ vọng cho câu chuyện tăng trưởng.
5.2 Định giá theo EV/EBITDA
Chỉ số EV/EBITDA tại ngày 13/12/2024 (nguồn: TrandingView) là 6 lần (đường màu xanh lá EV/EBITDA theo Quý gần nhất), 8 lần (đường màu đỏ lá EV/EBITDA theo lũy kế 4 quý gần nhất) 9 lần (đường màu xanh lá EV/EBITDA theo năm trước).
Nguồn: TrandingView và Goldenbell
Hiện tại chỉ số này vẫn đang cao hơn đường trung bình.
5.3 Tổng hợp từ các công ty chứng khoán
Tổng hợp các mức định giá HAH thời gian gần đây của các công ty chứng khoán.
=> GÍA HIỆN TẠI CỦA CỔ PHIẾU HAH (13/12/2024) LÀ 49.300 VND, TỶ LỆ TĂNG TRƯỞNG THEO MỤC TIÊU ĐỊNH GIÁ TRUNG BÌNH 9%. CỔ PHIẾU HAH CẦN THEO DÕI THÊM TRONG THỜI GIAN TỚI.
Vì lý do độ dài nên mời Quý nhà đầu tư xem đầy đủ bài phân tích: TẠI ĐÂY
Lưu ý Báo cáo trên chỉ mang tính chất tham khảo, thị trường chứng khoán luôn vận động liên tục, mọi quyết định mua bán còn dựa trên nhiều yếu tố khác. Để được tư vấn hỗ trợ tốt hơn Quý nhà đầu tư hãy liên hệ với team Golden Bell , chúng tôi rất sẵn lòng chia sẻ cũng như hỗ trợ Quý nhà đầu tư đưa ra quyết định một cách an toàn và hiệu quả!
Cảm ơn Quý nhà đầu tư đã đọc bản tin. Ngoài ra, mọi người có thể theo dõi các nền tảng của Golden Bell để cập nhật nhanh nhất tin tức mới từ chúng tôi.’