Lợi nhuận Hòa Phát phục hồi đáng kể hơn vào cuối năm 2023,

Do giá hiện tại đã phản ánh một phần lợi nhuận phục hồi trong năm tới, SSI cho rằng nhà đầu tư dài hạn có thể chờ đợi những nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu HPG của Hòa Phát.

Trong báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh quý 2/2023 của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), SSI cho biết, lợi nhuận ròng HPG đạt 1.450 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 278% so với quý trước. Tỷ suất lợi nhuận ròng được cải thiện lên mức 5%, từ 1,5% trong quý 1/2023, chủ yếu nhờ công suất hoạt động cải thiện và giá HRC cao hơn so với quý trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận ròng của HPG lần lượt đạt 56.700 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ và 1.830 tỷ đồng, giảm 85%; lần lượt hoàn thành 38% và 23% kế hoạch năm 2023.

Theo SSI, giá HRC bình quân trong quý 2/2023 đã cải thiện 7% so với quý trước nhờ các hợp đồng được ký trước, mặc dù giá bán trung bình vẫn giảm đáng kể 28% từ mức nền cao của năm trước. Mặt khác, kể từ mức đỉnh so với đầu năm trong tháng 3, giá thép xây dựng trong nước đã giảm 15 lần liên tiếp (tổng giảm 12%), về gần 14 triệu đồng/tấn (giảm 4,5% so với đầu năm), mức thấp nhất kể từ năm 2021, do nhu cầu yếu và giá nguyên liệu đầu vào điều chỉnh, như than và sắt vụn.

Do đó, giá thép xây dựng bình quân trong quý 2 vừa qua ước tính giảm 5,2% so với quý trước và 15,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, HPG đã giảm thiểu tác động từ việc giảm giá thép xây dựng và nguyên liệu đầu vào bằng cách giảm số ngày tồn kho xuống còn 118 ngày từ 172 ngày vào cuối quý 2/2022 và mức bình quân là 137 ngày trong 12 tháng qua.

Giá thép xây dựng (triệu đồng/tấn).

Về sản lượng, SSI cho biết, HPG đã mở lại lò cao cuối cùng tại Dung Quất, với công suất năm là 1,4 triệu tấn vào đầu tháng 7. Tuy nhiên, công ty sẽ tạm dừng lò cao số 3 tại tổ hợp Hải Dương - có công suất 1,2 triệu tấn/năm (14% tổng công suất), trong vòng 3 tháng bắt đầu từ tháng 9. Do đó, sản lượng sản xuất có thể sẽ tăng trong quý 3/2023 để tích trữ thành phẩm cho quý 4.

Hòa Phát đã ký trước đơn đặt hàng xuất khẩu HRC cho đến tháng 9, điều này có thể giúp sản lượng tiêu thụ HRC của công ty duy trì ổn định trong quý 3/2023 ở mức trung bình 250 nghìn tấn/tháng. Tuy nhiên, so với các tháng trước, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường này có thể giảm tốc do tiêu dùng chậm lại và hàng nhập khẩu giá rẻ từ châu Á.

Về giá, SSI cho biết, Chính phủ Trung Quốc gần đây đã cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế và tối ưu hóa các chính sách bất động sản một cách kịp thời, giúp giá thép tại Trung Quốc phục hồi nhẹ khoảng 4-5% trong 2 tháng qua và đây vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ trong các quý tới.

Giá thép bình quân của Việt Nam có thể diễn biến đồng pha với xu hướng giá của Trung Quốc nhưng dự báo ở biên độ độ thấp hơn, do giá thép trung bình của Việt Nam vẫn cao hơn. Do đó, giá thép Việt Nam vẫn có thể biến động nhưng với biên độ chỉ trong khoảng 50-70 USD/tấn trong các tháng tới.

Từ bối cảnh dự báo trên, SSI điều chỉnh giảm 24% lợi nhuận ròng năm 2023 của HPG từ 9.300 tỷ đồng xuống 7.030 tỷ đồng (giảm 17,1% so với năm 2022). Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng dự báo sẽ giảm 18% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng HRC đi ngang, duy trì ở mức 2,67 triệu tấn.

Trong năm 2024, SSI dự báo sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của công ty sẽ phục hồi 11%, tương ứng với công suất hoạt động là 82,4% so với mức 74,1% trong năm 2023, nhờ thị trường bất động sản đang phục hồi dần và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, với các công trình trọng điểm là sân bay Long Thành và hệ thống đường cao tốc. Ngoài ra, giá bình quân của thép xây dựng và HRC sẽ giảm ở mức thấp hơn là 2% so với mức giảm 18% của giá than cốc.

“Chúng tôi kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty sẽ cải thiện lên 16,9% từ 12,3% vào năm 2023. Nhờ đó, lợi nhuận ròng năm 2024 sẽ tăng đáng kể 80% so với cùng kỳ, đạt 12.700 tỷ đồng, mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm 2021”, SSI nhận định.

Tỷ suất lợi nhuận và công suất hoạt động của HPG theo quý.

Về cổ phiếu, HPG đang giao dịch với hệ số P/E 2023 và 2024 lần lượt là 22,6x và 12,5x và EV/EBITDA 2023/2024 lần lượt là 9,4x và 7,2x. SSI khuyến nghị trung lập nhưng nâng giá mục tiêu 1 năm lên 28.500 đồng/cổ phiếu (từ 19.800 đồng); đồng thời chuyển cơ sở định giá sang năm 2024, nâng hệ số P/E và EV/EBITDA mục tiêu lần lượt là 13x và 7,5x do lãi suất thị trường gần đây giảm đáng kể.

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ có một đợt phục hồi lãi suất đáng kể hơn sẽ diễn ra vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Vì giá hiện tại đã phản ánh một phần lợi nhuận phục hồi trong năm tới, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư dài hạn có thể chờ đợi những nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu. Về dài hạn, từ năm 2025, công ty sẽ bắt đầu ghi nhận đóng góp từ dự án Dung Quất mở rộng, giúp tăng 66% công suất của HPG lên khoảng 14 triệu tấn và dự kiến sẽ đạt công suất tối đa sau 4 năm”, SSI khuyến nghị.