Vào thời điểm ngày 12/4, tập đoàn này nợ 928 nông dân, tổng số tiền gần 246 tỷ đồng.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho thấy trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Tập đoàn Lộc Trời đã ký hợp đồng tiêu thụ trên 16.070 ha. Đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã thực hiện thu mua 10.501 ha.
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, tại ngày 12/4, Tập đoàn Lộc Trời nợ 928 nông dân với tổng số tiền gần 246 tỷ đồng.
Lộc Trời cho biết nguyên nhân dẫn đến số nợ trên là do lượng lúa thu hoạch đồng loạt dẫn đến khó khăn trong thu xếp dòng tiền từ vay vốn của các ngân hàng để thanh toán cho nông dân chưa kịp thời.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Lộc Trời tham gia xuất khẩu với số lượng lớn. Tuy nhiên, tiền thanh toán của khách hàng quốc tế trả chậm dẫn đến nguồn tiền thanh toán cho người dân không đúng theo hợp đồng. Hơn nữa, phương thức vay của các ngân hàng có thay đổi nên Tập đoàn Lộc Trời khó khăn trong tiếp cận vốn vay.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cũng cam kết hỗ trợ lãi suất 0,6%/tháng (7,2%/năm) cho người dân bị nợ nếu việc trễ hạn từ ngày thứ 6 trở đi (tính từ ngày cân lúa). Thời gian cam kết chi trả dứt điểm toàn bộ số tiền còn nợ nông dân chậm nhất đến ngày 26/4.
Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Lộc Trời chỉ còn nợ gần 160 tỷ đồng.
Đến ngày 24/4, nhận thấy tình hình Tập đoàn Lộc Trời không có khả năng hoàn thành được các nội dung như cam kết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tiếp tục chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp cùng đại diện Tập đoàn Lộc Trời.
Tại cuộc họp, theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, luỹ kế đến ngày 24/4, Tập đoàn Lộc Trời đã thanh toán hơn 235 tỷ đồng, số tiền còn lại chưa thanh toán cho nông dân là gần 205 tỷ đồng (bao gồm 16 tỷ đồng tiền mua lúa của nông dân sau ngày 11/4/2024).
Lần này, Tập đoàn Lộc Trời cam kết chi trả lãi suất 0,8%/tháng (tương đương 9,6%/năm) cho nông dân từ ngày 27/4 trở về sau. Mỗi tuần trả một phần và trả dứt điểm đến ngày 20/5.
Cũng theo Thời báo Tài chính Việt Nam, đại diện Tập đoàn Lộc Trời thừa nhận những khó khăn như trong biên bản làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang dẫn đến tình trạng chậm thanh toán cho nông dân. Vị này khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Lộc Trời chỉ còn nợ gần 160 tỷ đồng.
Quý 1/2024, Tập đoàn Lộc Trời lỗ hơn 96 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính và giải trình quý 1/2024, Tập đoàn Lộc Trời lỗ hơn 96 tỷ đồng trong báo cáo tài chính hợp nhất và lỡ hơn 158 tỷ đồng trong báo cáo riêng.
Lãnh đạo Lộc Trời giải trình lỗ trong báo cáo tài chính riêng “do giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn mức độ tăng của doanh thu, đồng thời một số chi phí khác phát sinh trong kỳ lớn (như chi phí lãi vay, khoản lỗ do tỷ giá hối đoái) nên lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại Báo cáo kết quả kinh doanh riêng bị lỗ”
Còn số lỗ trong báo cáo tài chính hợp nhất “do một số chi phí tăng cao như chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí lãi vay, khoản lỗ do tỷ giá hối đoái nên lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất bị lỗ”.
Hồi tháng 10/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thông báo việc ký kết hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn với 7 ngân hàng lớn trong và ngoài nước, trong thời gian 3 năm và hạn mức 100 triệu USD.
Gói tín dụng này sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động trong các hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao, đảm bảo nguồn cung cả về số lượng và chất lượng cho các đơn hàng trong thời gian tới.
Khi đó, trong thông cáo báo chí, “khẳng định uy tín và sự tin tưởng của các đối tác tài chính dành cho Tập đoàn Lộc Trời”.
“Việc giải ngân này được tiến hành theo tiến độ mùa vụ và được số hoá toàn bộ thông qua các ứng dụng công nghệ được phát triển riêng với giao diện thân thiện dễ sử dụng, giúp bà con dễ theo dõi tiến độ sản xuất trong suốt thời gian canh tác”, thông cáo nêu.
Với gần 30 năm phát triển kể từ khi được thành lập năm 1993 với tên gọi Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thực vật An Giang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã trở thành tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, với đội ngũ nhân viên 3.600 người.
Lộc Trời triển khai canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) đạt kết quả 100 điểm trong 3 năm liên tục 2020, 2021, 2022 cùng với hệ thống sản xuất lúa gạo đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe như BRCGS, SMETA, HACCP, HALAL…
Dy Khoa