Lý do nhiều ngân hàng vẫn lãi kỷ lục

Sau quý đầu năm nay, bất chấp tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức thấp, hơn nửa ngân hàng thương mại vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực.

Tính đến nay, toàn bộ ngân hàng niêm yết đều đã công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm nay. So với cùng kỳ năm trước, có tới 18 nhà băng báo lãi trước thuế tăng trưởng dương, trong đó, mức tăng mạnh nhất ghi nhận lên tới hơn 70 lần.

Ngược lại, 10 nhà băng báo lợi nhuận "đi lùi" trong quý vừa qua và 1 nhà băng có lợi nhuận đi ngang.

Nhiều ngân hàng vẫn báo lãi kỷ lục

Trong quý I, bất chấp tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức thấp, danh sách nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương vẫn có sự góp mặt của một loạt ngân hàng như BIDV, VietinBank, Techcombank, VPBank, SHB, HDBank, OCB, LPBank, KienlongBank...

Đáng chú ý, so với quý I những năm trước đó, đã có 6 nhà băng đạt mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay gồm HDBank, PVComBank, Techcombank, SHB, LPBank và SeABank.

Theo báo cáo tài chính quý I, HDBank báo lãi trước thuế đạt gần 4.028 tỷ đồng , tăng tới 47% so với cùng kỳ năm trước và là mức lãi kỷ lục mà ngân hàng ghi nhận được trong quý kinh doanh đầu hàng năm.

Mức lợi nhuận kể trên đến từ khoản thu nhập lãi thuần bật tăng 48%, đạt 7.160 tỷ đồng . Cùng với đó, một số nguồn thu ngoài lãi của HDBank cũng tăng vọt trong quý vừa qua như lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 175 tỷ đồng , trong khi cùng kỳ lỗ gần 50 tỷ; lãi thuần mua bán chứng khoán đầu tư đạt 65 tỷ đồng , tăng gấp 2,5 lần.

Với kết quả này, ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM đã thực hiện được 1/4 kế hoạch lợi nhuận cả năm ( 15.852 tỷ đồng ) đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua gần đây.

HDBank là một trong những ngân hàng báo lãi cao kỷ lục trong quý đầu năm nay. Ảnh: Chí Hùng.

Tương tự, trong quý đầu năm nay, Techcombank cũng báo kết quả kinh doanh khởi sắc với khoản lãi trước thuế trên 7.800 tỷ đồng , tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của nhà băng này cũng đến từ hoạt động cho vay với thu nhập lãi thuần tăng 30%, đạt gần 8.500 tỷ đồng . Ngoài ra, các khoản thu từ dịch vụ; kinh doanh ngoại hối; mua bán chứng khoán đầu tư đều ghi nhận tăng trưởng, mang về hàng nghìn tỷ đồng cho ngân hàng.

Với kế hoạch lãi trước thuế 27.100 tỷ đồng năm nay, Techcombank đã thực hiện được 29% kế hoạch sau quý I.

Không có mức lợi nhuận cao như hai nhà băng kể trên nhưng LPBank lại là ngân hàng tư nhân có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất quý vừa qua. Theo đó, trong quý I, ngân hàng do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT đã thu về 2.886 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng gần 85% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành hơn 27% kế hoạch cả năm.

Đáng chú ý tại ngày 31/3, tỷ lệ ROE của ngân hàng này đã đạt trên 26%, lọt top các ngân hàng niêm yết có hiệu suất sinh lời cao nhất hệ thống.

Năm nay, LPBank kỳ vọng đạt mức lãi cao kỷ lục 10.500 tỷ đồng trước thuế, tăng gần 50% so với năm liền trước. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên nhà băng này gia nhập câu lạc bộ lãi chục nghìn tỷ của ngành ngân hàng.

Với SHB, ngân hàng do ông Đỗ Quang Hiển (tức bầu Hiển) làm Chủ tịch HĐQT, đã ghi nhận khoản lãi trước thuế hơn 4.017 tỷ đồng trong quý I năm nay. Đây cũng là mức lợi nhuận quý I cao nhất lịch sử của ngân hàng.

Khác với nhóm nhà băng kể trên, động lực tăng trưởng quý I của SHB không đến từ hoạt động tín dụng khi thu nhập lãi thuần giảm tới 12%. Theo đó, động lực giúp nhà băng này báo lãi kỷ lục quý I đến từ khoản thu nhập hoạt động khác tăng gấp 6,5 lần, đạt 456 tỷ đồng . Ngoài ra, SHB cũng đã tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Từ đó bù đắp được hết số lợi nhuận suy giảm từ các hoạt động kinh doanh chính và vẫn có lãi tăng trưởng dương.

Những ngân hàng chịu cảnh "đi lùi"

Ngược lại với nhóm ngân hàng kể trên, vẫn có những ngân hàng "đi lùi" trong quý đầu năm nay. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu tác động đến kết quả kinh doanh nhóm này do hoạt động tín dụng suy giảm và nợ xấu gia tăng, dẫn tới tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Như ABBank, nhà băng này đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I giảm tới gần 69%, đạt 192 tỷ đồng . Nguyên nhân dẫn tới kết quả này là phần lớn mảng kinh doanh của ABBank đều đi xuống trong quý vừa qua, trong khi ngân hàng phải tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Quý I, trong khi thu nhập lãi thuần giảm 16%, thu từ dịch vụ giảm 23%, kinh doanh ngoại hối giảm 50%, thậm chí hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư chuyển từ lãi sang lỗ, ABBank lại phải tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tới hơn 51%. Kết quả là lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã bị bào mòn đáng kể.

LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ QUÝ I/2024 CÁC NGÂN HÀNG
Nguồn: BCTC NH.
Nhãn Vietcombank Techcombank BIDV VietinBank MBBank ACB VPBank SHB HDBank LPBank Sacombank VIB TPBank SeABank MSB OCB Nam A Bank Eximbank BacABank VietABank KienlongBank ABBank PGBank VietBank BVBank SaigonBank BaoVietBank
Lợi nhuận trước thuế tỷ đồng 10718 7802 7390 6210 5795 4900 4182 4017 4000 2886 2654 2500 1829 1506 1500 1214 1000 661 339 248 214 178 116 73 69 68 8

Đáng chú ý, cùng chịu cảnh "đi lùi" trong quý vừa qua còn có một loạt ngân hàng tên tuổi như MB, ACB, VIB, Eximbank...

Trong đó, Eximbank báo lãi trước thuế hơn 661 tỷ đồng quý I, giảm 24% và chỉ thực hiện được gần 13% mục tiêu năm đề ra. Thu nhập lãi thuần là khoản mục tăng trưởng duy nhất của ngân hàng này trong quý, ngược lại các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm so với cùng kỳ.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết lợi nhuận quý I của ngân hàng đạt 4.900 tỷ đồng , giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Nguyên nhân theo ông Phát là do tăng trưởng tín dụng của ACB cao nên trích lập dự phòng chung cao hơn cùng kỳ. Ngoài ra, trong quý I năm ngoái, ACB có khoản thu nhập bất thường khoảng 360 tỷ đồng từ đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nếu loại trừ đi khoản này thì lợi nhuận cốt lõi vẫn được coi là tăng trưởng dương 3%.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ cho hay trong quý I, VIB đạt lợi nhuận trước thuế hơn 2.500 tỷ đồng , giảm 7%.

Với MB, bất chấp mảng chứng khoán kinh doanh tăng trưởng đột biến mang về gần 1.000 tỷ đồng , lợi nhuận trước thuế quý I của Ngân hàng Quân đội vẫn giảm 11% so với cùng kỳ, đạt hơn 5.795 tỷ đồng . Nguyên nhân cũng đến từ việc ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Thậm chí, mức lợi nhuận ngân hàng này thu về trong quý I cũng là mức thấp nhất trong 5 quý kinh doanh đã qua.

Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại chịu cảnh suy giảm lợi nhuận trong quý đầu năm nay còn có VietBank (-63%); SaigonBank (-35%); PGBank (-24%); Vietcombank (-4%)...

Hồng Nhung

https://znews.vn/ly-do-nhieu-ngan-hang-van-lai-ky-luc-post1472669.html