Ông Vương Bắc Đẩu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn, mực in Việt Nam - cho biết, ngành sơn phủ, mực in trong nước đã tiệm cận với công nghệ hiện đại của thế giới, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các quốc gia; thậm chí nhiều mảng sơn, mực in của nhiều nước còn “không có cửa” với Việt Nam.
Ngày 16/5, tại buổi giới thiệu triển lãm 4 ngành công nghiệp sơn, giấy, cao su và nhựa tại TPHCM, ông Võ Hoàng An - Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam - cho biết, xuất khẩu cao su đang có nhiều tín hiệu khởi sắc. Diện tích trồng cao su Việt Nam đạt 910.000 ha, chủ yếu ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của cao su thiên nhiên đạt 2,9 tỷ USD với 2,14 triệu tấn; các sản phẩm công nghiệp cao su như vỏ xe, găng tay… đạt 4,4 tỷ USD; gỗ cao su và sản phẩm đồ gỗ từ cao su được châu Âu rất ưa chuộng. Đáng nói, trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 414.000 tấn cao su, với kim ngạch đạt 607,35 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023...
Xuất khẩu cao su có nhiều khởi sắc khi giá tăng.
Cũng theo ông An, giá cao su trong giai đoạn 2009-2010 rất tốt, từ 4.000 - 5.000 USD/tấn. Tuy nhiên hiện nay giá chỉ còn khoảng 1.300 - 1.500 USD/tấn. Năm 2024 giá cao su tốt hơn năm 2023, tăng từ 14 - 15%, khoảng 1.500 - 1.700 USD/tấn.
Sản lượng mủ cao su khô khai thác đạt khoảng 1,3 tấn/năm; trong nước tiêu thụ khoảng 300.000 tấn, còn lại phục vụ thị trường xuất khẩu. Xuất khẩu cao su của Việt Nam đứng thứ đầu thế giới về năng suất, đứng thứ 3 về sản lượng.
“Cao su là nguyên liệu công nghiệp đặc thù mà chưa có nguồn nguyên liệu nào có thể thay thế được. Hiện có 3 nước trồng cao su tốt nhất là Thái Lan, Indonesia, Việt Nam. Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển ngành cao su trong thời gian tới” - ông An nhấn mạnh.
Theo các DN xuất khẩu cao su trong nước, Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt tác động đến xuất khẩu của ngành này. Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu khác lo lắng về căng thẳng Biển Đỏ và giá cước vận chuyển tăng, thì ngành cao su ít chịu tác động do thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Toàn ngành cao su đặt mục tiêu năm 2024 xuất khẩu cao su đem về kim ngạch 3,3 - 3,5 tỷ USD.
Doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội xuất khẩu tại các triển lãm.
Đối với ngành sơn phủ, mực in, ông Vương Bắc Đẩu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn, mực in Việt Nam - báo tin vui về dấu hiệu hồi phục của ngành này trong 5 tháng đầu năm. Dấu hiệu tích cực nhất thuộc về ngành sơn công nghiệp và sơn gỗ, kỳ vọng mức tăng trưởng từ 20-25% so với năm 2023; các loại sơn trang trí, sơn tĩnh điện, sơn cuộn tăng trưởng thấp hơn, trên dưới 10%. Ngành mực in tuy không có sự hồi phục lớn nhưng chắc chắn, kỳ vọng tăng 10%.
Lý do ngành này tăng theo ông Đẩu bắt nguồn từ thị trường bất động sản. Năm nay, ngành bất động sản được tháo gỡ khó khăn, từ đó ngành sơn phủ, mực in kỳ vọng vượt đáy suy thoái.
Ông Đẩu nhìn nhận, ngành sơn phủ, mực in trong nước đã tiệm cận với công nghệ hiện đại của thế giới, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các quốc gia; thậm chí nhiều mảng sơn, mực in của nhiều nước còn “không có cửa” với Việt Nam.
“Chúng tôi là những người “phối chế nguyên liệu” nên không gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ. Thách thức lớn nhất hiện nay vẫn từ Trung Quốc. Quy mô, sản lượng ngành sơn, mực in của Việt Nam không thể so sánh được với nhà sản xuất Trung Quốc, hơn nữa họ cũng đang chuyển công nghệ, sản xuất sang Việt Nam” - ông Đẩu nói.
Triển lãm 4 ngành công nghiệp diễn ra từ 12-14/6 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (quận 7, TPHCM), với sự tham gia của 350 DN đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
https://tienphong.vn/mang-son-muc-in-cua-nhieu-nuoc-khong-co-cua-voi-viet-nam-post1637705.tpo