Margin là gì? cách sử dụng margin hiệu quả để tránh rủi ro tài chính!

, , , , , , , , ,

(Bài viết dài, mọi người đọc tham khảo nhé)

Margin hay giao dịch kí quỹ, đòn bẩy tài chính là những từ ngữ dùng để đề cập đến việc nhà đầu tư có thể sử dụng khoản vay từ công ty chứng khoán và thực hiện giao dịch đầu tư chứng khoán với nhiều hơn số vốn ban đầu mà nđt sở hữu.

Vay margin có giống với vay ngân hàng?

  • Điểm giống ở chỗ:

Hoạt động này giống với việc 1 cá nhân đi vay tiền theo hình thức vay thế chấp tại ngân hàng. Khi đó, cá nhân cần thế chấp 1 loại tài sản với giá trị tương ứng với khoản vay mà mình mong muốn. Tương tự như vậy, khi sử dụng khoản vay margin thì tài sản thế chấp của nhà đầu tư với công ty chứng khoán chính là danh mục các cổ phiếu mà nhà đầu tư sở hữu tại công ty chứng khoán đó.

Thêm nữa, mỗi hoạt động vay đều phát sinh tiền lãi, lãi Margin bao nhiêu cũng phụ thuộc vào chính sách của mỗi công ty chứng khoán (Thông thường là từ 6%-15%/1 năm)

Một điểm giống nữa là, khi cá nhân/ nhà đầu tư vay thế chấp tại ngân hàng hay sử dụng margin từ công ty chứng khoán thì đều có nghĩa vụ trả nợ trong 1 thời hạn nhất định, tùy thuộc vào chính sách của mỗi ngân hàng hay công ty chứng khoán. Và nếu cá nhân hay nhà đầu tư không có hoặc mất khả năng thanh toán khoản nợ thì ngân hàng có quyền thu hồi, bán đấu giá tài sản mà cá nhân đã thế chấp ban đầu còn công ty chứng khoán có quyền bán các cổ phiếu trong danh mục của nhà đầu tư nhằm thu hồi khoản nợ đúng thời hạn (Siết Margin/ Call Margin)

  • Điểm khác ở chỗ:

Khi vay thế chấp ở ngân hàng, cá nhân có thể mang số tiền đó ra khỏi ngân hàng và sử dụng khoản vay với nhiều mục đích khác nhau. Còn với việc vay Margin, NĐT chỉ có thể sử dụng khoản vay vào mục đích mua cổ phiếu tại công ty chứng khoán cấp khoản vay Margin đó.

Ưu, nhược điểm của margin là gì?

Ưu điểm: Tạo ra khả năng sinh lời lớn hơn so với số vốn bỏ ra ban đầu của nhà đầu tư: Nếu nhà đầu tư đang dùng margin mà cổ phiếu tăng giá thì nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận nhiều hơn và có thể tiếp tục mua thêm cổ phiếu để gia tăng lợi nhuận nhanh hơn.

Ví dụ: ông A có số vốn ban đầu là 100 triệu đồng. Với số tiền trên, ông A mua được 1000 cổ phiếu X (Giả sử giá của 1 cổ phiếu X là 100 nghìn đồng). Ông A sử dụng Margin tại 1 công ty chứng khoán Z với tỷ lệ 1:2 (Với 100 triệu ban đầu thì vay margin được thêm 100 triệu nữa) và phát sinh lãi là 10%/1 năm để mua thêm 1000 cổ phiếu X. Lúc này ông A sở hữu tổng cộng 2000 cổ phiếu X với giá 100 nghìn đồng/1 cp. Sau đó, giá cổ phiếu X tăng giá từ 100 nghìn đồng/ 1 cp lên 120 nghìn đồng/ 1 cp. Ông A lãi ròng 30 triệu ( Sau khi trừ đi 10% tiền lãi trả lại cho công ty chứng khoán). Như vậy trong tình huống này, nếu chỉ dùng 100 triệu ban đầu, ông A chỉ nhận được thêm 20 triệu đồng tiền lãi. Nhưng với việc vay Margin, ông A lãi thêm 10 triệu đồng nữa.

Nhược điểm: Tương tự tình huống trên, giá trị tài sản của ông A có thể giảm bằng tỷ lệ vay ký quỹ (1:2) nếu như cổ phiếu ông A mua bị giảm giá.

Vậy nên hay không nên vay margin?

Điều này phụ thuộc vào khả năng thanh toán khoản nợ và chiến lược đầu tư của người vay margin. Chỉ nên vay margin khi:

*Bạn là một NĐT có kinh nghiệm và hiểu biết quy luật vận động và tính chu kì của chứng khoán.

*Thị trường có dấu hiệu tăng trưởng rõ ràng

*Cổ phiếu bạn chọn có khả năng tăng trưởng tốt trong ngắn hạn và có tính thanh khoản tốt

Bài học về rủi ro tài chính khi sử dụng margin:

Tháng 12/2021, Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc gần 600 tỷ đồng sau khi trúng đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm. Song song với đó là ông Trịnh Văn Quyết bán chui 75 triệu cổ phiếu FLC sau khi cổ phiếu này tăng từ giá 14 nghìn đồng lên 24 nghìn đồng. Tin tức này khiến cho hàng loạt các cổ phiếu bất động sản nằm sàn la liệt 10 phiên giao dịch, rơi vào trạng thái mất thanh khoản (nhà đầu tư kê bán cổ phiếu giá sàn bất chấp làm cho cổ phiếu có hiện tượng trắng bên mua nhiều ngày). Do trước đó đa số cổ phiếu BĐS đang trên đà tăng nóng, nhiều nhà đầu tư kì vọng mức lợi nhuận cao nên đã sử dụng margin để gia tăng khối lượng cổ phiếu BĐS. Khi thị trường BĐS bị tác động bởi tin tức xấu, các công ty chứng khoán đồng loạt Call Margin NĐT, bán các cố phiếu trong danh mục của NĐT bằng mọi giá để thu hồi nợ (Call Margin chéo). Hiệu ứng Domino từ các tin tức xấu thời điểm đó đã khiến chỉ số VN INDEX rơi tự do từ mốc 1505 xuống 1412, thị trường chìm ngập trong sắc đỏ và xanh lơ. Như vậy có thể thấy rằng, Margin có thể giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận gấp nhiều lần khi cổ phiếu tăng giá nhưng cũng làm cho tài sản của họ “bốc hơi” một cách nhanh chóng khi cổ phiếu giảm giá.

Bài viết dựa trên quan điểm và sự tìm hiểu có chọn lọc của cá nhân mình. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích cho các NĐT đang có ý định sử dụng margin hoặc chưa có cơ hội tìm hiểu về margin trong đầu tư chứng khoán. Có điều gì sai sót về kiến thức, mong mọi người góp ý nhẹ nhàng, vui vẻ và lịch sự nhé.