MB dẫn dắt tương lai ngân hàng số với mô hình BAAS

Trong khuôn khổ sự kiện Ngày Chuyển Đổi Số Ngân Hàng 2024 với chủ đề "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số", Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) một lần nữa khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số khi chia sẻ về hành trình triển khai mô hình đột phá BaaS.

Ngày Chuyển Đổi Số Ngân Hàng 2024 - Mở ra kỷ nguyên số mới

Sáng nay (8/5), sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 với chủ đề "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì chính thức khai mạc với nhiều hoạt động hấp dẫn. Đây là sự kiện lớn bậc nhất trong năm liên quan đến chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, kế thừa chủ đề "Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số" của Ngày Chuyển đổi số ngân hàng năm 2023.

Về phía Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), sự kiện có sự tham gia của ông Lưu Trung Thái - Chủ Tịch HĐQT MB và ông Vũ Thành Trung - Thành viên Ban Điều Hành.

Tại diễn đàn, ông Vũ Thành Trung chia sẻ về tầm nhìn và chiến lược phát triển ngân hàng trong kỷ nguyên số của MB, thể hiện sự gắn kết và hướng đến mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Ông Trung cho biết MB là một trong những ngân hàng tiên phong ứng dụng mô hình BaaS (Banking as a Service) tại Việt Nam. BaaS đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình số hóa ngành ngân hàng, giúp các tổ chức tài chính kết nối linh hoạt với đối tác thông qua API, từ đó cung cấp trực tiếp các dịch vụ tài chính số trên nền tảng của chính đối tác. Mô hình này giúp loại sẽ bỏ rào cản trong việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, tạo cơ hội tiếp cận thuận tiện, bình đẳng các dịch vụ tài chính hiện đại cho mọi khách hàng, kể cả ở vùng sâu vùng xa.

Hệ sinh thái số bao trùm hơn 1000 APIs

Là một trong những ngân hàng tiên phong ứng dụng BaaS tại Việt Nam, MB tự hào góp phần tạo nên một hệ sinh thái tài chính số bao trùm và toàn diện. Trên nền tảng MB BaaS, hàng loạt dịch vụ tài chính từ mở tài khoản, gửi tiết kiệm đến thanh toán, bảo hiểm, cho vay và đầu tư được tích hợp liền mạch trên ứng dụng di động của các đối tác. Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, khách hàng đã có thể trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trong suốt hành trình tài chính của mình.

Các dịch vụ cơ bản, trọng yếu mà MB cung cấp đến khách hàng thông qua BaaS có thể kể đến như: nhận biến động số dư tài khoản realtime ngay trên hệ thống của doanh nghiệp, hỗ trợ thu/chi hộ, chấp nhận thanh toán quét mã QR tĩnh/động từ tất cả App ngân hàng trong liên minh Napas, và thu hộ qua tài khoản định danh dành cho các công ty chứng khoán, bảo hiểm, doanh nghiệp B2B. Ngoài ra, MB còn sẵn sàng cung cấp các dịch vụ nâng cao khác trên nền tảng đối tác như tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, vay tiêu dùng, thẻ tín dụng và nhiều dịch vụ khác.

MB dẫn dắt tương lai ngân hàng số với mô hình BAAS- Ảnh 1.

Sở hữu lượng API đa dạng nhất, với hơn 1000 APIs từ mở VietQR động, tài khoản, ứng dụng, vay online, gửi tiết kiệm đến thu/chi hộ, MB đã kết hợp mạch lạc dịch vụ của mình với hơn 500 doanh nghiệp, trong đó có những tên tuổi hàng đầu như WinCommerce, THMilk, VietNamAirlines, Momo, Zalopay, Vetc, Epass, Thegioididong, mang đến trải nghiệm vận hành tối ưu cho doanh nghiệp và sự thuận tiện cho người tiêu dùng khi mua sắm. Với dịch vụ BaaS của MB, hệ thống của doanh nghiệp sẽ được tích hợp trực tiếp với hệ thống của ngân hàng trong thời gian ngắn nhất (từ 2 tuần đến 1 tháng) cùng mức chi phí rẻ nhất.

Đặc biệt, để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp logistics trên nền tảng cảng biển, MB đang mạnh mẽ cung cấp dịch vụ cổng thanh toán trực tuyến VSL. Phương thức thanh toán này chú trọng vào ứng dụng blockchain trong xác thực tín dụng thư quốc tế (L/C), giải quyết vấn đề giao dịch không sử dụng tiền mặt, hỗ trợ các hãng tàu, công ty vận tải, cảng biển, và doanh nghiệp thanh toán, giúp xác thực giao nhận nhanh chóng, giảm chi phí vận hành và thời gian xử lý. VTOS và VSL, nền tảng cảng biển số Việt Nam, đã được Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông vinh danh tại Giải Đồng sản phẩm công nghệ Make In Vietnam 2023, triển khai tại 25 cảng, 150 hãng tàu, và hơn 1000 đơn vị vận tải.

Bên cạnh đó, MB còn tiên phong mở rộng hệ sinh thái BaaS ra phạm vi toàn cầu thông qua việc hợp tác với các đối tác quốc tế như UnionPay, NAPAS. Điều này cho phép MB cung cấp các giải pháp thanh toán xuyên biên giới tiện lợi và an toàn, thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập.

MB dẫn dắt tương lai ngân hàng số với mô hình BAAS- Ảnh 2.

Khát vọng dẫn dắt tương lai số

Để triển khai thành công mô hình BaaS, MB chú trọng phát triển nền tảng công nghệ nội bộ vững chắc, bảo mật, có khả năng mở rộng linh hoạt. Đồng thời, ngân hàng cũng liên tục cập nhật và hoàn thiện hệ thống, nâng cấp trải nghiệm để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Không chỉ đầu tư về công nghệ, MB còn dành nhiều tâm sức để nghiên cứu thị trường, lắng nghe khách hàng, từ đó sáng tạo ra những sản phẩm phù hợp với từng đối tượng. Với triết lý "lấy khách hàng là trung tâm, lấy khách hàngcủa khách hàng làm trọng tâm", mỗi giải pháp MB đưa ra đều xuất phát từ sự thấu hiểu và quan tâm chân thành đến lợi ích của người dùng.

Có thể nói, hành trình chinh phục BaaS của MB là một minh chứng sinh động cho khát vọng dẫn dắt sự thay đổi của ngân hàng. Thông qua việc kiến tạo một hệ sinh thái tài chính số bao trùm, minh bạch và an toàn, MB mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024, nhằm lan tỏa những kết quả tích cực của ngành Ngân hàng trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, cũng như đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ánh Dương

Tổ Quốc

https://cafef.vn/mb-dan-dat-tuong-lai-ngan-hang-so-voi-mo-hinh-baas-188240508145409704.chn