MBB: Chưa có cam kết giải ngân 10.000 tỷ đồng cho Novaland

,

Lãnh đạo Ngân hàng Quân đội (mã cổ phiếu MBB ) khẳng định phía Ngân hàng chưa có bất kỳ cam kết nào việc sẽ giải ngân khoản vay trị giá tới 10.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Novaland để phát triển các dự án.

Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quân đội.

Trong bối cảnh Tập đoàn Novaland (mã cổ phiếu NVL ) vừa ghi nhận mức lỗ kỷ lục 601 tỷ đồng trong quý 1/2024, một bộ phận nhà đầu tư đã bày tỏ lo ngại về triển vọng kinh doanh của tập đoàn bất động sản này cũng như các rủi ro tiềm tàng về việc đảm bảo nghĩa vụ tài chính đối với các đối tác lớn như Ngân hàng TMCP Quân đội (Ngân hàng Quân đội, mã cổ phiếu MBB - sàn HoSE).

Vài năm trở lại đây, Ngân hàng Quân đội là một trong những tổ chức tín dụng trong nước tham gia cho vay dài hạn, đầu tư trái phiếu nhiều nhất vào Tập đoàn Novaland.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Tập đoàn Novaland, đến hết 31/12, tập đoàn này còn nợ dài hạn với 3 khoản vay tại Ngân hàng Quân đội - Chi nhánh Bắc Sài Gòn với tổng giá trị hơn 1.800 tỷ đồng.

Cuối năm ngoái, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tập đoàn Novaland cũng công bố nghị quyết về việc về bảo lãnh khoản vay tối đa 10.000 tỷ đồng cho chủ dự án Novaworld Phan Thiet tại Ngân hàng Quân đội.

Đây cũng là vấn đề “nóng” nóng nhất, được cổ đông đặt ra với ban lãnh đạo Ngân hàng Quân đội tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 vừa qua.

Trả lời thắc mắc của cổ đông, ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội cho biết Tập đoàn Novaland đã trả khoảng 2.400 tỷ đồng nợ trong năm ngoái và dư nợ hiện tại của tập đoàn này “không còn nhiều”. Tuy nhiên, ông Phạm Như Ánh xin phép không nói con số cụ thể để "đảm bảo quy định bảo mật".

Đồng thời, về thông tin tiếp tục cho Tập đoàn Novaland vay số tiền lớn, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội khẳng định Ngân hàng chưa có cam kết nào về việc giải ngân thêm 10.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Novaland.

“Đó mới là thông tin phía Tập đoàn Novaland đưa ra”, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội nhấn mạnh.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Cũng tại Đại hội, cổ đông đã đặt câu hỏi về rủi ro Ngân hàng Quân đội bị thâm dụng vốn hay thua lỗ khi đầu tư trái phiếu Novaland.

Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quân đội giải thích trái phiếu là công cụ có tuổi đời hàng trăm năm và đã được chứng minh hiệu quả trên thị trường tài chính. Đồng thời, Ngân hàng Quân đội chọn các nhà phát hành là khách hàng của ngân hàng, thay vì cho vay trung và dài hạn.

Trong giai đoạn qua, Ngân hàng Quân đội luôn theo sát các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Novaland. Tình hình kinh doanh của tập đoàn này đã dần phục hồi, các dự án sẽ được tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong quý 2/2024.

Vì vậy, các khoản vay của Tập đoàn Novaland theo từng dự án cụ thể tại Ngân hàng Quân đội không đáng lo ngại khi quản lý rủi ro và tài sản đảm chặt chẽ, ông Lưu Trung Thái nói.

Đồng thời, Chủ tịch Ngân hàng Quân đội khẳng định, cách thức Ngân hàng Quân đội tiếp cận và giải quyết các vấn đề của Tập đoàn Novaland ở thời điểm hiện tại là phương án “tối ưu nhất”. Điều này đã được phản ánh thông qua việc dư nợ của nhóm khách hàng liên quan đến tập đoàn này đã giảm một nửa.

"Rủi ro là không tránh khỏi khi cho hàng triệu khách hàng vay. Quan trọng là cách chúng ta giải quyết thế nào trong từng tình huống. Nhìn chung chưa có nhiều quan ngại với Tập đoàn Novaland", Chủ tịch Ngân hàng Quân đội chia sẻ.

Duy Quang

Link gốc

https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ngan-hang-quan-doi-mbb-chua-co-cam-ket-giai-ngan-10000-ty-dong-cho-novaland-120335.htm