MIG triển vọng

Hết quý I, doanh thu bảo hiểm gốc của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (HoSE: MIG)
đạt hơn 1.247 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 85 tỷ đồng, tăng trưởng 82%; lợi nhuận sau thuế 67,97 tỷ đồng, tăng 81,84%.

Năm 2022, MIG đặt mục tiêu tổng doanh thu khoảng 5.800 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với kết quả năm ngoái; lợi nhuận trước thuế tăng 35%, đạt 379,4 tỷ đồng. Tỷ lệ bồi thường giảm từ 32,9% xuống 32% nhờ vào việc tập trung bồi thường hai đầu và tiết kiệm chi phí bồi thường.

Như vậy, sau ba tháng đầu năm, MIG đã hoàn thành 14,2% mục tiêu doanh thu năm, lợi nhuận trước thuế hoàn thành 17,9% kế hoạch cả năm.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo, doanh thu phí bảo hiểm thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của MIG lần lượt đạt 2.585 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ) và 256 tỷ đồng (tăng 14,3%), tương ứng EPS dự phóng là 1.559 đồng.

BSC giả định, doanh thu phí bảo hiểm gốc của MIG sẽ tăng 21,4% cùng kỳ trong năm 2022; tỷ lệ kết hợp tăng lên mức 98,3%; quy mô danh mục đầu tư tăng 20% cùng kỳ và lợi suất đầu tư tăng 30 điểm cơ bản.

Sang năm 2023, BSC dự báo doanh thu phí bảo hiểm thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2.978 tỷ đồng (tăng 15,2% cùng kỳ) và 291 tỷ đồng (tăng 13,7% cùng kỳ), với EPS đạt 1.767 đồng.

BSC nhìn nhận, doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng nhanh khi MIG lựa chọn chiến lượng mở rộng và được hỗ trợ từ hệ sinh thái của MBBank. Tỷ lệ kết hợp tăng khi tăng thị phần, chủ yếu đến từ gia tăng chi phí hoa hồng.

Trong khi đó, ngành bảo hiểm sẽ hưởng lợi khi lãi suất huy động tăng do tiền gửi ngắn hạn chiếm phần lớn danh mục đầu tư tài chính. Lợi nhuận đầu tư tài chính của MIG tăng khi tăng quy mô danh mục đầu tư và tăng tỷ trọng trái phiếu.

Hiện BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu MIG với giá mục tiêu 1 năm ở mức 21.700 đồng/cổ phiếu, dựa trên phương pháp định giá P/B với P/B mục tiêu ở mức 1,8 lần.

Điểm đầu tiên chúng tôi muốn nhắc tới là việc giới hạn kinh doanh BDS do vấn đề này thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Dưới góc nhìn của chúng tôi, đây là thay đổi cần thiết và không ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm bởi các lý do sau: Thứ nhất, tỷ trọng nắm giữ bất động sản đầu tư trên tổng tài sản ở các doanh nghiệp bảo hiểm không lớn. Tỷ lệ trung bình ở 5 công ty top đầu là 2.57%, 4/5 doanh nghiệp có tỷ lệ nắm giữ thấp hơn 2.15%. Cá biệt, doanh nghiệp bảo hiểm có tổng tài sản lớn nhất là Bảo Việt chỉ có mức nắm giữ là 0.05%. Thứ hai, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị hạn chế về năng lực phát triển kinh doanh bất động sản do đây là ngành nghề trái chuyên môn. Lợi nhuận đến từ việc kinh doanh bất động sản (nếu có) kỳ vọng đến từ tăng giá thị trường sau một thời gian nắm giữ chứ không nằm ở khả năng phát triển giá trị/hệ sinh thái ở BDS. Vì vậy, việc kinh doanh BDS có thể sẽ không hiệu quả đối với doanh nghiệp bảo hiểm trong ngắn-trung hạn và đối với ngành BDS trong dài hạn. Cuối cùng, Luật mới hạn chế việc kinh doanh BDS trực tiếp nhưng không đồng nghĩa hạn chế dòng vốn từ doanh nghiệp bảo hiểm chảy vào ngành BDS. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư gián tiếp thông qua cổ phiếu công ty BDS được niêm yết trên sàn, chứng chỉ quỹ BDS (REITs) hay mua trái phiếu doanh nghiệp BDS. Việc hưởng lợi từ sự phát triển của ngành BDS hoàn toàn được đảm bảo. Điểm cực kỳ tích cực ở Luật sửa đổi về hoạt động đầu tư là gỡ bỏ mức giới hạn tối đa đầu tư vào kênh cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Cộng thêm việc cho phép đầu tư vào các quỹ ủy thác, lợi nhuận đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm hứa hẹn sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng của thị trường chứng khoán, một trong những kênh đầu tư có mức sinh lợi tốt và dồi dào thanh khoản. Dành nhiều sự chú ý hơn cho Bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông-lâm-ngư nghiệp: Định nghĩa của Bảo hiểm vi mô là bảo hiểm hướng tới các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản. Đặc điểm của loại hình sản phẩm này là thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu có thủ tục thẩm định bảo hiểm đơn giản hoặc không cần thẩm định. Việc phát triển bảo hiểm vi mô góp phần làm tăng tỷ lệ thâm nhập của bảo hiểm đến với người dân, góp phần đảm bảo chính sách an sinh, xã hội của Nhà nước. Luật sửa đổi đã bỏ mức trần đối với phí bảo hiểm vi mô (không vượt quá 6% thu nhập bình quân đầu người hằng năm của chuẩn cận nghèo ở khu vực thành thị) để đảm bảo hiệu quả kỹ thuật của sản phẩm (cân bằng giữa phí mua bảo hiểm và mức trách nhiệm phải nhận). Theo đó, số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm hằng năm cho từng người được bảo hiểm sẽ được Chính phủ quy định. Để khuyến khích sự phát triển sản phẩm Bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm nông-lâm-ngư nghiệp, Nhà nước sẽ hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục hành chính, tuyên truyền các chính sách, hỗ trợ một phần phí bảo hiểm trích từ nguồn ngân sách trung ương/ngân sách địa phương…Như vậy, các công ty bảo hiểm sẽ có nhiều động lực hơn để triển khai các sản phẩm bảo hiểm này. Thông qua đó, tạo được thói quen và hiểu biết về bảo hiểm cho nhiều nhóm khách hàng hơn. Luật sửa đổi tác động đến thị trường bảo hiểm: Đa số các ý kiến góp ý đều tán thành sự cần thiết về dự thảo luật sắp tới trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam đã hình thành và phát triển trong suốt 20 năm vừa qua. Luật kinh doanh Bảo hiểm 2022 sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 01/01/2023. Trong đó, một số điều khoản về quản trị vốn, vốn trên cơ sở rủi ro và danh mục hạn chế đầu tư sẽ được áp dụng từ 01/01/2028. Luật sửa đổi cũng còn nhiều điểm chưa được quy định chi tiết và sẽ cần có những thảo luận và những văn bản dưới Luật nhằm hướng dẫn thực thi. Nhưng nhìn chung, Với các thay đổi kể trên, chúng tôi nhận thấy triển vọng tích cực đối với ngành bảo hiểm trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, thị trường bảo hiểm vẫn đang phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm tương đương so với các năm trước và nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Trung hạn sẽ kỳ vọng chứng kiến các thương vụ M&A, hợp tác chiến lược đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm hay các tổ chức phụ trợ bảo hiểm nhằm phát triển độ sâu của thị trường và tăng sự cạnh tranh nội địa. Triển vọng dài hạn cũng được đảm bảo ngành bảo hiểm với việc áp dụng vốn trên cơ sở rủi ro và sự linh hoạt hơn trong đầu tư.