Mối lo 300 tỷ đồng trái phiếu: Nguyên nhân dìm DDG giảm sàn 17 phiên liên tiếp?

DDG giảm sàn 17 phiên liên tiếp, thử đi tìm nguyên nhân và các hệ lụy liên quan.

CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (mã chứng khoán DDG) bất ngờ được nhắc tới liên tục trong vòng khoảng 1 tháng trở lại đây với cái cách mà không doanh nghiệp nào mong muốn. Nguyên nhân là cổ phiếu DDG tiếp chuỗi giảm sàn 17 phiên liên tiếp. DDG đã lao dốc từ vùng giá 42.200 đồng/cổ phiếu xuống 7.300 đồng/cổ phiếu – tương ứng mất đi 82% giá trị trong vòng 1 tháng.

Lý giải về nguyên nhân cổ phiếu lao dốc, lãnh đạo công ty chỉ một mực khẳng định “công ty vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường”, rằng cổ phiếu giảm do tâm lý nhà đầu tư và cung cầu trên thị trường.

Nói là thế, nhưng loạt lãnh đạo của XNK Đông Dương đang tích cực bán ra. Ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT, vừa đăng ký bán 324.000 cổ phiếu trong tổng số hơn 1,8 triệu cổ phiếu đang sở hữu. CEO Trần Kim Sa và con là Yang Kiều An đã bán xong tổng cộng 569.100 cổ phiếu…

Thử đi tìm hiểu nguyên nhân, hay một số lý giải để xem do đâu cổ phiếu DDG liên tiếp giảm sàn.

Do biến động nhân sự?

Tháng 3/2023 vừa qua XNK Đông Dương tiến hành Đại hội cổ đông bất thường với nội dung chính là miễn nhiệm toàn bộ 3 thành viên Ban kiểm soát gồm bà Đinh Thị Phượng, ông Nguyễn Văn Hiền và bà Đinh Hoàng Ngọc Vân kể từ ngày 10/3/2023.

Đồng thời với đó thông qua danh sách Thành viên BKS mới gồm ông Huỳnh Phước Nguyên, ông Lê Danh Thủ và bà Vũ Thị Chinh.

Mới đây, ngày 4/5/2023 XNK Đông Dương tiếp tục có biến động nhân sự. Ông Võ Anh Thịnh, Kế toán trưởng, xin từ chức, và bà Lê Thị Linh được bổ nhiệm thay thế. Trước khi bổ nhiệm nhân sự, bà Lê Thị Linh không giữ chức vụ nào tại XNK Đông Dương

Từ việc thay đổi kế hoạch tài chính?

Cũng tại Đại hội cổ đông bất thường tổ chức đầu tháng 3/2023 vừa qua XNK Đông Dương thông qua phương án thay đổi kế hoạch sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu ESOP năm 2022.

Ban đầu, XNK Đông Dương phát hành cổ phiếu ESOP, thu về 28 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động và ủy quyền cho HĐQT thực hiện hiệu quả nhất số vốn thu được. Sau đó HĐQT công ty dự kiến dùng số tiền thu được để trả nợ vay ngân hàng.

Tuy vậy, trong quá trình chờ đợi việc chấp thuận kết quả phát hành thì một số khế ước vay ngân hàng đã đến hạn, công ty bố trí nguồn khác để trả nợ. Do vậy HĐQT công ty quyết định chuyển hướng - dùng 28 tỷ đồng từ phát hành ESOP để thanh toán tiền mua văn phòng cho công ty.

Đáng chú ý, những biến động nhân sự, những thay đổi về kế hoạch tài chính này đều diễn ra trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Ngày 8/5 tới đây XNK Đông Dương mới chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Thời gian và địa điểm tổ chức chưa được công bố.

Nợ phải trả lớn hơn vốn chủ sở hữu, áp lực 300 tỷ đồng trái phiếu đến hạn

Báo cáo tài chính quý 1/2023 ghi nhận tính đến hết quý 1 vốn chủ sở hữu công ty đạt xấp xỉ 780 tỷ đồng. Tuy vậy tổng nợ phải trả gần 1.050 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu hơn 1,34 lần. Trong cơ cấu nợ vay, dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 819 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 119 tỷ đồng, tương ứng dư vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn 938 tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng nợ phải trả.

Trong số nợ vay của XNK Đông Dương, có lô trái phiếu DDGH2123001 trị giá 300 tỷ đồng. Lô trái phiếu này phát hành ngày 10/5/2021, đáo hạn ngày 10/5/2023 – tương ứng chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày đáo hạn. Có 2 tổ chức và 33 cá nhân mua số trái phiếu này. Lô trái phiếu do Chứng khoán Bảo Việt tư vấn, đại diện người sở hữu trái phiếu, đại lý đăng ký lưu ký, thanh toán và chuyển nhượng; Ngân hàng Vietcombank là bên quản lý tài sản đảm bảo.

Trái phiếu có lãi suất 11,5%/năm, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Số tiền huy động từ đợt phát hành này để đầu tư dự án sản xuất hơi và sấy hèm cho CTCP Nhà máy bia Heniken Việt Nam – Vũng Tàu giai đoạn 2 (170 tỷ đồng) và Dự án thu hồi và sản xuất khí CO2 hóa lỏng từ lò hơi (130 tỷ đồng).

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là 15 triệu cổ phiếu DDG trị giá 488 tỷ đồng tính theo giá đóng cửa bình quân 30 phiên trước ngày 26/4/2021 – tương ứng giá bình quân khoảng 32.500 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra còn có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình xây dựng trên đất với tổng diện tích 7.975,2m2, 01 hệ thống lò hơi tầng sôi công suất 35 tấn/giờ và máy móc, thiết bị cho hệ thống sấy hèm bia tại KCN Trà Nóc, quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ. Tài sản này được định giá 156 tỷ đồng.

Áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn trong mấy ngày tới, XNK Đông Dương có gì?

Tính đến hết quý 1/2023 XNK Đông Dương còn 13 tỷ đồng tiền và tươg đương tiền, ngoài ra còn 55,6 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 3-12 tháng. Tuy vậy khoản tiền gửi này đã mang đi thế chấp cho các khoản vay của ngân hàng.

Ngoài áp lực trái phiếu 300 tỷ đồng đến hạn, khoản dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 819 tỷ đồng cũng đang là là áp lực của XNK Đông Dương.

Ngày 10/5 tới đây lô trái phiếu 300 tỷ đồng đến ngày đáo hạn.

“Soi” lại tài sản đảm bảo cho thấy, với đà giảm sàn liên tục của DDG, số 15 triệu cổ phiếu thế chấp hiện tại giá trị đã giảm đi hơn 3/4, còn khoảng 110 tỷ đồng. Cộng với giá trị định giá tài sản quyền sử dụng đất 156 tỷ đồng, thì tổng tài sản thế chấp cho lô trái phiếu này còn khoảng 270 tỷ đồng. Đây có thể cũng là nỗi lo của các trái chủ?

XNK Đông Dương mới đây công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với doanh thu giảm sút 8% về 159 tỷ đồng và lợi nhuận vỏn vẹn gần 200 triệu đồng trong khi quý 1 năm ngoái còn lãi sau thuế gần 13,8 tỷ đồng.

Liệu nỗi lo 300 tỷ đồng trái phiếu đến hạn? Hay những biến động nhân sự? Hay kết quả kinh doanh bết bát? Hay những kế hoạch thay đổi trước thềm ĐHCĐ? là nguyên nhân khiến DDG sập sàn 17 phiên liên tiếp?

1 Likes