Mới: MBB: Sẽ không phát sinh nợ xấu từ Novaland và Trung Nam

Hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Quân đội được dự báo sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay nhờ chi phí vốn giảm và nhu cầu tín dụng được cải thiện. Đặc biệt, dự báo nhà băng này sẽ không phát sinh nợ xấu từ Novaland và Trung Nam.

Dự báo NIM sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay

Mặc dù suy giảm so với quý 1/2023 nhưng tỷ lệ NIM của Ngân hàng Quân đội vẫn được giữ ở mức cao trong quý 2/2023.

Chứng khoán Vietcap vừa có cập nhật mới nhất về tình hình hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Quân đội (Ngân hàng Quân đội, mã cổ phiếu MBB – sàn HoSE). Theo đó, tỷ lệ NIM (thu nhập lãi thuần) của nhà băng kỳ vọng sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay.

Trong quý 2/2023, tỷ lệ NIM của Ngân hàng Quân đội đã giảm xuống mức 4,94%, giảm 59 điểm cơ bản so với quý 1/2023. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí vốn cao kéo dài từ đầu năm, cùng với đó là tăng trưởng tín dụng thấp trong phần lớn nửa đầu năm 2023; đây cũng là tình trạng chung đối với hầu hết các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đáng chú ý, dữ liệu của Vietcap cho thấy, trong số các ngân hàng không có công ty con tài chính tiêu dùng, Ngân hàng Quân đội giữ vị trí “quán quân” về tỷ lệ NIM trong quý 2/2023.

Xu hướng NIM của Ngân hàng Quân đội qua các quý. (Nguồn: BCTC Ngân hàng Quân đội)

Vietcap cho biết theo thông tin từ Ngân hàng Quân đội, chi phí huy động vốn của nhà băng này bắt đầu giảm trong tháng 7/2023 sau đợt cắt giảm lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, gần đây đã có những dấu hiệu phản ánh nhu cầu tín dụng được cải thiện.

Do đó, Vietcap dự phóng tỷ lệ NIM của Ngân hàng Quân đội trong cả năm 2023 sẽ ở mức 5,55%, so với mức 5,35% trong nửa đầu năm 2023. Cơ sở dự báo của Vietcap dựa trên nhận định nhu cầu tín dụng đối với Ngân hàng Quân đội nói riêng, toàn hệ thống ngân hàng nói chung sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2023; chi phí huy động của Ngân hàng Quân đội sẽ giảm do lãi suất huy động giảm và tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tăng; và tỷ lệ hình thành nợ xấu của Ngân hàng Quân đội giảm, cùng với đó, khả năng thu hồi nợ xấu tăng sẽ cải thiện tỷ suất sinh lời của tài sản có sinh lãi.

Không phát sinh nợ xấu từ Tập đoàn Novaland và Trung Nam trong năm nay

Thị trường hiện đang ghi nhận nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực trong ngành bất động sản và năng lượng tái tạo – hai lĩnh vực mà Ngân hàng Quân đội có mức dư nợ tín dụng đáng kể.

Đáng chú ý, Ngân hàng Quân đội hiện dự báo không có nợ xấu từ Trung Nam Group và Tập đoàn Novaland (mã cổ phiếu NVL - sàn HoSE) trong năm nay. Tính đến quý 2/2023, mức tín dụng của Trung Nam Group và Tập đoàn Novaland tại nhà băng này lần lượt đạt 9.000 tỷ đồng (chiếm 1,6% dư nợ tín dụng) và 7.000 tỷ đồng (chiếm 1,2% dư nợ tín dụng). Ngân hàng Quân đội đánh giá cả 2 tổ chức này đều có đủ dòng tiền để chi trả các nghĩa vụ tài chính với ngân hàng trong năm 2023.

Thị trường hiện đang ghi nhận nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực trong ngành bất động sản và năng lượng tái tạo – hai lĩnh vực mà Ngân hàng Quân đội có mức dư nợ tín dụng đáng kể. Điển hình, Tập đoàn Novaland đã có thể tái khởi động một số dự án quy mô lớn khi các vướng mắc pháp lý dần được giải quyết. Điều này cho phép tập đoàn bất động sản này hoàn thành các dự án và cải thiện dòng tiền.

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhiều chủ đầu tư dự án không kịp hoàn thành thủ tục COD đã có thể nhận được mức giá mua điện tạm thời trong khi đàm phán về cơ chế giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ đó giúp giảm thiểu rủi ro vỡ nợ.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Bên cạnh đó, Vietcap đánh giá nhu cầu tái cơ cấu nợ của các khách hàng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN tại Ngân hàng Quân đội tương đối thấp, có thể rơi vào khoảng 0,5% vào cuối năm nay. Do đó, Vietcap cho rằng tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của Ngân hàng Quân đội có thể tăng trong nửa cuối năm 2023.

Tuy nhiên, áp lực lên chi phí tín dụng của Ngân hàng Quân đội trong nửa cuối năm 2023 có thể giảm bớt do một số khoản nợ xấu đã từng được tái cơ cấu vào năm 2021 và ngân hàng này đã trích lập dự phòng đầy đủ. Ngoài ra, mặc dù nợ Nhóm 2 trong quý 2/2023 vẫn ở mức cao 3,59%, nhưng chỉ khoảng 30% có khả năng trở thành nợ xấu trong tương lai, theo đánh giá của Ngân hàng Quân đội.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu MBB đạt 18.100 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu MBB đã tăng 24%. Đáng chú ý, sau nhịp tăng kéo dài từ đầu tháng 6/2023 với mức tăng 23%, cổ phiếu MBB đang chịu áp lực điều chỉnh giảm trong 2 tuần qua với mức giảm hơn 7%.