Nửa đầu năm 2023, Đô thị Kinh Bắc báo lợi nhuận sau thuế gấp 10 lần cùng kỳ, đạt 2.068 tỷ đồng. Cổ phiếu KBC cũng tăng 55% trong 6 tháng gần nhất.
Thông tin Tập đoàn Apple của Mỹ đã chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam, Tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 - nhà máy kiểm định chip tại TP. HCM tổng trị giá 4 tỷ USD, tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương tổng vốn 1 tỷ USD hay những tập đoàn lớn như Boeing, Google, Walmart đang tập trung nghiên cứu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, tìm kiếm mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang trở thành câu chuyện đáng chú ý với nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trên thị trường chứng khoán những ngày qua.
Tính thiết thực của xu hướng các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới chọn Việt Nam làm bến đỗ đầu tư mới còn đến từ việc chiều 10/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức đến Việt Nam.
Tại buổi hội đàm cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo 2 nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình hợp tác và phát triển bền vững.
Đón sóng đầu tư, các cổ phiếu nhóm bất động sản khu công nghiệp như KBC, ITA, BCM, IDC, NTC,… đã có chuỗi 2 tuần tăng giá mạnh.
Tâm điểm trong số này là KBC của Đô thị Kinh Bắc. Đóng cửa phiên 8/9, cổ phiếu Kinh Bắc tăng 3,4% lên mức 35.400 đồng - mức đỉnh 1 năm. Nếu tính từ mức thấp điểm phiên 18/8, mã đã tăng 18% chỉ sau hơn 2 tuần.
Trong cùng thời điểm, khối lượng giao dịch cổ phiếu KBC liên tục tăng mạnh (duy trì trên ngưỡng 10 triệu cp/phiên). Dòng tiền lớn gia tăng vị thế sau khi cổ phiếu KBC vượt ngưỡng cản vùng 32.x đồng. Kháng cự gần nhất của cổ phiếu Kinh Bắc là vùng giá 39.x - 40.x đồng/cp (giá cũ hồi đầu tháng 8 năm ngoái).
Xét về câu chuyện kinh doanh, ghi nhận tại báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023, Đô thị Kinh Bắc ghi nhận doanh thu 4.551 tỷ đồng - tăng 277 tỷ đồng so với báo cáo tự lập; lợi nhuận sau thuế gấp 10 lần cùng kỳ, đạt 2.068 tỷ đồng.
Được biết năm 2023, công ty lên kế hoạch doanh thu kỷ lục 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.000 tỷ - gấp 2,6 lần thực hiện năm 2022. Như vậy, KBC đã thực hiện được 50% các chỉ tiêu đã đề ra.
Dòng tiền vững chắc cùng sức khỏe tài chính lành mạnh khi Kinh Bắc đã chi gần 3.900 tỷ đồng mua lại toàn bộ dư nợ trái phiếu trong 6 tháng đầu năm đang giúp cho tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu giảm 0,2 lần - mức tương đối lành mạnh khi so sánh với các công ty cùng ngành có vốn hóa tương tự.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, kết quả kinh doanh giai đoạn 2023 - 2024 của Kinh Bắc sẽ duy trì trên 2.000 tỷ đồng/năm nhờ hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch Trung tâm sản xuất công nghệ cao cũng như quỹ đất 687 ha tại dự án Tràng Duệ 3 đã được “mở khóa”.
Khu Công nghiệp Tràng Duệ tại TP. Hải Phòng
Tràng Duệ 3 dần trở thành điểm nóng thu hút dòng vốn FDI tại Hải Phòng và có thể thúc đẩy thuê đất khu công nghiệp từ những năm tới nhờ một số hợp đồng đáng chú ý có thể được ký kết như: Khoản đầu tư thêm 1 tỷ USD để mở rộng sản xuất và xây dựng nhà máy V3 từ LG Innotek hay Tập đoàn LG sẽ đầu tư thêm 3 tỷ USD để mở rộng LG Display và LG Electronics.
BCS cũng nhấn mạnh, dự án Khu đô thị Tràng Cát sẽ là động lực tăng trưởng cho KBC từ năm 2025 với tổng giá trị mở bán 59.000 tỷ đồng và lợi nhuận 34.000 tỷ đồng. Thêm vào đó, doanh nghiệp nhà Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm cũng được bổ sung thêm 1.263 ha quỹ đất dài hạn từ Khu công nghiệp Tân Tập, Lộc Giang và cụm công nghiệp Long An.
Dự phóng kế quả năm 2023, Chứng khoán BSC dự phóng doanh thu thuần của KBC đạt 8.459 tỷ đồng - tăng 790% YoY; lợi nhuận sau thuế cổ đông thiểu số đạt 2.780 tỷ đồng - tăng 82% so với cùng kỳ.
Cho năm 2024, Đô thị Kinh Bắc có thể ghi nhận doanh thu thuần 11.819 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông thiểu số đạt 2.933 tỷ, lần lượt tăng 40% và 6% so với năm trước.
Theo Kiến thức Đầu tư