Một ngân hàng lớn bị hàng chục cá nhân nộp đơn tố cáo lên công an

Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa tiếp nhận 34 bộ hồ sơ tố cáo, phản ánh về việc bị ‘hô biến’ từ tiền gửi tiết kiệm SCB sang bảo hiểm nhân thọ Manulife.

Nhiều người dân tìm tới cơ quan công an để tố cáo liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ - Ảnh: BÔNG MAI

Vào chiều nay 18-4, nhiều người dân đã tới văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để nộp đơn tố cáo Ngân hàng SCB liên kết với Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam, có hành vi chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Khách hàng cho biết được tư vấn đầu tư gói “Tâm an đầu tư”, “với cam kết sẽ sinh lợi nhuận cao”. Sau đó khách hàng phát hiện đây thực chất là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chứ không phải hợp đồng gửi tiết kiệm.

Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa tiếp nhận 34 bộ hồ sơ, gồm: đơn tố cáo, hồ sơ liên quan đến việc ký kết hợp đồng bảo hiểm Manulife Việt Nam, tài liệu về việc chuyển tiền (bản photo).

“Đơn và tài liệu trên chúng tôi sẽ báo cáo và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”, phía công an cho biết.

Cầm đơn tố cáo của mẹ để nộp cho công an, Tuyết My - con gái của bà Hồ Ngũ Muội (quận Tân Bình) - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: “Mẹ tôi năm nay đã 72 tuổi. Đó là khoản tiền tiết kiệm nhiều năm trời, mẹ sống chắt chiu từng đồng, không dám mua đồ mới, xài đồ cũ. Số tiền đó để chữa bệnh tim cho mẹ, điều trị ung thư cho ba. Nếu được tư vấn rõ ràng, gia đình tôi không bao giờ mua bảo hiểm nhân thọ với mức phí cao như vậy. Chúng tôi thật sự rất sốc, hoang mang, bất an”.

Tổng số tiền bà Muội đã đóng là hơn 320 triệu đồng. Do bà đã lớn tuổi nên người được bảo hiểm là con gái bà.

Khách hàng viết đơn tố cáo bị “hô biến” từ tiền gửi tiết kiệm sang bảo hiểm nhân thọ - Ảnh: BÔNG MAI

Tương tự, sau hơn nửa năm khiếu nại nhưng chưa được Manulife giải quyết thỏa đáng, hôm nay chị Thúy (huyện Bình Chánh) cũng nộp đơn tố cáo đến công an.

“Nếu biết bảo hiểm nhân thọ thì tôi không bao giờ tham gia. Tôi bị tư vấn đây là sản phẩm tiết kiệm đầu tư hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm, lãi suất cao, được tặng gói bảo hiểm cho nhà đầu tư”, chị Thúy bức xúc.

Trước đó, chị Thúy đã khiếu nại với công ty bảo hiểm, khẳng định bị giả chữ ký trên giấy xác nhận bàn giao hợp đồng bảo hiểm, yêu cầu được giám định chữ ký.

Sau đó phía Manulife báo khách hàng phải tự đi giám định. Chị đồng ý, nhưng đề nghị phải được cung cấp giấy tờ gốc, song bên công ty bảo hiểm từ chối yêu cầu này.

Mặc dù làm nội trợ, lâu lâu nhận may vá tại nhà, nhưng trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ lại ghi chị làm chủ kinh doanh hải sản với thu nhập tới 100 triệu đồng/tháng.

Chị Thúy đã đóng tổng cộng hơn 700 triệu đồng vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (gồm hơn 200 triệu đồng phần bảo vệ và 500 triệu đồng phần đầu tư). Riêng phần đầu tư, chị vừa làm thủ tục rút ra và bị lỗ hơn 100 triệu đồng.

Vào giữa tháng 2-2023, báo Tuổi Trẻ đăng tải loạt bài điều tra “Ép” người dân mua bảo hiểm, bên cạnh phản ánh việc nhiều người bị dồn vào thế buộc phải mua bảo hiểm khi vay vốn, còn có chuyện “Tiền tiết kiệm bỗng thành… bảo hiểm nhân thọ”.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1-2023, ông Doãn Thanh Tuấn - phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) - cho biết lúc thanh tra bốn doanh nghiệp bảo hiểm, cục đã phát hiện sai phạm nhất định. Sau khi hoàn thành kết luận thanh tra, Bộ Tài chính sẽ công bố rộng rãi theo quy định.

Vào hôm qua 17-4, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải xử lý nghiêm các đại lý bảo hiểm tự ý thay đổi các thông tin nêu trong tài liệu giới thiệu sản phẩm dẫn đến việc khách hàng nhầm lẫn.