Từ quy mô đàn lợn trên thế giới có thể thấy tiềm năng của thị trường vaccine dịch tả lợn Châu Phi rất lớn, là cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào miếng bánh béo bở này.
Thời gian vừa qua, dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã khiến ngành lợn của Việt Nam nói riêng và trên toàn Thế Giới nói chung điêu đứng với những con số thiệt hại chưa từng có, ảnh hưởng đến an ninh thực phẩm, kinh tế, xã hội và môi trường.
Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh lây nhiễm do virus gây ra và có nguồn gốc đầu tiên từ Châu Phi. Bệnh có thể bắt gặp ở bất kỳ loài lợn nào, ở bất kỳ lứa tuổi nào của lợn với khả năng lây lan vô cùng nhanh. Theo thống kê cho thấy, lợn nhiễm bệnh có tỷ lệ chết lên tới 100%.
Sự khủng hoảng do dịch tả lợn châu Phi gây ra
Theo thống kê của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, trên thế giới đã có 20 quốc gia báo cáo xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc, cũng là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất của thế giới.
Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện lần đầu tại châu Phi năm 1921, dịch có độ nguy hiểm cao khi gây tỷ lệ chết 100% trên đàn lợn. Từ đó đến nay, đã có hơn 4.000 công trình nghiên cứu liên quan đến virus dịch tả và phát triển vaccine của các nhà khoa học trên thế giới được công bố, tuy nhiên chưa có vaccine thương mại phòng dịch.
Trong những năm gần đây, dịch tả lợn Châu Phi đã liên tục hoành hành và gây thiệt hại lớn lên thị trường thịt lợn ước tính trị giá 250 tỷ USD trên thế giới. Năm 2018-2019, tại thời điểm dịch bệnh lan ra toàn Trung Quốc đã gây chết 1 nửa đàn lợn của nước này, ước tính thiệt hại lên tới 100 tỷ USD. Tính từ năm 2021, dịch bệnh đã lan ra gần 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia đứng đầu về sản xuất thịt lợn.
Theo số liệu từ báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc ngày 9/11, từ sau khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi vào tháng 8/2018, đến nay dịch bệnh đã lan rộng tại 18 quốc gia: Trung Quốc, Mông Cổ, Việt Nam, Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc, Timor-Leste, Indonesia, Papua New Guinea, Ấn Độ, Malaysia, Bhutan, Thái Lan, Nepal và Singapore.
Tại Việt Nam, theo Báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến hết tháng 10 vừa qua, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố. Hơn 18.000 con lợn đã phải tiêu hủy. Trong đó dịch bệnh xảy ra dai dẳng nhất là tại tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Đắk Lắk, Sơn La và Nghệ An…
Cục thú y cũng cho biết, dù ngành chăn nuôi ở các địa phương đã nỗ lực khống chế dịch bệnh nhưng đến lúc này số lợn chết vẫn chưa giảm. Thậm chí, một số gia đình chăn nuôi vứt trộm xác lợn chết xuống kênh, mương khiến xác lợn chết trương nổi kẹt vào những chiếc phao xích cứu sinh trên kênh tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Cảnh tượng này gây ra rất nhiều hệ lụy. Số lượng xác lợn chết nhiều, có những con nặng cả tạ không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà gây khó cho cả công tác xử lý. Thậm chí, Nghệ An đã buộc phải huy động máy xúc trục vớt đem đi chôn lấp. Đặc biệt, kênh 18A8 dẫn nước về xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu còn có cả xác lợn chết trôi về từ kênh đào Yên Thành.
Kênh đào vốn là để lấy nước chăn nuôi và sinh hoạt. Ví dụ như 56km từ Đô Lương dẫn nước tưới cho gần 30 nghìn ha đất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho 4 huyện và một thị xã. Nếu những xác lợn nhiễm bệnh thả xuống đây thì khó có thể lường trước được hậu quả nguy hiểm.
Tổng đàn heo trên thế giới dự báo còn 770 triệu con
Báo cáo gần đây của Vietcombank Securities dẫn thống kê của USDA cho biết, tổng đàn heo trên thế giới cuối năm 2023 đạt khoảng 769,7 triệu con, giảm 2% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm đàn lợn toàn cầu đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là do hoạt động tái đàn của người chăn nuôi giảm dần.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 trong các nước sản xuất thịt lợn lớn nhất trên thế giới, sau Trung Quốc và khu vực Châu u, Mỹ, Brazil và Nga. Xét về ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, Mỹ là quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất.
Tại khu vực Châu Âu, nhóm các quốc gia Tây Âu, đứng đầu về sản xuất thịt lợn trong khu vực này như Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ hầu như cũng ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong khi đó, nhóm các quốc gia tại Đông u như Ba Lan, Ukraina, Hungary chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi dịch trong các năm gần đây.
Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, ước tính tổng đàn lợn cuối 2022 khoảng 25 triệu con; tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2023 tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022. Tốc độ tăng trưởng đàn lợn các tháng năm 2023 thấp hơn năm 2022 ở cùng thời điểm. Chăn nuôi lợn cũng đang chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm quy mô nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các quy mô chuyên nghiệp và trang trại lớn.
Cơ hội vàng cho các doanh nghiệp sản xuất vaccine?
Với quy mô đàn lợn trên thế giới lên đến 770 triệu con, nhu cầu vaccine dịch tả lợn châu Phi trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng có thể sẽ rất lớn.
Theo phân tích của một nhóm chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, quy mô thị trường vaccine tính cho 10 nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới có thể lên tới 1.036 tỷ USD/năm. Quy mô này được ước tính trên giả ước giá vaccine khoảng 1,3 USD/liều, mỗi con lợn cần tiêm tối thiểu 1 liều/vòng đời và số lượng tiêm tối thiểu 50% đàn lợn và một năm sẽ có 2 lứa lợn được tiêm.
Tuy nhiên, một số quốc gia lớn như Mỹ và các nước Tây u do kiểm soát dịch tốt nên nhu cầu vaccine sẽ thấp. Trong khi đó, các quốc gia khác như Trung Quốc và Nga cũng đang cố gắng tự sản xuất được vaccine phòng bệnh nên có thể sẽ nhập khẩu trong một giai đoạn nhất định. Thị trường tiềm năng sẽ đến từ các quốc gia nhỏ hơn, có trình độ công nghệ sản xuất kém hơn như các quốc gia khu vực Đông Nam Á (Philippine, Indonesia, …) hay khu vực Trung và Nam Mỹ (Dominica,…) và khu vực Châu Phi.
Một số nước như Philippine hay Dominica đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với vaccines của Việt Nam, đã cho thử nghiệm thành công và sẵn sàng đặt hàng.
Nếu tính riêng tại thị trường Việt Nam, quy mô thị trường vaccine dịch tả lợn châu Phi có thể lên đến vài chục triệu USD. Điều này tạo ra cơ hội cho 3 doanh nghiệp tiên phong trong nước sản xuất vaccine có thể thu được nguồn lợi ích lớn và ổn định.
Cuối năm ngoái Việt Nam đã thương mại hóa và sản xuất thành công vaccine để phòng ngừa bệnh này. Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tại Việt Nam đã có 2 loại vaccine phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi được cấp giấy chứng nhận lưu hành là NAVET-ASFVAC của Công ty thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty AVAC Việt Nam.
2 loại trên là vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi thương mại đầu tiên trên thế giới được cấp phép lưu hành sau hơn 100 năm loại dịch bệnh này xuất hiện trên thế giới.
Ngày 4/9 vừa qua, tại Sóc Sơn, Hà Nội, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã kiểm tra tiến độ khảo nghiệm vaccine dịch tả lợn Châu Phi Dacovac-ASF2. Đây là loại vaccine dịch tả lợn châu Phi thứ 3 đã được khảo nghiệm, đạt tiêu chuẩn có tên DACOVAC-ASF2. Vaccine này do Công ty TNHH Dược và Thú y Dacovet thuộc Tập đoàn Dabaco nghiên cứu và phát triển.
DACOVAC-ASF2 là mẫu vaccine dịch tả lợn Châu Phi nhược độc đông khô. Vaccine đã được thử nghiệm trên đàn lợn của Tập đoàn Dabaco và đã được kiểm nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I.
Dabaco đã tiêm vắc xin tại 2 trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm: Trang trại lợn Cao Minh thuộc công ty Phát Đạt ở tỉnh Vĩnh Phúc và trang trại lợn Bùi Văn Toàn ở tỉnh Bắc Ninh. Mỗi trang trại tiêm vắc-xin cho 100 con lợn 4 và 8 tuần tuổi. Mỗi lứa tuổi 50 con. Hiện nay, vắc xin Dacovac-ASF2 đang được đăng ký thử nghiệm theo quy định hiện hành.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy vaccine đạt tiêu chuẩn về vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ từ 80 - 100% trên đàn lợn thí nghiệm. Hiện nay vacxin DACOVAC-ASF2 đang được khảo nghiệm để đăng ký lưu hành theo quy định.
Thông tin thêm về 3 doanh nghiệp sản xuất vaccine tại Việt Nam
Navetco là CTCP thuốc thú y trung ương, đang có sở hữu 65% cổ phần của nhà nước. Đây là doanh nghiệp chuyên về sản xuất vaccine nên có thế mạnh về thương hiệu, mạng lưới bán hàng. Công ty có quy mô tài sản khoảng 900 tỷ đồng với lợi nhuận hàng năm dưới 100 tỷ đồng.
AVAC là công ty có vốn điều lệ 586 tỷ đồng, được góp vốn 28% bởi quyền sở hữu trí tuệ đối với DMAC - công nghệ về tế bào và virus, tạo được giống vaccine nhân trên tế bào dòng đối với dịch tả lợn châu Phi do Tiến sỹ Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc của AVAC sáng chế.
Tập đoàn Dabaco là một tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh với tổng tài sản hơn 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận hàng năm lên tới vài trăm tỷ cho đến hơn 1.000 tỷ đồng. Trên báo cáo tài chính quý 2, công ty ghi nhận đã đầu tư cho nhà máy sản xuất vaccine 138 tỷ đồng.
Trong số 3 công ty sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi, chỉ có Dabaco là đang niêm yết cổ phiếu DBC trên HoSE. Ngoài việc sản xuất vaccine, Dabaco hiện cũng đang chăn nuôi lợn với quy mô đàn lớn TOP đầu cả nước. Khi vaccine được thương mại hóa, Dabaco sẽ là khách hàng lớn của chính mình.