Sau phiên livestream 100 tỷ đồng của kênh TikTok Quyền Leo Daily, không ít người đặt câu hỏi về số tiền hoa hồng chủ kênh nhận được cũng như số tiền thuế mà họ phải đóng.
Thu về bao nhiêu sau phiên livestream 100 tỷ đồng?
Sau 17 tiếng livestream (ngày 4/5 – 5/5), kênh TikTok Quyền Leo Daily đã thu về 100 tỷ đồng. Đây là số doanh thu cao nhất từ trước đến nay của một phiên livestream bán hàng ghi nhận được trên nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam.
Hàng trăm mặt hàng, từ đồ gia dụng, điện tử, thực phẩm đến mỹ phẩm,… được mở bán với nhiều mặt hàng được giảm giá lên tới 70%. Phiên livestream của kênh TikTok Quyền Leo Daily đã thu hút hàng chục nghìn người xem, đỉnh điểm có lúc thu hút hơn 60.000 người xem và nhiều sản phẩm “cháy hàng” chỉ sau vài phút lên sóng.
Trước đó, kênh TikTok Quyền Leo Daily cũng đã thu về hơn 72 tỷ đồng trong phiên livestream 12 tiếng hồi tháng 3.
Với doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng trong một phiên live, chủ kênh có thể thu về hàng tỷ đồng lợi nhuận. Theo anh Dương Vũ, người sáng lập của MCN DEVEE LIVE, với con số doanh thu ấn tượng như vậy, thu nhập của chủ kênh Quyền Leo Daily có thể lên tới mười chữ số.
Phiên livestream 100 tỷ của kênh TikTok Quyền Leo Daily.
Anh Dương Vũ cho hay, thông thường hoa hồng bán hàng của KOC/seller sẽ ở mức 10 – 15% tổng doanh số bán ra trong mỗi phiên livestream. Ngoài ra, chủ kênh còn có thể nhận được một khoản tiền phí quảng cáo, bán sản phẩm cho các thương hiệu.
Chủ kênh Quyền Leo Daily, anh Lã Quốc Quyền, cũng từng thừa nhận số tiền thu về sau phiên livestream 75 tỷ hồi tháng 3 có thể lên tới tiền tỷ nhưng chưa tính quảng cáo, tiền thuế và nhiều chi phí khác.
Song, doanh thu thực tế của các phiên livestream thực sự là một… ẩn số. Theo ông Hạ Hồng Việt, Founder & CEO Công ty Cổ phần Truyền thông & Chiến lược Sellator, tính xác thực của doanh thu 100 tỷ này chỉ có người trong cuộc mới biết.
Doanh thu của một phiên livestream gồm tất cả các đơn hàng phát sinh trong phiên live, bao gồm cả đơn hủy và đơn hoàn. Tuy nhiên, số lượng hủy đơn chính xác là bao nhiêu thì chỉ có chủ kênh mới biết, ông Việt lý giải.
Ngay cả chủ kênh Quyền Leo Daily cũng từng chia sẻ rằng không thể xác định ngay được tỷ lệ hủy đơn trên phiên livestream mà phải cần vài ngày sau mới có con số cụ thể. Ngoài ra, cũng có nhiều lý do khiến khách hủy đơn, như khách hàng cảm thấy không cần món đồ đó nữa hay có thể mua nơi khác với giá hấp dẫn hơn,…
“Thất thu thuế là có”
Theo thống kê của Bộ Công thương, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của nước ta đạt khoảng 20,5 tỷ USD trong năm 2023. Tính đến tháng 12/2023, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử.
Khi ngày càng có nhiều phiên livestream chục tỷ, trăm tỷ đồng xuất hiện, nhiều người đặt ra câu hỏi “số tiền thuế mà các chủ kênh TikTok này phải đóng là bao nhiêu?”
Bán hàng qua livestream đang là hình thức bán hàng phổ biến.
Theo quy định hiện hành, thuế suất thuế kinh doanh thương mại điện tử với cá nhân, hộ kinh doanh dao động từ 1,5% - 10%. Trong đó, những người có thu nhập từ các nền tảng như Facebook, TikTok, Youtube,… đóng mức thuế 7% trên doanh thu. Như vậy, về lý thuyết, nếu có doanh thu 100 tỷ đồng thì chủ kênh phải nộp 7 tỷ đồng thuế cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, lĩnh vực bán hàng qua livestream đang ngày càng phát triển mạnh, kéo theo đó là những thách thức mới cho công tác quản lý thuế của các cơ quan thuế.
Đại diện của Tổng cục Thuế từng thừa nhận việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi các chủ kênh không đăng ký kinh doanh hay không có cơ sở kinh doanh cố định.
Bên cạnh đó, nhiều thách thức về luồng tiền hay sự đa dạng về phương thức cũng khiến cơ quan thuế gặp khó trong việc kiểm soát hoạt động thanh toán, dẫn đến nhiều trường hợp thất thu thuế.
PGS – TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Việc thất thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, trong đó có cá nhân livestream bán hàng là có”. Theo ông Thịnh, cơ quan thuế cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, thúc đẩy thu thuế kinh doanh online. Đồng thời, cũng cần có các hình thức tuyên truyền, biểu dương các cá nhân nộp thuế cao cũng như nêu tên các cá nhân không kê khai nộp thuế để răn đe.
Khánh Tú
https://vietnamfinance.vn/mot-phien-livestream-ban-hang-tram-ty-phai-nop-thue-bao-nhieu-d110334.html