Ngày 13/5, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam điều chỉnh tỷ lệ room của mã chứng khoán MSN. Cổ phiếu của Tập đoàn Masan sẽ được nâng tỷ lệ room ngoại từ 46,326% lên 49%, tương ứng tăng lên gần 75 triệu cổ phiếu, qua đó số lượng chứng khoán nhà đầu tư nước ngoài được phép nắm giữ ghi nhận hơn 737,6 triệu cổ phiếu.
Tính đến ngày 13/5, số lượng cổ phiếu MSN được khối ngoại nắm giữ ghi nhận hơn 433 triệu đơn vị, tương ứng với tỷ lệ nắm giữ là 28,77%. Như vậy, số lượng room ngoại còn lại của Masan là 20,23%.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), việc nới room ngoại các doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường.
Trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán, tập trung phát triển theo xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, phát triển nhanh và bền vững.
Nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi đóng vai trò quan trọng, đây cũng là mục tiêu được đưa ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2025.
Theo bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí, hiện còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện đó là ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá của các tổ chức, khi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn lớn có tính ổn định cao từ 8-10 tỷ USD.
Như vậy, nhờ việc được nâng room ngoại và tính thanh khoản cao, Tập đoàn Masan sẽ được hưởng lợi từ sự kiện FTSE Russell nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.