Tổng nợ vay của Masan ghi nhận hơn 69.653 tỷ đồng, xấp xỉ so với đầu năm, chiếm gần 48% nguồn vốn. Hệ số nợ phải trả gấp 2,77 lần vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp này đang trong tình trạng "nợ ngắn hạn" vượt quá "tài sản ngắn hạn" với số tiền khoảng gần 7.000 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán quý 1/2024 vừa công bố, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN ) đạt doanh thu hơn 18.854 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Các khoản chi phí được tiết giảm như chi phí tài chính giảm 4% xuống còn hơn 1.899 tỷ đồng (chủ yếu là chi phí lãi vay gần 1.622 tỷ đồng); chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ tăng nhẹ lần lượt 8% và 13% so với cùng kỳ, ghi nhận lần lượt 3.580 tỷ đồng và 971 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 của Masan đạt gần 479 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại Masan Group âm hơn 1.631 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2023 dương hơn 2.355 tỷ đồng. Trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 35 tỷ đồng (cùng kỳ 2023 âm hơn 341 tỷ đồng); lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm gần 1.540 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm hơn 56 tỷ (cùng kỳ 2023 dương hơn 5.279 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, Masan Group phải trả gần 1.622 tỷ đồng lãi vay, giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ, tương ứng mỗi ngày phải trả khoảng gần 18 tỷ đồng cho khoản này. Áp lực trả lãi đến từ khoản nợ vay lớn của doanh nghiệp.
Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của Masan Group giảm nhẹ 1% so với đầu năm đạt hơn 146.522 tỷ đồng. Trong đó tài sản ngắn hạn giảm gần 3% xuống còn hơn 42.629 tỷ đồng và tài sản dài hạn đạt hơn 103.893 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu ghi nhận hơn 38.833 tỷ đồng; nợ phải trả tại Masan giảm nhẹ 1% so với đầu năm, ghi nhận gần 107.689 tỷ đồng gồm 49.428 tỷ đồng nợ ngắn hạn và hơn 58.260 tỷ đồng nợ dài hạn. Trong đó, tổng nợ vay tại Masan ghi nhận hơn 69.653 tỷ đồng, xấp xỉ so với đầu năm, chiếm gần 48% nguồn vốn. Hệ số nợ phải trả gấp 2,77 lần vốn chủ sở hữu.
Như vậy, doanh nghiệp này đang trong tình trạng "nợ ngắn hạn" vượt quá "tài sản ngắn hạn" với số tiền khoảng gần 7.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, nợ ngắn hạn là những khoản nợ mà doanh nghiệp phải hoàn tất nghĩa vụ trả nợ trong không quá một năm hoặc không quá một chu kỳ hoạt động thông thường.
Doanh nghiệp thường thanh toán các khoản nợ ngắn hạn bằng tài sản lưu động (là tiền mặt, các khoản phải thu khách hàng), sử dụng hết trong vòng 01 năm hoặc một chu kỳ hoạt động.
Tại Masan Group, tính đến 31/3/2024, tiền và các khoản tương đương tiền còn hơn 8.492 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm có hơn 10.124 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn hơn 14.304 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu khách hàng có hơn 2.496 tỷ đồng.
Mới đây, ngày 23/4, Masan Group đã hoàn tất thành công việc huy động vốn cổ phần trị giá 250 triệu USD từ Bain Capital (Bain), quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD.
Theo quy đổi ở mức 25.356 VND/USD, tỷ giá USD/VND đang ở mức đỉnh, Masan tiếp nhận 6.228 tỷ đồng tiền mặt thuần từ khoản đầu tư này, giúp cải thiện đáng kể bảng cân đối kế toán của công ty. Masan sẽ tiếp tục tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế để giảm đòn bẩy và giảm chi phí lãi vay với mục tiêu Nợ ròng trên EBITDA là <3,5x.
Trong 2 năm vừa qua, Masan đã thành công huy động được 1,5 tỷ USD từ thị trường vốn toàn cầu. Trong quý 4/2023, công ty đã phòng ngừa thành công 100% rủi ro các khoản nợ dài hạn bằng đồng USD với các điều khoản hợp lý: 950 triệu USD tiền gốc vay được chuyển đổi sang VND ở tỷ giá 23.937 VND/USD và lãi suất cố định ở mức 8,93% mỗi năm.
Theo đó, hoán đổi lãi suất (Interest Rate Swaps) kết hợp với FX kỳ hạn: 45 triệu USD thanh toán gốc vào năm 2024 với tỷ giá (FX) là 24.005 VND/USD; 300 triệu USD có lãi suất cố định 6,48% mỗi năm trong 5 năm với tỷ giá 1 năm (1-year FX) ở mức 23.790 VND/USD để giảm thiểu rủi ro liên quan đến tiền tệ và lãi suất. Do đó, việc đồng USD tăng giá gần đây không gây tác động trọng yếu đến lợi nhuận của công ty.
Bên cạnh đó, vào ngày 20/4 vừa qua, Ngân hàng Techcombank (TCB), công ty liên kết của Masan đã thông qua phương án chia cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền mặt. Sở hữu 19,9% lợi ích kinh tế tại TCB, Masan dự kiến sẽ nhận được hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt trong 6 tháng tới, giúp công ty thuận lợi trong công tác giảm đòn bẩy tài chính.
PV