Muốn vay lãi suất thấp phải lên... truyền hình?

Câu chuyện giảm lãi suất cho vay vẫn chưa có hồi kết, khi đại diện các DN vẫn không ngừng kiến nghị các ngân hàng hạ lãi suất cho vay, giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay để hỗ trợ DN.

Đầu vào giảm thật, đầu ra mơ hồ

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, UOB Việt Nam chia sẻ với báo chí gần đây, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục, và có thể đã chạm đáy nếu tính trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế.

Theo ghi nhận thị trường, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đang nằm dưới 6%/năm. Ở nhóm Big 4, lãi suất huy động cao nhất chỉ 5%/năm, lãi suất huy động thấp nhất đã rơi về mức 1,6%/năm. Ở nhóm NHTMCP, lãi suất tiền gửi cao nhất của kỳ hạn 12 tháng là 5,2%/năm, và cao nhất ở kỳ hạn 18 tháng cũng chỉ ở mức 5,6%/năm.

Thường nghe rằng, lãi suất huy động sẽ tác động đến lãi suất cho vay. Như vậy lãi suất huy động cao thì lãi suất cho vay cao và ngược lại. Song thực tế và lý thuyết có một khoảng cách rất xa. Bởi mặt bằng lãi suất huy động giảm về vùng đáy, phù hợp với thông điệp xuyên suốt của Chính phủ thời gian qua là yêu cầu ngành NH tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Để nắm được tình hình lãi suất, Thủ tướng yêu cầu ngành NH phải thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay.

Quan sát cho thấy, đến ngày 10-4 vừa qua, các NH cũng đã hoàn tất công bố lãi suất cho vay bình quân cho hợp đồng giải ngân trong tháng 3 theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân của Vietcombank là 6,4%/năm, BIDV là là 6,49%/năm, VietinBank là 6,3%/năm, Agribank đang là 7,47%/năm. Ở nhóm NHTMCP, ngoại trừ MSB có mức 6%/năm, lãi suất cho vay bình quân của các NH khác dao động từ 7,09%/năm đến 9,93%/năm.

Nếu nhìn vào công bố đó, có NH lãi suất cho vay thấp nhưng có NH vẫn đang áp dụng lãi suất cao. Ngoài ra, lãi suất “bình quân” có nghĩa là cộng tất cả chia đều, vậy trong đó vẫn có thể hàm chứa những khoản rất cao và những khoản rất thấp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH cho biết, để người dân và các thành phần kinh tế có thể so sánh được lãi suất của các NH cao hay thấp, NHNN cần phải có một chuẩn mực. Chuẩn mực cụ thể là lãi suất cho vay theo thời hạn nào, có tài sản bảo đảm hay không. Còn nếu tính lãi suất bình quân, mỗi NH cũng có một mẫu số riêng nên rất khó có thể xem được là NH này lãi suất cao, NH nào lãi suất thấp.

Vẫn sẽ lẩn quẩn câu chuyện lãi suất

Tính đến ngày 10-4, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt trên 1%, trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng gần 2,5%. Cũng dễ hiểu, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH khá mờ nhạt vào đầu năm nay do nhiều nguyên nhân, có thể phải cần một thời gian để trở lại trạng thái bình thường.

Dĩ nhiên các NH cũng có sự sốt ruột, nên hàng loạt gói tín dụng cho tất cả các lĩnh vực ồ ạt tung ra thị trường với những mức lãi suất rất thấp. Đây cũng chỉ là một hình thức quảng bá để thu hút khách hàng. Khách đến, NH sẽ sàng lọc lại để cho vay. Tức không phải ai cũng tiếp cận được gói vay đó, không phải ai cũng tiếp cận được lãi suất thấp mà NH “quảng cáo”.

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa TPHCM cho biết, hỏi các DN họ vẫn kêu khó tiếp cận vốn NH. Còn hỏi NH thì nói đang tìm mọi biện pháp để tiếp cận DN. Nhưng cuối cùng 2 bên vẫn khó gặp nhau. Để khơi thông, các NH cần nghiên cứu tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, cần giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với DN, tăng khả năng cho vay tín chấp bằng phương pháp kinh doanh quản lý nguồn thu…

Cũng vấn đề này, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, việc vay vốn của DN lớn trong ngành đang chững lại, để chờ đợi tín hiệu tốt hơn từ thị trường xuất khẩu. Còn với nhóm DN vừa và nhỏ, trong đó có nhóm có chiến lược kinh doanh tương đối tốt có quan hệ chặt chẽ với NH, cũng cho biết các gói vay ưu đãi rất khó tiếp cận, thậm chí có nhiều DN còn không biết đến gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho ngành thủy sản vừa qua. Hiện lãi suất DN vay vốn bằng VNĐ hiện nay từ 6-7%/năm đối với DN tốt và khoảng 8-8,5%/năm đối các DN nhỏ không có nhiều tài sản đảm bảo.

Theo một chuyên gia kinh tế, có thể hiểu tín dụng là một mặt hàng được bày bán tại các cửa tiệm của tổ chức tín dụng. Món hàng này phải đảm bảo 2 điều kiện. Một là có chất lượng tương đối, khá dài để xoay xở trong chu kỳ kinh doanh. Hai là giá (tức là lãi suất) phải phù hợp. Tuy nhiên thời gian qua, các đại án kinh tế khiến thị trường vốn chao đảo, ảnh hưởng lên thị trường tiền tệ, và từ đó các NH phải xử lý bài toán thanh khoản.

Trước đây NH đã trải qua giai đoạn ồ ạt huy động vốn lãi suất cao để phòng bị khả năng chi trả. Chi phí vốn này không thể tất toán ngay một sớm một chiều phải kéo dài, điều đó làm cho lãi suất cho vay thời gian qua vẫn tương đối cao.

Trong khi câu chuyện giảm lãi suất cho vay vẫn còn nóng, thì ở đầu vào, lãi suất huy động đã rục rịch tăng trở lại sau đúng 1 năm duy trì đà giảm. 7 NHTMCP đã quay xe tăng lãi suất kể từ đầu tháng 4.

Gần đây, cả VietinBank cũng đã tham gia vào xu hướng này. Dự báo của UOB Việt Nam vừa đưa ra cho biết, tín dụng trong nước vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý I và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II hàng năm. Theo đó, lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng lại 0,5-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024.

Những gói lãi suất rất thấp NH đưa ra chỉ là một hình thức quảng bá để thu hút khách hàng. Khách đến, NH sẽ sàng lọc lại để cho vay. Tức không phải ai cũng tiếp cận được gói vay đó, không phải ai cũng tiếp cận được lãi suất thấp mà NH quảng bá.

YÊN MINH - Link gốc

https://dttc.sggp.org.vn/muon-vay-lai-suat-thap-phai-len-truyen-hinh-post113480.html