MWG là một trong những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của nước ta, với hệ sinh thái đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Trong năm 2024, MWG là một trong những cổ phiếu thường xuyên được nhắc đến khi có giai đoạn mã này là “top pick” của các công ty chứng khoán, cũng như “must have” trong danh mục của nhà đầu tư. Tuy nhiên từ sau tin đồn lợi nhuận không đạt kỳ vọng hồi đầu Q3 vừa qua, giá cổ phiếu nhanh chóng sụt giảm từ vùng 70 và có lúc đã chạm vào vùng giá 60.x khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Bài viết này sẽ phân tích những luận điểm đầu tư để nhà đầu tư có thể yên tâm nắm giữ MWG khi vào chu kì hái quả ngọt.
I. Kết quả kinh doanh Q3/24
Theo BCTC Q3/24 của MWG, doanh thu thuần của công ty ghi nhận 34.147 tỷ đồng – tăng 12,7% yoy trên mức nền thấp của năm 2023. Do mức tăng của giá vốn hàng bán thấp hơn mức tăng của doanh thu, nên lãi gộp của doanh nghiệp đạt 6.891 tỷ đồng, biên lãi ghi nhận 20,2% - cao hơn cùng kỳ nhưng thấp hơn 1,2% so với Q2. Theo đó, biên lãi này giảm so với Q2 bởi thay đổi cơ cấu sản phẩm theo yếu tố mùa vụ, cụ thể là đo được lượng sản phẩm Apple nhiều hơn trong Q3/24. (Hình 1)
Trong kì, chúng tôi chú ý đến khoản doanh thu tài chính. Tuy con số này chỉ đạt 575 tỷ nhưng lãi từ đầu tư trái phiếu tăng hơn 300 tỷ đồng trong bối cảnh gửi tiết kiệm có lãi suất thấp, các kênh đầu tư chính thống an toàn khác đều không có sự tăng trưởng tốt. Chúng tôi kỳ vọng sang Q4 doanh thu tài chính vẫn đạt ở mức trên 550 tỷ đồng như trong Q3 vừa qua. (Hình 2)
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy chi phí quản lý doanh nghiệp trong 3 quý gần đây đều tăng mạnh, chủ yếu đến từ khoản mục “Chi phí nhân viên”. Sau đợt cắt giảm mạnh nhân sự, tính đến 30/9/24 số lượng nhân viên của công ty là 60.258 – giảm 7,9% so với đầu năm và giảm 11,9% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, chi phí cho nhân viên tính trong Q3 là 811 tỷ đồng – tăng gần 600 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trả lời về vấn đề này, trong cuộc họp tháng 5 vừa qua, ông Đức Tài – Chủ tịch HĐQT – đã chia sẻ rằng đây là việc giảm lượng tăng chất nên dù số lượng giảm nhưng thực tế chất lượng tăng và tiền lương cũng cần tăng theo. Chúng tôi cho rằng Q4 con số này sẽ duy trì ở mức cao để giữ chân nhân viên chất lượng tốt – theo như chia sẻ của ông Tài. (Hình 3)
Kết quý, MWG ghi nhận LNST đạt 800 tỷ đồng – tăng mạnh 1.976% yoy. Tuy nhiên do ảnh hưởng từ bão Yagi cũng như sức mua yếu của thị trường nên MWG đã đứt chuỗi tăng trưởng 4 quý liên tiếp trước đó. Biên lãi ròng đạt 2,3% - thấp hơn đáng kể so với con số 3,9% thiết lập được ở Q2/24 vừa qua.
Như vậy lũy kế 9T24, công ty ghi nhận doanh thu đạt 99.767 tỷ đồng (+15%) và LNST đạt 2.881 tỷ đồng (+4,600% yoy). Với kết quả đạt được, MWG đã hoàn thành lần lượt 79,8% và 120% kế hoạch năm 2024. Có thể nói 2024 là một năm thắng lớn của Thế giới di động khi đã quay trở lại đường đua và ghi nhận tăng trưởng trở lại. Đối với team, điểm nhấn đầu tư lớn nhất với MWG là chuỗi Bách hóa xanh đã ghi nhận lãi sau chuỗi 8 năm dài kinh doanh. Bên cạnh đó, mảng ICT cũng ghi nhận tăng trưởng dương cũng sẽ là điểm cộng để nhà đầu tư yên tâm nắm giữ cổ phiếu này.
II. Luận điểm đầu tư
1. Mảng ICT (Điện máy xanh + Thế giới di động)
Trong Q3, doanh thu mảng ICT đạt 22.410 tỷ đồng, tăng 7,8% yoy nhưng giảm 2,3% so với quý trước. Riêng trong tháng 9, doanh thu của TGDĐ và ĐMX đạt tổng 7,8 nghìn tỷ đồng một phần do ra mắt sản phẩm iphone 16 khiến doanh số điện thoại tăng 50% so với tháng 8. Bên cạnh đó, ngành hàng máy tính xách tay cũng duy trì mức tăng trưởng ổn định theo tháng trong mùa tựu trường, cùng với ngành hàng máy giặt tăng trưởng hai chữ số so với tháng trước do đang trong giai đoạn mưa nhiều.
Lũy kế 9T24, doanh thu 2 chuỗi đạt 66,7 nghìn tỷ (+4% yoy) trong đó ĐMX vãn là chuỗi đóng góp chính với mức tăng trưởng 5% yoy. Tuy nhiên biên lãi sau thuế toàn chuỗi giảm 3,8% do ghi nhận chi phí đột biến từ 150 cửa hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. (Hình 4)
Đối với mảng ICT, chúng tôi cho rằng Q4 sẽ kém khởi sắc hơn so với Q3 bởi:
- Thông thường mảng di động sẽ ghi nhận doanh thu của tháng 10 cao hơn tháng bởi trong tháng 10 các mẫu iphone sẽ dễ dàng tiếp cận với người dùng hơn. Tuy nhiên, iphone 16 năm nay được đánh giá không có quá nhiều cải tiến so với 2 mẫu tiền nhiệm 14 và 15; trong khi đó nền kinh tế chưa thực sự khởi sắc nên chúng tôi rằng doanh số từ mảng iphone sẽ không còn cao đột biến như cùng kì.
Link: Đánh giá iPhone 16: Có nâng cấp gì mới? Có nên mua không?
-
Bên cạnh đó, năm 2023 thì iphone 15 chính thức “lên kệ” vào ngày 27/9 nên doanh số sẽ chủ yếu tập trung vào tháng 9. Còn năm 2024 thì iphone 16 mở bán sớm từ 22/9 nên chúng tôi cho rằng doanh số đã được tập trung một phần vào tháng 9, nên tháng 10 sẽ khó vượt qua mức tăng doanh thu của tháng 9. Trên thực tế, trong cuộc họp tháng 11 vừa qua, BLĐ MWG cho biết doanh thu chuỗi ICT đạt 7.800 tỷ đồng – tương đương số của tháng 9.
-
Ngoài ra, số lượng cửa hàng đóng trong Quý cũng giảm nhiều hơn so với dự tính của chúng tôi do bão, do hoạt động kém hiệu quả,… Nên doanh số Q4 đối với 2 chuỗi TGDĐ và ĐMX sẽ không còn tăng trưởng mạnh được như vừa qua.
-
Q4 cũng thường là quý thấp điểm của mảng ICT sau khi độ nóng của Iphone đã đi qua.
Như vậy, Q3/24 là cao điểm của mảng ICT đã qua. Chúng tôi cho rằng doanh số từ 2 chuỗi này trong Q4/24 sẽ vào khoảng 19 – 20 nghìn tỷ đồng, tương đương với cùng kì.
2. Mảng BHX – bước sang giai đoạn sau của tăng trưởng
Doanh thu chuỗi BHX vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý vừa qua khi doanh thu đạt 30.392 tỷ đồng (+42% yoy, + 5% qoq). Hiện doanh thu/cửa hàng cán mốc 2,1 tỷ đồng/tháng – con số cao nhất từ trước tới nay chỉ sau giai đoạn T7/21 đột biến do dịch Covid19. Thế nhưng điểm đáng nói nhất ở BHX đó là chuỗi này đang giảm dần lỗ lũy kế và có khả năng ghi nhận lãi ngay trong Q4/24. (Hình 5)
Theo báo cáo Q3 vừa qua, lỗ sau thuế luỹ kế của chuỗi BHX ghi nhận hơn 8,4 tỷ đồng – giảm mạnh so với con số 98,4 tỷ ở báo cáo bán niên. Như vậy ngay trong Q3, BHX đã ghi nhận lãi đậm 90 tỷ đồng sau khi ban lãnh đạo tìm ra công thức thành công. Theo chia sẻ của BLĐ thì chuỗi đang tập trung đẩy mạnh sản lượng bán thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh với mức bán phù hợp để cạnh tranh với nhóm chợ truyền thống. Trong tháng 10, MWG cho biết doanh thu đạt 3.600 tỷ đồng, số lượng cửa hàng đạt 1.738 và doanh thu/cửa hàng giữ ở mức 2,1 tỷ - tương đương tháng 9 vừa qua. (Hình 6)
Đối với chuỗi BHX, chúng tôi cho rằng sau khi đạt điểm hòa vốn thì doanh thu/cửa hàng sẽ khó tăng mạnh như thời gian trước. Bởi theo chia sẻ của CEO Phạm Văn Trọng, hiện nhiều điểm bán của BHX đã đạt tới ngưỡng tải phục vụ khi diện tích chỉ ở mức 150-200m2. Vì thế việc mở mới cửa hàng và tối ưu hóa chi phí sẽ đóng vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.
Chúng tôi tin rằng BHX vẫn còn nhiều dư địa phát triển, khi hiện tại tổng số cửa hàng chỉ đạt chưa tới 1.800 cửa hàng. Nếu lấy Winmart ngoài miền Bắc làm thước đo với tổng cửa hàng lên tới gần 4.000 cửa hàng trong năm 2024 thì có thể thấy BHX còn rất nhiều kì vọng tăng trưởng ở phía trước. Tuy nhiên BHX hiện tại chưa có kế hoạch Bắc tiến, nếu có cũng sẽ thử nghiệm 1-2 khu vực nhỏ. Chúng tôi cho rằng đây hoàn toàn là điều hợp lý, bởi hiện nay miền Bắc đang được thống trị bởi chuỗi Winmart, nên nếu MWG nóng vội đem chuỗi BHX ra đối đầu tại thời điểm cần tối ưu chi phí thì hoàn toàn không phù hợp với chiến lược đã đề ra.
3. Các mảng khác – chưa có đóng góp đáng kể vào tình hình kinh doanh chung.
Era Blue: Trong quý vừa qua, MWG mở mới 15 cửa hàng trong Q3, nâng tổng số cửa hàng lên 76. Chuỗi này vẫn ghi nhận lỗ ròng lũy kế 27 tỷ nhưng trong Q3 đã có lãi nhẹ 148 triệu và hòa vốn chỉ sau 1,5 năm. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, mục tiêu trong năm 2025 là 150 cửa hàng và tiến tới 500 cửa hàng trong 2027 và sẽ IPO trong năm này với doanh thu kỳ vọng 1 tỷ đô.
Nhà thuốc An Khang: Trong Q3, 155 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc này bị đóng cửa, lũy kế 9T đóng 201 cửa hàng. Doanh thu/cửa hàng trong quý cũng vì thế mà ghi nhận lỗ 148 tỷ đồng do chi phí đóng cửa hàng tăng mạnh. Có thể thấy MWG vẫn đang đi tìm công thức thành công cho chuỗi nhà thuốc này, cùng với đó là mạnh tay tái cơ cấu như cách đã làm với TGDĐ và ĐMX. Chúng tôi cho rằng sau khi tái cấu trúc thành công thì sẽ tiến tới giai đoạn tăng nguồn lực từ ngoài vào An Khang – có thể bằng cách bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược để tiến tới bước có lợi nhuận trong tương lai.
III. Kết luận, đánh giá
Để tổng kết lại, chúng tôi nhận thấy động lực tăng trưởng chính cho MWG vẫn sẽ nằm ở chuỗi Bách hóa xanh khi những mảng khác đang dần bão hòa.
- Chuỗi ICT đã qua mùa cao điểm, doanh thu sẽ chỉ quanh mốc 20.000 tỷ tương đương với cùng kỳ
- BHX có khả năng ghi nhận lãi ngay trong Q4 và sẽ là chất xúc tác chính cho giá cổ phiếu. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng doanh thu/cửa hàng đã chậm lại nên động lực tăng trưởng chính sẽ là tốc độ mở cửa hàng mới và tối ưu hóa chi phí trong cửa hàng.
- Chuỗi Era Blue và An Khang chưa có nhiều đóng góp vào sự tăng trưởng chung của tập đoàn. MWG đang trong quá trình tái cấu trúc và tìm công thức thành công cho 2 chuỗi này.
Có lẽ báo cáo Q3 của MWG vẫn ghi nhận tăng trưởng nhưng tốc độ đã chậm lại là lí do khiến giá cổ phiếu quay đầu giảm mạnh như giai đoạn vừa qua. Xét về kĩ thuật, hiện MWG đã chạm mốc EMA200 ngày và nhiều khả năng sẽ cần tái tích lũy quanh vùng giá 59-60 này. Chúng tôi cho rằng trong Q4, giá cổ phiếu có thể quay về vùng giá 65 – 67 khi có thông tin tích cực hơn về chuỗi BHX. Nhà đầu tư nhanh nhẹn hoàn toàn có thể trading với biên giá này.
———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-