Năm 2023, lượng nhập khẩu dầu ăn đã qua sử dụng của Mỹ tăng gấp hơn ba lần so với năm trước, trong đó hơn 50% đến từ Trung Quốc. Nông dân trồng dậu nành và một số cây nông nghiệp sử dụng nhiên liệu tái tạo tại Mỹ được cho là nhóm đối tượng có nguy cơ chịu thiệt hại nhiều nhất trước tình trạng dầu ăn đã qua sử dụng giá rẻ nhập khẩu ồ ạt vào nước này...
Ảnh minh họa: APTrong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị cho một đợt áp thuế mới nhằm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc, một tổ chức thương mại về đậu nành của Mỹ đang kêu gọi áp đặt thuế suất cao hơn với dầu ăn đã qua sử dụng từ Trung Quốc.
Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu Mỹ (NOPA), tổ chức đại diện cho các công ty chế biến đậu nành lớn nhất tại Mỹ như Cargill Inc., Bunge Global SA và Archer-Daniels-Midland Co., đề nghị áp thuế cao hơn mức 15,5% hiện tại – hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ một thông báo gửi các công ty thành viên của tổ chức này cho biết.
Giám đốc điều hành của NOPA, bà Kailee Tkacz Buller, cho biết thông báo trên được gửi đi nhằm phản ứng với những tin đồn rằng nhiều khả năng dầu ăn đã qua sử dụng sẽ bị áp thêm thuế nhập khẩu.
“Các công ty thành viên của NOPA ủng hộ việc thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng sạch như xe điện và năng lượng mặt trời, với mong muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng”, bà Buller cho biết.
Các công ty chế biến đậu nành lo ngại rằng thị trường sẽ “ngập” trong dầu ăn đã qua sử dụng từ Trung Quốc và làm sụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp canh tác trong nước mà sử dụng nhiên liệu tái tạo. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện một số tin đồn chưa được xác nhận rằng dầu ăn đã qua sử dụng từ châu Á có thể không phải loại nguyên bản mà đã được trộn với dầu thực vật tươi như dầu cọ. Điều này có thể làm giảm giá trị của mặt hàng và vi phạm luật về nhiên liệu sinh học của Mỹ.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu dậu nành có xu hướng giảm dù hợp đồng tương lai dầu đậu nành trên sàn hàng hóa Chicago tăng giá trong vài phiên giao dịch gần đây khi thị trường chờ tin về thuế nhập khẩu. Dự kiến, vào ngày 14/5, ông Biden sẽ công bố kế hoạch tăng một số loại thuế đã được áp đặt từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. Hiện chưa rõ dầu ăn đã qua sử dụng có nằm trong danh sách các mặt hàng bị tăng thuế hay không.
Theo các nhà giao dịch hàng nông nghiệp, nông dân trồng dậu nành và một số cây nông nghiệp sử dụng nhiên liệu tái tạo tại Mỹ là nhóm đối tượng có nguy cơ chịu thiệt hại nhiều nhất trước tình trạng dầu ăn đã qua sử dụng giá rẻ nhập khẩu ồ ạt vào nước này. Điều này có thể sẽ gây ra xung đột giữa các tổ chức nông nghiệp và các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học - nhóm đang được hưởng lợi khi nhập khẩu dầu ăn đã qua sử dụng từ Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC), năm 2023, lượng nhập khẩu dầu ăn đã qua sử dụng của Mỹ tăng gấp hơn ba lần so với năm trước, trong đó hơn 50% đến từ Trung Quốc. Sự gia tăng này gây thiệt hại về lợi nhuận cho các công ty chiết xuất dầu từ đậu nành nguyên hạt, khiến nhiều nhà máy phải giảm sản lượng.
NOPA dự kiến sẽ thảo luận vấn đề thuế với các công ty thành viên trong tuần này, đồng thời xem xét một số khả năng khác.
Về phía Trung Quốc, nước này hiện là quốc gia sản xuất dầu ăn đã qua sử dụng số 1 thế giới, giúp thúc đẩy quá trình dịch chuyển sang năng lượng tái tạo ở nhiều quốc gia. Mỹ hiện là khách hàng lớn nhất của dầu ăn đã qua sử dụng Trung Quốc, theo sau là Hà Lan, Tây Ban Nha, Singapore, Malaysia và Italy.
#box1715653518870{background-color:#9bbf9e}https://vneconomy.vn/my-lo-ngap-trong-dau-an-da-qua-su-dung-tu-trung-quoc.htm