Mỹ và Trung Quốc hiện đang bước vào một cuộc chiến thương mại căng thẳng. Cả hai bên đều không muốn nhượng bộ, và các mức thuế đã trở nên phi lý, với thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc vượt quá 100%, và dự kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục trả đũa.
Ở thời điểm này, việc mức thuế là 100%, 150% hay thậm chí 200% cũng không còn quá quan trọng vì thông điệp đã rõ ràng: bạn không được phép bán hàng ở đây.
Để đối phó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải in thêm tiền, phá giá đồng nội tệ, và tiếp tục hạ lãi suất để kích thích nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn, đồng thời chống đỡ đòn tấn công mạnh từ phía Tổng thống Trump.
Trong khi đó, Tổng thống Trump dường như đang nhắm đến việc cải thiện thâm hụt thương mại không chỉ với Trung Quốc mà với nhiều quốc gia khác. Một số nước, như Ý, đề xuất “0% đổi lấy 0%” rõ ràng không thỏa mãn mục tiêu của Tổng thống Trump. Điều này đồng nghĩa với việc thuế quan cao có thể sẽ kéo dài với nhiều quốc gia trong một thời gian nữa.
Tuy nhiên, Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt. Họ không chỉ trả đũa bằng thuế, mà còn bán trái phiếu Mỹ, điều này có thể đang làm gián đoạn kế hoạch lớn hơn của Tổng thống Trump.
Dù tổng thống Trump khẳng định không cố ý làm cổ phiếu giảm, nhưng thì câu hỏi đặt ra là: tại sao lại trấn an thị trường rồi sau đó gây sốc bằng những mức thuế khổng lồ? Lý do hợp lý duy nhất là:
Tổng thống Trump muốn lợi suất trái phiếu giảm. Và với việc FED từ chối hạ lãi suất cho đến khi lạm phát cải thiện, một cách để gây áp lực là khiến nhà đầu tư chuyển sang mua trái phiếu Mỹ, từ đó kéo lợi suất xuống.
Tại sao Tổng thống Trump cần lãi suất thấp? Bởi vì Mỹ đang đối mặt với khối nợ khổng lồ cần tái cấp vốn, ước tính 9,2 nghìn tỷ USD trong năm nay và 28 nghìn tỷ USD trong 4 năm tới. Nếu chi phí vay mượn vẫn cao, tiền lãi sẽ tăng vọt, làm lu mờ mọi nỗ lực giảm nợ quốc gia của tổng thống Trump.
Tuy nhiên, vấn đề là: Trung Quốc đang bán trái phiếu Mỹ, làm lợi suất tăng trở lại, thể hiện rõ qua việc lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ nhanh chóng vượt mốc 4,3%. Điều này đi ngược hoàn toàn với chiến lược của Tổng thống Trump.
FED có thể tỏ ra đang “đứng ngoài quan sát,” chờ đợi số liệu về lạm phát hay thất nghiệp, nhưng sớm muộn họ cũng sẽ phải lựa chọn: hoặc là hạ lãi suất, hoặc là ngồi nhìn thị trường chứng khoán và nền kinh tế bốc cháy.
Dù chọn cách nào, cuối cùng FED cũng sẽ phải in tiền, dù là thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ hay trực tiếp mua trái phiếu chính phủ Mỹ nếu thiếu người mua trong khi Trung Quốc tiếp tục xả hàng.
Cuối cùng, cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ phải in tiền. Và số tiền đó sẽ không nằm yên trong tài khoản tiết kiệm, nó sẽ chảy vào tài sản.
Đó là lý do tại sao trong ngắn hạn, hỗn loạn gây ra nỗi đau cho thị trường, nhưng trong dài hạn, nó lại tạo ra cơ hội.