Mỹ đang xem xét việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sau khi hai nước nâng cấp quan hệ vào năm 2023.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. (Ảnh: AP ).
Theo Reuters , ngày 8/5, Bộ Thương mại Mỹ sẽ nghe điều trần về việc có nên công nhận Việt Nam là “nền kinh tế thị trường” hay không. Việt Nam hiện đang cùng Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và 9 quốc gia khác nằm trong danh sách nền kinh tế phi thị trường và chịu thuế chống bán phá giá cao hơn.
Năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã gia hạn thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh từ Việt Nam. Trong khi đó, thuế đối với tôm từ Thái Lan, một nền kinh tế thị trường, chỉ ở mức 5,34%.
Việc được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá với hàng nhập khẩu của Việt Nam. Động thái này đang bị các nhà sản xuất thép và tôm phản đối, nhưng lại được những nhà bán lẻ và nhóm kinh doanh khác ủng hộ.
Ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, cơ quan ủng hộ việc nâng cấp nền kinh tế Việt Nam, cho biết: “Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường”.
"Nước này đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng được công nhận chính thức”, ông nói thêm. “Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì nhận ra tiềm năng tăng trưởng”.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ nghe tranh luận từ cả hai bên trong phiên điều trần vào ngày 8/5 tại Washington và sẽ hoàn thành đánh giá vào cuối tháng 7/2024.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào năm ngoái, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”. Năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bỏ mác “nền kinh tế phi thị trường” trong bối cảnh Việt Nam trở thành điểm đến “friend-shoring” (chuyển sản xuất đến các quốc gia thân thiện) của Mỹ.
Mỹ đang cố gắng chuyển năng lực sản xuất sang các quốc gia thân thiện để đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc.
Những tiêu chí để của Bộ Thương mại Mỹ để được công nhận là nền kinh tế thị trường là: Tiền tệ có thể chuyển đổi, mức lương được thương lượng tự do giữa người lao động và người sử dụng lao động, cho phép liên doanh hoặc hình thức đầu tư nước ngoài khác và một số yếu tố bổ sung.
Tuy nhiên, việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường cũng vấp phải sự phản đối của một số nghiệp đoàn, cử tri và thành viên Quốc hội Mỹ.
Liên minh Tôm miền Nam của các ngư dân và nhà chế biến tôm Mỹ phản đối công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vì các rào cản trong vấn đề quyền sở hữu đất đai, luật lao động. Đồng thời, thuế tôm thấp hơn sẽ gây tổn hại cho các thành viên trong liên minh này.
8 thượng nghị sĩ và 31 hạ nghị sĩ của Mỹ cũng phản đối nâng cấp vị thế của nền kinh tế Việt Nam. Những Nghị sĩ này, cùng với Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho rằng động thái trên có thể hỗ trợ các công ty Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ thông qua Việt Nam.
Ông Roy Houseman, Giám đốc pháp chế của Nghiệp đoàn Công nhân ngành Thép (USW), cho rằng việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể ảnh hưởng đến “năng lực sản xuất của Mỹ, làm suy yếu sự bền bỉ của chuỗi cung ứng Mỹ và củng cố vai trò của Việt Nam như một kênh dẫn dòng hàng hóa của Trung Quốc”.
Ông Biden đã nhận được sự ủng hộ của công nhân ngành thép nhờ việc phản đối đề xuất mua lại US Steel của Nippon Steel cũng như kêu gọi áp thuế cao hơn đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
https://vietnambiz.vn/my-xem-xet-cong-nhan-viet-nam-la-nen-kinh-te-thi-truong-202458163822885.htm